Nỗ lực trong hợp tác tư pháp quốc tế – Đảm bảo giải quyết các vụ án thông suốt
Sự hỗ trợ về tư pháp giữa các quốc gia bằng thông lệ “có đi có lại” hoặc thông qua các Hiệp định, Điều ước quốc tế đều mang lại hiệu quả tích cực đối với tư pháp. Trong hình sự, làm tăng hiệu quả xử lý tội phạm, trong dân sự làm giảm bớt phiền hà cho người dân khi có yêu cầu dân sự chính đáng…
Tăng cường hiệu quả xử lý tội phạm bỏ trốn
Còn nhớ vào ngày 21/12/2017, Bộ Công an đã ra lệnh khởi tố bị can ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”) về hành vi “Cố ý làm lộ tài liệu bí mật Nhà nước” theo Điều 263 Bộ luật Hình sự. Cùng với lệnh khởi tố bị can, lực lượng công an đã khám xét nhà của Vũ “nhôm” tại Đà Nẵng. Ngay sau đó, Vũ “nhôm” bỏ trốn và bị phát lệnh truy nã. Ngày 28/12/2017 , Vũ “nhôm” bị bắt ở Singapore với cáo buộc vi phạm Đạo Luật Di trú Singapore. Ông Phan Văn Anh Vũ nhập cảnh vào Singapore với hộ chiếu Việt Nam nhưng không đúng tên thật của mình. Trong khi ông ấy cũng mang theo trong người một hộ chiếu Việt Nam với tên thật của mình. Ông Phan Văn Anh Vũ lúc đó còn mang theo một hộ chiếu thứ ba.
So sánh với lần nhập cảnh gần nhất vào Singapore cũng như những lần nhập cảnh vào Singapore trước đây, Phan Văn Anh Vũ đã khai gian dối với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Singapore (ICA). ICA cũng đã hoàn tất các điều tra riêng của mình. Phan Văn Anh Vũ cũng đã bị cảnh cáo nghiêm khắc thay cho việc khởi tố. ICA đã hủy quyền du lịch và trục xuất ông Phan Văn Anh Vũ ra khỏi Singapore theo quy định của Đạo luật nhập cư Singapore. ICA đã yêu cầu Phan Văn Anh Vũ quay về Việt Nam, nơi đầu tiên ông rời khỏi trước khi nhập cảnh vào Singapore, cũng là nơi cấp hộ chiếu mang tên ông.
Sau đó, nhờ sự phối hợp của các cơ quan ngoại giao, ông Vũ được đưa về Việt Nam. Trong vụ việc trên, tuy Việt Nam và Singapore chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp nhưng dựa trên thông lệ quốc tế dạng “có qua có lại” trong quan hệ giữa hai nước với nhau. Theo thông lệ này, trong trường hợp Singapore bắt giữ được một đối tượng truy nã của Việt Nam (khi hai nước chưa ký Hiệp định tương trợ tư pháp) thì nước này sẽ tạo điều kiện cho phía Việt Nam dẫn độ. Đổi lại trong trường hợp Việt Nam bắt được đối tượng truy nã của Singapore thì Việt Nam cũng sẽ tạo điều kiện cho Singapore dẫn độ khi có yêu cầu dựa trên nguyên tắc quốc tế về luật pháp, có qua có lại với nhau. Việc bắt được những tên tội phạm trùm xỏ như Phan Văn Anh Vũ có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết triệt để những vụ án lớn, gây băn khoăn, bức xúc trong dư luận xã hội.
Trong dân sự và ở hoàn cảnh hiện tại, khi sự giao thương giữa các nước phổ biến thì sự hỗ trợ về tư pháp trong lĩnh vực dân sự bằng phương thức “có qua có lại” lại càng cần thiết. Thực tế đã có nhiều bản án nước ngoài, ví dụ như bản án ly hôn tại Hàn Quốc được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam dựa trên nguyên tắc có đi có lại.
Kí nhiều hiệp định tư pháp về hình sự…
Ngoài hỗ trợ tư pháp dựa trên nguyên tắc “có đi có lại” thì việc đàm phán, ký kết các Hiệp định tương trợ tư pháp góp phần tăng cường hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa các cơ quan tư pháp của Việt Nam và các nước, tạo cơ sở pháp lý thuận lợi để đẩy nhanh việc xử lý các yêu cầu tương trợ tư pháp, góp phần tích cực để giải quyết các vấn đề phát sinh từ vụ án hình sự trong phạm vi lãnh thổ các nước liên quan cũng là yêu cầu đặt ra trong thời kì hội nhập.
Trong năm 2018, hoạt động đàm phán, ký kết Điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp trong các lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù có những bước tiến đáng ghi nhận về cả số lượng và chất lượng các Điều ước được đề xuất đàm phán, tiến hành đàm phán, ký kết. Về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, Việt Nam đã tiến hành đàm phán thành công Hiệp định với từng nước: Cu Ba, Mô-dăm-bích, U-dơ-bê-ki-xtan; đang đề xuất đàm phán Hiệp định với các nước khác như: Nhật Bản, I-xra-en, I-ran, I-ta-li-a.
Về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù, Việt Nam đã tiến hành đàm phán Hiệp định về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù với Mông Cổ, Ca-dắc-xtan; Chuẩn bị đàm phán 6 Hiệp định về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với các nước: I-xra-en, I-ta-li-a, Bun-ga-ri; đề xuất đàm phán 12 Hiệp định về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành án phạt tù với các nước khác; thực hiện thủ tục phê chuẩn Hiệp định về chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.
Theo đó, dẫn độ là việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó. Khi có hiệp ước dẫn độ, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án; Thực hiện việc dẫn độ người nước ngoài đang ở trên lãnh thổ Việt Nam có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật cho nước yêu cầu để truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án (Điều 32 Luật Tương trợ tư pháp 2007). Điều đó có ý nghĩa quan trọng trong việc xử lý tội phạm hình sự.
Cùng với đó, là các Hiệp ước về chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù. Theo đó, người đang chấp hành hình phạt tù có thể được chuyển giao đến nước mà người đó mang quốc tịch hoặc đến nước khác đồng ý tiếp nhận chuyển giao để tiếp tục chấp hành hình phạt tù mà nước chuyển giao đã tuyên đối với người đó; (Điều 49 Luật Tương trợ tư pháp). Việc chuyển giao này có ý nghĩa trong việc xử lý tội phạm sau khi có bản án từ nước sở tại.
Kết quả của các hoạt động hợp tác tư pháp cũng như việc kí kết các Hiệp định tư pháp về hình sự giữa các bên nêu trên phản ánh sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan Trung ương về công tác điều ước quốc tế của năm 2018. Theo đó, đã có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời giữa cơ quan chủ trì với các cơ quan khác trong việc đề xuất đàm phán, góp ý dự thảo hiệp định, phương án đàm phán hiệp định. Từ đó, công tác đàm phán, ký kết Hiệp định giữa Việt Nam với nước ngoài đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận thể hiện bằng việc một số Hiệp định đã được đàm phán thành công cũng như đã được Việt Nam và nước ngoài cùng nhau ký kết. Sau khi có hiệu lực, những Hiệp định này là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hoạt động hợp tác về tố tụng hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù giữa Việt Nam với nước thành viên hiệp định.
Hỗ trợ trong các vấn đề tư pháp dân sự
Trong năm qua, về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự, Việt Nam đã hoàn tất việc đàm phán, ký Hiệp định với Hung-ga-ri; hoàn thiện hồ sơ đề xuất đàm phán Hiệp định với Ấn Độ, Thái Lan.
Từ trước tới nay, tống đạt văn bản tố tụng ra nước ngoài và thu thập chứng cứ ở nước ngoài là hai thủ tục quan trọng của công tác giải quyết vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài mà Tòa án cấp tỉnh và Tòa án cấp cao thường gặp khó khăn. Hiện nay, khó khăn về thủ tục tống đạt văn bản tố tụng đã cơ bản được giải quyết bằng việc Việt Nam gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ.
Sau khi gia nhập Công ước tống đạt giấy tờ, với tinh thần việc gia nhập các Điều ước quốc tế đa phương phải bảo đảm tính đồng bộ, hiệu quả, khắc phục được khó khăn phát sinh từ các vụ việc dân sự do Tòa án Việt Nam giải quyết, Tòa án nhân dân tối cao đã cùng với Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu khả năng Việt Nam gia nhập Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước thu thập chứng cứ). Đây là một Công ước của Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế có hiệu lực từ năm 1972 và cho đến thời điểm hiện nay đã có 61 nước gia nhập. Đáng chú ý là các nước mà Tòa án Việt Nam thường có yêu cầu thu thập chứng cứ khi giải quyết vụ việc dân sự như: Hoa Kỳ, Anh, Úc, Đức và Sing-ga-po đều là thành viên của Công ước này. Qua nghiên cứu, đánh giá thì nhận thấy các quy định của Công ước này cơ bản phù hợp với quy định của pháp luật tố tụng dân sự của Việt Nam nên việc gia nhập Công ước này trong tương lai là có tính khả thi. Trên tinh thần đó, trong năm 2018, Tòa án nhân dân tối cao đã tích cực phối hợp với Bộ Tư pháp trong công tác xây dựng hồ sơ gia nhập Công ước này vào năm 2019.
Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp ở Trung ương cũng đang cùng Bộ Tư pháp bước đầu tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 49/QĐ-TTg ngày 11/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Kế hoạch chuẩn bị gia nhập Công ước La Hay năm 1980 về các khía cạnh dân sự của hành vi bắt cóc trẻ em quốc tế giai đoạn 2018-2021.
Năm 2018 là năm liên tục có những thành tựu trong việc đàm phán, kí kết các Hiệp định tương trợ tư pháp. Việc nhận được sự hỗ trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự từ các quốc gia sẽ góp phần thúc đẩy giải quyết nhanh chóng nhiều vấn đề trong tố tụng dân sự. Hiệu quả tích cực đó lan tỏa và tạo thuận lợi cho người dân…
Theo phaply.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận