Người thi hành được một phần nghĩa vụ dân sự nhưng kinh tế đặc biệt khó khăn có thể được đặc xá

Luật Đặc xá 2018 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 (thay thế Luật Đặc xá năm 2007), tuy nhiên, các quy định của Luật Đặc xá mới chỉ dừng lại ở tính nguyên tắc, cần phải có quy định cụ thể hơn để tổ chức thực hiện. Bộ Công an vừa công bố Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đặc xá năm 2018 để lấy ý kiến đóng góp từ 1/3 đến 31/4. Tapchitoaan.vn xin giới thiệu nội dung cơ bản của dự thảo này.

Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đặc xá năm 2018 về điều kiện, hồ sơ đề nghị đặc xá, trình tự, thủ tục lập danh sách, thẩm định, thẩm tra danh sách, hồ sơ đề nghị đặc xá và thực hiện Quyết định về đặc xá, thực hiện Quyết định đặc xá đối người nước ngoài.

 Nghị định này áp dụng đối với người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù (sau đây gọi chung là người bị kết án phạt tù);

 Cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế cư trú, hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam liên quan đến hoạt động đặc xá.

 Thực hiện Quyết định về đặc xá 

 Khi có Quyết định về đặc xá và Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức liên quan giúp Chính phủ, Hội đồng tư vấn đặc xá triển khai thực hiện Quyết định về đặc xá của Chủ tịch nước, Quyết định thành lập Hội đồng tư vấn đặc xá.

 Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thành lập Ban chỉ đạo về đặc xá của Bộ và hướng dẫn thành lập Hội đồng xét, đề nghị đặc xá của các trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện.

 Về một số điều kiện của người được đề nghị đặc xá quy định tại Điều 11 Luật Đặc xá

 Người bị kết án phạt tù có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã chấp hành nghiêm Nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, tích cực học tập, lao động, cải tạo và tất cả các quý đã đủ thời gian xếp loại trong suốt quá trình chấp hành án phạt tù đều được xếp loại khá hoặc tốt.

 Người bị kết án phạt tù đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác quy định tại điểm d, điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là một trong các trường hợp sau: Đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án; có quyết định đình chỉ thi hành án của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền; có thỏa thuận bằng văn bản của người bị hại hoặc đại diện hợp pháp của người bị hại về việc không phải thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác theo bản án, quyết định của Tòa án;

 Người bị kết án phạt tù đã thi hành được một phần nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác nhưng lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn thuộc trường hợp chưa có điều kiện thi hành tiếp phần còn lại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 11 Luật Đặc xá là người đó và gia đình không còn tài sản để thi hành án, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức chuẩn hộ nghèo, được cơ quan thi hành án dân sự thụ lý vụ việc xác nhận là đúng.

 Người bị kết án phạt tù đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù quy định tại điểm a khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người đã có hành động giúp trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự phát hiện, truy bắt, điều tra, xử lý tội phạm; cứu được tính mạng người khác hoặc tài sản lớn (có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên) của Nhà nước, của tập thể, của công dân trong thiên tai, hỏa hoạn; có những phát minh, sáng kiến có giá trị lớn hoặc thành tích đặc biệt xuất sắc khác được trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện xác nhận. Trường hợp lập công lớn trong thời gian bị tạm giữ, tạm giam mà chưa được Tòa án ghi nhận là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử hoặc lập công lớn trong thời gian chờ đưa đến trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện để chấp hành án phạt tù cũng được coi là lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù.

Người bị kết án phạt tù đang mắc bệnh hiểm nghèo quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người mắc một trong các bệnh: Ung thư giai đoạn cuối; liệt; lao nặng kháng thuốc; xơ gan cổ chướng; suy tim độ III trở lên; suy thận độ IV trở lên; bệnh HIV giai đoạn lâm sàng IV đang có nhiễm trùng cơ hội, không có khả năng tự phục vụ bản thân và có tiên lượng xấu, nguy cơ tử vong cao. Người bị kết án phạt tù mắc một trong các bệnh khác và được Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên kết luận bằng văn bản là bệnh hiểm nghèo, nguy hiểm đến tính mạng thì cũng được coi là người đang mắc bệnh hiểm nghèo.

Người chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân quy định tại điểm c khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là người đang phải nằm điều trị tại bệnh xá, bệnh viện liên tục trong một thời gian dài, từ ba tháng trở lên hoặc không liên tục nhưng nhiều lần phải nằm điều trị tại bệnh viện, mỗi lần không dưới một tháng, không lao động, không tự phục vụ bản thân được và không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội, có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc bệnh viện cấp tỉnh, cấp quân khu trở lên.

Người bị kết án phạt tù có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động duy nhất trong gia đình quy định tại điểm e khoản 3 Điều 11 Luật Đặc xá là trường hợp gia đình người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, không còn tài sản gì đáng kể, không có thu nhập hoặc thu nhập dưới mức hộ nghèo hoặc có bố đẻ, mẹ đẻ, vợ, chồng, con ốm đau nặng kéo dài, không có người chăm sóc mà người đó là lao động duy nhất trong gia đình, được Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi gia đình người đó cư trú xác nhận là đúng.

Hồ sơ đề nghị đặc xá

 Hồ sơ đề nghị đặc xá bao gồm các văn bản, tài liệu được quy định tại Điều 14 của Luật Đặc xá, cụ thể như sau:

-Đơn đề nghị đặc xá của người bị kết án phạt tù;

-Bản cam kết của người bị kết án phạt tù về việc không vi phạm pháp luật, chịu sự quản lý, giám sát của chính quyền địa phương, tiếp tục chấp hành nghĩa vụ trả tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác, nếu chưa thi hành xong và các hình phạt bổ sung khác (nếu có) như: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; trục xuất.

Đối với trường hợp người bị kết án phạt tù là người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án, người có công với cách mạng hoặc thân nhân của người có công với cách mạng, người đang mắc bệnh hiểm nghèo, người đang ốm đau thường xuyên mà không tự phục vụ bản thân được, người từ đủ 70 tuổi trở lên, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, khi phạm tội là người dưới 18 tuổi, người đang chấp hành án phạt tù dưới 18 tuổi thì phải có một trong các tài liệu chứng minh sau:

-Người bị kết án phạt tù lập công lớn trong quá trình chấp hành án phạt tù phải có đầy đủ các tài liệu sau: Bản tường trình về lập công của người bị kết án phạt tù; đề nghị khen thưởng cho người bị kết án phạt tù của cán bộ trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan điều tra sử dụng phạm nhân để phục vụ công tác điều tra; xác nhận hoặc quyết định khen thưởng về việc phạm nhân lập công lớn trong quá trình chấp hành án phạt tù của Giám thị trại giam, trại tạm giam, Thủ trưởng cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện hoặc Cơ quan điều tra sử dụng người bị kết án phạt tù để phục vụ công tác điều tra.

 

THÁI VŨ