Những quy tắc ứng xử của Thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ, tại cơ quan, nơi cư trú, gia đình và nơi công cộng
Ngày nay, ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, Thẩm phán là chức danh cao quý, được người dân và xã hội ngưỡng mộ, tin tưởng và đặc biệt tôn trọng. Bên cạnh những đòi hỏi cao về chuyên môn, nghiệp vụ, các tiêu chuẩn về đạo đức của Thẩm phán là những điều kiện không thể thiếu để các Thẩm phán thực thi quyền tư pháp một cách vô tư, khách quan, công bằng, thượng tôn Hiến pháp và pháp luật; xứng đáng là chỗ dựa của người dân trong việc bảo vệ công lý, quyền con người
Để tiếp tục trau dồi, nâng cao đạo đức của đội ngũ Thẩm phán; triển khai thực hiện các nghị quyết, văn kiện của Đảng về công tác cán bộ nói chung và về Thẩm phán nói riêng[1]; bảo đảm các Thẩm phán là những tấm gương về “Phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”, “gần dân, hiểu dân, giúp dân, học dân” như lời dạy của Bác Hồ, ngày 04/7/2018, Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia đã ký ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán (sau đây viết là Bộ Quy tắc), trong đó quy định những chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán và những quy tắc ứng xử trong từng trường hợp cụ thể.
Trong phạm vi bài viết này, chúng tôi xin được giới thiệu và bình luận về những quy tắc ứng xử của Thẩm phán trong thực hiện nhiệm vụ, tại nơi làm việc, nơi cư trú, trong gia đình và nơi công cộng[2]. Các quy tắc này cụ thể hóa những chuẩn mực đạo đức tại Chương II của Bộ Quy tắc; được xây dựng trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng, các đạo luật về tố tụng và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan; kế thừa các quy định về quy tắc ứng xử tại Quyết định số 1253/2008/QĐ-TANDTC ngày 18/9/2008 của Tòa án nhân dân tối cao; tham khảo có chọn lọc quy định trong Bộ quy tắc Bangalore về đạo đức tư pháp 2002[3], Hiến chương Thẩm phán toàn cầu[4], Quy tắc đạo đức đối với thành viên và cựu thành viên Tòa án Công lý của Liên minh Châu Âu 2016, Bộ quy tắc đạo đức Thẩm phán của một số quốc gia trên thế giới như Nga, Mỹ, Israel, Singapore, Hàn Quốc, Philippines v.v. Ở đây, chúng tôi xin được nhấn mạnh Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán không phải là văn bản quy phạm pháp luật, các quy định trong Bộ Quy tắc không phải là sự sao chép lại các quy định của luật mà là sự ghi nhận một cách hệ thống những thành tố hình thành nên đạo đức của người Thẩm phán, những ứng xử mà Thẩm phán phải thực hiện để giữ gìn phẩm giá của mình, sự tôn trọng, tin tưởng mà nhân dân và xã hội dành cho họ.
1.Các quy tắc ứng xử khi thực hiện nhiệm vụ
Các quy tắc ứng xử của Thẩm phán khi thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Điều 10 của Bộ Quy tắc; gồm 6 việc Thẩm phán phải làm, 9 việc Thẩm phán không được làm. Nội dung của từng quy định được thể hiện rõ ràng, dễ hiểu, phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật; trong đó, có những quy định nếu được nhận thức một cách sâu sắc sẽ góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng xét xử, đặc biệt là trong bối cảnh đất nước ta đang trong quá trình cải cách tư pháp, triển khai nhiều quy định mới của Hiến pháp và các đạo luật về công tác Tòa án. Xin được nêu một số nội dung sau đây:
Thứ nhất, một trong những việc khi thực hiện nhiệm vụ, Thẩm phán phải làm là: “Bảo đảm dân chủ, nghiêm minh, khách quan trong giải quyết các vụ việc; lắng nghe, tôn trọng ý kiến của những người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng” (điểm b khoản 1 Điều 10). Nội dung này đã được quy định trong các luật tố tụng; tuy nhiên, khi xuất hiện trong Bộ Quy tắc, bên cạnh ý nghĩa là quy định của pháp luật mà mỗi Thẩm phán phải nghiêm chỉnh chấp hành thì còn là những ứng xử thể hiện giá trị đạo đức của người Thẩm phán, những giá trị đó là liêm chính, vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng, đúng mực, không thiên vị. Có vậy, khi giải quyết các vụ việc, các Thẩm phán mới thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, đáp ứng được yêu cầu cải cách tư pháp về việc “… bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp”[5].
Thứ hai, trong những việc Thẩm phán không được làm tại điểm a khoản 2 Điều 10 quy định Thẩm phán không được làm những việc pháp luật quy định công dân không được làm. Chúng tôi nhận thấy, quy định này cần được hiểu với nội hàm rộng hơn. Cụ thể là, các Thẩm phán, trước hết là công dân Việt Nam nên phải thực hiện nghĩa vụ công dân; tuy nhiên, bên cạnh nghĩa vụ công dân các Thẩm phán còn phải thực hiện nghĩa vụ của cán bộ, công chức, không được làm những việc mà cán bộ, công chức không được làm theo Luật Cán bộ, công chức và pháp luật có liên quan; đối với các Thẩm phán là đảng viên thì còn phải thực hiện đúng quy định của Đảng về những điều đảng viên không được làm[6].
Thứ ba, tại điểm c khoản 2 Điều 10 quy định Thẩm phán không được can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ việc. Đây là nội dung không mới nhưng liên quan trực tiếp đến chuẩn mực đạo đức về tính độc lập và sự đúng mực của Thẩm phán. Với quy định này, bên cạnh những vi phạm mà pháp luật đã quy định chế tài để xử lý, chúng tôi xin được chia sẻ suy nghĩ và cách nhìn về quy định này với một nội hàm rộng hơn để tránh những tư tưởng hữu khuynh làm chậm quá trình cải cách tư pháp cũng như việc triển khai thực hiện những quan điểm đổi mới của Đảng đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và pháp luật. Với nhận thức của chúng tôi, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, kỹ năng xét xử của những Thẩm phán có nhiều năm công tác trong các Tòa án là vốn quý không dễ dàng có được, rất cần đúc rút để truyền lại cho những lớp Thẩm phán tiếp theo. Tuy nhiên, để nguồn vốn quý này phát huy hiệu quả, có ý nghĩa thiết thực đối với công tác Tòa án thì cần được đón nhận với một cái nhìn biện chứng, trong bối cảnh cải cách tư pháp, trong sự phát triển chung của đất nước và hội nhập quốc tế, không nên áp đặt một cách máy móc, rập khuôn; đặc biệt là khi tính độc lập, sự đúng mực, năng lực và sự chuyên cần đã được ghi nhận là những chuẩn mực đạo đức Thẩm phán.
2.Các quy tắc ứng xử tại cơ quan
Các quy tắc ứng xử của Thẩm phán tại cơ quan quy định tại Điều 11 Bộ Quy tắc; gồm 6 việc Thẩm phán phải làm, 3 việc Thẩm phán không được làm. Các quy định tại Điều này được xây dựng trên cơ sở quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, Luật Cán bộ, công chức, Luật Phòng, chống tham nhũng và các quy định của Đảng. Trong đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến quy định về những việc Thẩm phán không được làm; cụ thể là:
(a) Thực hiện không đúng thẩm quyền, lạm quyền, vượt quyền;
(b) Đùn đẩy trách nhiệm cho người khác;
(c) Trù dập, lợi dụng việc góp ý, phê bình làm tổn hại đến danh dự, uy tín của cán bộ, công chức.
Những nội dung thuộc nội hàm của các quy định nêu trên cũng là những hạn chế, tồn tại trong thực trạng công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ nói chung đã được Hội nghị lần thứ 4 và lần thứ 7 Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII nhận diện, đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Nghị quyết của Hội nghị đã chỉ ra rằng một trong những nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ là biểu hiện không gương mẫu trong công tác; né tránh trách nhiệm, thiếu trách nhiệm, trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; không còn ý thức hết lòng vì nước vì dân, không làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; nguyên tắc tự phê bình và phê bình thực hiện không nghiêm, chưa có cơ chế để bảo vệ người đấu tranh, phê bình; một bộ phận lãnh đạo, quản lý uy tín thấp, năng lực, phẩm chất chưa ngang tầm nhiệm vụ, cá nhân chủ nghĩa, vướng vào tham nhũng, lợi ích nhóm. Như vậy, quy định những việc Thẩm phán không được làm như tại khoản 2 Điều 11 cần được nhìn nhận là một bước đi cụ thể, góp phần triển khai thi hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 và lần thứ 7 của Ban chấp hành trung ương Đảng. Điều này, còn có ý nghĩa hơn khi các quy định đó hiện diện trong Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán, được các Thẩm phán trong toàn quốc thảo luận, đóng góp ý kiến với sự đồng tình rất cao.
3.Các quy tắc ứng xử tại nơi cư trú, tại gia đình và tại nơi công cộng
Các quy tắc ứng xử tại nơi cư trú, tại gia đình và nơi công cộng được quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Bộ Quy tắc[7]. Như chúng tôi đã đề cập, Thẩm phán là chức danh cao quý, với nhiều người, Thẩm phán là tấm gương, là hình ảnh của công lý, của sự chuẩn mực, của niềm tin và lẽ phải. Những ứng xử của Thẩm phán tại nơi cư trú, tại gia đình, nơi công cộng bên cạnh ý nghĩa là việc thực hiện nghĩa vụ của công dân, nó còn tác động tích cực đến những người xung quanh mà trước hết là những thành viên cùng sống với người Thẩm phán dưới một mái nhà, giúp mọi người nhận thức và hành động đúng, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến văn hóa, đạo đức và pháp luật. Bởi vậy, việc quy định các quy tắc này trong Bộ Quy tắc là hết sức cần thiết – đây cũng là những biểu hiện cụ thể của tính thanh liêm, sự vô tư, khách quan, công bằng, bình đẳng, sự đúng mực và tận tụy đã được ghi nhận là những chuẩn mực đạo đức Thẩm phán.
Trong bối cảnh đất nước ta đang triển khai mạnh mẽ các chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp; về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; kiện toàn công tác cán bộ, việc ban hành Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán là hết sức ý nghĩa và cần thiết. Bộ Quy tắc là cuốn cẩm nang ghi nhận một cách hệ thống những chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử để mỗi Thẩm phán rèn luyện, tu dưỡng và phấn đấu; đồng thời, đây là sự cam kết mạnh mẽ của các Thẩm phán, Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia trong việc giữ gìn đạo đức Thẩm phán, xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.
[1] – Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020;
– Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị;
– Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 16/01/2012 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XI;
– Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị;
– Nghị quyết số 04-NQ/TW ngày 30/10/2016 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII;
– Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 19/05/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa XII.
[2] Quy định tại Điều 10, Điều 11, Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Bộ Quy tắc.
[3] Bộ Quy tắc Đạo đức tư pháp, dự thảo Bangalore năm 2001, được thông qua bởi Nhóm Tư pháp về Tăng cường liêm chính tư pháp; được sửa đổi tại Hội nghị bàn tròn của các Chánh án tổ chức tại cung điện Hòa bình, Hague, 25-26 tháng 11 năm 2002.
[4] Nội dung của Hiến chương này đã được các đại diện nhất trí thông qua bởi Hội đồng trung ương của Hiệp hội Thẩm phán quốc tế tại Hội nghị ngày 17 tháng 11 năm 1999 tại Đài Bắc.
[5] Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
[6] Quy định số 74-QĐ/TW ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành trung ương Đảng về những điều đảng viên không được làm.
[7] Điều 14. Ứng xử tại nơi cư trú
- 1. Thẩm phán phải thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tham gia sinh hoạt và chấp hành đầy đủ nghĩa vụ ở nơi cư trú, chịu sự giám sát của tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân.
- 2. Thẩm phán phải tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng đến nhân dân.
- 3. Thẩm phán không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân nơi cư trú; không tham gia, xúi giục, kích động, bao che các hành vi trái pháp luật.
Điều 15. Ứng xử tại gia đình
- 1. Thẩm phán phải xây dựng gia đình có văn hóa; thực hiện nghiêm chỉnh quyền và nghĩa vụ công dân; có nếp sống văn hóa theo phong tục tập quán và truyền thống Việt Nam.
- 2. Thẩm phán phải tuyên truyền, giáo dục, vận động thành viên trong gia đình chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.
- 3. Thẩm phán không được để thành viên trong gia đình lợi dụng danh nghĩa của Thẩm phán để vụ lợi.4. Thẩm phán không được tổ chức cưới hỏi, ma chay, mừng thọ, sinh nhật, tân gia và các việc khác xa hoa, lãng phí hoặc để vụ lợi.
Điều 16. Ứng xử tại nơi công cộng
- Thẩm phán phải chấp hành các quy định của pháp luật và quy tắc sinh hoạt nơi công cộng; ứng xử phù hợp với các giá trị đạo đức của Thẩm phán.
- 2. Thẩm phán phải kịp thời thông báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết các thông tin về những hành vi vi phạm pháp luật.
- 3. Thẩm phán không được lợi dụng chức danh của mình để vụ lợi khi tham gia các hoạt động xã hội.
- 4. Thẩm phán không được tiếp tay hoặc bao che cho hành vi vi phạm pháp luật.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận