Những vụ án tham nhũng qua Châu bản triều Nguyễn

Nhân Ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4 năm 2024, Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 vừa cho ra mắt cuốn sách “Những vụ án tham nhũng qua Châu bản triều Nguyễn”, với nội dung phong phú, đi kèm với hình ảnh các bản tấu có Châu phê của các vị Hoàng đế rất sinh động.

Trong hoạt động xây dựng, tổ chức bộ máy nhà nước, vấn đề phòng chống tham nhũng, chống lộng quyền, lạm quyền và xử lý nghiêm minh các vụ tham ô, đục khoét công quỹ luôn luôn được đặt ra với tất cả các nhà nước, từ xưa đến nay. Các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê… dù sử liệu còn lại không nhiều nhưng cũng cho thấy việc phòng chống tham nhũng luôn được quan tâm với các mức độ khác nhau.

Vương triều Nguyễn (1802-1945) được thành lập trong một bối cảnh chính trị - xã hội khá phức tạp, để xây dựng vương triều vững mạnh, vua Gia Long đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm giải quyết hài hòa những khác biệt về chế độ chính trị ở ba miền. Đến thời vua Minh Mạng, việc kiện toàn và hoàn thiện bộ máy nhà nước được thực hiện một cách bài bản, đưa triều đình nhà Nguyễn trở thành một nhà nước quân chủ chuyên chế phát triển đến đỉnh cao.

Bên cạnh việc cải tổ bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương; tổ chức Quân đội; xây dựng chế độ quan lại, từ tuyển chọn đến lương bổng… nhà Nguyễn rất chú trọng đến công tác xây dựng hệ thống pháp luật, trong đó có nội dung giám sát, ngăn ngừa và xử lý các vụ án tham nhũng. Những nội dung liên quan đến tham nhũng, các vụ án tham ô, nhận hối lộ, đục khoét công quỹ dưới triều Nguyễn đã ghi chép khá đầy đủ trong Minh Mệnh chính yếu, Đại Nam thực lục, Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ…

Khác với các triều đại trước, bên cạnh hệ thống thư tịch khá đa dạng, phong phú, triều Nguyễn còn để lại cho hậu thế một di sản vô giá là Châu bản, đây là các văn bản hành chính được đệ trình lên Hoàng đế và Hoàng đế phê duyệt bằng mực son đỏ (châu/ chu sa). Hệ thống Châu bản triều Nguyễn hiện còn hơn 86.000 văn bản, với bút phê của các vị vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Khải Định và Bảo Đại, chỉ thiếu Châu bản của hai vị vua có thời gian trị vì ngắn ngủi là Dục Đức và Hiệp Hòa.

Khối tài liệu quý giá, chứa đựng những thông tin gốc, nguồn sử liệu có độ tin cậy cao này đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1. Năm 2017, Châu bản triều Nguyễn được UNESCO ghi danh vào danh mục Di sản tư liệu Thế giới.

 

Một bản tấu của tướng Nguyễn Tri Phương trình, có châu phê (chữ đỏ) của vua Tự Đức

Một trong những nội dung quan trọng được phản ánh trong Châu bản triều Nguyễn là vấn đề phòng, chống tham nhũng, đặc biệt là các vụ án tham nhũng được đệ trình lên người nắm quyền lực tối cao là các Hoàng đế. Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 bước đầu khai thác nguồn sử liệu này và xuất bản công trình Những vụ án tham nhũng qua Châu bản triều Nguyễn.

**

Cuốn sách gồm có hai phần: Phần 1 là Vấn nạn tham nhũng qua Châu bản triều Nguyễn và những biện pháp phòng chống; Phần 2 là  Những vụ án tham nhũng qua Châu bản triều Nguyễn.

Ở phần 1, các tác giả đã khai thác thông tin Châu bản, đối chiếu với sử sách để có bức tranh tương đối đầy đủ về thực trạng tham nhũng, quan điểm của các vị Hoàng đế nhà Nguyễn về tệ tham nhũng, các chính sách, quy định của pháp luật được ban bố để ngăn ngừa tham nhũng.

Ngoài những thông tin mà sử sách đã nêu, trong cuốn sách này người đọc sẽ được cung cấp nhiều nội dung được đệ trình lên Hoàng đế với đặc trưng chi tiết, cụ thể, nội dung vụ việc được dẫn dắt tường tận. Ví dụ vụ án Tuần phủ Ninh Bình Lê Nguyên Hy và Án sát Ninh Bình Nguyễn Bá Thản tố cáo tội tham nhũng của nhau cho thấy Đại Nam thực lục ghi khá tóm lược, còn Châu bản triều Nguyễn được ghi chi tiết tới từng con số.

Đặc trưng thứ hai là nhiều vụ án về tham nhũng có trong Châu bản triều Nguyễn nhưng chưa được ghi chép trong Đại Nam thực lục, hay chưa được nhắc tới trong Minh Mệnh chính yếu.

Cuốn sách đã phản ánh các biện pháp nhà Nguyễn ngăn ngừa tham nhũng như:  Đặt cơ chế kiểm soát và giám sát giữa các cơ quan; áp dụng luật Hồi tỵ vốn có từ thời Lê Thánh Tông nhưng qui định cụ thể hơn; áp dụng chính sách ưu hậu nuôi dưỡng đức thanh liêm... Mỗi biện pháp, mỗi chính sách đều được chứng minh bằng các vụ việc cụ thể, sinh động với con người, địa chỉ cụ thể.

**

Phần 2 có thể nói là trọng tâm của cuốn sách với rất nhiều vụ án, phản ánh không chỉ nội dung vụ án mà cả quá trình tố tụng.

Vụ án tham nhũng ở trấn Nam Định năm Minh Mệnh thứ 8 (1827), với 3 bản tấu như 3 bản cáo trạng vạch rõ tội trạng của bọn tham quan ô lại từ cai tổng, lại dịch đến tri huyện, tri phủ ở trấn Nam Định mà điển hình là Thư kí Bùi Khắc Kham, Cai án Phạm Thanh và Tri phủ phủ Kiến Xương Nguyễn Công Tuy. Sau khi điều tra theo cáo trạng, các viên kinh lược sứ kết luận:Nguyễn Công Tuy đúng là kẻ tham ô hèn hạ. Thả sức xây dựng nhà cửa thì thợ sơn, thợ mộc đều chịu thiệt hại, thoả thuê ăn uống thì củi lửa, gạo thịt không chịu trả tiền, thậm chí đến tiền làm lễ tạ mưa cũng dám công nhiên tiêu mất” và kết án: “Tội phạm Nguyễn Công Tuy xin theo luật xử trảm giam hậu.”.  Đề xuất này được vua Minh Mệnh chấp thuận. Cuối bản tấu có bút tích châu phê lời phán quyết của vua Minh Mệnh như sau: “Nguyễn Công Tuy cho xử trảm giam hậu. Ngoài ra chuẩn y như tâu nghĩ. Khâm thử!”.

Vụ án Kinh lịch ty Án sát Nguyễn Văn Vĩnh nhận hối lộ, bản phúc tấu ngày 15 tháng 10 năm Minh Mệnh 18 (1837) của Bộ Hộ cho biết Kinh lịch Nguyễn Văn Vĩnh khi được phái đến xã Bình Lãng, huyện Long Xuyên, tỉnh Hà Tiên đo khám ruộng đất đã đòi 30 lạng bạch kim. Về sau truy cứu Nguyễn Văn Vĩnh tội đã nhận tiền hối lộ liền kết án xử giảo quyết. Các tác giả bình luận: Đây không phải là một vụ án lớn nhưng đã cho chúng ta thấy tình trạng yêu sách của quan trên khi về thôn xã diễn ra ở triều Nguyễn.

Vụ án về Tri châu Phạm Huy Dục tham nhũng nhưng mức án quá nhẹ được phản ánh rất chi tiết. Bản phụng dụ ngày 9 tháng 12 năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) của Lâm Duy Nghĩa, Nguyễn Bá Nghi, Nguyễn Cửu Trường ở Nội các viết: “Nguyên Tri châu đã bị cách chức là Phạm Huy Dục tham nhũng, nguyên nghĩ xử đánh gậy, tù khổ sai còn chưa hợp lí”. Đồng thời, bản tấu này cũng liệt kê 8 khoản tham nhũng của Tri châu Phạm Huy Dục, trong đó có khoản để bọn thổ dân nơi biên viễn dễ dàng lừa dối, dọa nạt; để cho quan ti cậy thế cưỡng ép dân nữ; vơ vét của cải của dân làm của riêng; sai gia thuộc ra ngoài hống hách, dọa nạt; lạm bổ thuế lệ v.v… nhưng đến khi xử án, tỉnh Hưng Hóa chỉ “chỉ trích một khoản lạm bổ thuế lệ rồi xử đánh gậy và cho đi tù khổ sai” còn Bộ Hình thìkhông thẩm xét, cân nhắc tình lí đổi nghị xử phát sung quân”.

Với các tội trạng của mình, về sau Tri châu Phạm Huy Dục bị kết án “giảo giam hậu”. Đồng thời, những viên tham gia nghị xử vụ án này đều bị giáng phạt. Tỉnh Hưng Hóa vì xử quá nhẹ, vua Thiệu Trị phê là “thật khoan túng” nên Án sát Đinh Văn Minh bị sửa “phạt bổng 1 năm” thành “giáng 1 cấp lưu nhiệm”, Bố chánh Ngụy Khắc Tuần bị sửa “phạt bổng 6 tháng” thành “ (phạt bổng) 1 năm” và đường quan Bộ Hình phúc nghĩ không hợp lí gồm Vũ Xuân Cẩn, Ngô Văn Địch, Hoàng Thu, Lê Nguyên Giám đều bị truyền chỉ khiển trách.

Châu bản về vụ án này cho thấy thái độ nghiêm minh của nhà Nguyễn không chỉ đối với các đối tượng phạm tội tham nhũng mà các với các quan chức xét xử giải quyết vụ án tham nhũng không khách quan, không đúng pháp luật.

**

Những vụ án tham nhũng qua Châu bản triều Nguyễn là một trong nhiều công trình đánh dấu hoạt động nghiên cứu nghiêm túc, cẩn trọng và tâm huyết của cán bộ Trung tâm Lưu trữ quốc gia 1 trong việc khai thác, công bố những báu vật trong khối di sản đồ sộ, vô giá mà Trung tâm được giao trọng trách bảo quản. Với cách tiếp cận này, tư liệu lưu trữ không nằm yên trong kho tàng mà xuất hiện sống động, tích cực đóng góp  những giá trị đặc biệt của sử liệu vào cuộc sống đương đại.

 Có thể nói mỗi vụ án được nêu trong cuốn sách là một bài học quý giá về phòng chống tham nhũng của người xưa, có giá trị tham khảo rất cao cho cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng hiện nay.

LÊ THỊ THANH HUYỀN (Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội)