Nguyễn Văn H phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”

Sau khi nghiên cứu bài viết “Nguyễn Văn H phạm tội gì?” của tác giả Dương Thị Hồng Ngát đăng trên Tạp chí ngày 17/11/2020 và ý kiến trao đổi, tác giả cho rằng H phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Theo bài viết “H được đơn vị giao nhiệm vụ đảm bảo quân lương cho Trung đoàn. H thỏa thuận với những người bán hàng mỗi tháng thanh toán một lần, tháng sau thanh toán tiền tháng trước. Sau khi mua lương thực thì H lập bảng kê khai và đơn vị thanh toán tiền đầy đủ cho H, tuy nhiên, sau khi nhận tiền của đơn vị, H không thanh toán cho những người bán hàng mà lấy tiêu xài cá nhân nên khi đến hạn thanh toán, H không thanh toán hoặc chỉ thanh toán một phần cho người bán hàng và báo với họ là Trung đoàn chưa thanh toán tiền thực phẩm. Các giao dịch đều thông qua gọi điện trao đổi, không có hóa đơn chứng từ mà H chỉ ký sổ xác nhận nợ của những người bán hàng. Tổng số nợ của H là 2,1 tỷ đồng.”

Những trao đổi xung quanh tình huống có 2 luồng quan điểm khác nhau, một bên cho rằng H phạm tội tham ô tài sản với lý do tài sản mà H chiếm đoạt là tiền của đơn vị, mà H có trách nhiệm quản lý số tiền đó. Đơn vị của H là bị hại còn các nhà cung cấp thực phẩm là người có quyền và nghĩa vụ liên quan hoặc người làm chứng (Theo tác giả Đỗ Ngọc Bình, bài viết Nguyễn Văn H phạm tội “Tham ô tài sản”, TCTA điện tử ngày 19/11/2020); quan điểm còn lại cũng là quan điểm tác giả cho rằng Nguyễn Văn H phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” với lý do:

Thứ nhất, đối tượng của tội tham ô tài sản phải là tài sản đang do người phạm tội quản lý một cách hợp pháp (do chức vụ đem lại) (theo Điều 353 BLHS). Còn đối tượng của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là tài sản của người khác quản lý (theo Điều 175 BLHS). Trong tình huống trên, H được giao nhiệm vụ đảm bảo quân lương cho Trung đoàn, tức là H đảm bảo cung cấp lương thực cho đơn vị bằng việc xác lập những giao dịch dân sự, mua lương thực và khi đơn vị thanh toán thì thanh toán tiền cho bên cung cấp lương thực. Như vậy, H không có nhiệm vụ quản lý tiền của đơn vị.

Thứ hai, hành vi khách quan của tội tham ô tài sản là hành vi của người phạm tội sử dụng chức vụ như một phương tiện để biến tài sản mình được giao quản lý thành tài sản cá nhân, còn đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là việc người phạm tội chiếm đoạt tài sản mình được giao trên cơ sở hợp đồng. Trong tình huống này, H thực hiện mua bán lương thực thông qua hợp đồng bằng hình thức gọi điện trao đổi và ký sổ nợ, theo quy tắc 2 bên thỏa thuận là tháng sau trả tiền tháng trước. Tuy nhiên, đến thời hạn thanh toán, mặc dù đơn vị đã thanh toán tiền lương thực để H thanh toán cho bên cung cấp nhưng H cố tình vi phạm hợp đồng, không trả tiền lương thực, dùng thủ đoạn gian dối là nói dối với nhà cung cấp Trung đoàn chưa có tiền trả (lợi dụng danh nghĩa Trung đoàn), cố ý chiếm đoạt số tiền đó cho mục đích tiêu xài cá nhân.

Từ những lý do trên, có thể khẳng định, H đã nhận tài sản được giao, rồi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, H phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo định khung tăng nặng tại điểm b khoản 2 Điều 175 BLHS là lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức. Như vậy, các nhà cung cấp là người bị thiệt hại trực tiếp từ hành vi của H gây ra nên tư cách tố tụng của các nhà cung cấp là bị hại (Điều 62 BLTTHS), còn Trung đoàn là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Trên đây là ý kiến của tác giả mong độc giả đóng góp ý kiến.

Tòa án nhân dân huyện An Lão, Bình Định xét xử vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” - Ảnh: Hồ Chí Trường

ĐINH THỊ NGỌC BÍCH (Tòa án quân sự Quân khu 4)