.jpg)
Nhận diện phương thức, thủ đoạn mới lợi dụng không gian mạng để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản và một số giải pháp phòng ngừa, đấu tranh
Bài viết làm rõ một số phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản và đề xuất một số giải pháp cụ thể để đấu tranh phòng, chống có hiệu quả loại tội phạm này, góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có 78,44 triệu người sử dụng Internet chiếm 79,1% dân số; 72,7 triệu người sử dụng mạng xã hội, tương đương 73,3% dân số; tổng cộng 168,5% kết nối di động tại Việt Nam, tương đương 169,8% dân số. Trong lĩnh vực thanh toán không dùng tiền mặt, Việt Nam có hơn 200 triệu tài khoản cá nhân, thực hiện khoảng 17,5 tỷ giao dịch trực tuyến với tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 280 triệu tỷ đồng; số lượng ví điện tử ước đạt trên 36 triệu, chiếm 63,23% trong tổng số ví điện tử đã kích hoạt, tổng số tiền trong các ví này khoảng gần 3000 tỷ đồng. Quy mô thị trường thương mại điện tử ở Việt Nam trong năm 2024 ước đạt 22 tỷ USD, đứng thứ 3 Đông Nam Á (sau Philippines và Thái Lan)1. Con số nêu trên phản ánh những kết quả nổi bật của quá trình chuyển đổi số mang lại đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nhưng mặt khác là điều kiện khách quan của tội phạm lợi dụng không gian mạng để xâm phạm trật tự an toàn xã hội, trong đó là tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều thủ đoạn mới tinh vi, xảo quyệt hơn, hậu quả thiệt hại gây ra đối với nạn nhân rất nặng nề đòi hỏi lực lượng Công an nhân dân cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để triệt xóa các băng ổ nhóm, phạm tội có tổ chức trong giai đoạn cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị hiện nay là yêu cầu cấp thiết.
1. Phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng
Trong thời gian vừa qua, mặc dù lực lượng Công an nhân dân đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm sử dụng công nghệ cao và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản luôn “biến hóa khôn lường” về phương thức, thủ đoạn phạm tội, trong đó nổi lên một số phương thức, thủ đoạn mới sau đây:
- Thủ đoạn giả mạo cán bộ công an xã, phường, cán bộ Chi cục thuế gọi điện, nhắn tin yêu cầu người dân cập nhật căn cước công dân, đồng bộ dữ liệu căn cước công dân của người thân, định danh tài khoản, khai báo thuế trực tuyển... và yêu cầu liên hệ với cán bộ Công an cấp quận, huyện, tỉnh, cán bộ kỹ thuật Chi cục thuế để được hướng dẫn làm thủ tục tiếp theo. Khi người dân gọi điện liên hệ sẽ được gặp các đối tượng khác trong đường dây, ổ nhóm phạm tội giả danh cán bộ nhà nước. Các đối tượng này hướng dẫn người dân thực hiện các thủ tục trực tuyến qua các ứng dụng VNeID, ứng dụng khai báo thuế giả mạo. Sau các bước tạo lòng tin, đối tượng gửi tin nhắn qua Zalo, SMS các đường dẫn (link) đến các website giả mạo do chúng lập ra và yêu cầu người dân cài đặt phần mềm để cập nhật thông tin, khai báo thuế. Các phần mềm giả mạo này có giao diện giống hệt với ứng dụng Cổng dịch vụ công quốc gia, nhắm vào các thiết bị chạy hệ điều hành Android, có khả năng vượt qua hầu hết các biện pháp xác thực và bảo vệ thiết bị di động, đánh cắp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, tự động thực hiện các giao dịch chuyển tiền trực tuyến để chiếm đoạt tài sản.
- Xuất hiện nhiều hội nhóm trên Facebook giả mạo Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Văn phòng luật sư đăng tải các video có nội dung cảnh báo về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời, lồng ghép quảng cáo về các dịch vụ như: Hỗ trợ thu hồi tiền bị lừa đảo; tư vấn pháp lý hỗ trợ công dân lấy lại tiền lừa đảo; dịch vụ phong tỏa lấy lại tiền lừa đảo; thu hồi vốn treo... Các trang giả mạo có gắn dấu “tích xanh” giả để đánh lừa nạn nhân. Do tâm lý hoang mang khi bị lừa mất tiền trên mạng, nhiều nạn nhân đã chuyển tiền cho đối tượng tự xưng là cán bộ Cục A05, cán bộ Phòng PA05 địa phương để được giúp lấy lại tiền lừa đảo với số tiền từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
- Thủ đoạn cắt ghép hình ảnh của các cá nhân có uy tín, ảnh hưởng trong xã hội sau đó nhắn tin, gọi điện uy hiếp, yêu cầu chuyển tiền nhằm chiếm đoạt tài sản. Đối với thủ đoạn này, các đối tượng tìm các thu thập thông tin như hình ảnh và số điện thoại của bị hại từ các trang mạng hoặc tài khoản mạng xã hội (đặc biệt là các thông tin được chia sẻ ở chế động công khai). Các nạn nhân được nhắm đến thường là người có điều kiện kinh tế, địa vị xã hội (gồm cả các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban ngành của các tỉnh, thành phố trên cả nước). Các đối tượng sử dụng hình ảnh chân dung, ảnh có khuôn mặt của các cá nhân đó, sau đó chỉnh sửa, cắt ghép vào các hình ảnh có nội dụng nhạy cảm, đồi trụy. Sau đó, các đối tượng sử dụng SIM rác nhắn tin đồng loạt đến số điện thoại của bị hại để uy hiếp, đe dọa, yêu cầu bị hại chuyển tiền (dưới dạng tiền điện tử USDT hoặc chuyển khoản ngân hàng). Nếu bị hại không thực hiện theo yêu cầu, chúng sẽ đăng tại các hình ảnh đã qua cắt ghép, chỉnh sửa lên các trạng mạng xã hội nhằm bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến uy tín của bị hại. Trong tin nhắn gửi cho các bị hại, các đối tượng thường yêu cầu bị hại liên hệ trực tiếp qua các email do các đối tượng tạo lập, quản trị (nhằm thuận tiện cho đối tượng có thể gửi hình ảnh đã qua chỉnh sửa để uy hiếp nạn nhân và xóa dấu vết).
- Thủ đoạn lợi dụng các hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook nhóm đăng tải nội dung liên quan đến việc trao đổi, mua bán vé tham dự các sự kiện âm nhạc (như Anh trai “Say Hi”, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, 2NE1 ASIATour 2025) nhằm chiếm đoạt tài sản. Các nhóm này có số lượng thành viên lớn, từ vài chục nghìn đến hàng trăm nghìn thành viên, thường xuyên đăng tải các nội dung hỏi đáp, chia sẻ kinh nghiệm săn vé, lập nhóm đi chơi sự kiện âm nhạc, ghép nhóm mua, mua/bán, trao đổi vé tham dự, cho thuê nhà, các dịch vụ tại khu vực diễn ra sự kiện... Đáng chú ý, đã xuất hiện các hoạt động có dấu hiệu “phe vé”, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản với các giao dịch mua bán cá nhân. Nhiều thành viên trên các hội, nhóm này phản ánh bị các đối tượng xấu sử dụng các tài khoản mạng xã hội và tài khoản ngân hàng khác nhau để giao dịch, lừa bán vé không có thật hoặc bán lại cho nhiều người khác nhau; giả mạo email xác nhận của đơn vị phát hành vé... và chiếm đoạt tài sản.
- Lợi dụng đặc tính “xuyên biên giới” của không gian mạng, các tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet ngày càng mang nhiều yếu tố nước ngoài, với xu hướng cấu kết giữa các đối tượng trong nước với các đối tượng hoạt động tại nước ngoài, hình thành nên các đường dây, ổ nhóm lừa đảo trực tuyến tổ chức, xuyên quốc gia. Trong những năm qua, tình trạng công dân Việt Nam bị dụ dỗ, lôi kéo xuất cảnh sang Lào, Campuchia, Myanmar để kiếm việc làm dưới hình thức tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” và bị ép buộc, hoặc thậm chí nhiều trường hợp là tự nguyện, làm việc tại các công ty trá hình của các đối tượng người Trung Quốc ở các khu tự trị, đặc khu kinh tế do Trung Quốc đầu tư, thực hiện các hành vi lừa đảo trực tuyến tiếp tục diễn biến phức tạp. Cùng với đó, xuất hiện tình trạng các đối tượng lợi dụng pháp nhân tại Việt Nam hoàn thiện hồ sơ, cấp giấy phép lao động cho các đối tượng người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam. Các đối tượng này sau đó xây dựng hệ thống thông tin, phương tiện điện tử tại Việt Nam để phát tán mã độc thu thập thông tin, dữ liệu của công dân Trung Quốc, phục vụ hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, bất chấp các cải tiến về mặt công nghệ viễn thông và các quy định về chuẩn hóa lại thông tin thuê bao đang được triển khai trên cả nước trong thời gian qua.
Trước tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến hết sức phức tạp, công tác phòng ngừa, đấu tranh của lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc đến từ những nguyên nhân khách quan, chủ quan như sau:
- Các đối tượng triệt để lợi dụng các các công nghệ mã hóa để trao đổi, giao dịch trên mạng Internet như: xây dựng website sử dụng giao thức https, ứng dụng nhắn tin mã hóa đầu cuối (như Viber, Telegram), các đồng tiền mã hóa (như Bitcoin, Ethereum),... gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh của lực lượng chức năng.
- Công tác quản lý đăng ký, sử dụng tài khoản ngân hàng, ví điện tử, thuê bao viễn thông còn lỏng lẻo, tạo điều kiện cho các đối tượng phạm tội sử dụng tài khoản không chính chủ (mượn, thuê tài khoản thanh toán, ví điện tử, thẻ ngân hàng, dùng giấy tờ giả để mở tài khoản ngân hàng, sử dụng SIM rác…) thực hiện hành vi phạm tội. Quy định về quản lý thẻ cào, thẻ game, ví điện tử, cổng trung gian thanh toán còn nhiều sơ hở, bất cập để các đối tượng lợi dụng. Các quy định về xác thực tài khoản mạng xã hội chưa có hiệu lực pháp luật.
- Công tác hợp tác quốc tế trong phối hợp, trao đổi thông tin, thu thập tài liệu, chứng cứ, đấu tranh, bắt giữ, bàn giao đối tượng với cơ quan chức năng các nước còn hạn chế trong khi rất nhiều đường dây, ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân Việt Nam có trụ sở tại các quốc gia láng giềng.
2. Giải pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng
Để nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng trong thời gian tới, theo chúng tôi cần tập trung triển khai một số mặt công tác trọng tâm sau:
Một là, triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện số 29/CĐ-TTg ngày 03/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản; thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Công điện số 139/CĐ-TTg ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành các quy định liên quan đến tiền mã hóa, tiền ảo, tài sản ảo, siết chặt hoạt động cung cấp trung gian thanh toán, mua, bán mã thẻ cào, thẻ game… không để tội phạm lợi dụng vào hoạt động vi phạm pháp luật.
Hai là, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng lợi dụng các vấn đề người dân quan tâm, dễ “mắc bẫy” các đối tượng phạm tội: cập nhật dữ liệu VNeID, đầu tư tài chính trực tuyến, “làm nhiệm vụ”, “việc nhẹ, lương cao”, chat sex tống tiền, nợ tiền điện, đăng ký cho con em tham dự chương trình trại hè,... ; tập trung triển khai có hiệu quả các mặt công tác Công an, đổi mới các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh có hiệu quả với tội phạm sử dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản. Trong thời gian tới, thường xuyên triển khai các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm sử dụng công nghệ cao, lợi dụng không gian mạng hoạt động phạm tội, đặc biệt là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là trong giai đoạn sắp xếp tổ chức bộ máy công an địa phương (không tổ chức công an cấp huyện). Thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xóa bỏ các nội dung, trang web, đường dẫn, ứng dụng, hội, nhóm, tài khoản trên không gian mạng liên quan đến hoạt động lừa đảo, cuộc gọi, tin nhắn nghi vấn lừa đảo, nhất là các cuộc gọi từ nước ngoài, cuộc gọi sử dụng công nghệ VoIP, ứng dụng OTT...
Ba là, đối với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, chỉ đạo hệ thống các ngân hàng thương mại, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán khẩn trương kiểm tra, đối chiếu xác thực sinh trắc học người đại diện hợp pháp đối với các giao dịch trực tuyến của tài khoản doanh nghiệp; loại bỏ tài khoản không chính chủ, tài khoản có thông tin sai lệch; triển khai giải pháp kỹ thuật để phát hiện, phân loại, cảnh báo các tài khoản có giao dịch bằng địa chỉ IP tại nước ngoài. Khẩn trương tổ chức kết nối thông tin, dữ liệu về tài khoản (cá nhân, doanh nghiệp) với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để xác thực, phòng ngừa tội phạm. Yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp Bộ Công an kết nối hệ thống, tiếp nhận thông tin về danh sách tài khoản, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động vi phạm pháp luật để cảnh báo cho khách hàng khi thực hiện giao dịch, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn thiệt hại xảy ra.
Bốn là, trên cơ sở định hướng về việc xây dựng phong trào “Bình dân học vụ số” được Tổng Bí thư Tô Lâm phát động nhằm thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia và Nghị quyết số 03/NQ-CP của Chính phủ về ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW2, tại cơ sở là địa bàn các xã, phường cần triển khai mô hình, chương trình hướng dẫn, đào tạo, phổ cập kỹ năng số cho người dân, trong đó ngoài việc hỗ trợ, giúp đỡ người dân nâng cao kỹ năng về công nghệ, ứng dụng, khai thác tốt lợi ích của công nghệ số để nâng cao hiệu suất lao động, thúc đẩy sáng tạo, cải thiện cuộc sống, cần trang bị cho người dân các kiến thức về bảo mật, an toàn thông tin, thủ đoạn của các loại tội phạm lợi dụng không gian mạng, mô hình “Bình dân học vụ số” cần giao cho Công an xã, Đoàn Thanh niên… phụ trách. Bên cạnh đó, lực lượng Công an cơ sở cần nghiên cứu xây dựng trang thông tin điện tử, xây dựng trang Zalo OA thông báo và đề nghị người dân theo dõi (quan tâm) để thường xuyên cập nhật tin tức về các loại tội phạm đồng thời là kênh để cơ quan công an tiếp nhận nguồn tin về các loại tội phạm và vi phạm pháp luật, đặc biệt là các vi phạm liên quan đến không gian mạng.
Hoạt động phòng ngừa tội phạm là trách nhiệm của toàn hệ thống chính trị và toàn xã hội, do đó, bên cạnh vai trò chủ công, nòng cốt của lực lượng Công an nhân dân, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường thông tin, tăng cường hình thức tuyên truyền về âm mưu, phương thức, thủ đoạn mới, cách thức xử lý với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhất là lừa đảo trên không gian mạng; kết quả phòng ngừa, xử lý của các lực lượng chức năng để người dân nâng cao nhận thức, kịp thời cung cấp thông tin, tố giác hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Năm là, thiết lập và tăng cường cơ chế hợp tác quốc tế, nâng cao hiệu quả xử lý tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với cơ quan thực thi pháp luật các nước thông qua việc xây dựng, ký kết các điều ước quốc tế, bản ghi nhớ hợp tác, đường dây nóng, kênh liên lạc trực tiếp… Một mặt, tích cực tham gia và phát huy vai trò, hiệu quả của các cơ chế hợp tác đa phương hiện có như Interpol, Aseanapol. Mặt khác, tăng cường xây dựng mối quan hệ đối tác song phương, đặc biệt là với các quốc gia láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia và Myanmar, để nâng cao chất lượng hiệu quả, trao đổi chia sẻ thông tin, tương trợ tư pháp, đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ phòng ngừa, điều tra, khám phá tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản lợi dụng không gian mạng.
Tài liệu tham khảo
1. Chỉ thị số 21/CT-TTg, ngày 25/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp phòng, chống tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
2. Công điện số 139/CĐ-TTg, ngày 23/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường phòng ngừa, xử lý hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản sử dụng công nghệ cao, trên không gian mạng.
3. Công điện số 29/CĐ-TTg, ngày 03/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác phòng ngừa, xử lý hoạt động sử dụng công nghệ cao trên không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
4. Cục A05 (2025), Báo cáo công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Hà Nội.
5. Tuệ Lâm, Bình dân học vụ số - nền tảng cho sự phát triển trong kỷ nguyên số, https://baochinhphu.vn/binh-dan-hoc-vu-so-nen-tang-cho-su-phat-trien-trong-ky-nguyen-so-102250327113127019.htm.
6. Phạm Tiếp (TTXVN), Phong trào 'Bình dân học vụ số' phải đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người, https://baotintuc.vn/thoi-su/phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-phai-di-tung-ngo-den-tung-nha-huong-dan-tung-nguoi-20250326170807473.htm.
1 Cục A05 (2025), Báo cáo công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Hà Nội.
2 Tuệ Lâm, Bình dân học vụ số - nền tảng cho sự phát triển trong kỷ nguyên số, https://baochinhphu.vn/binh-dan-hoc-vu-so-nen-tang-cho-su-phat-trien-trong-ky-nguyen-so-102250327113127019.htm, truy cập ngày 22/5/2025; Phạm Tiếp (TTXVN), Phong trào 'Bình dân học vụ số' phải đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người, https://baotintuc.vn/thoi-su/phong-trao-binh-dan-hoc-vu-so-phai-di-tung-ngo-den-tung-nha-huong-dan-tung-nguoi-20250326170807473.htm, truy cập ngày 22/5/2025.
Công an tỉnh Bạc Liêu triệt phá chuyên án lừa đảo chiếm đoạt gần 2 tỷ đồng tiền từ thiện qua mạng Internet - Nguồn: cand.com.vn.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước CHDCND Lào và Chủ tịch nước Lương Cường dự lễ khánh thành Bến số 3, Cảng quốc tế Lào – Việt
-
Trao đổi ý kiến về bài viết “bên đặt cọc hay bên nhận đặt cọc có lỗi?”
-
Chủ tịch nước Lương Cường dự Lễ khánh thành bến cảng container Quốc tế số 3 & 4 Lạch Huyện – Cảng Hải Phòng
-
Định tội danh “tham ô tài sản” trong khu vực kinh tế tư nhân: Những vướng mắc từ thực tiễn xét xử và đề xuất hoàn thiện
-
Thủ tướng: Khẩn trương hoàn thiện hồ sơ sắp xếp đơn vị hành chính 2 cấp; bố trí đủ kinh phí, chi trả cho người nghỉ việc
Bình luận