Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Chiều ngày 22/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương với 89,23% tổng số đại biểu Quốc hội tán thành

Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Trước đó, tại phiên họp sáng ngày 25/10, Quốc hội đã thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Về cơ bản, các vị đại biểu Quốc hội đều tán thành với các nội dung giải trình, tiếp thu, chỉnh lý trong dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp, đồng thời đóng góp thêm các ý kiến nhằm hoàn thiện dự thảo Luật.

Quốc hội đã biểu quyết thông qua dự án Luật, kết quả như sau: Có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.75%); trong đó, có 431 đại biểu tán thành (bằng 89.23%).

Về quy định tổ chức chính quyền địa phương tại khoản 1, khoản 14 của Điều 2 đã có 451 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93.37%); trong đó, có 436 đại biểu tán thành (bằng 90.27%).

Về quy định số lượng cấp phó của HĐND, UBNDtại khoản 8, Khoản 13 của Điều 2,  đã có 446 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92.34%); trong đó, có 422 đại biểu tán thành (bằng 87.37%).

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sẽ có hiệu lực thi hành từ 01 tháng 7 năm 2020.

Luật cũng có quy định về điều khoản chuyển tiếp đối với một số quy định liên quan đến số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp, cơ cấu Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, số lượng cấp phó Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để áp dụng từ nhiệm kỳ 2021-2026.

HÙNG SƠN