Nguyễn Văn A phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung hình phạt là dùng “hóa chất nguy hiểm”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp dùng xăng đốt gây thương tích”của tác giả Trương Thị Diễm My đăng ngày 02/02/2021, chúng tôi có quan điểm cho rằng có thể xét xử Nguyễn Văn A theo khoản 2 Điều 134 với tình tiết định khung hình phạt là dùng “hóa chất nguy hiểm khác” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tình huống của tác giả đưa ra: “Nguyễn Văn A mượn một can nhựa (loại 20 lít) của tiệm tạp hóa rồi mua 10 lít xăng và 1 bật lửa ga để đi vào rẫy. Sau đó, khi đang đi bộ trên đường về nhà thì A nhìn thấy Nguyễn Văn B đang điều khiển xe mô tô chở Nguyễn Văn C thì A yêu cầu B dừng xe để nói chuyện, trong quá trình nói chuyện A, B và C có mâu thuẫn dẫn đến cãi nhau. Lúc này, A tay phải cầm can nhựa chứa xăng tạt theo chiều từ dưới lên trên làm một phần dung dịch xăng trong can văng ra ngoài trúng vào người B và cánh tay trái của A. B nhanh chóng dùng tay hất can nhựa rơi xuống đất và dùng chân đá can nhựa ra xa. Trong lúc đó, A dùng tay trái đang cầm bật lửa ga bật lửa làm lửa bốc lên người B và cánh tay A, B liền chạy vào nhà dân gần đó để được dập lửa. Sau đó, cả A và B được đưa đi cấp cứu.”

Với tình huống này, có hai quan điểm

Quan điểm thứ nhất: Xét xử và xử phạt bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung hình phạt là “dùng hung khí nguy hiểm” quy định tại điểm a khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Quan điểm thứ hai: Xăng không phải là hung khí nguy hiểm nên trong trường hợp này, tỷ lệ thương tật của B là 29% thì xét xử và xử phạt A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Chúng tôi không đồng tình với hai quan điểm trên, với lập luận như sau:

Theo Điều 4, Luật Hóa chất năm 2007 quy định:

“4. Hóa chất nguy hiểm là hóa chất có một hoặc một số đặc tính nguy hiểm sau đây theo nguyên tắc phân loại của Hệ thống hài hòa toàn cầu về phân loại và ghi nhãn hóa chất:

…d) Dễ cháy;…”

Và tại số thứ tự 216, Phụ lục IV Danh mục hóa chất nguy hiểm phải xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và thiết lập khoảng cách an toàn của Nghị định số 26/2011/NĐ-CP Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 108/2008/NĐ-CP ngày 07 tháng 10 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hóa chất có ghi:

“Sản phẩm xăng dầu

(a) Xăng và xăng naphata

(b) Dầu kerosen (bao gồm cả nhiên liệu lỏng động cơ)

(c) Dầu đốt (bao gồm cả diesel nhiên liệu dầu đốt lò và các hỗn hợp dầu nhiên liệu)”

Vì vậy, theo quy định trên, xăng là hóa chất nguy hiểm.

Đồng thời tại điểm b khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015 có quy định tình tiết định khung: “b) Dùng a-xít nguy hiểm hoặc hóa chất nguy hiểm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác;”

Vì những phân tích trên, chúng tôi có quan điểm cho rằng cần xét xử bị cáo A về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 BLHS năm 2015 với tình tiết định khung hình phạt là dùng hóa chất nguy hiểm khác quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 BLHS năm 2015.

Trên đây là nội dung trao đổi của tôi về bài viết “Vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật đối với trường hợp dùng xăng đốt gây thương tích”. Rất mong nhận được ý kiến trao đổi của độc giả.

 

Tòa án nhân dân huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk xét xử vụ án Cố ý gây thương tích - Ảnh: Lê Lợi

 

 

DƯƠNG VĂN HƯNG – ĐẶNG NHẬT TRƯỜNG (Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân)