Những bất cập từ khoản 2 Điều 117 LTHADS quy định về xử lý tài sản gắn liền với đất khi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất
Bài viết đề cập đến những bất cập từ khoản 2 Điều 117 LTHADS quy định về xử lý tài sản gắn liền với đất khi cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất.
Cưỡng chế chuyển giao quyền sử dụng đất là một trong những biện pháp cưỡng chế khó khăn, phức tạp nhất trong thi hành án dân sự (THADS) hiện nay. Khó khăn ở đây, ngoài việc thường gặp phải sự chống đối quyết liệt của người phải thi hành án và những người liên quan, còn có những khó khăn xuất phát từ những bất cập trong các quy định của pháp luật về biện pháp này.
Khoản 2 Điều 117 Luật Thi hành án dân sự (LTHADS) quy định: “… Việc xử lý tài sản gắn liền với đất được chuyển giao thực hiện theo quy định sau đây: … b) Trường hợp tài sản gắn liền với đất có trước khi có bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý đối với tài sản đó thì cơ quan THADS yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ việc xử lý đối với tài sản hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm”.
Quy định này có những bất cập, mâu thuẫn sau đây:
Thứ nhất, rõ ràng đây là trường hợp bản án, quyết định của Tòa án không tuyên việc xử lý tài sản chứ không phải “tuyên chưa rõ” như theo quy định về giải thích bản án tại khoản 2 điều 179 của LTHADS. Do đó trường hợp này Luật quy định cơ quan THADS yêu cầu Tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích rõ là không phù hợp và không thể thực hiện được. Giả sử cơ quan THADS yêu cầu giải thích mà Tòa án có văn bản giải thích đề nghị cơ quan THADS cưỡng chế tháo dỡ tài sản trên đất thì cũng không có đủ cơ sở pháp lý để thực hiện việc cưỡng chế.
Bởi vì theo quy định tại Điều 268 BLTTDS 2015 thì: “Sau khi tuyên án xong thì không được sữa chữa, bổ sung bản án trừ trường hợp phát hiện lỗi rõ ràng về chính tả, về số liệu do nhầm lẫn hoặc tính toán sai”. Ở đây, việc Tòa án không tuyên giải quyết tài sản gắn liền với đất được chuyển giao là thuộc về nội dung bản án chứ không phải lỗi chính tả hoặc nhầm lẫn về số liệu. Mặt khác thì việc giải thích bản án, quyết định trong trường hợp này là cũng trái với khoản 3 Điều 486 BLTTDS, theo đó: “việc giải thích bản án, quyết định của Tòa án phải căn cứ vào biên bản phiên tòa và biên bản nghị án”. Do khi xét xử, các bên đương sự không yêu cầu Tòa án giải quyết tài sản có trên đất chuyển giao nên việc này không thể có trong biên bản phiên tòa và biên bản nghị án được. Do không có căn cứ pháp lý vững chắc nên trên thực tế việc thực hiện cưỡng chế đối với các trường hợp này là hết sức khó khăn.
Ví dụ: Bản án số 20/DSST ngày 12/11/2018 của TAND huyện T.H. tuyên chia thừa kế thửa đất rộng 1.250 m2 mà ông C. đang sử dụng thành 4 phần cho bốn đồng thừa kế là ông C, bà H, ông T và ông V. Do người phải thi hành án không tự nguyện nên cần phải cưỡng chế. Quá trình xác minh, cơ quan THADS phát hiện trên phần đất chia cho bà H, ông T và ông V còn có 2 ngôi nhà của ông C xây dựng trước khi xét xử. Do bản án không tuyên xử lý 2 ngôi nhà này nên cơ quan THADS có văn bản yêu cầu Tòa án giải thích. TAND huyện T.H. có công văn đề nghị Chi cục THADS cưỡng chế tháo dỡ 2 ngôi nhà đó. Tuy nhiên chính quyền địa phương và Công an huyện không đồng ý tham gia cưỡng chế vì cho rằng trong bản án không tuyên việc tháo dỡ 2 ngôi nhà này, còn công văn giải thích của Tòa án thì không đủ cơ sở pháp lý để cưỡng chế. Vì thế việc cưỡng chế không thực hiện được.
Thứ hai, việc điểm b khoản 2 Điều 117 LTHADS quy định: “… hoặc đề nghị Tòa án có thẩm quyền xem xét lại nội dung bản án theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm” là cũng không phù hợp và mâu thuẫn. Bởi vì nếu căn cứ theo Điều 5 BLTTDS thì Tòa án đã quyết định đúng vì họ đã tôn trọng quyền tự định đoạt của đương sự. Điều 5 BLTTDS quy định: “Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó”. Do khi xét xử, các đương sự không yêu cầu giải quyết tài sản trên đất tranh chấp nên Tòa án không có cơ sở xem xét, giải quyết. Còn nếu coi việc Tòa án không giải quyết các tài sản trên đất chuyển giao có trước khi xét xử là: “tình tiết mới… các đương sự không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó” để yêu cầu kháng nghị tái thẩm theo Điều 351 BLTTDS thì cũng không phù hợp. Bởi vì không thể coi đây là những: “tình tiết mới”. Mặt khác khi xét xử, các đương sự đều đã biết được các tài sản này.
Để khắc phục những bất cập, mâu thuẫn trong quy định của pháp luật nói trên, góp phần giải quyết án tồn đọng trong THADS hiện nay, chúng tôi kiến nghị nên sửa đổi khoản 2 Điều 117 LTHADS theo hướng: Trường hợp trên đất chuyển giao có tài sản gắn liền với đất mà tài sản đó có trước khi bản án, quyết định sơ thẩm nhưng bản án, quyết định được thi hành không tuyên rõ việc xử lý thì Chấp hành viên thông báo yêu cầu người được thi hành án khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết đối với các tài sản này. Hết thời hạn 30 ngày kể từ ngày thông báo mà người được thi hành án không khởi kiện thì cơ quan THADS chỉ giao đất mà không giải quyết đối với tài sản trên đất.
Một vụ cưỡng chế giao mặt bằng tại UBND huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) – Ảnh minh họa của Việt Dũng /BCL
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Trương quốc Hiếu
05:58 12/01.2025Trả lời