Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án, những bất cập và kiến nghị
Bài viết nêu quy định của pháp luật về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án, những bất cập và kiến nghị
1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án
Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án nhân dân được quy định tại Điều 48 Luật Xử lý vi phạm hành chính năm 2012 như sau:
Thẩm phán chủ tọa phiên toà có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 1.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.
Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 5.000.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này;
d) Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại các điểm a, i và k khoản 1 Điều 28 của Luật này.
Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến 7.500.000 đồng;
c) Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị không vượt quá mức tiền phạt được quy định tại điểm b khoản này.
Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao có quyền:
a) Phạt cảnh cáo;
b) Phạt tiền đến mức tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này;”
Như vậy, người có thẩm quyền xử phạt thuộc Tòa án nhân dân bao gồm: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao.
2. Những hành vi có thể bị xử phạt hành chính
Trong hoạt động tố tụng dân sự
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự quy định từ Điều 489 đến Điều 498 của BLTTDS có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể như sau:
a) Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của người tiến hành tố tụng (Điều 489)
– Làm giả, hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án;
– Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng;
– Từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, kết luận giám định sai sự thật;
– Cố ý dịch sai sự thật;
– Không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng;
– Cản trở người tiến hành tố tụng tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác do Bộ luật này quy định;
– Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
– Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan;
– Lừa dối, mua chuộc, đe dọa, cưỡng ép, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa.
b) Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án (Điều 490)
Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ việc thì bị xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
c) Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa (Điều 491)
Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa quy định tại Điều 234 của BLTTDS năm 2015 thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị chủ tọa phiên tòa xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
d) Hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khoẻ của người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án (Điều 492)
Người có hành vi xúc phạm, xâm hại đến sự tôn nghiêm, uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
đ) Hành vi cản trở việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án (Điều 493)
Người có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:
– Không thực hiện việc cấp, giao, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng;
– Hủy hoại văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao để cấp, tống đạt, thông báo theo yêu cầu của Tòa án;
– Giả mạo kết quả thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao thực hiện;
– Ngăn cản việc cấp, giao, nhận, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án.
e) Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án (Điều 493)
Người có hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
f) Hành vi không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án hoặc đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án (Điều 493)
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì có thể bị Tòa án xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
– Người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
g) Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ việc dân sự (Điều 494)
Người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào đối với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ việc không khách quan, không đúng pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Trong hoạt động tố tụng hình sự
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng hình sự được quy định từ Điều 466 đến Điều 467 có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể như sau:
a) Hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (Điều 466)
Người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật:
– Làm giả, hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ việc, vụ án;
– Khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật;
– Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật;
– Người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối hoặc từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan;
– Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối;
– Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối;
– Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan;
– Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;
– Lừa dối, đe doạ, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản đại diện cơ quan, tổ chức, cá nhân khác tham gia tố tụng;
– Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng; đe doạ, sử dụng vũ lực hoặc có hành vi khác cản trở hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
– Đã được triệu tập mà vắng mặt không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan và việc vắng mặt của họ gây trở ngại cho hoạt động tố tụng;
– Ngăn cản việc cấp, giao, nhận hoặc thông báo văn bản tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
b) Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa và phiên họp của Tòa án (Điều 467)
– Người vi phạm nội quy phiên tòa thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị Thẩm phán chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật.
– Quy định tại Điều này cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án.
Trong hoạt động tố tụng hành chính
Hành vi cản trở hoạt động tố tụng hành chính quy định từ Điều 316 đến Điều 326 của Luật TTHC có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể như sau:
a) Hành vi vi phạm nội quy phiên tòa (Điều 316)
– Người có hành vi vi phạm nội quy phiên tòa quy định tại Điều 153 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị Chủ tọa phiên tòa quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
– Quy định tại Điều này cũng được áp dụng đối với người có hành vi vi phạm tại phiên họp của Tòa án.
b) Hành vi xúc phạm uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm, sức khỏe của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án (Điều 317)
Người có hành vi xúc phạm uy tín của Tòa án, danh dự, nhân phẩm của những người tiến hành tố tụng hoặc những người khác thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của Tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
c) Hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án (Điều 318)
Người nào có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:
– Làm giả, hủy hoại chứng cứ quan trọng gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án của Tòa án.
– Từ chối khai báo, khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật khi làm chứng.
– Từ chối kết luận giám định hoặc từ chối cung cấp tài liệu mà không có lý do chính đáng, kết luận giám định sai sự thật.
– Lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối.
Lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người giám định thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định kết luận sai với sự thật khách quan.
– Lừa dối, đe dọa, cưỡng ép, mua chuộc, sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch dịch không trung thực, không khách quan, không đúng nghĩa.
– Cản trở người tiến hành tố tụng xem xét, thẩm định tại chỗ, quyết định định giá, quyết định trưng cầu giám định hoặc xác minh, thu thập chứng cứ khác theo quy định của Luật này.
– Cố ý dịch sai sự thật.
– Không cử người tham gia Hội đồng định giá theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng; không tham gia thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng định giá mà không có lý do chính đáng.
d) Hành vi cố ý không có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án (Điều 319)
Người làm chứng, người phiên dịch, người giám định đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng cố ý không đến Tòa án hoặc không có mặt tại phiên tòa, phiên họp mà không có lý do chính đáng và nếu sự vắng mặt của họ gây trở ngại cho việc thu thập, xác minh chứng cứ hoặc giải quyết vụ án thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
đ) Hành vi can thiệp vào việc giải quyết vụ án (Điều 320)
Người nào bằng ảnh hưởng của mình có hành vi tác động dưới bất kỳ hình thức nào đối với Thẩm phán, thành viên Hội đồng xét xử nhằm làm cho việc giải quyết vụ án không khách quan, không đúng pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
e) Hành vi cản trở việc giao, nhận, cấp, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án (Điều 321)
Người có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật:
– Không thực hiện việc cấp, giao, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án theo yêu cầu của Tòa án mà không có lý do chính đáng.
– Hủy hoại văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao để cấp, tống đạt hoặc thông báo theo yêu cầu của Tòa án.
– Giả mạo kết quả thực hiện việc tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Tòa án mà mình được giao thực hiện.
– Ngăn cản việc cấp, giao, nhận, tống đạt hoặc thông báo văn bản tố tụng của Tòa án.
f) Hành vi cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng theo yêu cầu của Tòa án (Điều 322)
Người có hành vi đe dọa, hành hung hoặc lợi dụng sự lệ thuộc nhằm cản trở đại diện của cơ quan, tổ chức, cá nhân đến phiên tòa, phiên họp theo triệu tập của Tòa án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
g) Hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở việc giải quyết vụ án của Tòa án (Điều 323)
Người có hành vi đưa tin sai sự thật nhằm cản trở Tòa án giải quyết vụ án thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
h) Hành vi của cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án (Điều 324)
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không thi hành quyết định của Tòa án về việc cung cấp tài liệu, chứng cứ mà cơ quan, tổ chức, cá nhân đó đang quản lý, lưu giữ thì bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, hành vi vi phạm trong thi hành án hành chính được quy định tại Điều 314 của Luật TTHC có thể bị xử phạt hành chính. Bao gồm:
– Cơ quan, tổ chức, cá nhân phải thi hành án cố ý không chấp hành bản án, quyết định của Tòa án, quyết định buộc thi hành án của Tòa án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
– Người lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý cản trở việc thi hành án thì tùy từng trường hợp mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trong lĩnh vực phá sản
Điểm g khoản 2 Điều 65 của Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được sửa đổi, bổ sung bởi: Nghị định số 67/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 8 năm 2015 của Chính phủ (gọi tắt là Nghị định số 110/2013 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015) quy định như sau: “Công chức Tòa án nhân dân các cấp lậpbiên bản vi phạm hành chính đối với các hành vi quy định từ Điều 54 đến Điều 64 Chương VI của Nghị định này”. Điều 70 của Nghị định số 110/2013 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015 cũng quy định như sau: “1. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của Tòa án nhân dân được thực hiện theo quy định của Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính. 2. Người có thẩm quyền áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính được áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định từ Điều 53 đến Điều 64 Chương VI của Nghị định này.”
Từ những quy định trên có thể thấy các hành vi vi phạm từ Điều 54 đến Điều 64 của Nghị định số 110/2013 được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 67/2015 sẽ bị xử phạt hành. Cụ thể như sau:
a) Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ nộp đơn (Điều 54)
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
b) Hành vi vi phạm trách nhiệm thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán (Điều 54a)
Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi thông báo doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không chính xác, khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
c) Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ (Điều 55)
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi đang quản lý, lưu giữ tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc phá sản mà không cung cấp đầy đủ, kịp thời hoặc cung cấp không chính xác tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu của chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản nếu không có lý do chính đáng.
d) Hành vi vi phạm trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (Điều 56)
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với người nộp đơn có hành vi gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
đ) Hành vi vi phạm quy định về thông báo tình trạng phá sản (Điều 57)
Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà không thông báo công khai sau khi nhận được quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân.
e) Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã khi đã có quyết định mở thủ tục phá sản (Điều 58)
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà không báo cáo Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trước khi thực hiện một trong các hành vi sau:
+ Hoạt động liên quan đến việc vay, cầm cố, thế chấp, bảo lãnh, mua bán, chuyển nhượng, cho thuê tài sản; bán, chuyển đổi cổ phần; chuyển quyền sở hữu tài sản;
+ Chấm dứt thực hiện hợp đồng có hiệu lực;
+ Thanh toán khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản; trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà có một trong các hành vi sau:
+ Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản;
+ Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 49 của Luật Phá sản;
+ Từ bỏ quyền đòi nợ;
+ Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
f) Hành vi vi phạm quy định về thời hạn và nghĩa vụ kiểm kê tài sản (Điều 59)
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán mà không thực hiện việc kiểm kê tài sản và không xác định giá trị các tài sản đó trong thời hạn quy định.
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với đại diện doanh nghiệp, hợp tác xã và những người khác không hợp tác về việc kiểm kê tài sản hoặc cố tình làm sai lệch việc kiểm kê tài sản.
g) Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã bị áp dụng thủ tục thanh lý có tài khoản (Điều 60)
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà vẫn thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã đó, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan thi hành án dân sự.
– Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản mà thực hiện việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản vay của ngân hàng, trừ trường hợp có sự đồng ý bằng văn bản của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan thi hành án dân sự;
+ Ngân hàng nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có tài khoản kể từ ngày Tòa án nhân dân có quyết định mở thủ tục phá sản mà thực hiện việc bù trừ nghĩa vụ đối với hợp đồng được xác lập trước khi có quyết định mở thủ tục phá sản mà không có sự đồng ý của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
h) Hành vi vi phạm quy định về nghĩa vụ của người lao động liên quan đến thủ tục phá sản (Điều 61)
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi che giấu tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ ngày Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với người lao động có hành vi tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ ngày Tòa án nhân dân quyết định mở thủ tục phá sản.
k) Hành vi vi phạm quy định về tham gia hội nghị chủ nợ (Điều 63)
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản quy định tại Điều 5 của Luật Phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không tham gia hội nghị chủ nợ, không ủy quyền cho người khác tham gia hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đáng.
l) Hành vi vi phạm quy định về giám sát thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh (Điều 64)
Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với doanh nghiệp, hợp tác xã không gửi báo cáo về tình hình thực hiện phương án phục hồi hoạt động kinh doanh cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trong thời hạn quy định.
m) Hành vi vi phạm quy định về hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Quản tài viên; hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Điều 64a)
– Cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung giấy tờ quản tài viên; trong hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; trong hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng giấy tờ giả trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên; trong hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; trong hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm giả giấy tờ trong hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề quản tài viên; làm giả giấy tờ trong trong hồ sơ đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân; làm giả giấy tờ trong hồ sơ đề nghị đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản đối với doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
n) Hành vi vi phạm quy định về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản (Điều 64b)
– Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Sửa chữa, tẩy xóa, làm sai lệch nội dung chứng chỉ hành nghề quản tài viên, quyết định ghi tên vào danh sách quản tài viên, danh sách doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản;
+ Không báo cáo Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi đăng ký hành nghề hoặc yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản theo quy định;
+ Không lập, quản lý, sử dụng các loại sổ sách, biểu mẫu theo quy định của pháp luật;
+ Không lưu trữ hoặc lưu trữ hồ sơ về hoạt động quản lý, thanh lý tài sản không đúng quy định.
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Cho thuê, cho mượn hoặc cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;
+ Thuê, mượn hoặc sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên của người khác để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;
+ Thực hiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản trong trường hợp là người có liên quan với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp; khi có căn cứ cho rằng thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản, cơ quan thi hành án dân sự có yêu cầu trái với quy định của pháp luật, nguyên tắc hành nghề quản lý, thanh lý tài sản hoặc không phù hợp với Quy tắc đạo đức nghề nghiệp quản tài viên;
+ Thành lập hoặc tham gia thành lập từ hai doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trở lên tại cùng một thời điểm;
+ Tại cùng một thời điểm, vừa đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản với tư cách cá nhân vừa hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Gợi ý hoặc nhận bất kỳ một khoản tiền hoặc lợi ích vật chất từ người tham gia thủ tục phá sản; lợi dụng danh nghĩa quản tài viên hoặc lợi dụng nhiệm vụ quyền hạn của doanh nghiệp để thu lợi từ cá nhân, tổ chức ngoài chi phí quản tài viên được nhận theo quy định của pháp luật;
+ Lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để thông đồng với cá nhân, tổ chức nhằm mục đích vụ lợi;
+ Tiết lộ thông tin về vụ, việc, về khách hàng mà mình biết trong khi hành nghề, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý bằng văn bản hoặc pháp luật có quy định khác;
+ Không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản hoặc không gửi khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng hoặc không báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo để người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản theo quy định;
+ Không chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định trong trường hợp sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên mà không thực hiện được việc thanh lý tài sản.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng chứng chỉ hành nghề quản tài viên giả.
– Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Làm giả chứng chỉ hành nghề quản tài viên;
+ Không đủ điều kiện hành nghề quản lý, thanh lý tài sản mà hành nghề quản lý, thanh lý tài sản dưới bất kỳ hình thức nào.
o) Hành vi vi phạm quy định về hoạt động của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (Điều 64c)
– Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không gửi văn bản thông báo cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp có trụ sở chính sau khi chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động hoặc cho Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi chi nhánh, văn phòng đại diện đó có trụ sở trong trường hợp doanh nghiệp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác với nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính theo quy định;
+ Không đề nghị Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký hành nghề điều chỉnh thông tin đăng ký hành nghề quản lý, thanh lý tài sản khi có thay đổi tên, địa chỉ trụ sở, văn phòng đại diện, chi nhánh, người đại diện theo pháp luật, danh sách Quản tài viên hành nghề trong doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản theo quy định.
– Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi cho cá nhân, tổ chức khác sử dụng tên, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của mình để hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.
– Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Thông đồng, móc nối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán hoặc cá nhân, tổ chức khác để tẩu tán tài sản hoặc làm sai lệch các nội dung liên quan đến hoạt động hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;
+ Không tổ chức việc định giá, thanh lý tài sản hoặc không gửi khoản tiền thu được vào tài khoản do Tòa án nhân dân, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền mở tại ngân hàng hoặc không báo cáo cơ quan thi hành án dân sự, thông báo để người tham gia thủ tục phá sản có liên quan về việc giao cho cá nhân, tổ chức thực hiện thanh lý tài sản theo quy định;
+ Không chấm dứt việc thanh lý tài sản và bàn giao toàn bộ giấy tờ, tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự xử lý, thanh lý tài sản theo quy định trong trường hợp sau 02 năm kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu của Chấp hành viên mà không thực hiện được việc thanh lý tài sản.
3. Những bất cập và kiến nghị
Những bất cập
a) Về người có thẩm quyền xử phạt
Theo quy định tại Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính thì chỉ những người sau đây mới có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính: Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì tổ chức Tòa án nhân dân gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân cấp cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương; Tòa án quân sự. Như vậy, hiện nay không còn chức danh Chánh tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao mà thay vào đó là chức danh Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao. Cho nên nếu có hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, hình sự, hành chính và trong lĩnh vực phá sản thuộc thẩm quyền xử phạt hành chính của Tòa án nhân dân thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao không có quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm này mà lẽ ra sẽ thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao.
b) Chưa có quy định khung phạt tiền cụ thể đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, hình sự, hành chính
Nghiên cứu quy định tại Điều 498 BLTTDS năm 2015, Điều 468 BLTTHS năm 2015; Điều 326 Luật TTHC thì có quy định chung là: Hình thức xử phạt, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xử phạt hành chính đối với các hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, hình sự và hành chính được thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính và pháp luật có liên quan mà không có quy định khung phạt tiền cụ thể đối với từng hành vi vi phạm.
Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 chỉ quy định mức phạt tiền tối đa đối với: Thẩm phán chủ tọa phiên toà là 1.000.000 đồng; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ việc phá sản là 5.000.000 đồng; Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự khu vực là 7.500.000 đồng; Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Chánh tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, Chánh tòa chuyên trách Tòa án nhân dân tối cao là 30.000.000 đồng.
Do đó sẽ gây khó khăn cho người có thẩm quyền thuộc Tòa án nhân dân trong việc quyết định mức phạt tiền đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, hình sự và hành chính. Hoặc sẽ tạo sự tùy nghi, không thống nhất trong việc quyết định mức phạt tiền của người có thẩm quyền xử phạt cùng cấp.
Kiến nghị
Từ những bất cập trên, tác giả thiết nghĩ cần phải sớm sửa đổi và bổ sung một số quy định pháp luật có liên quan:
Thứ nhất, sớm sửa đổi, bổ sung Điều 48 Luật xử lý vi phạm hành chính về người có thẩm quyền xử phạt. Thay cụm từ “Chánh Tòa Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao” bằng cụm từ “Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao”
Thứ hai, quy định khung phạt tiền cụ thể đối với những hành vi cản trở hoạt động tố tụng dân sự, hình sự và hành chính.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận