Nguyễn Thị H không phạm tội

Qua nghiên cứu bài “Nguyễn Thị H có phạm tội cướp tài sản không?” của tác giả Phạm Lê Hoàng, đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 29 tháng 01 năm 2019, tôi cho rằng H không phạm tội.

Xung quanh việc định tội danh đối với Nguyễn Thị H, theo tác giả Phạm Lê Hoàng hiện có nhiều quan điểm khác nhau, cụ thể các quan điểm đó là:

Quan điểm 1:  H là chủ nợ, khi đến hạn trả nợ mặc dù đã đòi nhiều lần nhưng chị G tỏ ra chây ỳ, dùng thủ đoạn đối phó để trì hoãn việc trả nợ nên gây bức xúc cho H, khiến H không làm chủ được bản thân dẫn đến xô xát. Việc dùng dao của H gây thương tích nhẹ nên chị G không đi giám định, việc xô xát để nhằm mục đích đòi nợ, nhưng tại thời điểm xô xát H không lấy đi tài sản của chị H và việc hai bên xô xát ở chỗ đông người, do đó chỉ xử lý H tội gây rối trật tự công công là phù hợp.

Quan điểm 2: Nguyễn Thị H phạm tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung tại điểm a khoản 3 Điều 168 Bộ luật hình sự năm 2015 vì đã dùng dao đe dọa nhằm đòi tài sản.

Quan điểm 3: Hành vi của H nhằm thực hành quyền và nghĩa vụ dân sự chứ không hề xâm hại quyền sở hữu tài sản, chị G không bị thương, không có yêu cầu gì nên chỉ xử phạt hành chính là phù hợp.

Qua nghiên cứu tôi cho rằng Nguyễn Thị H không thỏa mãn dấu hiệu của một trong 02 tội ở quan điểm 1 và 2.

Quan điểm thứ nhất, cho rằng Nguyễn Thị H bị xử lý ở tội “Gây rối trật tự công cộng” . Chúng tôi không đồng tình. Xét ở mặt khách thể và mặt khách quan của cấu thành tội phạm đối với tội “Gây rối trật tự công cộng” có thể thấy:

Về khách thể: Gây rối trật tự công cộng là một trong những hành vi trực tiếp xâm phạm trật tự công cộng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng, làm trở ngại cho hoạt động của cán bộ, nhân viên nhà nước, tổ chức xã hội làm nhiệm vụ bảo vệ trật tự công cộng. Trong khi đó, việc H là chủ nợ, khi đến hạn trả nợ mặc dù đã đòi nhiều lần nhưng chị G tỏ ra chây ỳ, dùng thủ đoạn đối phó để trì hoãn việc trả nợ nên gây bức xúc cho H, khiến H không làm chủ được bản thân dẫn đến xô xát. Việc dùng dao của H gây thương tích cho chị để nhằm mục đích đòi nợ. Ở đây khách thể mà Nguyễn Thị H hướng tới không phải là xâm phậm trật tự công cộng.

Về mặt khách quan: Ở tội gây rối trật tự công cộng thể hiện ở hành vi xâm phạm nghiêm trọng các quan hệ xã hội trong lĩnh vực trật tự công cộng, gây tổn hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Các hành vi này được thực hiện công khai ở những nơi đông người, biểu hiện ý thức coi thường kỷ cương xã hội, pháp luật.

Ở đây mặc dù có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và hậu quả xảy ra đó là việc Nguyễn Thị H có hành vi vi phạm ở đây là dùng con dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị G và hai bên giằng co con dao khiến chị G bị rách da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Như vậy, rõ ràng Nguyễn Thị H không phải là xâm phạm trật tự công cộng mà là hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ của chị H. Đối tượng tác động mà hành vi vi phạm của Nguyễn Thị H chính là sức khoẻ chứ không phải là trật tự công cộng.

Từ những phân tích trên, tôi cho rằng không thỏa mãn việc Nguyễn Thị H bị xử lý ở tội “Gây rối trật tự công cộng” như quan điểm 1 mà tác giả đã nêu.

Đối với quan điểm 2 và cũng là quan điểm truy tố của Viện kiểm sát đó là Nguyễn Thị H phạm tội “Cướp tài sản” với tình tiết định khung tại điểm a khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015 vì đã dùng dao đe dọa nhằm đòi tài sản. Quan điểm này, cá nhân tôi cũng không đồng tình. Bởi lý do sau: Theo quy định tại Điều 168 BLHS quy định “1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản…”

Như vậy dấu hiệu mặt khách quan của tội Cướp tài sản thuộc một trong các trường hợp sau: Một là, dùng vũ lực nhằm chiếm đoạt tài sản; Hai là, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc nhằm chiếm đoạt tài sản; Ba là, có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản.

Trở lại vụ việc thì việc trong khoảng thời gian từ 11g 20 đến 13g 54 ngày 31/10/2017, H đã nhiều lần gọi điện cho chị G để đòi tiền. Chị G trả lời là đang đi lấy tiền và hẹn H đến 14 g sẽ trả tiền. Đến 14g, không thấy chị G đến nhà như đã hẹn, nên H sang nhà mẹ đẻ  gần nhà H lấy một con dao phay loại dao chặt xương, rồi đi bộ về nhà. Khi đi gặp nhau, chị G trả lời là không có khả năng trả nợ, thì H mới  dùng con dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị G, mục đích là bắt chị G phải trả ngay số tiền như đã hứa. Do, hai bên giằng co con dao khiến chị G bị rách da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Mặc dù, rõ ràng ở đây có việc dùng vũ lực tức là thỏa mãn dấu hiệu (1) nhưng đã chiếm đoạt tài sản được ngay tức khắc chưa?

Vấn đề mấu chốt ở đây là phải thỏa mãn dấu hiệu “dùng vũ lực”; “đe dọa dùng vũ lực” hoặc “có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được” tất cả các hành vi này đều mục đích là nhằm chiếm đoạt tài sản.  Tức là hành vi thể hiện cách thức chiếm đoạt tài sản, ngay tức khắc dùng một trong các cách thức trên làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được để chiếm đoạt tài sản. Trong khi trong vụ việc trên mặc dù Nguyễn Thị H có hành vi dùng dao phay đập nhẹ bản dao vào má trái của chị G, giữa hai bên có giằng co khiến chị G bị rách da, chảy máu ở đầu ngón tay phải. Ở điểm này cũng chưa có cơ sở khẳng định là chị G đã lâm vào tình trạng không thể chống cự được. Vì, lúc này có có những người xung quanh. Hơn nữa, tài sản mà Nguyễn Thi H hướng tới là tiền mà chị G đã vay của H theo thỏa thuận thì H cũng chưa lấy được (tức là không xâm phạm quyền sỡ hữu tài sản). Do vậy, tôi cho rằng Nguyễn Thị H không thỏa mãn dấu hiệu của tội: “Cướp tài sản” theo quy định tại Điều 168 BLHS.

Từ các phân tích trên, tôi cho rằng đối với quan điểm ba tôi nhất trí ở nhận định cho rằng do chị G không bị thương, không có yêu cầu gì nên chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính là phù hợp. Còn tôi không nhất trí với nhận định cho rằng: Hành vi của H nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự. Vì, dù là thực hành quyền và nghĩa vụ dân sự nhưng pháp luật không cho phép thực hiện hành vi dùng dao, xô xát để giải quyết việc dân sự. Đây là hành vi trái pháp luật; tuy nhiên chưa đến mức xử lý theo pháp luật hình sự mà ở đây chỉ có thể kiến nghị xử lý vi phạm hành chính.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi về việc Nguyễn Thị H có phạm tội: “Cướp tài sản hay không?” xin được trao đổi với tác giả và quý bạn đọc.

 

 

Th.S ĐỖ NGỌC BÌNH (Tòa án quân sự Thủ đô Hà Nội)