Những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi)
Ngày 13/9/2018, UBTVQH đã cho ý kiến đối với dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), dự kiến sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8. Bài viết sau đây xin giới thiệu những nội dung sửa đổi, bổ sung cơ bản của dự thảo Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi).
Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 17/6/2010 tại Kỳ họp thứ 7, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2011. Qua hơn 08 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, công tác thi hành án hình sự đã được tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật và thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta trong giáo dục, cải tạo người phạm tội. Tổng kết 08 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010 có 74,5% người chấp hành xong hình phạt tù, 96,98% người được đặc xá, 98,9% người chấp hành xong hình phạt tại xã, phường, thị trấn đã phấn đấu trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội.[1]
Bên cạnh kết quả đạt được, Luật Thi hành án hình sự năm 2010 đã bộc lộ những bất cập, hạn chế, một số quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tiễn; đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới và nhiều bộ luật, luật có nội dung liên quan đến thi hành án hình sự nên các quy định của Luật Thi hành án hình sự hiện hành không bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan. Trong tình hình hiện nay, việc sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án hình sự năm 2010 được đặt ra rất cần thiết.
So với Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật mở rộng thêm phạm vi điều chỉnh về thi hành quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; về thi hành bản án, quyết định về đình chỉ hoạt động có thời hạn, đình chỉ hoạt động vĩnh viễn, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định, cấm huy động vốn và các biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội; về quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án hình sự, biện pháp tư pháp. Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào 03 nhóm nội dung sau đây:
1.Những nội dung sửa đổi, bổ sung để cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến quyền con người, quyền công dân
Để cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, dự thảo Luật đã bổ sung Điều 25a quy định về quyền, nghĩa vụ của phạm nhân; đồng thời, trong từng điều luật cụ thể đã chỉnh lý các quy định có liên quan để phù hợp với quy định tại Điều 25a. Điều 25a quy định có 09 nhóm quyền mà phạm nhân được bảo đảm, trong đó, có 01 nhóm quyền quy định mang tính nguyên tắc: “Phạm nhân được hưởng các quyền khác của công dân nếu không bị hạn chế bởi Luật này và luật khác có liên quan, trừ trường hợp các quyền đó không thể thực hiện được do họ đang chấp hành án tại Trại giam, cơ sở giam giữ”. Các quy định này là phù hợp với Hiến pháp năm 2013, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam năm 2015 và tính tương thích với các điều ước quốc tế (Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu đối xử đối với tù nhân năm 1955 của Liên hợp quốc).
2.Những nội dung sửa đổi, bổ sung bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật hình sự và các quy định của pháp luật khác có liên quan
Thứ nhất, về thi hành án hình sự, thi hành biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
– Về cơ quan có trách nhiệm quản lý, cơ quan có trách nhiệm thi hành, cơ quan có trách nhiệm phối hợp thi hành bản án, quyết định của Tòa án đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Để bảo đảm thống nhất hệ thống tổ chức thi hành án hình sự và không làm phát sinh đầu mối mới về cơ quan quản lý thi hành án hình sự, dự thảo Luật quy định theo hướng Cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng là Cơ quan quản lý thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội.
Do lĩnh vực kinh doanh, hoạt động của pháp nhân thương mại rất rộng, chịu sự quản lý, cấp phép bởi nhiều cơ quan khác nhau; đồng thời, các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại rất đa dạng, vì vậy về cơ quan thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội, dự thảo Luật quy định theo hướng có sự kết hợp giữa cơ quan chuyên trách về thi hành án hình sự và các cơ quan, tổ chức khác liên quan đến hoạt động của pháp nhân thương mại phạm tội. Theo đó, dự thảo Luật không quy định tổ chức thêm một cơ quan thi hành án hình sự mới mà giao Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cấp quân khu có nhiệm vụ tổ chức thi hành các hình phạt và biện pháp tư pháp áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Đồng thời bổ sung quy định về cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại, đó là cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, đăng ký kinh doanh, chấp thuận cho pháp nhân thương mại hoạt động, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trực tiếp liên quan đến việc thi hành các hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại được Tòa án có thẩm quyền giao thực hiện một số nhiệm vụ thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại.
– Về thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại
Dự thảo Luật bổ sung 01 chương (Chương X), với 06 mục, 23 điều (từ Điều 140a đến điều 140y) quy định về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; cụ thể như sau:
+ Mục 1. Quy định chung về thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại phạm tội: Mục này có 03 điều (từ Điều 140a đến Điều 140c), quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại; quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành án;
+ Mục 2. Đình chỉ hoạt động có thời hạn: Mục này có 04 điều (từ Điều 140d đến Điều 140g), quy định về Quyết định thi hành án phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn; thi hành quyết định thi hành án phạt đình chỉ hoạt động có thời hạn; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án đối với pháp nhân thương mại; kết thúc thi hành án đình chỉ hoạt động có thời hạn;
+ Mục 3. Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn: Mục này có 03 điều (từ Điều 140h đến Điều 140k), quy định về Quyết định thi hành án phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; thi hành quyết định thi hành án phạt đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án đối với pháp nhân thương mại;
+ Mục 4. Cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định: Mục này có 04 điều (từ Điều 140l đến Điều 140o), quy định về Quyết định thi hành án phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; thi hành quyết định thi hành án phạt cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án đối với pháp nhân thương mại; kết thúc thi hành án cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định;
+ Mục 5. Cấm huy động vốn: Mục này có 04 điều (từ Điều 140p đến Điều 140s), quy định về Quyết định thi hành án phạt cấm huy động vốn; thi hành quyết định thi hành án phạt cấm huy động vốn; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án đối với pháp nhân thương mại; kết thúc thi hành án cấm huy động vốn;
+ Mục 6. Thi hành biện pháp tư pháp đối với pháp nhân thương mại: Mục này có 06 điều (từ Điều 140t đến Điều 140y), quy định về cơ quan được giao nhiệm vụ thi hành quyết định áp dụng biện pháp tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu trong thi hành quyết định áp dụng biện pháp tư pháp; nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án đối với pháp nhân thương mại; thi hành Quyết định áp dụng biện pháp tư pháp quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 82 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); quyền, nghĩa vụ của pháp nhân thương mại chấp hành biện pháp tư pháp.
Thứ hai, về thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Để bảo đảm thống nhất với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan về tha tù trước thời hạn có điều kiện, dự thảo Luật đã bổ sung 01 mục (Mục 2A) với 18 điều (từ Điều 49a đến Điều 49s) vào Chương III (Thi hành án phạt tù). Các điều khoản này quy định về: Thời điểm xét tha tù trước thời hạn có điều kiện (thực hiện mỗi năm 03 đợt, vào thời điểm kết thúc Quý I, 6 tháng đầu năm, cuối năm); thi hành Quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện; Cơ quan quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện (Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội nơi người được tha tù trước thời hạn có điều kiện về cư trú, làm việc là cơ quan trực tiếp tổ chức quản lý, giám sát và giáo dục người được tha tù trước thời hạn có điều kiện); nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; tiêu chuẩn, trách nhiệm của người được giao quản lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; nghĩa vụ của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách; việc lao động, học tập của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; thủ tục rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; Quyết định rút ngắn thời gian thử thách đối với người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; thực hiện việc kiểm điểm người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; bổ sung hồ sơ thi hành tha tù trước thời hạn có điều kiện; việc đi lại, vắng mặt của người được tha tù trước thời hạn có điều kiện; giải quyết trường hợp người được tha tù trước thời hạn có điều kiện thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc; xử lý người được tha tù trước thời hạn có điều kiện vi phạm nghĩa vụ hoặc vi phạm pháp luật bị xử phạt vi phạm hành chính; giải quyết trường hợp phạm nhân đã được đề nghị tha tù trước thời hạn có điều kiện mà vi phạm nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ; hủy bỏ quyết định tha tù trước thời hạn có điều kiện và trách nhiệm của gia đình người được tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Thứ ba, thực hiện những quy định mới của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ, thi hành án treo.
– Về thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ
Để bảo đảm phù hợp với quy định của của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về hình phạt cải tạo không giam giữ, dự thảo Luật bổ sung các quy định về trình tự, thủ tục, nghĩa vụ của người chấp hành án cải tạo không giam giữ; trình tự, thủ tục chuyển đổi hình thức “khấu trừ thu nhập” sang “lao động phục vụ cộng đồng”; bổ sung quy định về tiêu chuẩn, trách nhiệm của người được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ; giải quyết trường hợp người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ không có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện, Cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu; việc đi lại, vắng mặt của người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ.
– Về thi hành án treo
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định nghĩa vụ của người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo trong thời gian thử thách; về xử lý người chấp hành án treo vi phạm nghĩa vụ; giải quyết trường hợp người chấp hành án treo bỏ trốn; tiêu chuẩn, trách nhiệm của người được giao giám sát, giáo dục người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo; rút ngắn thời gian thử thách đối với người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo; quyết định rút ngắn thời gian thử thách; việc đi lại, vắng mặt của người chấp hành án phạt tù cho hưởng án treo.
Thứ tư, để phù hợp với quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), dự thảo Luật đã bãi bỏ những quy định về thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn đối với người dưới 18 tuổi của Luật Thi hành án hình sự năm 2010.
3.Những nội dung sửa đổi, bổ sung khắc phục những khó khăn, vướng mắc sau 8 năm thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc khi thi hành Luật Thi hành án hình sự năm 2010, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung những quy định sau:
– Đã bổ sung một điều quy định về quyền và nghĩa vụ của phạm nhân (được trình bày tại điểm a mục 1 Phần V Tờ trình này);
– Sửa đổi Điều 24 (Thi hành quyết định hoãn chấp hành án phạt tù) Luật Thi hành án hình sự năm 2010 theo hướng bổ sung quy định gửi quyết định hoãn chấp hành án phạt tù cho Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn chấp hành án về cư trú. Đồng thời, bổ sung quy định: “Đối với người được hoãn bị bệnh nặng và khó xác định tình trạng sức khỏe thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh có trách nhiệm trưng cầu giám định y khoa và đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với người được hoãn có dấu hiệu nghi mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức”;
– Bổ sung quy định về hồ sơ quản lý phạm nhân; Ban tự quản phạm nhân; xếp loại chấp hành án phạt tù. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều quy định có liên quan về chế độ giam giữ, trích xuất phạm nhân phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ; chế độ giam giữ cho các đối tượng đặc biệt để thống nhất trong tổ chức thực hiện;
– Đã sửa đổi, bổ sung các quy định khác có liên quan trong dự thảo Luật để bảo đảm phù hợp với các nhóm nội dung sửa đổi, bổ sung nêu trên. Ngoài ra, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh lý về kỹ thuật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và phù hợp quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015./.
[1] Xem Tờ trình số 342/TTr-CP ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án hình sự.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận