Phải áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T

Sau khi nghiên cứu bài viết “Có áp dụng tình tiết tái phạm nguy hiểm đối với bị cáo Huỳnh Xuân T không?” của tác giả Trần Minh Huy, tôi đồng ý với quan điểm thứ hai (cũng là quan điểm của tác giả).

Bởi lẽ, căn cứ tại Điều 53 BLHS năm 2015 quy định: “1. Tái phạm là trường hợp đã bị kết án, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý hoặc thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do vô ý.

2. Những trường hợp sau đây được coi là tái phạm nguy hiểm:

a) Đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

b) Đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”.

Đối chiếu với vụ án mà tác giả đưa ra thì bị cáo Huỳnh Xuân T có 04 tiền án về tội “trộm cắp tài sản” và “tàng trữ trái phép chất ma túy”. Cụ thể:

 Lần thứ 1: Ngày 16/12/2016 bị cáo bị xử phạt 01 năm tù về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và 02 năm tù về tội trộm cắp tài sản. Chưa xóa án tích.

- Lần thứ 2: Ngày 22/9/2020, bị cáo bị xử phạt 18 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Chưa xóa án tích.

- Lần thứ 3: Ngày 20/12/2022, bị cáo trộm cắp tài sản trị giá 500.000 đồng, Tòa án xét xử bị cáo theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS và có áp dụng tình tiết tăng nặng là “tái phạm”. Chưa được xóa án tích.

 Lần thứ 4: Bị can tiếp tục trộm cắp tài sản trị giá 300.000 đồng.

Theo đó T thực hiện các hành vi đều cấu thành tội phạm độc lập và mỗi lần phạm tội đều bị kết án mà chưa được xóa án tích, trong đó đối với lần phạm tội thứ ba T bị Tòa án xét xử theo điểm b khoản 1 Điều 173 BLHS và áp dụng tình tiết tăng nặng là “tái phạm” và chưa xóa án tích cho nên lần phạm tội thứ tư của T phải áp dụng tình tiết tăng nặng “tái phạm nguy hiểm”. Đồng thời, theo hướng dẫn tại điểm b tiểu mục 7.3 Mục 7 Nghị quyết số 01/2006/NQ-HĐTP ngày 12/5/2006 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự thì “trường hợp các tiền án của bị cáo không được xem xét là dấu hiệu cấu thành tội phạm “đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” vì hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì các tiền án của bị cáo phải tính để xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm”. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 53 BLHS, được coi là tái phạm nguy hiểm tức là “đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại thực hiện hành vi phạm tội do cố ý”. Do đó, hành vi phạm tội của T thuộc trường hợp tái phạm nguy hiểm và bị cáo phải bị xét xử theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 173 BLHS năm 2015.

Trên đây là quan điểm trao đổi của tác giả, rất mong nhận được ý kiến của bạn đọc.

TRẦN VĂN MINH (Tòa án quân sự khu vực Quân khu 7)

TAND huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum mở phiên toà xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hoài Thương.