Quyền và nghĩa vụ của người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A

Người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút COVID-19 sẽ có quyền và nghĩa vụ gì khác so với người bệnh nói chung? Trong trường hợp người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút COVID-19 từ chối hợp tác mà bỏ về nhà, thậm chí bỏ trốn khỏi khu vực cách ly, thì đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Bài viết này sẽ trả lời các câu hỏi trên.

Ngày 01/02/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 173/QĐ-TTg về việc công bố dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút Corona gây ra.[1] Theo đó, tính chất, mức độ nguy hiểm của dịch được xác định là bệnh truyền nhiễm nhóm A, nguy cơ ở mức độ khẩn cấp toàn cầu.[2] Như vậy, trong trường hợp này, người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút COVID-19 sẽ có quyền và nghĩa vụ gì khác so với người bệnh nói chung? Trong trường hợp người nhiễm hoặc nghi nhiễm vi rút COVID-19 từ chối hợp tác mà bỏ về nhà,[3] thậm chí bỏ trốn khỏi khu vực cách ly,[4] thì đây có phải là hành vi vi phạm pháp luật hay không? Bài viết này sẽ trả lời các câu hỏi trên.

1. Quyền và nghĩa vụ của người bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 không định nghĩa “bệnh” là gì, mà chỉ định nghĩa “khám bệnh,” “chữa bệnh,” và “người bệnh.” Theo đó, người bệnh là người sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.[5] Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định bảy quyền và ba nghĩa vụ của người bệnh như sau.

1.1. Quyền của người bệnh

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, người bệnh có các quyền sau đây:

Thứ nhất, quyền được khám bệnh, chữa bệnh có chất lượng phù hợp với điều kiện thực tế. Người bệnh được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh; được điều trị bằng phương pháp an toàn, hợp lý và có hiệu quả theo các quy định chuyên môn kỹ thuật.[6]

Thứ hai, quyền được tôn trọng bí mật riêng tư. Người bệnh được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án. Thông tin này chỉ được phép công bố khi người bệnh đồng ý hoặc để chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng chẩn đoán, chăm sóc, điều trị người bệnh giữa những người hành nghề trong nhóm trực tiếp điều trị cho người bệnh hoặc trong trường hợp khác được pháp luật quy định.[7]

Thứ ba, quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh không bị kỳ thị, phân biệt đối xử hoặc bị ép buộc khám bệnh, chữa bệnh (trừ một số trường hợp đặc biệt); được tôn trọng về tuổi tác, giới tính, dân tộc, tín ngưỡng; không bị phân biệt giàu nghèo, địa vị xã hội.[8]

Thứ tư, quyền được lựa chọn trong khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh được cung cấp thông tin, giải thích, tư vấn đầy đủ về tình trạng bệnh, kết quả, rủi ro có thể xảy ra để lựa chọn phương pháp chẩn đoán và điều trị; chấp nhận hoặc từ chối tham gia nghiên cứu y sinh học về khám bệnh, chữa bệnh; được lựa chọn người đại diện để thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ của mình trong khám bệnh, chữa bệnh.[9]

Thứ năm, quyền được cung cấp thông tin về hồ sơ bệnh án và chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh được cung cấp thông tin tóm tắt về hồ sơ bệnh án nếu có yêu cầu bằng văn bản (trừ trường hợp pháp luật có quy định khác); được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.[10]

Thứ sáu, quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh được từ chối xét nghiệm, sử dụng thuốc, áp dụng thủ thuật hoặc phương pháp điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc từ chối của mình (trừ một số trường hợp đặc biệt); được ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi chưa kết thúc điều trị nhưng phải cam kết tự chịu trách nhiệm bằng văn bản về việc ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trái với quy định của người hành nghề (trừ một số trường hợp đặc biệt).[11]

Thứ bảy, quyền của người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi. Trường hợp người bệnh bị mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp cấp cứu, để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người bệnh, nếu không có mặt người đại diện hợp pháp của người bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh.[12]

1.2. Nghĩa vụ của người bệnh

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, người bệnh có các nghĩa vụ sau đây:

Thứ nhất, nghĩa vụ tôn trọng người hành nghề. Người bệnh phải tôn trọng và không được có hành vi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề và nhân viên y tế khác.[13]

Thứ hai, nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh phải cung cấp trung thực thông tin liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề (trừ trường hợp người bệnh thực hiện quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo quy định tại Điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009); chấp hành và yêu cầu người nhà của mình chấp hành nội quy của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.[14]

Thứ ba, nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh. Người bệnh có trách nhiệm chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh (trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật). Trường hợp người bệnh tham gia bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.[15]

2. Quyền và nghĩa vụ của người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 định nghĩa “bệnh truyền nhiễm” là “bệnh lây truyền trực tiếp hoặc gián tiếp từ người hoặc từ động vật sang người do tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.”[16] Bệnh truyền nhiễm được phân loại thành ba nhóm là nhóm A, nhóm B, và nhóm C.[17] Trong đó, nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Các bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ê-bô-la (Ebola), Lát-sa (Lassa) hoặc Mác-bớc (Marburg); bệnh sốt Tây sông Nin (Nile); bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do vi rút và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.[18]

Người mắc bệnh truyền nhiễm là người bị nhiễm tác nhân gây bệnh truyền nhiễm có biểu hiện triệu chứng bệnh.[19] Đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, quyền và nghĩa vụ của họ có một số sự thay đổi so với quyền và nghĩa vụ của người bệnh nói chung.

2.21. Không áp dụng quyền được từ chối chữa bệnh và ra khỏi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh

Trong trường hợp thông thường, một người có quyền đối với sức khỏe của chính họ.[20] Do đó, người bệnh có quyền được khám bệnh, chữa bệnh, và cũng có quyền được từ chối chữa bệnh.[21]

Tuy nhiên, bệnh truyền nhiễm nhóm A là các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỷ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh, do đó, gây nguy hiểm cho sức khỏe của cộng đồng. Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 quy định rằng người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A không có quyền được từ chối chữa bệnh mà thuộc trường hợp bắt buộc chữa bệnh.[22]

2.2. Củng cố quyền được tôn trọng bí mật riêng tư và quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định về quyền được tôn trọng bí mật riêng tư và quyền được tôn trọng danh dự, bảo vệ sức khỏe trong khám bệnh, chữa bệnh.[23] Củng cố các quyền này, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi phân biệt đối xử và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.[24] Thầy thuốc và nhân viên y tế trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm giữ bí mật thông tin liên quan đến người bệnh.[25]

2.3. Được miễn nghĩa vụ chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh

Tương ứng với việc bắt buộc chữa bệnh, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định rằng người mắc bệnh dịch nhóm A được khám và điều trị miễn phí.[26] Quy định này vừa giúp người bệnh yên tâm chữa bệnh mà không phải lo lắng về gánh nặng chi phí khám bệnh, chữa bệnh, vừa giúp các biện pháp chống dịch được thực hiện nhanh chóng và hiệu quả.

2.4. Củng cố và tăng cường nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh

Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009 có quy định về nghĩa vụ chấp hành các quy định trong khám bệnh, chữa bệnh. Tương tự, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 quy định chi tiết về trách nhiệm của người bệnh trong phòng lây nhiễm bệnh truyền nhiễm tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như khai báo trung thực diễn biến bệnh; tuân thủ chỉ định, hướng dẫn của thầy thuốc, nhân viên y tế và nội quy, quy chế của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A ngay sau khi xuất viện phải đăng ký theo dõi sức khỏe với y tế xã, phường, thị trấn nơi cư trú.[27] Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.[28]

2.5. Bổ sung nghĩa vụ khai báo

Trong trường hợp có dịch, người mắc bệnh dịch hoặc người phát hiện trường hợp mắc bệnh dịch hoặc nghi ngờ mắc bệnh dịch phải khai báo cho cơ quan y tế gần nhất trong thời gian 24 giờ, kể từ khi phát hiện bệnh dịch.[29] Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 nghiêm cấm hành vi che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật;[30] cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.[31]

3. Cách ly y tế đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A

Cách ly y tế là việc tách riêng người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm, người mang mầm bệnh truyền nhiễm hoặc vật có khả năng mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhằm hạn chế sự lây truyền bệnh.[32] Người mắc bệnh dịch, người bị nghi ngờ mắc bệnh dịch, người mang mầm bệnh dịch, người tiếp xúc với tác nhân gây bệnh dịch nhóm A và một số bệnh nhóm B theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế phải được cách ly.[33] Hình thức cách ly bao gồm cách ly tại nhà, tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc tại các cơ sở, địa điểm khác.[34]

Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được hưởng các chế độ sau:[35]

(1) Được miễn chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập do cơ quan có thẩm quyền ban hành khi phát hiện, điều trị các bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.

(2) Được cấp không thu tiền: nước uống, khăn mặt, khẩu trang, nước dung dịch rửa tay, dung dịch sát khuẩn miệng, bàn chải đánh răng, xà phòng tắm gội và các vật dụng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu sinh hoạt trong những ngày cách ly y tế theo định mức sử dụng cho người bị cách ly y tế do Bộ Y tế ban hành.

(3) Được miễn chi phí di chuyển từ nhà (đối với trường hợp đang thực hiện cách ly y tế tại nhà nhưng có dấu hiệu tiến triển thành mắc bệnh truyền nhiễm phải thực hiện cách ly y tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh), từ cơ sở, địa điểm phát hiện đối tượng phải thực hiện cách ly y tế đến cơ sở cách ly y tế hoặc từ cơ sở cách ly y tế này đến cơ sở cách ly y tế khác theo quyết định của người có thẩm quyền; được bảo đảm vận chuyển thuận lợi, an toàn và đúng quy định.

(4) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế đang trong thời gian cách ly mà mắc các bệnh khác phải khám, điều trị thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh; nếu người đó có thẻ bảo hiểm y tế thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

(5) Trường hợp người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tử vong thì được miễn chi phí cho việc bảo quản, quàn ướp, mai táng, di chuyển thi thể, hài cốt theo quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

(6) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cung cấp bữa ăn theo yêu cầu, phù hợp với khả năng của cơ sở thực hiện cách ly y tế. Chi phí tiền ăn do người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế tự chi trả. Trường hợp người bị cách ly y tế là người thuộc hộ nghèo theo quy định thì được hỗ trợ tiền ăn theo mức 40.000 đồng/ngày trong thời gian cách ly y tế.

(7) Người bị áp dụng biện pháp cách ly y tế được cơ sở thực hiện cách ly y tế cấp giấy chứng nhận thời gian thực hiện cách ly y tế để làm căn cứ hưởng các chế độ theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội và các văn bản hướng dẫn.

Ngược lại, trong trường hợp từ chối hoặc trốn tránh việc áp dụng quyết định cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với người mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A, đối tượng kiểm dịch y tế biên giới mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhóm A thì cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.[36] Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện việc cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế theo quy định của Chính phủ./.[37]

**********

[1] Chủng mới của vi rút Corona thường được gọi là 2019-nCoV hoặc COVID-19. Trong bài viết này, các tác giả sẽ sử dụng tên gọi COVID-19 theo công bố của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization – WHO).

[2] Điều 1 Quyết định số 173/QĐ-TTg.

[3] Xuân Mai (2020), TP.HCM: Người Trung Quốc bỏ về đã quay lại bệnh viện, sức khỏe ổn định, Tuổi Trẻ Online, tham khảo trực tuyến tại https://tuoitre.vn/tp-hcm-nguoi-trung-quoc-bo-ve-da-quay-lai-benh-vien-suc-khoe-on-dinh-20200205235035485.htm, truy cập ngày 12/02/2020.

[4] Trần Cường (2020), Một phụ nữ bỏ trốn khỏi khu cách ly theo dõi virus Corona, Thanh Niên Online, tham khảo trực tuyến tại https://thanhnien.vn/thoi-su/mot-phu-nu-bo-tron-khoi-khu-cach-ly-theo-doi-virus-corona-1181069.html, truy cập ngày 12/02/2020.

[5] Khoản 2 Điều 3 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[6] Điều 7 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[7] Điều 8 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[8] Điều 9 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[9] Điều 10 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[10] Điều 11 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[11] Điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[12] Điều 13 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[13] Điều 14 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[14] Điều 15 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[15] Điều 16 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[16] Khoản 1 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[17] Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[18] Điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Ngày 29/01/2020, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 219/QĐ-BYT về việc bổ sung bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (nCoV) gây ra vào danh mục các bệnh truyền nhiễm nhóm A theo quy định tại Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[19] Khoản 4 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[20] Khoản 1 Điều 20 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Khoản 1 Điều 38 Hiến pháp năm 2013 quy định: Mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh.

[21] Các Điều 7 và 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[22] Khoản 1 Điều 66 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp năm 2013 quy định: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

[23] Các Điều 8 và 9 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009.

[24] Khoản 5 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[25] Khoản 3 Điều 33 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[26] Khoản 2 Điều 48 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[27] Khoản 1 Điều 34 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[28] Khoản 7 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[29] Khoản 1 Điều 47 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[30] Khoản 3 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[31] Khoản 4 Điều 8 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[32] Khoản 16 Điều 2 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[33] Khoản 1 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[34] Khoản 2 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

[35] Điều 14 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP.

Điều 2 Thông tư số 32/2012/TT-BTC.

[36] Điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

[37] Khoản 3 Điều 49 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007.

Khoản 3 Điều 10 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP.

Các Điều 8 – 14 Nghị định số 101/2010/NĐ-CP.

ThS. NCS. NGUYỄN THẾ ĐỨC TÂM và TRẦN HÀ MY (Trường Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG-HCM)