Quy định về xử phạt các vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 của một số quốc gia và Việt Nam

Bài viết sau đây sẽ tổng hợp và giới thiệu quy định xử phạt với các vi phạm các quy định liên quan tới phòng chống dịch COVID-19 của một số quốc gia trên thế giới và quy định của pháp luật Việt Nam.

Ngày 11/3/2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra là đại dịch toàn cầu. Kể từ khi ghi nhận ca nhiễm virus đầu tiên ở Trung Quốc vào cuối năm 2019 đến nay, đại dịch đã lan rộng khắp thế giới, ở trên 205 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến sáng 03/4/2020, thế giới có 1.011.490 người mắc Covid-19 với 52.863 ca tử vong.[1] Trước tình hình trên, các nước trên thế giới đã và đang áp dụng các biện pháp rất mạnh mẽ để chống COVID-19, bao gồm việc áp dụng nhiều hình phạt mạnh tay với người vi phạm các quy định liên quan tới phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có cả phạt tiền và phạt tù.

 1.Quy định xử phạt của một số quốc gia trên thế giới

1.1.Trung Quốc

Tại Trung Quốc, các tội xâm phạm sức khỏe cộng đồng được quy định tại mục 5 Chương 6 (các tội vi phạm trật tự quản lý xã hội) của BLHS với 8 điều, từ Điều 330 đến Điều 337.[2] Theo quy định tại Điều 330 của Bộ luật này, người nào có hành vi vi phạm các quy định của Luật Phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm, gây ra sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sẽ bị phạt tù đến 3 năm, nếu gây hậu quả nghiêm trọng, sẽ bị phạt tù từ 3 năm đến 7 năm. Các hành vi vi phạm được nêu cụ thể như từ chối xử lý khử trùng nước thải, chất ô nhiễm, phân và nước tiểu bị ô nhiễm bởi mầm bệnh của các bệnh truyền nhiễm theo các yêu cầu vệ sinh của các cơ quan kiểm soát dịch bệnh; từ chối thực hiện các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát do các cơ quan kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh đặt ra theo Luật Phòng, chống và điều trị các bệnh truyền nhiễm… Như vậy, các vi phạm liên quan tới phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử lý hình sự.

1.2.Liên bang Nga và Hungary

Vào ngày 31/3/2020, các nhà lập pháp Nga đã thông qua quy định phạt tiền lên tới 25.000 đô la Mỹ và phạt tù đến 5 năm đối với hành vi phát tán thông tin sai lệch liên quan đến COVID-19. Đối với các cơ quan truyền thông, mức xử phạt liên quan đến hành vi này lên đến 127.000 đô la Mỹ.

Mới đây, một người phụ nữ 32 tuổi đã bị phạt 380 đô la Mỹ khi đăng trên mạng xã hội thông tin sai lệch về dịch bệnh. Một thanh niên 26 tuổi cũng đã bị phạt với mức tương tự khi bình luận vào một báo cáo với thông tin 1 người đã chết do COVID-19 tại một bệnh viện.

Tại Hungary, vào ngày 30/3/2020, nghị viện nước này cũng đã thông qua quy định xử phạt lên đến 5 năm tù đối với hành vi phát tán thông tin sai lệch liên quan đến đại dịch.[3]

1.3.Ấn Độ

Từ 0 giờ ngày 25/3/2020, Ấn Độ – quốc gia đông dân thứ 2 trên thế giới với hơn 1,3 tỷ người – đã phong tỏa toàn bộ đất nước, mọi người không được rời khỏi nhà, trong nỗ lực to lớn nhằm kiểm soát sự lây lan của COVID-19. Lệnh phong tỏa có hiệu lực trong 21 ngày.

Theo quy định, những người ra ngoài mà không có lý do chính đáng có thể bị bắt giữ, bị phạt tới 1.000 rupee (tương đương 13,5 đô la Mỹ) và bị phạt tù 6 tháng.[4]

1.4.Hàn Quốc

Cuối tháng 3 năm 2020, Hàn Quốc đã thông qua đạo luật nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, trong đó có điều khoản phạt tối đa 1 năm tù hoặc 10 triệu won (tương đương 8.200 đô la Mỹ) với những người cố tình vi phạm quy định về cách ly.

Bên cạnh đó, các quan chức y tế khuyến cáo những người đã tiếp xúc ở khoảng cách dưới 2 m với bệnh nhân COVID-19 đã có triệu chứng nên ở nhà trong 2 tuần. Chính quyền sẽ có hỗ trợ tài chính với những người tuân thủ quy định, ví dụ như một gia đình 4 người sẽ nhận được 1.000 USD.

1.5.Mỹ

Pháp luật Mỹ cũng có quy định về việc phạt tù những người vi phạm quy định về tự cách ly trong thời điểm bệnh dịch bùng phát. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết luật pháp về việc vi phạm cách ly là khác biệt ở từng bang. Tại hầu hết các bang, vi phạm lệnh cách ly của chính quyền được xem là phạm tội hình sự.

Ví dụ, tại bang Michigan, cá nhân vi phạm luật sức khỏe công cộng của bang có thể bị phạt tới 200 đô la Mỹ hoặc bị phạt đến 6 tháng tù giam hoặc chịu cả 2 hình phạt nêu trên.

1.6.Australia

Tại Australia, hầu hết các trường hợp bị cách ly hiện tại là theo tinh thần tự nguyện và đồng thuận, vì người dân nước này hiểu được rằng việc tuân thủ theo các khuyến nghị y tế là điều quan trọng nhằm bảo vệ sức khỏe cá nhân và cộng đồng.

Tuy nhiên, khi cách ly trở thành yêu cầu chính thức từ chính quyền, một người không tuân thủ có thể bị phạt hàng nghìn USD và thậm chí phạt tù. Luật pháp ở từng bang có quy định khác nhau về việc xử phạt. Ví dụ, tại bang Tasmania, mức phạt tối đa là 8.400 USD cho mỗi trường hợp vi phạm. Ở bang New South Wales, một người có thể bị phạt 11.000 USD hoặc 6 tháng tù giam.

Tại bang South Australia, hình phạt tối đa cho hành vi trốn cách ly là 25.000 USD, trong khi bang Western Australia quy định khoản tiền phạt là 50.000 USD hoặc phạt tù tối đa 12 tháng[5] và đang dự kiến nâng lên 10 năm.[6]

1.7.Italia và Pháp

Tại Italia, nơi dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến vô cùng nghiêm trọng, đã dự định nâng mức xử phạt đối với hành vi vi phạm lệnh phong tỏa trên toàn bộ quốc gia, từ 206 euros (tương đương 222 đô la Mỹ) lên mức 3.000 euros (3.246 đô la Mỹ).

Tại Pháp, cá nhân không tuân thủ quy định về cách ly sẽ bị phạt 38 euros (tương đương 41 đô la Mỹ). Tuy nhiên, trước tình hình căng thẳng của đại dịch, Chính phủ Pháp dự kiến nâng mức phạt này lên tới 1.500 euros (tương đương 1.618 đô la Mỹ).[7]

1.8.Ả Rập Xê-út

Tại Ả Rập Xê-út, lệnh giới nghiêm toàn quốc đã được ban hành và có hiệu lực từ ngày thứ Hai, 24/3/2020. Những người vi phạm lệnh giới nghiêm sẽ bị phạt 10.000 riyal (tương đương 2.777 đô la Mỹ). Người tái phạm lần thứ nhất sẽ bị phạt gấp đôi, tái phạm lần thứ hai sẽ bị phạt tù đến 20 ngày.[8]

1.9.Singapore

Tại Singapore, kể từ khi đại dịch bùng phát, hàng ngàn người ở Singapore đã tự cách ly tại nhà. Những người thuộc diện bắt buộc phải cách ly sẽ được gọi điện thoại để kiểm tra nhiều lần trong ngày và được yêu cầu nhấp vào liên kết trực tuyến để chia sẻ vị trí điện thoại của họ. Các quan chức cũng thực hiện kiểm tra tại chỗ để đảm bảo việc tuân thủ việc cách ly bắt buộc. Những người không ở nhà có thể bị phạt tới 10.000 đô la Singapore hoặc hoặc bị phạt tù đến 6 tháng.[9]

1.10.Bắc Ailen

Bắc Ailen cũng đang triển khai các biện pháp mạnh mẽ để chống lại dịch COVID-19. Theo đó, cá nhân vi phạm quy định về cách ly sẽ bị phạt 60 bảng Anh cho lần đầu tiên. Cá nhân nếu tái phạm sẽ bị xử phạt gấp đôi là 120 bảng Anh và mức phạt sẽ tăng gấp đôi cho mỗi lần vi phạm tiếp theo.[10]

2.Quy định của pháp luật Việt Nam

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, các chế tài để xử lý các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 bao gồm chế tài hành chính và chế tài hình sự.

Chế tài hành chính được quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012, các văn bản hướng dẫn thi hành. Mức xử phạt cụ thể các vi phạm hành chính liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 được quy định tại Nghị định số 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016); Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP ngày 24/4/2017)…

Đối với chế tài hình sự, các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19 nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm theo quy định tại Điều 240 BLHS năm 2015, sẽ  bị phạt tù lên đến 12 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Để góp phần ngăn chặn sự gia tăng phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trong thời điểm hiện nay, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã ban hành Công văn số 45/TANDTC-PC ngày 30/3/2020[11] hướng dẫn áp dụng pháp luật và tổ chức xét xử đối với một số hành vi vi phạm pháp luật phổ biến có đủ yếu tố cấu thành tội phạm trong phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, các hành vi như trốn cách ly, thông tin sai sự thật, “ém” hàng để thu lợi bất chính… đều bị xử lý hình sự.

Trên cơ sở tổng hợp các quy định của pháp luật và  hướng dẫn nêu trên, Sở Tư pháp thành phố Hà Nội vừa ban hành Văn bản số 925/STP-PBGDPL ngày 03/4/2020 đề nghị phối hợp triển khai hình thức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan đến phòng, chống dịch COVID-19, trong đó nêu chi tiết mức phạt đối với 13 hành vi vi phạm các quy định về phòng, chống COVID-19. Cụ thể:

“1. Người không đeo khẩu trang nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 300.000 đồng.

2.Người vứt khẩu trang đã sử dụng không đúng nơi quy định tại nơi công cộng bị phạt tiền tối đa đến 5.000.000 đồng, nếu vứt ra vỉa hè, đường phố bị phạt tối đa đến 7.000.000 đồng.

3.Người che giấu tình trạng bệnh của mình hoặc của người khác khi mắc bệnh COVID-19 bị phạt tiền tối đa đến 2.000.000 đồng

4.Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống công cộng có nguy cơ làm lây truyền dịch bệnh tại vùng có dịch thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

5.Không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch COVID-19 thì bị phạt tiền tối đa đến 10.000.000 đồng đối với cá nhân, 20.000.000 đồng đối với tổ chức.

6.Người không thực hiện quyết định kiểm tra, giám sát, xử lý y tế trước khi ra vào vùng có dịch bị phạt tiền tối đa đến 20.000.000 đồng.

7.Người nào trốn khỏi nơi cách ly; không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly để phòng, chống dịch COVID-19 có thể bị xử phạt hành chính tối đa đến 10 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật hình sự (Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người) trong trường hợp gây truyền dịch bệnh cho người khác.

8.Hành vi trốn khỏi nơi cách ly, không tuân thủ quy định về cách ly; từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly mà làm gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật hình sự (Tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người).

9.Người nào khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối gây lây truyền dịch bệnh COVID-19 cho người khác bị xử lý theo Điều 240 Bộ luật hình sự.

10.Người nào đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh COVID-19 có thể bị phạt tiền tối đa đến 15 triệu đồng hoặc bị xử lý theo Điều 288 Bộ luật hình sự (Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông).

11.Người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thì bị xử lý theo Điều 330 Bộ luật hình sự (Tội chống người thi hành công vụ).

12.Chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ…) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh thì bị xử lý theo Điều 295 Bộ luật hình sự.

13.Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh COVID-19 để mua vét hàng hóa đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý theo quy định tại Điều 196 (Tội đầu cơ) Bộ luật hình sự”[12]./.

Người dân đeo khẩu trang phòng chống COVID-19 ở quảng trường Piazza del Duomo, Milan, ngày 23.2.2020. Ảnh: AFP

[1] Covid-19: Số ca nhiễm vượt 1 triệu trên toàn cầu, Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại – Bộ Công Thương (VITIC), tại http://vinanet.vn/kinhte-taichinh/covid-19-so-ca-nhiem-vuot-1-trieu-tren-toan-cau-727067.html, 03/4/2020.

[2] Xem bản tiếng Anh Bộ luật hình sự của Trung Quốc tại https://www.fmprc.gov.cn/ce/cgvienna/eng/dbtyw/jdwt/crimelaw/t209043.htm

[3] Xem https://globalnews.ca/news/6761156/coronavirus-russia-fake-news-crackdown/

[4] Xem https://www.straitstimes.com/world/coronavirus-how-some-countries-are-keeping-or-not-keeping-people-indoors

[5] Theo Nguyễn Phong, Các nước trên thế giới xử phạt người trốn cách ly Covid-19 như thế nào? Luật sư Việt Nam Online, tại https://lsvn.vn/cac-nuoc-tren-the-gioi-xu-phat-nguoi-tron-cach-ly-covid-19-nhu-the-nao.html, 25/3/2020.

[6] Xem https://www.abc.net.au/news/2020-03-31/wa-coronavirus-crime-plan-for-jail-terms-and-electronic-tracking/12104286

[7] Xem https://www.nbcnews.com/health/health-news/live-blog/millions-more-ordered-stay-home-coronavirus-cases-grow-n1167336/ncrd1167446#liveBlogHeader.

[8] Xem https://www.nbcnews.com/health/health-news/live-blog/millions-more-ordered-stay-home-coronavirus-cases-grow-n1167336/ncrd1167446#liveBlogHeader.

[9] Xem https://www.theguardian.com/world/2020/mar/11/mass-testing-alerts-and-big-fines-the-strategies-used-in-asia-to-slow-coronavirus.

[10] Xem https://www.psni.police.uk/advice_information/COVID-19/.

[11] Xem chi tiết tại https://www.toaan.gov.vn/webcenter/portal/tatc/chi-tiet-chi-dao-dieu-hanh?dDocName=TAND114227.

[12] Thành Nam, Hà Nội: Chi tiết mức phạt đối với 13 hành vi vi phạm quy định phòng chống Covid-19, Báo điện tử An ninh thủ đô, tại https://anninhthudo.vn/doi-song/ha-noi-chi-tiet-muc-phat-doi-voi-13-hanh-vi-vi-pham-quy-dinh-phong-chong-covid19/849306.antd.

Ths TẠ ĐÌNH TUYÊN