Sự cần thiết bổ sung quy định liên quan đến phá sản cá nhân tại Việt Nam

Bài viết tập trung phân tích, đánh giá sự cần thiết quy định việc phá sản cá nhân, từ đó nêu ra một số đề xuất hoàn thiện quy định pháp luật về nội dung này.

Đặt vấn đề

Luật Phá sản năm 2014 có hiệu lực từ ngày 01/01/2015 đã khắc phục những bất cập, hạn chế về thủ tục giải quyết các vụ việc phá sản của Luật Phá sản năm 2004, đồng thời tạo hành lang pháp lý để Tòa án giải quyết hiệu quả hơn việc phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (DN, HTX) lâm vào tình trạng mất khả năng thanh toán, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của DN, HTX, người lao động, chủ nợ và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; tạo điều kiện thuận lợi cho DN, HTX đang trong tình trạng sản xuất kinh doanh khó khăn, thua lỗ có cơ hội để rút khỏi thị trường, góp phần lành mạnh hoá nền kinh tế; thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, sự lưu thông vốn trong nền kinh tế thị trường, thu hút đầu tư và tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh cho các nhà đầu tư. Bản chất của pháp luật phá sản là mang tính nhân đạo vì một trong những mục đích của thủ tục phá sản là nhằm chấm dứt tình trạng mắc nợ của con nợ, giải thoát con nợ ra khỏi tình trạng mắc nợ.

Các vụ việc yêu cầu tuyên bố phá sản ngày càng tăng, trong 09 năm thi hành Luật Phá sản 2004 (từ 2004 - 2013): Tòa án các cấp chỉ thụ lý 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, ra 236 quyết định mở thủ tục phá sản, trong đó ra 83 quyết định tuyên bố phá sản. Tính từ ngày 01/01/2015 đến ngày 30/9/2023 các Tòa án nhân dân đã thụ lý 1510 vụ việc phá sản. Tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản đối với 554 vụ việc; ra quyết định tuyên bố DN, HTX phá sản đối với 150 vụ việc, trong đó 44 vụ việc là tuyên bố DN, HTX phá sản theo thủ tục rút gọn. Số vụ việc đã áp dụng thủ tục phục hồi kinh doanh là 06 vụ việc[1].

Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay cho thấy, việc chỉ quy định chủ thể được phá sản là DN, HTX vẫn chưa đầy đủ, việc quy định chủ thể phá sản là cá nhân là một chế định cần thiết. Trải qua diễn biến khủng hoảng của từ năm 2020, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 đã cho thấy cần có các biện pháp nhằm hỗ trợ cá nhân trong việc mất khả năng thanh toán. Phá sản cá nhân (PSCN) như một công cụ pháp lý, cơ hội cho những người gặp khó khăn về tài chính được trở thành người hợp pháp được giải phóng khỏi việc tiếp tục thực hiện các yêu cầu của chủ nợ, trong khi đó, nếu không giải quyết PSCN, hiện tại chỉ có các chế tài về dân sự, hình sự, cũng chưa giải quyết được vấn đề của chủ nợ là đòi được nợ. PSCN là một công cụ quan trọng nhằm bảo đảm sự cân bằng lợi ích của con nợ và chủ nợ, giảm căng thẳng xã hội, giúp cá nhân vượt qua các biến cố khủng hoảng kinh tế và thu hút người tiêu dùng tích cực sản xuất trở lại để tạo ra vật chất cho thị trường.

1. Tham khảo pháp luật của một số quốc gia

PSCN là một cơ chế pháp lý cho phép cá nhân không có khả năng trả nợ có thể tái cấu trúc nợ và khởi đầu lại về mặt tài chính. Tại Mỹ, PSCN được quy định trong “Bankruptcy Code”, “assisted person” (người được trợ giúp) có nghĩa là bất kỳ người nào có khoản nợ chủ yếu bao gồm các khoản nợ tiêu dùng và giá trị tài sản không được miễn trừ của họ dưới 150.000 USD[2], Trong “Bankruptcy Code” tại Chương 7 và 13 quy định về thanh lý tài sản của con nợ để trả nợ và cho phép con nợ lập kế hoạch trả nợ theo thời gian.

Theo pháp luật của Mỹ, khi cá nhân xin bảo hộ phá sản sẽ có 02 loại:

Loại thứ nhất được quy định tại Chương 7 cho phép cá nhân gặp rắc rối về tài chính có thể được xóa nợ hầu hết các khoản nợ không có thế chấp. Loại phá sản này không giúp cho cá nhân giữ được tài sản của mình trước những khoản nợ có bảo đảm, chẳng hạn những khoản vay có thế chấp.

Loại thứ hai được quy định tại Chương 13 cho phép cá nhân gặp rắc rối về tài chính có thể trả dần từng phần khoản nợ trong một khoảng thời gian từ 03 đến 05 năm. Đến cuối kỳ thanh toán, nếu người vay nợ đã dùng hết thu nhập của mình để trả nợ theo kế hoạch thì số nợ còn lại sẽ bị xóa. Loại này có thể dùng để thanh toán những khoản nợ có bảo đảm quá hạn mà không bị mất tài sản thế chấp[3].

Ở Hoa Kỳ, mỗi người có điểm tín dụng cá nhân riêng, với thang điểm từ 400 - 800 điểm, do một số công ty xếp hạng tín dụng cá nhân công bố. Những công ty đó sẽ dùng một số chỉ tiêu là công ăn việc làm, tuổi, có án hay không, đã từng tuyên bố phá sản hay chưa, lịch sử trả nợ… để chấm điểm. Tất cả các công ty tín dụng và ngân hàng sẽ gửi những thông tin mình có cho các công ty đánh giá trung gian, sau đó họ nhận lại kết quả, rồi quyết định khả năng và định mức cho vay đối với từng cá nhân, cũng như đo lường trước được khả năng trả nợ[4].

Theo pháp luật của Nga, trước đây, chỉ có công ty mới có quyền xin bảo hộ phá sản, sau một thời gian kéo dài giai đoạn thảo luận, phát triển, tranh cãi và thỏa hiệp, các quy định mới luật phá sản của Nga cung cấp sự trợ giúp cho cá nhân có hiệu lực vào ngày 01/10/2015, cho phép các cá nhân có khối nợ trên 500.000 rouble (7.600 USD) và đã trễ hạn thanh toán 3 tháng nộp đơn xin bảo hộ phá sản nếu cảm thấy không thể trả được nợ, nhằm giúp các cá nhân tái cấu trúc nợ. Quy định này cũng áp dụng với tất cả các khoản vay, từ vay tiêu dùng, mua xe, mua nhà đến các khoản bằng ngoại tệ. Các điều kiện để được phá sản sẽ được Tòa án đánh giá và người này có thể tuyên bố phá sản trong vòng 4 - 6 tuần sau khi đệ đơn. Sau đó, ngân hàng có thể sẽ tiến hành tịch biên tài sản và thi hành các bản án sau khi tòa xét xử. Tuy nhiên, con nợ có thể thương thuyết với chủ nợ số tiền cần phải trả và nếu số tiền nợ không quá 100.000 SGD, thì sau 03 năm có thể được Tòa xóa án. Hiện nay, Chính phủ Singapore đã ngày càng quan tâm hơn đến việc hỗ trợ những người phá sản vượt qua khó khăn[5].

2. Ý nghĩa của việc quy định phá sản cá nhân tại Việt Nam

Theo pháp luật Việt Nam, tại khoản 2 và 3 Điều 51 Hiến pháp năm 2013 quy định: “2. …Các chủ thể thuộc các thành phần kinh tế bình đẳng, hợp tác và cạnh tranh theo pháp luật. 3. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”, khi đó cá nhân được bình đẳng với doanh nghiệp trong kinh doanh. Tuy nhiên, hiện chưa có quy định cụ thể về PSCN. Điều này dẫn đến nhiều vấn đề cho các cá nhân không có khả năng trả nợ, như phải đối mặt với các biện pháp thu nợ cưỡng chế hoặc mất khả năng tham gia vào các hoạt động kinh tế bình thường. Vì vậy, cần quy định về PSCN là một việc làm hết sức cần thiết, bởi vì:

Thứ nhất, đối với người mắc nợ: Giải quyết PSCN là một trong những cách để bảo vệ quyền bình đẳng của con người, bình đẳng của các chủ thể kinh doanh; cung cấp một cơ chế pháp lý rõ ràng và minh bạch để giải quyết các vấn đề nợ nần; bảo vệ quyền lợi của cả người mắc nợ và chủ nợ, giúp ngăn chặn các biện pháp thu nợ cưỡng chế không cần thiết, tránh khỏi những hành vi trái pháp luật của chủ nợ; cho phép người mắc nợ tái cấu trúc nợ và khởi đầu lại về mặt tài chính, giống như cơ chế phá sản tại Mỹ, Nga,...; giúp người mắc nợ có cơ hội tham gia lại vào nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cá nhân và gia đình.

Thứ hai, đối với chủ nợ: giúp giải quyết hiệu quả quan hệ chủ nợ và người mắc nợ trong xã hội. Phá sản của cá nhân được giải guyết theo pháp luật sẽ chung hòa lợi ích của các bên. Chủ nợ sẽ đòi lại các khoản nợ của mình nếu tài sản còn đủ, tạo điều kiện để cho chủ nợ có thể thu hồi được một phần hoặc toàn bộ khoản nợ khó đòi khi tiến hành thanh lý tài sản của người nợ hay khi lập kế hoạch trả nợ dần bằng lợi tức tương lai hoặc những biện pháp khác.

Thứ ba, PSCN góp phần khuyến khích các cá nhân quản lý tài chính cá nhân một cách cẩn trọng và có trách nhiệm hơn; tăng cường tính minh bạch trong các giao dịch tài chính, giúp tạo niềm tin cho các chủ nợ và các tổ chức tài chính; bảo vệ trật tự xã hội, phát triển kinh tế - xã hội quốc gia, tạo điều kiện hội nhập với nền kinh tế thế giới.

3. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật

Hiện tại Luật Phá sản hiện hành chưa quy định về PSCN. Để áp dụng quy định PSCN tại Việt Nam, tác giả đề xuất cần có các quy định pháp lý chặt chẽ, bổ sung vào dự thảo Luật Phá sản đang lấy ý kiến góp ý, cụ thể các nội dung như sau:

Thứ nhất, đối với người mắc nợ, điều kiện nộp đơn yêu cầu phá sản

Xác định rõ các điều kiện và thủ tục để con nợ có thể nộp đơn xin PSCN: vì lý do dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn, làm ăn thua lỗ,... và tổng mức khoản nợ lên đến một giá trị cụ thể trên cơ sở các khoản nợ của cá nhân phải có tài liệu, chứng cứ chứng minh hợp pháp dẫn đến mất khả năng thanh toán trong một khoảng thời gian nhất định (ví dụ như 6 tháng).

Quy định rõ điều kiện phát sinh quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục PSCN: bản thân người mắc nợ, chủ nợ có bảo đảm, không bảo đảm, tổ chức đại diện quyền lợi cho người lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp phụ nữ,…

Cần quy định các cơ quan hỗ trợ, giúp đỡ những cá nhân được yêu cầu phá sản, bởi thực tế con nợ không chỉ phải chịu các chi phí theo luật định mà còn các chi phí thị trường “không chính thức” đáng kể của hướng dẫn chuyên môn về phá sản, trong khi tình hình tài chính đã không còn khả năng thanh toán, dẫn đến việc yêu cầu phá sản sẽ càng khó khăn hơn.

Bổ sung quy định về thủ tục phá sản trong trường hợp không tìm thấy địa chỉ của người mắc nợ do lẫn trốn (đặc biệt là trốn tại nước ngoài), tài sản ở nước ngoài, hoặc chủ nợ ở nước ngoài. Bổ sung chế tài trong trường hợp cá nhân mất khả năng thanh toán không hợp tác, không cung cấp tài liệu chứng cứ, bỏ trốn, không có mặt tại địa phương.

Thứ hai, đối với chủ nợ

Hiện tại, ở Việt Nam, khi người mắc nợ không còn khả năng trả nợ, một số chủ nợ vẫn chưa hề hay biết hoặc trong danh sách khách hàng tại các tổ chức tín dụng hoặc do các chủ nợ, người mắc nợ cư trú ở nhiều địa phương khác nha. Vì thế việc xây dựng cơ sở dữ liệu liên quan đến nhân thân cá nhân phá sản, tài sản liên quan đến vụ việc phá sản để các cá nhân, tổ chức dễ dàng tiếp cận thông tin vụ việc phá sản, thu thập đầy đủ số lượng chủ nợ, tránh tình trạng phải xét xử lại khi không đầy đủ chủ nợ.

Thứ ba, đối với tài sản

Quy định việc quản lý chặt chẽ tài sản của cá nhân được yêu cầu phá sản, tránh việc tẩu tán tài sản nhằm tránh việc trả nợ khi phân chia tài sản, tránh nguy cơ bị phá hủy hoặc làm giảm giá trị tài sản. Quy định cụ thể việc xử lý tài sản bảo đảm trong trường hợp khoản nợ của cá nhân được bảo đảm bằng tài sản của người thứ ba.

Cần quy định những tài sản phục vụ nhu cầu sinh hoạt cần thiết của cá nhân, gia đình được phép không kê biên, để cá nhân, gia đình họ yên tâm sản xuất, kinh doanh, tạo ra giá trị kinh tế.

Thứ tư, đối với việc phục hồi hoạt động kinh doanh, phát triển kinh tế

Cần có các biện pháp cứu trợ đối với người mắc nợ sau khi giải quyết phá sản hoặc cơ chế phục hồi kinh doanh, phát triển kinh tế, bởi đối với cá nhân khác với doanh nghiệp, hợp tác xã, sau khi mắc nợ, hầu hết các cá nhân đều có ít hoặc không có khả năng kinh doanh, việc tái cấu trúc, phục hồi hoạt động kinh tế là cực kỳ khó khăn, đây còn là một trách nhiệm lớn của các cơ quan chức năng có liên quan.

Cần quy định rõ phương án phục hồi hoạt động kinh doanh được Hội nghị chủ nợ thông qua dưới sự giám sát trực tiếp của Toà án, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản,… giúp cá nhân thực hiện tốt việc phục hồi kinh tế, khi đó cá nhân phải xây dựng phương án phục hồi hoạt động kinh doanh bao gồm các biện pháp để phục hồi; các điều kiện, thời hạn và kế hoạch thanh toán các khoản nợ.

Bên cạnh đó, cần quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ; tránh tình trạng né tránh, không hợp tác hoặc chậm trễ cung cấp chứng cứ xảy ra nhiều, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ phá sản.

Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng Thẩm phán, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản trên toàn quốc, đặc biệt là những vùng có nhiều vụ việc phá sản.

Tăng cường phổ biến kiến thức về pháp luật phá sản, nâng cao hiểu biết của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về pháp luật phá sản góp phần để các cơ quan, tổ chức, cá nhân hiểu được vai trò, ý nghĩa của hoạt động phục hồi, PSCN và thực hiện đúng trách nhiệm của mình trong giải quyết phá sản.

Trên cơ sở các nội dung trên, tác giả đề xuất bổ sung thêm một Điều luật hoặc một số khoản trong các điều luật tương ứng của dự thảo Luật Phá sản (đang lấy ý kiến) cụ thể như sau:

Điều …: Phá sản cá nhân và tái cấu trúc nợ

1. Định nghĩa

Phá sản cá nhân là thủ tục pháp lý do Tòa án thực hiện nhằm xử lý tình trạng mất khả năng thanh toán kéo dài của cá nhân, thông qua thanh lý tài sản hoặc xây dựng kế hoạch trả nợ có giám sát, nhằm mục tiêu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cả người mắc nợ và chủ nợ.

2. Chủ thể có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản cá nhân

a) Cá nhân mất khả năng thanh toán;

b) Chủ nợ có hoặc không có bảo đảm;

c) Tổ chức đại diện quyền lợi của người lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, hoặc các tổ chức xã hội khác được pháp luật công nhận.

3. Điều kiện nộp đơn yêu cầu phá sản cá nhân

a) Cá nhân mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn trong thời gian từ 06 tháng trở lên do các nguyên nhân khách quan như thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, khủng hoảng kinh tế hoặc các lý do khác được xác định hợp pháp.

b) Tổng số nợ vượt quá mức tối thiểu do Chính phủ quy định (tính trên cơ sở điều kiện kinh tế - xã hội và mặt bằng thu nhập trung bình tại thời điểm xem xét);

c) Có tài liệu, chứng cứ chứng minh rõ ràng về tình trạng mất khả năng thanh toán.

4. Trình tự, thủ tục phá sản cá nhân

a) Tòa án có thẩm quyền thụ lý hồ sơ, xác minh tình trạng mất khả năng thanh toán;

b) Tòa án có thể ra quyết định áp dụng thủ tục thanh lý tài sản hoặc thủ tục lập kế hoạch trả nợ có thời hạn (không quá 05 năm);

c) Việc phục hồi tài chính và lập kế hoạch trả nợ được thông qua Hội nghị chủ nợ và chịu sự giám sát của Tòa án, quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

5. Quyền và nghĩa vụ của các bên

a) Người mắc nợ phải cung cấp trung thực thông tin về nhân thân, thu nhập, tài sản và các khoản nợ; Cá nhân yêu cầu phá sản được bảo vệ khỏi các biện pháp thu nợ cưỡng chế trái pháp luật. Được quyền lập kế hoạch trả nợ theo thời gian hoặc thanh lý tài sản để giải quyết nghĩa vụ tài chính. Các tài sản phục vụ nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của cá nhân và gia đình không bị kê biên do Chính phủ quy định cụ thể.

b) Chủ nợ có quyền tham gia Hội nghị chủ nợ, yêu cầu kê khai tài sản và đề xuất phương án trả nợ; Chủ nợ có quyền tham gia vào quá trình xử lý phá sản để đảm bảo quyền lợi tài chính. Các khoản nợ có bảo đảm được ưu tiên thanh toán trước theo thứ tự quy định của pháp luật.

c) Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin liên quan đến nhân thân và tài sản của người mắc nợ khi có yêu cầu hợp pháp từ Tòa án.

6. Quản lý tài sản của cá nhân phá sản

a) Cá nhân bị cấm tẩu tán tài sản hoặc có hành vi gian lận nhằm tránh nghĩa vụ trả nợ. b) Tài sản bảo đảm được xử lý theo quy định về tài sản thế chấp, bảo đảm quyền lợi của bên liên quan.

c) Chính phủ quy định trách nhiệm của cơ quan quản lý trong việc giám sát và xử lý tài sản phá sản.

7. Hỗ trợ phục hồi tài chính và tái cấu trúc nợ

a) Người mắc nợ sau phá sản có quyền lập kế hoạch phục hồi tài chính dưới sự giám sát của các cơ quan liên quan.

b) Các tổ chức tài chính có thể cung cấp giải pháp hỗ trợ tái cấu trúc nợ nhằm tạo điều kiện cho cá nhân quay trở lại nền kinh tế.

c) Chính phủ khuyến khích các chương trình đào tạo, tư vấn tài chính cá nhân nhằm nâng cao kỹ năng quản lý tài chính và ngăn ngừa nguy cơ mất khả năng thanh toán trong tương lai”.

Kết luận

Việc áp dụng quy định PSCN tại Việt Nam là một bước tiến quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người mắc nợ và chủ nợ, đồng thời thúc đẩy tính minh bạch và trách nhiệm tài chính. Dựa trên kinh nghiệm từ pháp luật Mỹ, Nga, Việt Nam có thể xây dựng một khung pháp lý phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế quốc gia.

 

NGUYỄN TUYẾT XƯƠNG (Phòng Tư pháp huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau)

Tài liệu tham khảo

1. Hiến pháp năm 2013.

2. Luật Phá sản năm 2014.

3.  Bộ luật Hoa Kỳ (The United States Code).

4. Đỗ Thu Hương, Bảo hộ phá sản theo quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, https://tapchicongthuong.vn/bao-ho-pha-san-theo-quy-dinh-phap-luat-quoc-te-va-phap-luat-viet-nam-48370.htm.

5. Như Quỳnh, Cho phép phá sản cá nhân sẽ giảm rủi ro nợ xấu trong vay tiêu dùng, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM120312.

6. P.V, Từ tháng 1/2015 đến tháng 9/2023, các TAND đã thụ lý 1.510 vụ việc phá sản, https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/tu-thang-1-2015-den-thang-9-2023-cac-tand-da-thu-ly-1-510-vu-viec-pha-san-163435.html.


[1] P.V, Từ tháng 1/2015 đến tháng 9/2023, các TAND đã thụ lý 1.510 vụ việc phá sản, Bảo vệ pháp luật, https://baovephapluat.vn/cai-cach-tu-phap/dien-dan/tu-thang-1-2015-den-thang-9-2023-cac-tand-da-thu-ly-1-510-vu-viec-pha-san-163435.html, truy cập ngày 18/01/2025.

[3] Đỗ Thu Hương, Bảo hộ phá sản theo quy định pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam, https://tapchicongthuong.vn/bao-ho-pha-san-theo-quy-dinh-phap-luat-quoc-te-va-phap-luat-viet-nam-48370.htm, truy cập ngày 18/01/2025.

[4] Như Quỳnh, Cho phép phá sản cá nhân sẽ giảm rủi ro nợ xấu trong vay tiêu dùng, https://mof.gov.vn/webcenter/portal/vclvcstc/pages_r/l/chi-tiet-tin?dDocName=MOFUCM120312, truy cập ngày 18/01/2025.

[5] Đỗ Thu Hương, Tlđd(3).

Ảnh minh hoạ - Nguồn: Internet.