Một Chánh án tự tử để bảo toàn danh dự - Kỳ 1: Sự thật về vụ án dân sự liên quan đến Chánh án huyện Ninh Phước tự tử
Trong mấy ngày qua, thông tin Thẩm phán Hán Văn Nhuận - Chánh án TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận tự tử sau khi làm việc với điều tra viên về vụ án dân sự mà ông giải quyết 4 năm trước, khiến dư luận quan tâm đặc biệt. Câu hỏi đặt ra là vụ án đã được giải quyết thế nào để có kết cục đau lòng như vậy?!
Vụ hòa giải
Vụ án dân sự tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa nguyên đơn là bà Viên Thị Thanh Loan (sinh năm 1971) với bị đơn là vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Oanh (sinh năm 1983) ông Nguyễn Quốc Hoàng (sinh năm 1981) các đương sự cùng trú tại khu phố 4 thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận, được giao cho Thẩm phán Hán Văn Nhuận giải quyết.
Theo đơn khởi kiện, bà Loan yêu cầu vợ chồng bà Oanh, ông Hoàng trả khoản nợ 3 tỷ đồng. Chứng cứ là giấy viết tay của bà Loan ghi ngày 30/6/2016 và bản sao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên vợ chồng bà Oanh.
Phiên kiểm tra, giao nhận chứng cứ và hòa giải vào buổi chiều ngày 16/6/ 2017 có mặt nguyên đơn là bà Loan, bị đơn là bà Oanh, còn ông Hoàng vắng mặt. Bà Oanh làm Bản tự khai thừa nhận số tiền vay nợ của bà Lan 2,9 tỷ đồng và đồng ý trả nợ. Bà Loan cũng có bản khai thống nhất với khoản nợ này của bà Oanh, ông Hoàng. Sau đó hai bên ký vào biên bản hòa giải và biên bản hòa giải thành (chưa ghi ngày tháng năm).
Buổi sáng ngày 19/6/2017, Tòa án triệu tập các đương sự đến làm việc thì ông Hoàng và bà Loan có mặt, bà Oanh vắng mặt. Tại phiên làm việc Thẩm phán Hán Văn Nhuận vắng mặt nên Thư ký Quảng Thị Thái Bình trực tiếp làm việc với các đương sự có mặt. Ông Hoàng được xem các chứng cứ do bà Loan cung cấp. Sau khi xem ông Hoàng thừa nhận vợ chồng ông có nợ bà Loan số tiền 2,9 tỷ đồng và đồng ý ký biên bản ghi lời khai và ký vào biên bản hòa giải thành được lập ngày 19/6/2017, biên bản đã có chữ ký của bà Loan và bà Oanh.
Khiếu nại và giải quyết khiếu nại
Hết thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành, Thẩm phán ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2007/QĐDS-ST. Tuy nhiên, sau khi nhận được Quyết định này, bị đơn Nguyễn Quốc Hoàng lại làm đơn khiếu nại, tố cáo đến nhiều cơ quan cho rằng bà Oanh vay tiền của bà Loan nhưng ông Hoàng không biết và không đồng ý trả nợ cho bà Loan; Quyết định công nhận sự thỏa thuận không thể hiện đúng ý chí của ông Hoàng…
Giải quyết đơn này theo thủ tục giám đốc thẩm, VKSNDCC tại TP HCM đã ra Thông báo số 89/VKS-TB-DS ngày 4/1/2019 với nhận định: Ông Nguyễn Quốc Hoàng cho rằng việc bà Oanh vay mượn tiền của bà Loan mà ông Hoàng không biết và không đồng ý trả nợ cho bà Loan, ngày 19/6/2017 khi Thư ký TAND huyện Ninh Phước là bà Quảng Thị Thái Bình lấy lời khai của ông Hoàng thì không có mặt, Thư ký tự ý thêm nội dung vào biên bản lấy lời khai của ông Hoàng là có dấu hiệu hành vi cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án. “Xét thấy việc vay mượn tiền giữa bà Loan với vợ chồng ông bà là có thực, được chính các bên thừa nhận. Do đó việc ông cho rằng ông không biết và không đồng ý trả nợ cùng vợ là không đúng, không phù hợp với Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình về nghĩa vụ liên đới của vợ chồng. Vì vậy, không có căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14/2017”…
TANDCC tại TPHCM cũng có Thông báo số 543/TB-TA ngày 4/6/2019 trả lời ông Nguyễn Quốc Hoàng khẳng định “không có căn cứ kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14 /2017”… Thông báo cũng nêu rõ, ngày 12/7/2017 sau khi ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017 TAND huyện Ninh Phước đã giao Quyết định này, ông Hoàng ký nhận trực tiếp. Đến ngày 12/10/2018 ông Hoàng mới làm đơn đề nghị giám đốc thẩm là đã hết thời hạn theo quy định tại khoản 1 Điều 327 BLTTDS năm 2015.
Ngày 26/3/2020 TANDTC có Thông báo số 81/TB-TA về việc giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm của ông Nguyễn Quốc Hoàng nêu rõ: Ông cho rằng Thư ký Tòa án đã ghi thêm nội dung tại biên bản lấy lời khai ngày 19/6/2017 sau khi ông đã khai và ký biên bản. Tuy nhiên nội dung biên bản lấy lời khai này phù hợp với nội dung biên bản hòa giải, hòa giải thành cùng ngày 19/6/ 2017, theo đó vợ chồng ông thừa nhận có nợ số tiền 2,9 tỷ đồng và đồng ý trả số tiền này cho bà Viên Thị Thanh Loan. Các biên bản hòa giải này có đầy đủ chữ ký của bà Loan và vợ chồng ông. Do đó, việc ông cho rằng Thư ký Tòa án đã làm giả các biên bản hòa giải nêu trên là không có căn cứ. “Vì vậy không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14/2017/QĐDS-ST ngày 27/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận”.
Thẩm phán Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND huyện Ninh Phước - Ảnh: Thái Vũ
Như vậy các cơ quan có thẩm quyền giám đốc thẩm theo quy định của BLTTDS đã kết luận không có căn cứ để cho rằng Thư ký Tòa án đã làm giả các biên bản hòa giải, không có căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14/2017.
Thay đổi bất ngờ
Không thỏa mãn với trả lời của ba cơ quan có thẩm quyền trên đây, bị đơn Nguyễn Quốc Hoàng tiếp tục làm đơn tố cáo Thẩm phán Nhuận và Thư ký Bình, với nội dung không có gì mới, nhưng lần này VKSNDCC tại TPHCM lại ban hành Quyết định kháng nghị tái thẩm số 19/2020/KNTT-VKS-DS ngày 17/11/2020, đối với Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017/QDDS-ST ngày 27/6/2017 do Thẩm phán Hán Văn Nhuận ký, đề nghị Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TPHCM xem xét hủy toàn bộ quy định này để xét xử lại.
Quyết định nhận định: Trong quá trình giải quyết vụ án Thư ký Quảng Thị Thái Bình đã có hành vi ghi thêm lời khai của ông Nguyễn Quốc Hoàng, biên bản phiên họp kiểm tra việc giao nộp tiếp nhận công khai chứng cứ ngày 19/6/2017 và biên bản hòa giải ngày 19/6/2017 Thẩm phán Hán Văn Nhuận dù không có mặt chủ trì các phiên họp nhưng đã ký khống vào các biên bản; biên bản hòa giải thành không được gửi cho ông Hoàng, bà Oanh trong ngày 19/6/2017… Thẩm phán Hán Văn Nhuận và Thư ký Quảng Thị Thái Bình cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án và ra quyết định trái pháp luật dẫn đến Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự số 14/2017 không thể hiện đúng ý chí tự nguyện thỏa thuận, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của bị đơn.
Quyết định tái thẩm số 63/2021/DS-ST ngày 16/3/2021 của Ủy ban Thẩm phán TANDCC tại TP HCM với nhận định tương tự, đánh giá “Quyết định kháng nghị tái thẩm số 19/2020/KNTT-VKS-DS của Viện trưởng VKSNDCC tại TP HCM là có căn cứ chấp nhận”. Quyết định tái thẩm đã tuyên hủy quyết định công nhận sự thỏa thuận số 14/2017/QĐDS-ST ngày 27/6/2017 của TAND huyện Ninh Phước.
Sự thay đổi quan điểm về cùng nội dung khiếu nại trên đây khiến những người có liên quan và có trách nhiệm bất ngờ. Có ý kiến cho rằng, Quyết định kháng nghị tái thẩm của Viện trưởng VKSNDCC cũng như Quyết định tái thẩm của TANDCC tại TP HCM viện dẫn các quy định của pháp luật để cho rằng Thẩm phán và Thư ký khi giải quyết vụ án công nhận sự thỏa thuận của đương sự đã “vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng” là không đủ căn cứ. Vi phạm về thủ tục tố tụng không phải là căn cứ để tái thẩm mà là căn cứ để giải quyết theo thủ tục giám đốc thẩm (điểm b khoản 1 Điều 326 BLTTDS). Trong khi đó những vi phạm về thủ tục tố tụng này đã được chính VKSNDCC, TANDCC tại Tp HCM và TANDTC trả lời là không đủ căn cứ để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.
Khoản 3 Điều 212 BLTTDS quy định: “Trong trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 210 của Bộ luật này mà các đương sự có mặt thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án thì thỏa thuận đó chỉ có giá trị đối với những người có mặt và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu không ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt. Trường hợp thỏa thuận của họ có ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của đương sự vắng mặt thì thỏa thuận này chỉ có giá trị và được Thẩm phán ra quyết định công nhận nếu được đương sự vắng mặt tại phiên hòa giải đồng ý bằng văn bản”.
Trong vụ án này, ông Hoàng đã được Tòa án cho tiếp nhận chứng cứ, sau đó có lời khai đồng ý khoản nợ là 2,9 tỷ đồng và ký vào biên bản hòa giải thành. Như vậy thì không thể cho rằng Thẩm phán và Thư ký có dấu hiệu của tội phạm “cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ án, ra quyết định trái pháp luật”.
TAND tỉnh Ninh Thuận sau khi kiểm tra cũng từng kết luận: Thẩm phán và Thư ký giải quyết vụ án không vì mục đích vụ lợi và tiêu cực nào; những sai sót nêu trên là do việc tác nghiệp chưa đúng với quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Hậu quả không mong muốn
Đáng tiếc là vụ án không dừng ở đó mà Cơ quan điều tra VKSNDTC đã triệu tập Thư ký Quảng Thị Thái Bình để điều tra, xác minh về hành vi làm sai lệch hồ sơ vụ án theo khoản 2 Điều 375 BLHS. Thẩm phán Hán Văn Nhuận, Chánh án TAND huyện Ninh Phước cũng bị triệu tập để phối hợp giải quyết vụ án.
Giấy triệu tập ghi làm việc một ngày nhưng tại Tp Hồ Chí Minh ông Nhuận đã phải làm việc suốt ba ngày, sau mỗi ngày làm việc với Điều tra viên tâm trạng ông càng suy sụp hơn.
Sáng ngày 14/12, Cơ quan điều tra VKSNDTC đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can đối với bà Quảng Thị Thái Bình, tại trụ sở VKSND huyện Ninh Phước.
Theo báo PLO, sau khi nghe tin Thư ký Quảng Thị Thái Bình bị khởi tố, Chánh án Hán Văn Nhuận mặc trang phục công sở nhưng không đến cơ quan mà đi xe một vòng trong làng, gặp ai cũng chào, rồi lên khu rẫy của gia đình ở chân núi. Buổi trưa, ông gọi điện từ biệt người thân sau khi uống hết chai thuốc diệt cỏ. Bài báo nhận xét: “Chánh án Nhuận đã trầm uất và hoảng loạn sau khi làm việc với điều tra viên, anh đã tìm đến cái chết như cách chứng mình sự trong sạch”.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ án này khi có diễn biến mới.
Trụ sở TAND huyện Ninh Phước, Ninh Thuận - Ảnh: Phương Nam/PLO
Bài liên quan
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Trao giải Cuộc thi chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ tư và phát động Cuộc thi lần thứ 5
-
Đảng ủy Khối Các cơ quan Trung ương: Trao Giải chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng năm 2024
-
Bàn về việc đề nghị, kiến nghị xem xét lại quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại Tòa án
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận