Kết quả đạt được trong công tác bổ nhiệm, đảm bảo chế độ chính sách và việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của các chức danh tư pháp theo Luật Tổ chức TAND năm 2014
Để có cơ sở cho việc đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức tổng kết thực tiễn thi hành, rà soát, đánh giá, xây dựng Báo cáo tổng kết thực tiễn thi hành Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2014. Bài viết dưới đây giới thiệu kết quả trong công tác kiện toàn các chức danh tư pháp; về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án và về thực hiện nhiệm vụ chuyên môn
Việc kiện toàn đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án
Thực hiện quy định mới của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp[1], Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức đào tạo, cấp chứng chỉ và tổ chức thành công nhiều kỳ thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán và nâng ngạch Thẩm tra viên chính, Thư ký viên chính cho Tòa án nhân dân các cấp. Các kỳ thi được tổ chức công khai, nghiêm túc, đảm bảo chất lượng, đúng theo kế hoạch, đáp ứng được các mục tiêu đã đề ra. Việc tổ chức thi tuyển được thực hiện theo hướng mở rộng nguồn (tất cả công chức có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật đều được tham dự thi tuyển) nhằm lựa chọn được những người có năng lực, trình độ tốt nhất để bổ nhiệm, từ đó tạo động lực cho cán bộ, công chức thi đua học tập, trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ.
So với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2002 thì Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có rất nhiều quy định mới, chính vì vậy, số lượng, chất lượng đội ngũ Thẩm phán, cán bộ, công chức của Tòa án nhân dân các cấp sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 ra đời có những chuyển biến mới, cụ thể như sau :
Tính đến ngày 30/4/2022, hệ thống Tòa án nhân dân được giao 15.237 biên chế, hiện có 13.306 người[2] (đạt 87.33%), còn thiếu 1.931 biên chế, cụ thể:
- Tòa án nhân dân tối cao hiện có 405 người (đạt 88.21%), gồm: 16 Thẩm phán tối cao; 389 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương. Còn thiếu 53 biên chế.
- 03 Tòa án nhân dân cấp cao hiện có 312 người (đạt 89.14%), gồm: 101 Thẩm phán cao cấp, 210 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương, 01 chức danh khác. Còn thiếu 38 biên chế.
- 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh hiện có 3.284 người (đạt 82.06%), gồm: 1.186 Thẩm phán; 1.996 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương, 102 chức danh khác. Còn thiếu 718 biên chế.
- 702 Tòa án nhân dân cấp huyện hiện có 9.306 người (đạt 89.25%), gồm: 5.156 Thẩm phán; 3.983 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương, 167 chức danh khác. Còn thiếu 1.121 biên chế.
Về trình độ đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án
Về trình độ chuyên môn, Tòa án nhân dân hiện có 03 phó giáo sư (0.02%); 57 tiến sỹ (0,43%); 2.530 thạc sỹ (19.01%); 10.451 Cử nhân; (78.54%); 268 trình độ khác (2.01%); về trình độ lý luận chính trị: có 2.264 người có trình độ cử nhân hoặc cao cấp chính trị (17.01%); 4.127 người có trình độ trung cấp chính trị (31.02%).
Như vậy, có thể nói đội ngũ Thẩm phán, công chức Tòa án nhân dân ngày càng được củng cố, kiện toàn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu mà nhiệm vụ đặt ra đối với Tòa án nhân dân.
Đối với các Tòa án Quân sự
Tổng biên chế của hệ thống Tòa án quân sự là 310 người (giảm 23 biên chế so với trước đây), trong đó Sỹ quan là 240 đồng chí, Quân nhân chuyên nghiệp và Viên chức quốc phòng, Hạ sỹ quan- Chiến sỹ là 70 đồng chí.
Theo Nghị quyết số 571/NQ-UBTVQH14 ngày 10/9/2018 về việc thành lập Tòa án quân sự quân khu và tương đương, hệ thống Tòa án quân sự có 01 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, 27 Thẩm phán cao cấp, 62 Thẩm phán Trung cấp và 40 Thẩm phán sơ cấp. Tính đến nay, hệ thống Tòa án quân sự có 01 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; 23 Thẩm phán cao cấp (thiếu 04 người); 46 Thẩm phán trung cấp (thiếu 16 người); 32 Thẩm phán sơ cấp (thiếu 08 người). Biên chế Thẩm tra viên các cấp được giao là 46 người; trong đó, Thẩm tra viên cao cấp là 05 người, Thẩm tra viên chính là 22 người, Thẩm tra viên là 19 người. Hiện hệ thống Tòa án quân sự có 27 Thẩm tra viên (thiếu 19 người); trong đó, có 01 Thẩm tra viên cao cấp (thiếu 04); 16 Thẩm tra viên chính (thiếu 06 người); 10 Thẩm tra viên (thiếu 09 người). Biên chế Thư ký được giao là 61 người, hiện có 55 người (thiếu 06 người). Cán bộ, công chức khác là 11 người.
Cơ cấu tổ chức của Toà án quân sự Trung ương theo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 và Quyết định số 1121/2015/QĐ-TANDTC so với cơ cấu tổ chức cũ thêm 01 phòng (Phòng Thông tin tư liệu và Quản lý lý lịch tư pháp) nhưng tổng biên chế vẫn là 54 người; trong đó Sỹ quan là 41 đồng chí, Quân nhân chuyên nghiệp và Hạ sỹ quan-Chiến sĩ là 13 đồng chí. Các Tòa án quân sự quân khu và tương đương có tổng quân số là 126 đồng chí, trong đó có 99 Sỹ quan và 27 Quân nhân chuyên nghiệp và Viên chức quốc phòng.[3] Các Tòa án quân sự khu vực có tổng quân số130 đồng chí, trong đó có 100 Sỹ quan và 30 Quân nhân chuyên nghiệp và Viên chức quốc phòng.[4]
Đội ngũ Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án quân sự 100% có trình độ Đại học; trong đó có 03 tiến sỹ, 74 thạc sỹ, 75 đồng chí tốt nghiệp Cao cấp lý luận chính trị... nhiều cán bộ có 02 bằng Cử nhân. Trình độ tin học, ngoại ngữ cơ bản đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, yêu cầu nhiệm vụ của Tòa án quân sự trong tình hình mới.
Về chế độ, chính sách đối với Thẩm phán và cán bộ, công chức Tòa án
Các chế độ, chính sách đối với Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án được thực hiện đúng quy định tại Nghị quyết số 730/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 30/9/2004 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc phê chuẩn bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ ngành Tòa án, Kiểm sát; các chế độ phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp trách nhiệm, phụ cấp công vụ theo quy định của Chính phủ; Nghị quyết số 1212/2016/UBTVQH13, ngay 13/6/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung chế độ phụ cấp đối với một số chức danh mới theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, cụ thể như sau:
- Về chế độ tiền lương: Bổ sung Thẩm phán cao cấp thuộc đối tượng áp dụng Bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ hệ thống Tòa án và thuộc Nhóm chức danh loại A3 (cùng với Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao). Chế độ tiền lương của Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp, cán bộ, công chức khác vẫn giữ nguyên như trước đây.
- Về chế độ phụ cấp: Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo hệ số 1,25. Thẩm phán cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm là 20%. Ngoài ra, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán cao cấp còn được hưởng chế độ phụ cấp thâm niên nghề như trước đây (thực hiện theo quy định tại Nghị định số 76/2009/NĐ-CP ngày 15/9/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ). Chế độ phụ cấp của Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán sơ cấp, cán bộ, công chức khác vẫn giữ nguyên như trước đây.
- Về trang phục: Ngày 13/6/2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 1214/2016/UBTVQH13 quy định về trang phục của Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân; Giấy chứng minh Thẩm phán, Giấy chứng minh Hội thẩm nhân dân. Theo đó, ngoài trang phục làm việc hằng ngày, Thẩm phán được bổ sung trang phục xét xử và lễ phục. Bên cạnh đó, mỗi Thẩm phán được cấp “phù hiệu Thẩm phán”. Ngày 11/8/2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 419/2017/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện thống nhất trang phục xét xử của Thẩm phán Tòa án nhân dân. Triển khai thực hiện các Nghị quyết nêu trên, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức may sắm tập trung cho từng Thẩm phán, cán bộ, công chức Tòa án.
Về Hội thẩm và chế độ, chính sách đối với Hội thẩm
Các quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 về Hội thẩm đã có những bổ sung quan trọng nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân trước đây. Theo đó, Hội thẩm được tổ chức thành Đoàn Hội thẩm. Đoàn Hội thẩm hoạt động theo quy chế do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.
Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về Quy chế Tổ chức và hoạt động của Đoàn Hội thẩm; trên cơ sở đó ban hành hướng dẫn về công tác bầu Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021. Tổng số Hội thẩm nhân dân nhiệm kỳ 2016-2021 của 63 Tòa án nhân dân cấp tỉnh và 702 Tòa án nhân dân cấp huyện là 17.014 người. Hiện nay, với nhiệm kỳ mới 2021-2026, Tòa án nhân dân các cấp có 16.833 Hội thẩm nhân dân, trong đó, có 10.591 nam (tỷ lệ 62,91%), 6.242 nữ (tỷ lệ 37,08%); 2.124 Hội thẩm là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 12,62%); 4.306 Hội thẩm có trình độ chuyên môn pháp lý (tỷ lệ 25,58%); 13.130 Hội thẩm là cán bộ đương chức (tỷ lệ 78%); 8.753 Hội thẩm được tái cử (tỷ lệ 52%), đảm bảo cơ cấu nghề nghiệp, năng lực theo quy định của pháp luật.
Trong hệ thống Tòa án quân sự, với nhiệm kỳ mới 2019-2024, Tòa án quân sự các cấp có 372 Hội thẩm quân nhân, trong đó, Hội thẩm cấp quân khu là 133 người, Hội thẩm quân nhân cấp khu vực là 239 người, có 406 nam (tỷ lệ 98 %), 8 nữ (tỷ lệ 02 %); 38 Hội thẩm là người dân tộc thiểu số (tỷ lệ 09%); 41 Hội thẩm có trình độ chuyên môn pháp lý (tỷ lệ 10%); Hội thẩm là cán bộ đương chức (tỷ lệ 100%); 252 Hội thẩm được tái cử (tỷ lệ 61%), 100% Hội thẩm quân nhân có trình độ Đại học trở lên, đảm bảo cơ cấu nghề nghiệp, năng lực theo quy định của pháp luật.
Hàng năm, Chánh án Tòa án quân sự Trung ương, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh đều quan tâm, chủ động trong công tác bồi dưỡng, tập huấn về chuyên môn và tạo điều kiện để các Hội thẩm tham gia công tác xét xử theo quy định. Đội ngũ Hội thẩm được tiếp cận với những văn bản pháp luật mới, văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật, được trau dồi thêm kỹ năng, nghiệp vụ nên về cơ bản đã đáp ứng yêu cầu, bảo đảm chất lượng công tác xét xử. Nhìn chung, các Hội thẩm đều có tinh thần trách nhiệm cao và bản lĩnh trong xét xử[5], đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần cùng Tòa án thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ giải quyết, xét xử các loại án, giữ vững ổn định chính trị, trật tự trị an và an toàn xã hội tại địa phương.
Khi làm nhiệm vụ xét xử, Hội thẩm được hưởng phụ cấp theo quy định của Thủ tướng Chính phủ quy định về chế độ bồi dưỡng phiên toà. Theo đó, Hội thẩm Toà án nhân dân được hưởng chế độ bồi dưỡng là 90.000 đồng/ngày (kể cả ngày làm việc nghiên cứu hồ sơ và tham gia xét xử tại Toà án nhân dân); tuy nhiên, chế độ bồi dưỡng này là khá thấp so với mức sống hiện nay tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Hội thẩm nhân dân được cấp phát trang phục theo niên hạn gồm trang phục xuân - hè là quần âu, áo sơ mi trắng; trang phục thu - đông là bộ comple, áo sơ mi dài tay. Ngoài ra, Hội thẩm nhân dân được cấp: thắt lưng, giầy da, bít tất, cà vạt và cặp đựng tài liệu.
Về việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của các Tòa án nhân dân
Việc thực hiện chức năng xét xử các loại án và giải quyết những việc khác thuộc thẩm quyền của Tòa án
Từ ngày 01/6/2015 đến 30/4/2022, các Tòa án đã giải quyết 3,187,285 vụ việc các loại trong tổng số 3,334,915 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 95.57%); số vụ việc còn lại hầu hết là mới thụ lý và còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật. Trung bình mỗi năm, các Tòa án phải giải quyết khoảng 476.416 vụ việc các loại. Số vụ việc mà Tòa án phải giải quyết năm sau thường tăng so với năm trước. Chất lượng xét xử tiếp tục được bảo đảm và có những tiến bộ nhất định, tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán năm sau thường thấp hơn năm trước. Trung bình mỗi năm có khoảng 1,22% các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Thẩm phán, đáp ứng yêu cầu Quốc hội đề ra. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do lỗi chủ quan của Tòa án đã giảm so với các năm trước.
Việc xét xử các vụ án hình sự cơ bản đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Việc tranh tụng tại phiên tòa được chú trọng theo hướng thực chất, dân chủ, hiệu quả. Các Tòa án không hạn chế thời gian dành cho tranh tụng, tôn trọng và đảm bảo cho các bên tham gia tố tụng đưa ra chứng cứ và trình bày hết các ý kiến của mình. Trên cơ sở kết quả tranh tụng, Hội đồng xét xử đưa ra các phán quyết khách quan, toàn diện, đúng pháp luật, được dư luận xã hội ủng hộ.
Về công tác giải quyết, xét xử các vụ việc dân sự và vụ án hành chính, các Tòa án đã có nhiều nỗ lực trong việc nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc thuộc thẩm quyền, đảm bảo việc giải quyết các vụ việc đúng pháp luật, qua đó bảo vệ kịp thời các quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Để tạo bước đột phá trong giải quyết án dân sự, hành chính, được sự đồng ý của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, trong năm 2018 Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại Hải Phòng. Theo đánh giá kết quả mô hình thí điểm, các trung tâm hòa giải tại Tòa án đã hòa giải thành 76,2% số vụ việc được Tòa án chuyển sang[6]. Sau khi thực hiện thí điểm thành công tại Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, Tòa án nhân dân tối cao tiếp tục triển khai mở rộng thí điểm mô hình này tại 16 Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương[7]. Chương trình thí điểm cũng tạo sự đồng thuận trong xã hội, giảm áp lực đáng kể cho Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng Đề án “đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính” trình các cấp có thẩm quyền xem xét để nhân rộng mô hình này trong toàn quốc. Trên cơ sở kết quả mở rộng thí điểm, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất và chủ trì soạn thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và đã được Quốc hội khóa XIV, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 16/6/2020. Sau 02 năm việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại năm 2020 đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào việc giải quyết nhanh chóng các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính trong xã hội.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện việc công khai bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án . Đây là một trong các cơ chế hữu hiệu để tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động Tòa án; nâng cao chất lượng bản án, quyết định của Tòa án; ngăn ngừa, hạn chế tham nhũng, tiêu cực trong công tác xét xử; đồng thời là một phương thức để người dân thực hiện quyền tiếp cận thông tin được ghi nhận trong Hiến pháp năm 2013. Đến nay, trên cả nước đã có tổng số gần 700.000 bản án, quyết định được công bố, thu hút gần 28.000.000 (28 triệu) lượt truy cập. Việc công bố bản án, quyết định trên Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Tòa án đã nhận được rất nhiều sự quan tâm của dư luận, được người dân đồng tình ủng hộ, tin tưởng và đánh giá cao.
Việc thực hiện nhiệm vụ giám đốc việc xét xử của các Tòa án nhân dân
Để tiếp tục nâng cao chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, đảm bảo tất cả các đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm phải được xem xét trong thời hạn quy định của pháp luật, ngày 06/9/2016, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Quyết định số 625/QĐ-CA ban hành Quy chế giải quyết đơn đề nghị, kiến nghị, thông báo đối với bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm tại Tòa án nhân dân. Nhìn chung, chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, chất lượng xét xử giám đốc thẩm ngày càng nâng cao; đã hạn chế thấp nhất các trường hợp trả lời không có căn cứ kháng nghị nhưng sau đó người có thẩm quyền lại kháng nghị để giải quyết vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm. Từ 01/6/2015 đến 30/4/2022, Tòa án nhân dân tối cao và các Tòa án nhân dân cấp cao đã thụ lý 5921 vụ việc giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm; trong đó, đã giải quyết 5604 vụ việc, đạt 94,65%.
Theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, các Tòa án nhân dân cấp tỉnh không còn thẩm quyền kháng nghị và xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm nhưng có nhiệm vụ kiểm tra bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp huyện và kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao xem xét, kháng nghị theo thẩm quyền. Trong hơn 07 năm qua, Ủy ban Thẩm phán các Tòa án nhân dân cấp tỉnh đã kiến nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao xem xét lại hàng trăm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm.
Việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật, tổng kết thực tiễn xét xử của các Tòa án, bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử
a) Về xây dựng pháp luật và hướng dân áp dụng thống nhất pháp luật
Tòa án nhân dân tối cao đã chủ trì xây dựng, soạn thảo và trình Quốc hội thông qua 04 dự án Luật, 01 Nghị quyết[8]; trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua 02 dự án Pháp lệnh[9]. Các dự án Luật, Nghị quyết, Pháp lệnh do Tòa án nhân dân tối cao trình đều bảo đảm tiến độ và chất lượng, được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua với tỷ lệ phiếu đồng thuận cao, góp phần quan trọng trong công tác hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Bên cạnh đó, trong thời gian qua, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng, ban hành 39 Nghị quyết; 14 Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (Phụ lục 02); phối hợp với các Bộ, ngành ban hành 24 Thông tư liên tịch. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tiếp tục nghiên cứu, xây dựng nhiều dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, dự thảo Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và dự thảo Thông tư liên tịch. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng nhiều dự án Luật, dự thảo Nghị định, Thông tư liên tịch, Thông tư do bộ ngành khác chủ trì soạn thảo; đồng thời tích cực tham gia góp ý kiến đối với nhiều dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hữu quan gửi xin ý kiến góp ý.
Việc kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật đã góp phần tháo gỡ nhiều vướng mắc về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án, từng bước nâng cao chất lượng xét xử của các Tòa án.
b) Về tổng kết thực tiễn xét xử
Công tác tổng kết thực tiễn xét xử thời gian qua tại Tòa án được thực hiện dưới nhiều hình thức mới, hiệu quả nhằm tổng hợp kịp thời, đầy đủ các vướng mắc phát sinh từ thực tiễn xét xử, áp dụng pháp luật tại các Tòa án. Tòa án nhân dân tối cao đã mở hộp thư điện tử phapchetoaan2016@gmail.com để tiếp nhận các vướng mắc trong thực tiễn xét xử do các Tòa án nhân dân phản ánh[10]. Thông qua hộp thư điện tử này, nhiều vấn đề phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm mà các Tòa án đang gặp vướng mắc về đường lối xử lý đã được tổng hợp và được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao giải quyết kịp thời. Đối với những vấn đề vướng mắc trong thực tiễn xét xử nhưng chưa thể ban hành ngay được văn bản hướng dẫn thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành các giải đáp vướng mắc nghiệp vụ để các Tòa án tham khảo, vận dụng. Cách làm này đã kịp thời tháo gỡ nhiều vướng mắc về áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết các loại vụ án. Đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành 08 Giải đáp và 04 thông báo giải đáp về các vấn đề vướng mắc về hình sự, hành chính, dân sự trong thực tiễn xét xử. Bên cạnh đó, hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành hàng trăm công văn hướng dẫn, trao đổi nghiệp vụ với các Tòa án nhân dân địa phương và các cơ quan hữu quan.
Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao còn tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị quán triệt, tập huấn, tổng kết hàng năm như: Sơ kết 05 năm thi hành Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014; Hội nghị tập huấn chuyên sâu về các nội dung mới của bộ luật, luật, pháp lệnh..., qua đó phổ biến, quán triệt quy định của văn bản quy phạm pháp luật, rút kinh nghiệm đối với các sai sót của các Tòa án nhân dân trong công tác xét xử, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ án.
c) Về phát triển án lệ
Phát triển án lệ là nhiệm vụ mới của Tòa án nhân dân tối cao được ghi nhận trong Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014[11]; nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử đã được ghi nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 và Luật Tố tụng hành chính năm 2015.
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ này, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 và Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP ngày 18/6/2019 (thay thế Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015) về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Chỉ thị số 04/2016/CT-CA ngày 30/5/2016 về tăng cường công tác phát triển và công bố án lệ. Tính đến tháng 11/2022, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành được 56 án lệ, trong đó có 11 án lệ về hình sự, 31 án lệ về dân sự, hôn nhân và gia đình, 10 án lệ về kinh doanh thương mại, 03 án lệ về hành chính và 01 án lệ về lao động (Phụ lục 03).
Ngay sau khi án lệ được công bố, các Tòa án đã viện dẫn, áp dụng án lệ khi giải quyết các vụ việc tương tự. Đến ngày 30/9/2022, đã có 1190 bản án, quyết định của Tòa án đã viện dẫn áp dụng án lệ.
Trên cơ sở các án lệ được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nghiên cứu, xây dựng 03 cuốn “Án lệ và Bình luận”, Quyển I, II và III với nội dung tập hợp 39 án lệ đã được ban hành và những bình luận về từng án lệ.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao đã xây dựng và đưa vào hoạt động Trang tin điện tử về án lệ để kịp thời đăng tải các tin tức, sự kiện liên quan đến án lệ; các bản án, quyết định được đề xuất lựa chọn, phát triển thành án lệ, các dự thảo án lệ; các án lệ đã được công bố và tạo điều kiện cho mọi chủ thể nghiên cứu, bình luận, góp ý kiến đối với các án lệ, dự thảo án lệ. Đến nay, đã có gần 970.000 lượt truy cập vào Trang tin điện tử về án lệ của Tòa án nhân dân tối cao.
Về thực hiện các chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của Tòa án quân sự
Tòa án quân sự Trung ương đã chỉ đạo các Tòa án quân sự chủ động, tích cực giải quyết tốt các vụ án thuộc thẩm quyền, quán triệt chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong giải quyết án. Từ năm 2015 đến nay, các Tòa án quân sự đã xét xử sơ thẩm 910 vụ/1909 bị cáo; xét xử phúc thẩm 224 vụ/543 bị cáo; xét xử giám đốc thẩm 10 vụ/31 bị cáo. Các phán quyết của Hội đồng xét xử các Tòa án quân sự đều có căn cứ, dựa trên kết quả tranh tụng tại phiên tòa; hình phạt áp dụng đối với các bị cáo tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm. Các bản án đã tuyên đều đảm bảo đúng người, đúng tội, không có trường hợp nào xét xử oan người không có tội. Chất lượng xét xử của các Tòa án quân sự được giữ vững và nâng lên, đồng thời với thực hiện tốt công tác giám đốc xét xử, thi hành án hình sự, quản lý lý lịch tư pháp, tuyên truyền pháp luật...
Công tác giám đốc, kiểm tra hoạt động xét xử của Tòa án quân sự Trung ương đối với các Tòa án quân sự cấp dưới và của Tòa án quân sự cấp quân khu đối với Tòa án quân sư khu vực được tiến hành thường xuyên và có nền nếp. Chế độ hoạt động của Ủy ban Thẩm phán được duy trì nghiêm túc theo chức năng, nhiệm vụ luật định; kịp thời giải quyết vướng mắc và thống nhất áp dụng pháp luật trong xét xử; đã phát hiện được những thiếu sót, kịp thời nhắc nhở và rút kinh nghiệm đối với các sai sót của Tòa án quân sự cấp dưới.[12]
Việc thực hiện tổng kết kinh nghiệm xét xử được Tòa án quân sự trung ương tổ chức thường xuyên thông qua các hội nghị sơ kết, tổng kết và tập huấn nghiệp vụ hàng năm. Thông qua đó, các Tòa án quân sự quân khu và tương đương, các Tòa án quân sự khu vực nêu ra những vướng mắc, bất cập về áp dụng pháp luật trong xét xử các vụ án hình sự, trên cơ sở những vướng mắc, bất cập các Tòa án quân sự đã nêu, Ủy ban Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương có giải đáp hoặc xây dựng nội dung tập huấn nghiệp vụ xét xử, tiến hành tập huấn vào tháng 6 hàng năm để nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ xét xử; qua đó góp phần nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án hình sự thuộc thẩm quyền.
Tòa án quân sự trung ương đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng của Quân đội, Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan, ban, ngành Trung ương thực hiện xây dựng, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật[13]; tham gia ý kiến đề nghị sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo đề nghị của các Bộ, Ban, ngành Trung ương; nội dung tham gia đóng góp đảm bảo thời gian, chất lượng; đề xuất được nhiều vấn đề mang tính chiến lược, thiết thực, được các cơ quan đánh giá cao. Hiện tại, Tòa án quân sự Trung ương được Tòa án nhân dân tối cao giao nhiệm vụ chủ trì xây dựng dự thảo Thông tư quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự (thay thế Thông tư số 01/2005/TTLT- TANDTC-VKSNDTC-BQP-BCA ngày 18/4/2005 trong 2022).
Về việc thực hiện công tác thanh tra, giám sát Thẩm phán, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo
Ngày 19/6/2017, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành Quy định xử lý trách nhiệm người giữ chức danh tư pháp trong Tòa án nhân dân (ban hành kèm theo Quyết định số 120/QĐ-CA). Ngày 04/7/2018, thay mặt Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán Quốc gia, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã ký ban hành “Bộ Quy tắc về chuẩn mực đạo đức và ứng xử của Thẩm phán” làm cơ sở để các Thẩm phán tự rèn luyện, cơ quan quản lý đánh giá, khen thưởng, kỷ luật và nhân dân, xã hội giám sát hoạt động của các Thẩm phán. Bộ Quy tắc này được gửi tới các Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện để phối hợp thực hiện công tác giám sát đối với các Thẩm phán.
Công tác giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân trong được thực hiện nghiêm túc; không để xảy ra tình trạng đơn thư tồn đọng, kéo dài; các trường hợp cán bộ, công chức Toà án có sai phạm đều được xử lý nghiêm minh.
Về việc thực hiện công tác hợp tác quốc tế
Trong những năm qua, hệ thống Tòa án nhân dân ngày càng tăng cường hội nhập quốc tế và đạt được nhiều thành tựu. Tòa án nhân dân đã mở rộng hợp tác với Tòa án các nước, các tổ chức khác trong lĩnh vực tư pháp và pháp luật cả về đa phương và song phương. Về hợp tác song phương, cho đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã ký 19 thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực tư pháp với Tòa án tối cao các nước trên thế giới. Về hợp tác đa phương, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao là thành viên Hội đồng Chánh án các nước ASEAN và đảm nhiệm thành công vai trò chủ tịch Hội đồng nhiệm kỳ 2020-2021. Tòa án nhân dân tối cao cũng tham gia tích cực vào Hội nghị Chánh án các nước châu Á- Thái Bình Dương và đóng vai trò tích cực trong việc tổ chức Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới ba nước Việt Nam, Cam-pu-chia và Lào.
Tòa án nhân dân tối cao đã thực hiện nhiều chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật[14], đóng góp đáng kể vào việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của hệ thống Tòa án nhân dân trong công cuộc cải cách tư pháp, chủ yếu trên các lĩnh vực như: công tác xây dựng pháp luật[15]; bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng xét xử[16]; phát triển án lệ và công khai bản án[17]; về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hệ thống Tòa án nhân dân[18]; về thành lập Tòa gia đình và người chưa thành niên[19]; xây dựng và phát triển Học viện Tòa án.[20]
Đồng thời, đáp ứng yêu cầu giải quyết các vụ việc, Tòa án nhân dân tối cao đã tăng cường công tác hợp tác tư pháp quốc tế, thực thi hiện quả các điều ước; phối hợp với cơ quan liên quan nghiên cứu gia nhập Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế; tích cực tham gia đoàn công tác của Chính phủ tham dự các phiên họp của Liên hợp quốc, đoàn đánh giá các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên[21]; triển khai kế hoạch thực hiện nhằm thực thi có hiệu quả nghĩa vụ của thành viên đối với các công ước đã tham gia.
Bên cạnh đó, Toà án nhân dân tối cao tham gia Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án thành lập Cơ quan Nhân quyền quốc gia Việt Nam, tham gia hiệu quả cong tác xây dựng các văn bản pháp luật về hợp tác quốc tế do bộ, ngành khách chủ trì[22], tham gia góp ý kiến đối với các vấn đề hợp tác quốc tế có liên quan đến Tòa án nhân dân[23].
Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực đã góp phần thúc đẩy quá trình cải cách tư pháp và pháp luật tại Việt Nam nói chung và hệ thống Tòa án nhân dân nói riêng. Thông qua các hoạt động hợp tác quốc tế, các chuyên gia, tổ chức quốc tế đã chia sẻ nhiều kinh nghiệm về pháp luật quốc tế, tham gia đóng góp ý kiến về các vấn đề mà Tòa án nhân dân tối cao đề nghị tham vấn, cung cấp các tài liệu tham khảo phục vụ cho hoạt động xây dựng pháp luật, phát triển án lệ và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại Tòa án... Ngoài ra, Thẩm phán và cán bộ Tòa án đã được cung cấp nhiều thông tin, kỹ năng phục vụ cho việc nâng cao chất lượng xét xử, đặc biệt là các lĩnh vực mà Việt Nam chưa có nhiều kinh nghiệm.
Về việc thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng
Công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức được Tòa án đặc biệt chú trọng và tăng cường; đổi mới mạnh mẽ theo hướng thực chất và hiệu quả, tăng mạnh về số lượng và đối tượng được tham gia đào tạo; đổi mới giáo trình tài liệu và phương pháp giảng dạy, học tập; đa dạng hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn. Cụ thể:
- Xây dựng Đề án “Nâng cao năng lực và mở rộng quy mô Trường Cán bộ Tòa án” nhằm chuẩn hóa công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và cán bộ của hệ thống Tòa án. Ngày 30/7/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 1191/QĐ-TTg thành lập Học viện Tòa án nhằm từng bước kiện toàn nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao đội ngũ cán bộ của ngành có chất lượng cao, đủ năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức đáp ứng được yêu cầu chung của phát triển của đất nước cũng như chiến lược Cải cách tư pháp. Ngay sau khi Học viện Tòa án được thành lập, Ban Cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao đã tập trung chỉ đạo việc kiện toàn về tổ chức bộ máy, củng cố đội ngũ giảng viên và tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của Học viện. Đến nay, tổ chức bộ máy của Học viện Tòa án đã được kiện toàn đầy đủ với 13 khoa, phòng. Đội ngũ giảng viên của Học viện cũng được tăng cường về số lượng và nâng cao về chất lượng[24]. Cơ chế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng của Học viện đã được đổi mới mạnh mẽ; cơ sở vật chất, kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm.
Các chương trình đào tạo, bồi dưỡng được xây dựng phù hợp với yêu cầu công việc, bảo đảm đào tạo, bồi dưỡng vừa rộng, vừa chuyên sâu, kết hợp giữa rèn luyện đạo đức, tác phong với bồi dưỡng chuyên môn, giữa lý thuyết với kỹ năng nghiệp vụ Tòa án[25] và bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân. Công tác đào tạo đại học được triển khai thực hiện bước đầu đạt kết quả tốt, Học viện Tòa án đã tiến hành tuyển sinh 05 khóa đào tạo Đại học chuyên ngành Luật với tổng số 1.428 học viên[26]. Hiện nay, Học viện Tòa án đã có thêm chức năng đào tạo sau đại học. Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề (đào tạo nghiệp vụ xét xử, đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án) cũng đã được nâng cao về chất lượng cũng như số lượng các lớp đào tạo. Nếu như trước đây việc đào tạo nghiệp vụ xét xử phải theo chỉ tiêu hàng năm tại Học viện Tư pháp (thuộc Bộ Tư pháp) thì sau khi Học viện Tòa án được thành lập, công tác đào tạo, bồi dưỡng của Tòa án nhân dân mang tính chủ động và hiệu quả hơn rất nhiều[27]. Các lớp đào tạo được mở ra liên tục đã đáp ứng được nhu cầu được đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức Tòa án nhân dân. Công tác tập huấn nghiệp vụ định kỳ cho Thẩm phán cũng được triển khai đồng bộ, góp phần nâng cao kỹ năng nghiệp vụ của Thẩm phán và chất lượng xét xử của Tòa án.
Việc tổ chức thi tuyển chọn Thẩm phán sơ cấp, Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán cao cấp; thi nâng ngạch Thẩm phán; thi nâng ngạch Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án được diễn ra một cách khách quan, công bằng. Từ khi Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức thành công 15 cuộc thi tuyển chọn, nâng ngạch Thẩm phán[28]; 03 kỳ thi nâng ngạch Thẩm tra viên chính, Thư ký viên chính[29].
- Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức Tòa án nhân dân giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 với nhiều hình thức đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, trình độ quản lý, kỹ năng thực hiện công tác dân vận, ngoại ngữ, tin học... và bồi dưỡng lý luận chính trị phù hợp với từng loại đối tượng như cán bộ có chức danh tư pháp, cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ nghiên cứu, chuyên gia, công chức hành chính tư pháp[30]... Hằng năm, Tòa án nhân dân tối cao đều tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử, các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho cán bộ, Thẩm phán Tòa án các cấp[31], trong đó tập trung vào việc triển khai thi hành các văn bản pháp luật mới, các vướng mắc trong thực tiễn xét xử...
- Từ năm 2018, với việc ứng dụng công nghệ thông tin, Tòa án nhân dân tối cao đã duy trì tổ chức tập huấn trực tuyến hàng tháng cho toàn thể đội ngũ Thẩm phán và công chức có chức danh tư pháp trong toàn hệ thống[32].
- Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân tổ chức các Phiên tòa rút kinh nghiệm, qua đó giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa. Các Tòa án nhân dân cấp tỉnh cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho Thẩm phán, công chức và Hội thẩm nhân dân thuộc quyền quản lý, cũng như cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước tại địa phương.
Về đảm bảo kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của các Tòa án nhân dân
Giai đoạn 2016-2022 là thời gian, kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất và phương tiện làm việc của các Tòa án nhân dân được tăng cường quan tâm, cải thiện đáng kể và sử dụng hiệu quả; cơ chế phân bổ ngân sách cho Tòa án dần được hoàn thiện, việc đầu tư xây dựng trụ sở các Tòa án và trang bị phương tiện phục vụ công tác xét xử được ưu tiên. Kinh phí tự chủ được giao 01 lần ngay từ đầu năm và không phân theo nhóm nên có thể phần nào đáp ứng kịp thời và sát thực với nhiệm vụ chi thực tế của từng đơn vị. Kinh phí không tự chủ được phân bổ theo đúng dự toán đã được Bộ Tài chính thông báo. Thực hiện cơ chế địa phương hỗ trợ kinh phí cho các Tòa án nhân dân từ khoản vượt thu ngân sách địa phương.
Triển khai sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định 167/2017/NĐ- CP ngày 31/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ đối với các cơ sở nhà, đất của Tòa án nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố, Tòa án nhân dân tối cao đã hoàn thành xong các thủ tục để gửi Bộ Tài chính ban hành quyết định về phương án xử lý, sắp xếp lại đối với 76 cơ sở nhà, đất của Tòa án nhân dân trên địa bàn các tỉnh, thành phố; thực hiện xong Đề án “Trang bị phương tiện làm việc của hệ thống Tòa án nhân dân giai đoạn III (2014-2018)”[33]; xây dựng và triển khai Đề án “Trang bị phương tiện làm việc của hệ thống Tòa án nhân dân giai đoạn IV (2020-2024)” và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng kinh phí là 1.425 triệu đồng[34].
Trên cơ sở vốn đầu tư được Chính phủ giao, Tòa án nhân dân tối cao đã đầu tư hoàn thành 124 dự án xây dựng trụ sở làm việc của Tòa án nhân dân các cấp. Trong đó, nổi bật là việc hoàn thành trụ sở làm việc của Tòa án nhân dân tối cao tại số 43 phố Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Hà Nội; trụ sở 03 Tòa án nhân dân cấp cao; trụ sở Học viện Tòa án; một số Tòa án tỉnh và trụ sở làm việc của 35 đơn vị Tòa án nhân dân cấp huyện chưa có trụ sở chính thức do thực hiện chia tách địa giới hành chính. Qua đó, các công trình, trụ sở của Tòa án khang trang, hiện đại hơn, có vị trí phù hợp quy hoạch của địa phương, thuận tiện giao thông để người dân dễ tiếp cận; công năng sử dụng phù hợp với hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo tinh thần cải cách tư pháp, cơ bản thống nhất về hình thức tương ứng với quy mô biên chế và lượng án, đảm bảo tính trang nghiêm, tương xứng với vị trí của cơ quan tư pháp, công trình có giá trị mỹ thuật cao, tăng vẻ đẹp đô thị địa phương, tạo ra diện mạo mới, chấm dứt thời kỳ các Tòa án cấp huyện đi thuê trụ sở, cải thiện đáng kể điều kiện làm việc của toàn hệ thống.
Về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Tòa án nhân dân
Trước yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp trong tình hình mới. Đặc biệt, từng bước thực hiện cam kết quốc tế là hoàn thành việc xây dựng Tòa án điện tử vào năm 2025 theo Nghị quyết của Hội nghị Chánh án khu vực ASEAN, trong thời gian qua, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, sự quan tâm của Chính phủ và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, hệ thống Tòa án đã không ngừng cải tiến, nâng cao các điều kiện về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều hệ thống công nghệ thông tin bước đầu giúp cho các hoạt động của Tòa án được thực hiện một cách chuyên nghiệp, công khai, minh bạch hơn, giảm bớt khối lượng công việc hành chính của Tòa án, góp phần hỗ trợ Thẩm phán trong hoạt động chuyên môn; đặc biệt nâng cao hiệu quả chỉ đạo điều hành và giúp người dân dễ dàng tiếp cận công lý. Cụ thể:
Về hạ tầng kỹ thuật: Đã xây dựng Trung tâm tích hợp dữ liệu đạt chuẩn Tier II dùng chung cho các Tòa án và Trung tâm giám sát điều hành Tòa án nhân dân đặt tại Tòa án nhân dân tối cao để lưu trữ tập trung, thống nhất toàn bộ thông tin, dữ liệu của các Tòa án; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin dữ liệu; cung cấp đủ tài nguyên đáp ứng yêu cầu triển khai các hệ thống công nghệ thông tin, phần mềm nội bộ dùng chung của Tòa án đáp ứng yêu cầu triển khai Tòa án điện tử. Đồng thời, thực hiện được việc giám sát, theo dõi tình trạng hoạt động, an toàn thông tin các hệ thống công nghệ thông tin của Tòa án; giám sát, theo dõi các thông tin liên quan đến hoạt động của Tòa án trên không gian mạng; theo dõi, tổng hợp thông tin về tình hình hoạt động và chỉ đạo điều hành của các Tòa án; hỗ trợ người dân xử lý các vấn đề liên quan đến việc sử dụng các nền tảng trực tuyến của Tòa án.
Các Tòa án đã được trang bị, lắp đặt thiết bị truyền hình hội nghị; hệ thống mạng WAN, LAN, đường truyền Internet tốc độ cao phục vụ cho các cán bộ, công chức Tòa án chia sẻ được thông tin, dữ liệu và tài nguyên trong nội bộ đơn vị và truy cập Internet khai thác thông tin phục vụ cho công việc chuyên môn; ngoài ra thông qua hệ thống mạng Internet các Tòa án kết nối về Trung tâm dữ liệu Tòa án nhân dân đặt tại Tòa án nhân dân tối cao để cập nhật, khai thác thông tin dữ liệu trên các phần mềm nội bộ dùng chung; 100% cán bộ công chức được cung cấp máy tính để bàn, máy in có nối mạng để phục vụ công việc; có 517/1.528 phòng xử án của các Tòa án được lắp đặt hệ thống âm thanh để phục vụ công tác xử án.
Về hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng: Trong thời gian qua, với mục tiêu nâng cao hiệu quả quản trị Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao xây dựng, đưa vào sử dụng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng, như: Cổng Thông tin điện tử Toà án nhân dân tối cao[35] và 67 Trang thông tin điện tử Tòa án nhân dân các cấp; Trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của Toà án và Án lệ[36]; Dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án[37]; Dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án bằng phương tiện điện tử[38]. Đồng thời, để giúp cho người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ công của Tòa án, Tòa án nhân dân tối cao đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ban, ngành có liên quan tích hợp 05 dịch vụ công của Toà án nhân dân lên Cổng dịch vụ công quốc gia, gồm: (i) Gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng trực tuyến; (ii) Đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; (iii) Công bố bản án, quyết định của Toà án; (v) Án lệ và Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.
Từ đó, bước đầu tạo dựng môi trường giao tiếp điện tử giúp người dân dễ dàng theo dõi tình hình hoạt động của Tòa án, tra cứu các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật đã được công khai, các văn bản pháp luật, án lệ, thông báo thụ lý các vụ việc, tuyên bố phá sản, kết quả ủy thác tư pháp, tìm kiếm người vắng mặt nơi cư trú,... góp phần nâng cao chất lượng xét xử, chất lượng bản án, quyết định của Tòa án, tăng cường tính công khai, minh bạch trong hoạt động của Tòa án, củng cố niềm tin của người dân vào hoạt động của Tòa án, là phương thức để bảo đảm quyền tiếp cận thông tin , tăng cường sự giám sát của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động xét xử của Tòa án.
Về phần mềm ứng dụng nội bộ: Nghiên cứu và đưa vào sử dụng các phần mềm như Phần mềm thống kê - số liệu các loại án[39]; Phần mềm quản lý việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm[40]; Phần mềm quản lý cán bộ công chức[41]; Phần mềm quản lý công tác thi đua, khen thưởng; Hệ thống phần mềm quản lý số hóa hồ sơ vụ án; Hệ thống phần mềm quản lý tài sản nhà nước; Phần mềm thư điện tử; Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến đến hơn 800 điểm cầu trong hệ thống TAND[42]; Phần mềm quản lý các loại án tổng hợp[43].
Ngoài ra, công tác đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin cũng ngày càng được quan tâm, góp phần bảo đảm cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin và bước đầu xây dựng Tòa án điện tử.
Về công tác thi đua, khen thưởng của Tòa án nhân dân
Hàng năm, Hội đồng thi đua-khen thưởng Tòa án nhân dân đều tổ chức phát động phong trào thi đua phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm tình hình của cơ quan, đơn vị, địa phương; bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về nhiệm vụ trọng tâm công tác Tòa án hằng năm. Các phong trào thi đua đều xác định rõ mục tiêu, đối tượng, nội dung, tiêu chí, phạm vi thi đua cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện, nhằm hoàn thành tốt các chỉ tiêu nhiệm vụ công tác theo các Nghị quyết của Quốc hội và Chỉ thị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Các hoạt động thi đua được tổ chức theo các Cụm thi đua và có Đại hội thi đua yêu nước, Hội nghị điển hình tiên tiến các cấp.
Công tác khen thưởng được thực hiện đúng theo Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn của Chính phủ, Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Trung ương; đề ra các giải pháp tăng cường đổi mới, nâng cao chất lượng công tác khen thưởng; chú trọng khen thưởng các tập thể đơn vị nhỏ, công chức, người lao động trực tiếp; ban hành Quy chế khen thưởn đột xuất, tăng cường khen thưởng đột xuất đối với Thẩm phán, công chức lập thành tích xuất sắc trong công tác xét xử các vụ án lớn về tham nhũng, kinh tế, các vụ án điển hình về cải cách tư pháp, được dư luận xã hội quan tâm, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của Tòa án nhân dân.
Trung bình mỗi năm, Thường trực Hội đồng Thi đua-Khen thưởng Tòa án nhân dân tiếp nhận và thẩm định trên 4.000 hồ sơ đề nghị khen thưởng các loại (cấp Nhà nước, cấp Tòa án nhân dân tối cao) bảo đảm kịp thời, đúng quy định; không có khiếu nại, tố cáo. Trong phong trào thi đua hằng năm do Tòa án nhân dân các cấp phát động, có hàng nghìn tập thể, cá nhân đã được Chánh án Tòa án nhân dân các cấp và lãnh đạo các địa phương tặng thưởng Bằng khen, Giấy khen, các danh hiệu “Chiến sỹ thi đua”, “Lao động tiên tiến”... do đã lập thành tích xuất sắc đột xuất trong phong trào thi đua. Tòa án nhân dân cũng đặc biệt chú trọng kịp thời khen thưởng đối với nhiều tập thể, cá nhân trong thực hiện 14 giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử.
Công tác phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước luôn được quan tâm chú trọng ; các Tòa án nhân dân xây dựng chương trình, kế hoạch xây dựng điển hình tiên tiến, chú trọng phát hiện các nhân tố mới, gương tập thể, cá nhân điển hình hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu thi đua của năm để bồi dưỡng, nhân rộng, thông qua việc báo cáo điển hình tại Hội nghị sơ kết, tổng kết phong trào thi đua hằng năm của các Cụm thi đua và của các Tòa án nhân dân; sửa đổi Quy chế vinh danh Thẩm phán theo hướng đơn giản hóa thủ tục, quy trình xét tặng, tạo điều kiện cho các Thẩm phán có năng lực chuyên môn giỏi, thực hiện tốt chức trách của người Thẩm phán được vinh danh, tạo động lực để Thẩm phán Tòa án nhân dân các cấp tích cực phấn đấu, nâng cao năng lực chuyên môn, trau dồi phẩm chất đạo đức, lối sống, góp phần nâng cao chất lượng công tác.
[1] Người muốn được bổ nhiệm làm Thẩm phán ngoài những điều kiện như trước đây còn phải có thêm điều kiện đã trúng tuyển kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán, có thời gian làm công tác pháp luật từ 05 năm trở lên (thay vì 04 năm như trước đây); Thẩm phán sơ cấp muốn được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán trung cấp phải trải qua kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán trung cấp, Thẩm phán trung cấp muốn được bổ nhiệm vào ngạch Thẩm phán cao cấp phải trải qua kỳ thi nâng ngạch Thẩm phán cao cấp.
[2] 6.179 Thẩm phán; 6.819 Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án và tương đương; 504 chức danh khác.
[3]Theo Quyết định của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt Nam, biên chế của mỗi Toà án quân sự quân khu, quân chủng Hải quân và Thủ đô Hà Nội là 14 đồng chí (Trong đó sỹ quan là 11 đồng chí; Quân nhân chuyên nghiệp, Viên chức quốc phòng là 03 đồng chí).
[4]Mỗi Tòa án quân sự cấp khu vực biên chế 13 đồng chí (Trong đó Sỹ quan là 10 đồng chí; Quân nhân chuyên nghiệp và viên chức quốc phòng là 03 đồng chí).
[5]Hàng năm, các Tòa án đều tổ chức ít nhất 01 lớp tập huấn cho Hội thẩm nhân dân.
[6] Báo cáo đánh giá mô hình thí điểm hoà giải, đối thoại tại Toà án năm 2020 được xây dựng trong Chương trình hợp tác giữa Tòa án nhân dân tối cao và EU JULE.
[7] Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng; Tòa án nhân dân các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa, Đồng Nai, Bình Dương, Long An.
[8]Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) thông qua ngày 24/11/2014 tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII; Bộ luật tố tụng dân sự (sửa đổi) thông qua ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khoá XIII; Luật tố tụng hành chính (sửa đổi) thông qua ngày 25/11/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án thông qua ngày 16/6/2020, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV; Nghị quyết số 33/2021/QH15 Về tổ chức phiên tòa trực tuyến (thông qua ngày 12/11/2021, tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV).
[9Pháp lệnh số 01/2022/UBTVQH15 ngày 24/3/2022 về Trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; Pháp lệnh số 02/2022/UBTVQH15 ngày 18/8/2022 về Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
[10]Hàng năm, Tòa án nhân dân tối cao nhận được hơn hàng trăm vướng mắc của các Tòa án thông qua hộp thư điện tử phapchetoaan2016@gmail.com.
[11]Theo điểm c khoản 2 Điều 22 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”; khoản 5 Điều 27 Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Chỉ đạo việc tổng kết thực tiên xét xử, xây dựng và ban hành Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử; tổng kết phát triển án lệ, công bố án lệ”.
[12] Đã thực hiện kiểm tra 911 bản án đã có hiệu lực pháp luật trong toàn quân, trong đó: án sơ thẩm đã kiểm tra là 707 bản án (cấp khu vực 565 bản án, cấp quân khu 142 bản án), án phúc thẩm đã kiểm tra là 204 bản án. Đảm bảo 100% các bản án có hiệu lực pháp luật của Tòa án quân sự các cấp đều được kiểm tra. Qua kiểm tra đã ra 27 thông báo kiểm tra án gửi các Tòa án quân sự để nghiên cứu, học tập, rút kinh nghiệm chung trong toàn hệ thống.
[13]Như: Nghị quyết số 333/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức; Quyết định số 1121/QĐ-TANDTC về việc quyết định thành lập và quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ máy giúp việc trong các Tòa án quân sự; Thông tư số 18/2020/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định Tiêu chuẩn chức vụ cán bộ thuộc Tòa án quân sự.
[14] Từ tháng 6/2015 đến tháng 4/2022, Tòa án nhân dân tối cao đã và đang thực hiện 05 dự án và chương trình hợp tác với nước ngoài. Đó là các dự án do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA), Dự án do Liên minh châu Âu, Chương trình phát triển Liên hợp quốc và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (EU JULE) đồng tài trợ, Công ty tài chính quốc tế (IFC), Dự án cải thiện Môi trường kinh doanh công bằng trong khu vực ASEAN do Chính phủ Anh tài trợ. Ngoài ra, Tòa án nhân dân tối cao nhận được sự hỗ trợ một số hoạt động từ các nhà tài trợ khác.
[15] Các dự án, chương trình hợp tác với nước ngoài đã hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao trong việc nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện các bộ luật, luật quan trọng như Bộ luật Tố tụng dân sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Hiện nay, Tòa án nhân dân tối cao đang tranh thủ sự hỗ trợ kỹ thuật của các nhà tài trợ để nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế phục vụ xây dựng Luật tư pháp người chưa thành niên. Ngoài ra, các dự án hỗ trợ kỹ thuật cũng đã tổ chức nhiều hội thảo nhằm thu thập ý kiến về xây dựng Nghị quyết Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định của các Bộ luật, Luật nêu trên. Điều này đã giúp cho thủ tục tố tụng của Việt Nam phù hợp hơn với thông lệ quốc tế, quá trình tố tụng tại Tòa án minh bạch hơn và người dân dễ dàng tiếp cận công lý hơn.
[16] Trong những năm qua, với sự hỗ trợ kỹ thuật của các dự án quốc tế, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hội thảo, khóa tập huấn nhằm nâng cao năng lực cho Thẩm phán, Thư ký, Hội thẩm nhân dân và cán bộ Tòa án. Các khóa tập huấn chủ yếu tập trung vào việc thi hành Bộ luật Hình sự, Bộ luật tố tụng Hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật tố tụng Dân sự, Luật tố tụng hành chính và Luật phá sản. Các khóa tập huấn đã cung cấp cho Thẩm phán và cán bộ Tòa án những kiến thức, kỹ năng về giải quyết các vụ án trong các lĩnh vực nêu trên. Ngoài ra, từ năm 2015 đến tháng 4/2022, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức nhiều hội thảo, tập huấn về giải quyết các tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ, thương mại quốc tế.
[17] Các nghiên cứu, hội thảo và tập huấn về lựa chọn, áp dụng án lệ trong công tác xét xử cũng được các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài chú trọng thực hiện. Nhiều chuyên gia quốc tế đã được mời tham gia trình bày tại các hội thảo, tập huấn nhằm chia sẻ, cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức cho Thẩm phán, cán bộ Tòa án về án lệ và vai trò của việc áp dụng án lệ trong giải quyết các vụ án. Những hoạt động trên đây đã tạo tiền đề cho việc thực hiện quy định tại điểm c khoản 2 Điều 22 của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân về việc Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “Lựa chọn quyết định giám đốc thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tổng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử”.
[18] Với sự hỗ trợ của KOICA, trong khuôn khổ Dự án “Tăng cường tính minh bạch và nâng cao chất lượng xét xử tại Tòa án Việt Nam” giai đoạn 2019-2022, Tòa án nhân dân tối cao đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu, xây dựng nhằm chuẩn hóa toàn bộ quy trình nghiệp vụ giải quyết các loại vụ việc của các cấp Tòa án, làm cơ sở xây dựng phần mềm quản lý tổng hợp cho toàn hệ thống Tòa án. Ngoài ra, Dự án cũng hỗ trợ một số hoạt động khác trong việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại Tòa án.
[19] Nhằm thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam về tăng cường bảo vệ quyền trẻ em; bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và xử lý người chưa thành niên vi phạm pháp luật nói riêng, tháng 4 năm 2016, Việt Nam đã thành lập thí điểm Toà gia đình và người chưa thành niên tại Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh. UNICEF và một số nhà tài trợ khác đã hỗ trợ Tòa án nhân dân tối cao nhân rộng mô hình Tòa gia đình và người chưa thành niên.
Bên cạnh đó, Tòa án nhân dân tối cao cũng phối hợp với các đối tác nước ngoài tổ chức các khóa tập huấn, hội thảo nhằm chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong xét xử các vụ việc có liên quan đến người chưa thành niên như giải quyết các vụ án về xâm hại tình dục trẻ em, đặc biệt là việc xét xử kín, cung cấp chứng cứ; các hội thảo về nâng cao hiệu quả hoạt động Tòa gia đình và người chưa thành niên.
[20] Với mục tiêu hỗ trợ Học viện Tòa án xây dựng chiến lược và thực hiện đào tạo chuyên môn nghiệp vụ có chất lượng cao cho cán bộ tư pháp, phù hợp với chuẩn mực và nguyên tắc quốc tế, KOI CA cùng với Tòa án tối cao Hàn quốc đã giúp Tòa án nhân dân tối cao Việt Nam tiếp cận với hệ thống, quá trình đào tạo và phương thức đào tạo Thẩm phán của Hàn Quốc. Hàn Quốc cũng cử nhiều lượt Thẩm phán, chuyên gia sang Việt Nam tư vấn về chương trình đào tạo tư pháp nhằm chia sẻ những kinh nghiệm trong việc xây dựng và phát triển giáo trình, chương trình giảng dạy, quản lý đào tạo tư pháp, phương pháp giảng dạy hiện đại.
[21] Như Công ước về phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia (TOC), Công ước về phòng, chống tham nhũng (CAC); tham gia xây dựng và bảo vệ thành công Báo cáo quốc gia về thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT), Công ước về các quyền dân sự, chính trị (ICCPR), Báo cáo định kỳ phổ quát về quyền con người (UPR), Công ước Chống mất tích cưỡng bức, Công ước về chống tham nhũng, Công ước chống khủng bố toàn cầu;
[22] Như xây dựng Nghị định về các biện pháp ngoại giao; Luật Điều ước quốc tế (sửa đổi)...
[23] Như đề án về gia nhập Công ước La Hay về miễn hợp pháp hóa giấy tờ công của nước ngoài, Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế.
[24] Hiện tại, Học viện có 88 cán bộ, giảng viên, trong đó có 02 Phó giáo sư, 07 Tiến sỹ, 37 thạc sỹ còn lại là cử nhân đại học.
[25] Học viện Tòa án đã tổ chức chương trình Tòa tuyên án, Phiên tòa tập sự để cá sinh viên diễn án. Bên cạnh đó, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức xét xử phiên họp giám đốc thẩm mẫu tại Học viện Tòa án với sự tham dự của các Học viên, sinh viên. Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu hiện có, Học viện đã mời giảng viên là Thẩm phán có nhiều kinh nghiệm trong hệ thống Tòa án hoặc là giảng viên chính có trình độ cao với học hàm Phó Giáo sư, Tiến sỹ, Thạc sỹ từ các cơ sở đào tạo Luật uy tín như Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Học viện Cảnh sát nhân dân tham gia giảng dạy tại Học viện Tòa án.
[26] 208 sinh viên khóa 1; 303 sinh viên khóa 2; 313 sinh viên khóa 3, 310 sinh viên khóa 4; 294 sinh viên khóa 5.
[27] Đào tạo nghiệp vụ xét xử cho 2.336 người; Đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên chính cho 441 người; Đào tạo nghiệp vụ Thư ký viên chính cho 814 người; Đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên cho 358 người; Đào tạo nghiệp vụ Thư ký viên cho 3.276 người;
[28] Thi Thẩm phán cao cấp: dự thi 234 người, trúng tuyển: 151 người; Thi Thẩm phán trung cấp: dự thi 2115 người, trúng tuyển: 1928 người; Thi Thẩm phán sơ cấp: 2712 người, trúng tuyển: 2319 người.
[29] Thi Thẩm tra viên chính: dự thi 216 người, trúng tuyển 156 người; Thi Thư ký viên chính: dự thi 237 người, trúng tuyển 217 người
[30] Đào tạo cao cấp lý luận chính trị cho 83 người (hệ không tập trung 66 người; hệ tập trung là 05 người; hoàn thiện là 12 người); Đào tạo sau đại học cho 99 người (Thạc sĩ là 91 người, Tiến sĩ là 08 người); Bồi dưỡng lãnh đạo, quản lý cấp Vụ cho 174 người, cấp Phòng cho 1.049 người; Bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước: Chuyên viên là 27 người, Chuyên viên chính là 11 người; Bồi dưỡng quốc phòng, an ninh: Đối tượng 1 là 02 người, Đối tượng 2 là 54 người; Bồi dưỡng ở nước ngoài: Cử 115 cán bộ tham gia các Đoàn nghiên cứu học tập tại nước ngoài.
[31]Tổ chức 18 lớp đào tạo nghiệp vụ xét xử cho 1.650 học viên; khóa đào tạo nghiệp vụ Thẩm tra viên cho 2.229 học viên; 01 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho 41 giảng viên Học viện Tòa án; 05 khóa đào tạo nghiệp vụ Thư ký Tòa án cho 426 công chức; 01 lớp tài chính kế toán cho 200 học viên; 01 lớp Thư ký Tòa án trực tuyến cho 1.159 học viên; 05 lớp tập huấn kiến thức pháp luật cho 300 Thẩm phán...
[32] Từ tháng 4/2018 đến nay, Tòa án nhân dân tối cao đã tổ chức 25 hội nghị trực tuyến tập huấn nghiệp vụ cho Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp
[33] Đã mua sắm, trang bị được: 488 xe ô tô, 763 máy điều hòa nhiệt độ, 921 máy photocopy, 9.520 máy vi tính, 1.455 giá để tài liệu, 502 bộ tăng âm loa đài, 490 bộ camera giám sát, 585 bộ bàn ghế xét xử theo mô hình mới...
[34] Kinh phí này dành mua sắm: 537 xe ô tô, 7.348 máy điều hòa nhiệt độ, 939 máy photocopy; 789 bộ bàn ghế xét xử. Trong đó, năm 2021 đã trang bị 110 xe ô tô cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh và một số huyện vùng núi khó khăn. Trong năm 2022 sẽ hoàn thành việc trang bị 250 xe ô tô cho các Tòa án nhân dân các huyện còn lại chưa có xe ô tô; tiếp tục trang máy photocopy và điều hòa nhiệt độ trang bị cho các phòng xét xử.
[35] Cổng thông tin điện tử Tòa án nhân dân tối cao cũng được xây dựng phiên bản bằng tiếng Anh, liên kết với Cổng thông tin điện tử ASEAN.
[36] Đến thời điểm này, Trang thông tin công bố bản án đã có gần 900 nghìn bản án, quyết định; phục vụ hơn 100 triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác thông tin; Trang tin Án lệ đã công bố 52 Án lệ và phục vụ hơn một triệu lượt truy cập tra cứu, khai thác thông tin. Ngoài ra, cơ sở dữ liệu các bản án và án lệ đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ thống đoán định tư pháp phục vụ cho Thẩm phán và người dân (với hệ thống này, người dân chỉ cần cung cấp một số thông tin về tình trạng pháp lý, hành vi pháp lý vụ việc mình đang dự định khởi kiện ra tòa, hệ thống sẽ đưa ra các quy định pháp luật, án lệ và các bản án đã có hiệu lực pháp luật có tình trạng pháp lý, hành vi pháp lý tương tự để người dân tham khảo).
[37] Đây là một dịch vụ hữu ích giúp các cơ quan, tổ chức, người dân không cần phải đến trụ sở của Tòa án, mà có thể đăng ký xin cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án ở bất kỳ thời gian, địa điểm nào. Qua hệ thống này, các Tòa án đã tiếp nhận, giải quyết hơn 6.400 yêu cầu đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án.
[38] Thông qua hệ thống này người dân và doanh nghiệp có thể nộp đơn khởi kiện cho Tòa án mà không bắt buộc phải đến Tòa án đồng thời dễ dàng theo dõi tiến trình giải quyết vụ việc của mình tại Tòa án. Đây là một dịch vụ đột phá trong hoạt động cải cách tư pháp, tạo nền tảng quan trọng cho việc xây dựng Tòa án điện tử. Tuy nhiên, thực tế từ khi đưa vào triển khai thí điểm tại một số Tòa án. Kết quả chưa được người dân quan tâm sử dụng. Nguyên nhân, theo quy định của Nghị quyết số 04/2016/NQ-HĐTP, khi người dân muốn nộp đơn khởi kiện trực tuyến bắt buộc phải có chữ ký số. Trong khi đó, việc sử dụng chữ ký số trong xã hội hiện nay quá mới mẻ, chưa phổ biến đại trà, sử dụng phức tạp và phải trả phí duy trì hàng tháng.
[39] Kể từ khi triển khai, áp dụng hệ thống phần mềm thống kê số liệu các loại án đã giúp cho công tác thống kê - tổng hợp số liệu về tình hình thụ lý, giải quyết các loại vụ án của các Tòa án nhân dân được thực hiện 100% trên máy tính; giúp tiết kiệm về thời gian, nguồn lực, chi phí và đảm bảo tính chính xác về số liệu. Tuy nhiên, trong thời gian qua, do việc thay đổi một số Bộ luật, Luật dẫn đến các tiêu chí trong các biểu mẫu thống kê phải thay đổi để phù hợp với quy định của pháp luật. Vì vậy, trong thời gian tới, phần mềm này phải được chỉnh sửa, nâng cấp để phù hợp với bộ hệ thống biểu mẫu thống kê mới đã được Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ban hành áp dụng thống nhất trong các Tòa án nhân dân.
[40] Việc áp dụng phần mềm này đã giúp cho Tòa án nhân dân tối cao xây dựng được hệ cơ sở dữ liệu thống nhất về công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; thông qua phần mềm này, việc phân công Thẩm phán giải quyết đơn được tiến hành theo phương thức ngẫu nhiên; ngoài ra, qua phần mềm này, lãnh đạo các đơn vị, Thẩm phán và Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao dễ dàng theo dõi được khối lượng công việc và toàn bộ diễn biến quá trình giải quyết đơn.
[41] Phần mềm về công tác tổ chức - cán bộ được đưa vào sử dụng từ năm 2012. Việc triển khai, áp dụng hệ thống phần mềm quản lý cán bộ công chức đã giúp cho lãnh đạo các Toà án quản lý, lưu trữ, theo dõi, tra cứu được toàn bộ thông tin, dữ liệu, diễn biến quá trình công tác của cán bộ công chức từ khi vào công tác tại Tòa án đến khi về nghỉ hưu hoặc chuyển công tác ra ngoài Toà án. Tuy nhiên, hiện nay phần mềm này đang không đáp ứng được yêu cầu công tác tổ chức cán bộ trong tình hình mới do thay đổi về mô hình tổ chức và các quy định của pháp luật về công tác quản lý cán bộ; yêu cầu liên kết, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống phần mềm khác.
[42] Hệ thống này đã tạo môi trường làm việc, tương tác giữa các Tòa án mà không bị cản trở bởi khoảng cách địa lý; giúp cán bộ, công chức các Tòa án nhân dân cấp huyện dễ dàng tham dự các cuộc họp, hội nghị, tập huấn do Tòa án nhân dân tối cao tổ chức. Qua hệ thống này, các Tòa án nhân dân dễ dàng và chủ động tổ chức các cuộc họp, hội nghị, tập huấn trực tuyến vào bất kỳ thời điểm nào. Trung bình hàng năm hệ thống truyền hình hội nghị Tòa án phục vụ hơn 1.200 phiên họp cho Tòa án các cấp, tiết kiệm hàng chục tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
[43] Do dự án Koica tài trợ xây dựng từ năm 2019. Đến nay, phần mềm này đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm. Dự kiến khi phần mềm này hoàn thiện và đưa vào áp dụng chính thức giúp các Tòa án quản lý, theo dõi được tiến trình giải quyết vụ án từ khi thụ lý đến khi kết thúc được nhanh chóng, chính xác; góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết án; là nền tảng cho việc xây dựng hệ thống tố tụng điện tử.
Bài liên quan
-
TANDTC thông báo kết quả vòng 1 và danh sách dự thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng công chức thư ký viên TAND năm 2024
-
Công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực của Tòa án nhân dân tối cao kỳ 2019 – 2023
-
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và dự kiến năm 2025
-
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung BLTTDS năm 2015 tương thích với Luật Tổ chức TAND năm 2024 về việc thu thập tài liệu, chứng cứ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Hành vi chiếm đoạt của Lê Hoàng D phạm “tội cướp tài sản” theo điểm b khoản 3 Điều 168 BLHS năm 2015
-
Bổ sung 6 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025
-
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn đại biểu kiều bào tham dự Chương trình "Xuân Quê hương 2025"
-
Tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận