Quy định của BLTTHS năm 2015 về tạm hoãn xuất cảnh và một số bất cập
Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy quy định về áp dụng biện pháp này còn chưa hợp lý.
1.Bất cập cần khắc phục
Tại Điều 124 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) năm 2015 quy định về các biện pháp ngăn chặn, trong đó có biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh. Đây là biện pháp ngăn chặn mới được bổ sung so với BLTTHS năm 2003. Điểm đặc biệt ở biện pháp ngăn chặn này so với các biện pháp ngăn chặn khác đó là có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo và còn được áp dụng đối với người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố khi có căn cứ xác định việc xuất cảnh của các đối tượng này có dấu hiệu bỏ trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ. Đây là quy định tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan tiến hành tố tụng trong các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án nhằm khắc phục tình trạng người phạm tội xuất cảnh, bỏ trốn ra nước ngoài, nhất là các trường hợp đang trong giai đoạn bị thanh tra, kiểm tra của các cơ quan chức năng, giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố như trước đây. Tuy nhiên, qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy quy định về áp dụng biện pháp này theo quy định của BLTTHS năm 2015 còn chưa hợp lý:
Thứ nhất, về đối tượng áp dụng các biện pháp ngăn chặn (trong đó có biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh): Tại khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015 quy định chỉ có người bị buộc tội mới có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn, trong khi đó tại điểm đ khoản 1 Điều 4 giải thích: “Người bị buộc tội gồm người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo” mà không có người bị tố giác, kiến nghị khởi tố, do vậy các quy định về đối tượng áp dụng biện pháp ngăn chặn là chưa thống nhất.
Thứ hai, về áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh trong giai đoạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố: Tại khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015 quy định: “Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không được quá thời hạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này…”.
Theo quy định tại Điều 147 BLTTHS năm 2015 thì thời hạn tối đa để giải quyết nguồn tin về tội phạm (kể cả được gia hạn) là không quá 04 tháng 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Hết thời hạn nêu trên, cơ quan có thẩm quyền phải ra một trong các quyết định sau: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định không khởi tố vụ án hình sự hoặc quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố. Đối với trường hợp khởi tố hoặc không khởi tố vụ án hình sự, việc áp dụng hoặc hủy bỏ các biện pháp ngăn chặn đã được quy định cụ thể, rõ ràng không có vướng mắc. Tuy nhiên, trong trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố thì BLTTHS năm 2015 lại chưa quy định, trong khi đó tại khoản 3 Điều 148 BLTTHS năm 2015 quy định: “Trường hợp tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố thì việc giám định, định giá tài sản hoặc tương trợ tư pháp vẫn tiếp tục được thực hiện”.
Do vậy, trong trường hợp này nếu hết thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm thì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cũng hết (vì thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn xác minh nguồn tin tội phạm theo quy định khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015) thì mặc nhiên người đó được xuất cảnh sang nước ngoài, trong khi cơ quan giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố vẫn tiếp tục thực hiện các biện pháp điều tra để chứng minh tội phạm và khi đã đủ chứng cứ chứng minh tội phạm thì người phạm tội đã bỏ trốn sang nước ngoài, do đó gây khó khăn, tốn kém cho công tác điều tra, truy tố, xét xử… nhất là hiện nay việc thực hiện tương trợ tư pháp hình sự về dẫn độ, ủy thác tư pháp… còn nhiều bất cập. Do vậy, việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh trong trường hợp này không hiệu quả.
2.Kiến nghị sửa đổi, bổ sung
Từ những bất cập của các quy định có liên quan đến việc áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm hoãn xuất cảnh như đã nêu trên, tác giả kiến nghị như sau:
2.1. Bổ sung thêm đối tượng có thể bị áp dụng biện pháp ngăn chặn: người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố vào khoản 1 Điều 109 BLTTHS năm 2015 thành: “Để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội, người bị tố giác hoặc người bị kiến nghị khởi tố sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc tiếp tục phạm tội hoặc bảo đảm cho thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh”.
2.2. Bổ sung thêm quy định gia hạn thời hạn tạm hoãn xuất cảnh vào khoản 3 Điều 124 BLTTHS năm 2015 như sau: “Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh không quá thời hạn được giải quyết nguồn tin về tội phạm, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử theo quy định của Bộ luật này. Thời hạn tạm hoãn xuất cảnh đối với người bị kết án phạt tù không quá thời hạn kể từ khi tuyên án cho đến thời điểm người đó đi chấp hành án phạt tù.
Trong trường hợp đã hết thời hạn kiểm tra, xác minh tin báo, tố giác tội phạm theo quy định tại Điều 147 Bộ luật này mà vẫn chưa có kết quả giám định, kết quả định giá tài sản hoặc chưa nhận được kết quả của việc yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật quan trọng có ý nghĩa quyết định đối với việc khởi tố hoặc không khởi tố, thì có thể gia hạn thêm thời hạn tạm hoãn xuất cảnh cho đến khi nhận được kết quả giám định, kết quả định giá tài sản hoặc tài liệu, đồ vật quan trọng”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Chánh án TANDTC Lê Minh Trí gặp mặt các đồng chí lãnh đạo TANDTC qua các thời kỳ
-
Thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng ban hành bản án của Tòa án
-
Phạm vi trách nhiệm hình sự của hậu quả thiệt hại do hành vi vi phạm an toàn giao thông gây ra
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
1 Bình luận
Hoàng Anh
22:56 17/09.2024Trả lời