Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt
Để hiểu rõ và nhận thức đúng việc đình chỉ giải quyết vụ án trong trường hợp nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt là vấn đề cần thiết hiện nay, các tác giả nêu thực tiễn và phân tích, đưa ra lập luận quan điểm và kiến nghị giải pháp khắc phục.
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc Tòa án ra quyết định chấm dứt tiến trình tố tụng giải quyết vụ án khi có căn cứ theo quy định của BLTTDS. Việc đình chỉ giải quyết vụ án sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của đương sự tham gia tố tụng trong vụ án. Khi quyết định đình chỉ giải quyết vụ án không có căn cứ pháp luật thì đương sự có quyền kháng cáo và Viện kiểm sát có quyền kháng nghị.
Thụ lý vụ án là việc sau khi Tòa án nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện của người khởi kiện và họ đã nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án (hoặc họ thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải nộp tiền tạm ứng án phí[1]) và sau khi Tòa án thụ lý vụ án thì tất yếu sẽ phát sinh các giai đoạn tố tụng của Tòa án theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, gồm: Giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, giai đoạn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử. Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử thì Thẩm phán phải thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn[2] để xem xét, giải quyết vụ án trong đó có việc “Tổ chức phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chức cứ và hòa giải, trừ trường hợp vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn[3]”.
Nếu trường hợp vụ án không theo thủ tục rút gọn và không thuộc trường hợp không được hòa giải thì Thẩm phán tiến hành ra Thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, nếu có đương sự[4] vắng mặt không có lý do (trong đó có nguyên đơn) và việc mở phiên họp ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt hoặc có đương sự đề nghị hoãn thì Thẩm phán hoãn phiên họp[5] và khi có căn cứ hoãn phiên họp thì Thẩm phán tiếp tục ban hành Thông báo hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải ấn định lại thời gian, địa điểm mở lại phiên họp và tống đạt cho các đương sự biết, đến lần Tòa án triệu tập để mở phiên họp lần thứ hai (theo thông báo hoãn) thì nguyên đơn đã nhận được thông báo hợp lệ mà vẫn vắng mặt không rõ lý do thì sẽ xử lý như thế nào. Thực tiễn xét xử, quan điểm hiện nay về vấn đề này có hai quan điểm khác nhau:
Ví dụ: Tòa án thụ lý vụ án dân sự về “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản” giữa nguyên đơn Nguyễn Văn A và bị đơn Nguyễn Thị B. Ngày 01/01/2020 Tòa án ban hành Thông báo thụ lý vụ án và Thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào lúc 08 giờ ngày 20/01/2020, nguyên đơn và bị đơn đã nhận được các Thông báo bằng phương thức tống đạt trực tiếp, nhưng đến thời gian mở phiên họp nguyên đơn vắng mặt không có lý do. Ngày 20/01/2020 Tòa án ban hành Thông báo hoãn phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào lúc 8 giờ ngày 10/02/2020 (với lý do nguyên đơn vắng mặt) và nguyên đơn và bị đơn cũng đã nhận được các Thông báo bằng phương thức tống đạt trực tiếp, đến thời gian mở phiên họp nhưng nguyên đơn vẫn vắng mặt không có lý do. Tòa án có ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS hay không ? Hay tiến hành lập biên bản không tiến hành hòa giải được[6] và tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó thông báo kết quả phiên họp cho nguyên đơn[7] và tiến hành các bước tố tụng khác để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật?
+ Quan điểm thứ nhất: Tòa án xét thấy nguyên đơn đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vắng mặt, nên căn cứ điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS đình chỉ giải quyết vụ án dân sự.
+ Quan điểm thứ hai: Tòa án xem việc nguyên đơn vắng mặt lần thứ hai như trường hợp vụ án dân sự không tiến hành hòa giải được và lập biên bản không tiến hành hòa giải được và tiến hành mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ, sau đó thông báo kết quả phiên họp cho nguyên đơn và tiến hành các bước tố tụng khác để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Tác giả thống nhất với quan điểm thứ hai, bởi lẽ việc hòa giải là Tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự[8], nên việc nguyên đơn vắng mặt tại phiên họp lần thứ hai không đồng nghĩa với việc nguyên đơn từ bỏ việc khởi kiện của mình, mà phải được hiểu vì lý do gì đó mà nguyên đơn không muốn tham gia hòa giải giống như trường hợp bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt theo quy định tại khoản 1 Điều 207 BLTTDS thì mới đảm bảo được quyền lợi của họ khi tham gia tố tụng, bởi Đương sự[9] trong vụ án dân sự là nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên Đương sự đều có quyền, nghĩa vụ ngang nhau khi tham gia tố tụng[10], nếu Tòa án tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án thì sẽ không phù hợp và làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn.
Hơn nữa, theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS, chúng ta phải hiểu như thuộc trường hợp theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 227 vì việc đình chỉ được xác định sau khi Tòa án thụ lý vụ án thuộc thẩm quyền thì Tòa án sẽ đình chỉ chứ không xác định ở giai đoạn nào (Thủ tục hòa giải và chuẩn bị xét xử hay phiên tòa sơ thẩm). Mặc khác, khi nguyên đơn đã thực hiện việc khởi kiện bị đơn đến Tòa án thì chúng ta có thể thấy rằng trong giao dịch dân sự được xác lập giữa họ đã mâu thuẫn đến đỉnh điểm nên mới có việc khởi kiện, còn việc hòa giải sau khi Tòa án là trình tự bắt buộc thuộc trình tự của tố tụng dân sự chứ họ không chủ động yêu cầu Tòa án tiến hành hòa giải. Giả sử trường hợp ở ví dụ nêu trên, đến lần thứ hai nguyên đơn vắng mặt nhưng có đơn đề nghị Tòa án không tiến hành hòa giải thì sẽ xử lý như thế nào? Trường hợp này thuộc những vụ án không tiến hành hòa giải được theo quy định tại khoản 3 Điều 207 BLTTDS, nếu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án khi nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì liệu có phù hợp.
Tương tự, chúng ta có thế dẫn chiếu tinh thần của đạo Luật khác như sau: Tại mục 3, phần III. Tố tụng hành chính của Công văn số: 89/TANDTC-PC ngày 20/6/2020 của TANDTC bv/v thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong xét xử có nêu “Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, người khởi kiện đã được triệp tập hợp lệ lần thứ hai đến Tòa án để lấy lời khai, nhưng vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng và không có văn bản đề nghị Tòa xét xử vắng mặt. Trường hợp này, Tòa án có được đình chỉ giải quyết vụ án không ?”, nội dung trả lời vấn đề này theo Công văn số 89 là việc Toàn án triệu tập để lấy lời khai thì Tòa án đình chỉ, nhưng trường hợp người khởi kiện được triệu tập hợp lệ lần thứ hai để tham gia phiên đối thoại mà vẫn cố tình vắng mặt thì thuộc trường hợp vụ án không tiến hành đối thoại được và Tòa án vẫn tiến hành các thủ tục để giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
Như vậy, mục đích của đối thoại trong hành chính là gì? Theo quy định tại Điều 20 Luật Tố tụng hành chính (LTTHS), quy định[11]: “Tòa án có trách nhiệm tiến hành đối thoại và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự đối thoại với nhau về việc giải quyết vụ án”. Có thể thấy rằng mặc dù thuật ngữ “ Hòa giải” dùng trong tố tụng dân sự và “Đối thoại” dùng trong tố tụng hành chính về mặt câu từ thì khác nhau, nhưng bản chất mà các nhà làm luật mong muốn là giống nhau, vì nhằm để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ án. Chúng ta so sánh[12] quy định tại khoản 1 Điều 135 LTTHS với quy định tại khoản 1 Điều 207 BLTTDS và quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 143 LTTHS với quy định tại điểm c khoản 1 Điều 217 BLTTDS thì thấy rằng thì tính sắp xếp của các điều luật đều như nhau ở mỗi giai đoạn nhất định trong từng đạo luật, nhưng ở đây trong LTTHS thì những trường hợp không tiến hành đối thoại được có chủ thể đương sự là người khởi kiện đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn cố tình vắng mặt, nhưng trường hợp không tiến hành hòa giải được trong BLTTDS thì không có chủ thể đương sự là nguyên đơn. Đối với trường hợp đình chỉ giải quyết vụ án thuộc trường hợp người khởi kiện đã được Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai mà vẫn vắng mặt ở giai đoạn phiên tòa sơ thẩm của hai đạo luật hoàn toàn giống nhau.
Như vậy, có thể hiểu tinh thần pháp luật là đương sự (nguyên đơn) đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai sau khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử (trong vụ án dân sự) thì mới phù hợp và mới đảm bảo được quyền lợi của nguyên đơn khi tham gia tố tụng.
Từ những phân tích, lập luận nêu trê tác giả kiến nghị TANDTC có văn bản hướng dẫn cụ thể vấn đề này trong lĩnh vực tố tụng dân sự. Đồng thời, kiến nghị cần bổ sung chủ thể nguyên đơn vào khoản 1 Điều 207 BLTTDS (nếu họ vắng mặt thì thuộc trường hợp không hòa giải được) theo như tinh thần của LTTHS hiện nay.
Ở góc độ nghiên cứu rất mong được sự đóng góp và trao đổi của quý độc giả.
Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại về việc tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ - Ảnh: Kim Anh/ TTXVN
[1] Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự.
[2] Khoản 2 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự.
[3] Điểm g Khoản 2 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự.
[4] Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự.
[5] Điều 206 và khoản 3 Điều 209 Bộ luật tố tụng dân sự.
[6] Khoản 1 Điều 207 Bộ luật tố tụng dân sự.
[7] Khoản 3 Điều 210 Bộ luật tố tụng dân sự.
[8] Điều 10 Bộ luật tố tụng dân sự.
[9] Khoản 1 Điều 68 Bộ luật tố tụng dân sự.
[10] Điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự.
[11] Điều 20 Luật tố tụng hành chính.
[12] Xem khoản 1 Điều 135 và điểm đ khoản 1 Điều 143 Luật tố tụng hành chính và khoản 1 Điều 207, điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận