Sức sống trường tồn của Cách mạng Tháng Tám với dân tộc Việt Nam

Hôm nay, kỷ niệm 76 năm Ngày Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công (19/8/1945-19/8/2021) - trang sử vàng trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, một bước ngoặt cách mạng chưa từng có trên con đường phát triển của nhân dân Việt Nam, mở ra kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập, tự do cho dân tộc Việt Nam.

Thay đổi số phận của cả một dân tộc

Từ ngày 14 đến 30/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta và lãnh tụ Hồ Chí Minh, toàn dân tộc Việt Nam nhất tề vùng lên tiến hành Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám, "đây là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc vĩ đại làm thay đổi số phận của cả một dân tộc, để rồi từ đây, nhân dân Việt Nam thật sự làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh quốc gia”, GS. TS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh khẳng định.

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, GS. Hoàng Chí Bảo phân tích: Là một cuộc cách mạng kiểu mới và điển hình trong một xã hội thuộc địa thực dân nửa phong kiến, Cách mạng tháng Tám năm 1945 của Việt Nam được cổ vũ và chịu ảnh hưởng sâu sắc của Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917 và thời đại mới do cuộc cách mạng đó tạo ra. Cách mạng tháng Tám diễn ra chỉ sau Cách mạng tháng Mười Nga, trước cả Cách mạng Trung Quốc năm 1949 và Cách mạng Cuba năm 1960. Cả thế kỷ XX chỉ có một số cuộc cách mạng điển hình, trong đó có cuộc cách mạng của nhân dân Việt Nam.

Để có được sự kiện Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã phải chuẩn bị trong 15 năm kể từ khi Đảng ra đời vào năm 1930. Đây là một "điều kỳ diệu" khi một Đảng mới 15 tuổi, với số lượng đảng viên chưa đầy 5.000 người đã có thể lãnh đạo thành công cuộc cách mạng giành chính quyền từ tay đế quốc Nhật và thực dân Pháp về tay nhân dân. 

Điều đó nói lên sự trưởng thành mau chóng, uy tín và ảnh hưởng rộng lớn của một Đảng cách mạng chân chính với đường lối chính trị đúng đắn, vận dụng sáng tạo khoa học và nghệ thuật của đấu tranh cách mạng để nắm bắt đúng thời cơ, hành động mau lẹ, sáng suốt và nhất là biết phát huy cao độ sức mạnh của truyền thống yêu nước, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cách mạng Tháng Tám diễn ra trong khoảng thời gian chưa tới 2 tuần lễ, về cơ bản là không đổ máu và giành được chính quyền trong cả nước. Công lao lớn thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam do Người đứng đầu.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng tổng kết: "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công". Quy luật ấy của đấu tranh cách mạng cũng là quy luật của muôn đời, được Đảng ta và Bác Hồ vận dụng và phát huy trong điều kiện mới, hoàn cảnh mới khi tình thế và thời cơ cách mạng đã xuất hiện, đã chín muồi trong những tháng năm lịch sử giai đoạn 1941-1945.

Theo GS. Hoàng Chí Bảo, thời gian càng lùi xa, giá trị, ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Cách mạng tháng Tám càng nổi bật, để lại những bài học vô giá cho cách mạng Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay. 

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 của dân tộc ta không chỉ là một cuộc cách mạng giải phóng mà còn là một cuộc cách mạng phát triển. Ba giá trị cơ bản tạo tiền đề cho phát triển là Độc lập, Tự do, Hạnh phúc được Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định ngay từ ngày đầu lập chính thể, đến nay vẫn là những giá trị cốt lõi thúc đẩy sự nghiệp phát triển của đất nước.

Tiếp nối giá trị truyền thống trong con tim, khối óc của thế hệ trẻ

Theo PGS. TS. Lương Thanh Hân, Chủ nhiệm Khoa Triết học Marx-Lenin, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng, giá trị của Cách mạng Tháng Tám là bất diệt, có sức sống trường tồn đối với dân tộc Việt Nam và thế hệ trẻ là những người viết tiếp truyền thống “con Lạc, cháu Hồng” với niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Chính vì vậy, giáo dục giá trị truyền thống của Cách mạng Tháng Tám để cho các thế hệ cũng như mỗi người Việt Nam hiện nay và mai sau nhận thấy công lao trời biển của Đảng, của Bác Hồ, sự hy sinh xương máu của biết bao chiến sĩ, đồng bào để đổi lấy nền độc lập, tự do của Tổ quốc là một trọng trách to lớn đối với lịch sử.

Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ là một nội dung đặc biệt quan trọng góp phần thực hiện quan điểm, đường lối của Đảng ta để mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc. “Từ đó, nhận thức về ý nghĩa sâu sắc của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đối với thế hệ trẻ sẽ góp phần làm cho truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta đi vào đời sống, đi vào thực tiễn của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, PGS. TS. Lương Thanh Hân chia sẻ.

GS. Lương Thanh Hân cho rằng nghiên cứu, học tập truyền thống tốt đẹp của dân tộc vừa là bổn phận, vừa là tình cảm với dân tộc của thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ phải là những người xung kích đưa dòng chảy truyền thống, hào khí anh hùng của Cách mạng Tháng Tám mãi mãi nhịp bước cùng với sự phát triển trường tồn của dân tộc Việt Nam. Khi giá trị truyền thống đã đi vào con tim, khối óc của thế hệ trẻ, tất yếu nó sẽ là sức mạnh tinh thần, là động lực nội sinh để họ tự tin tiến lên phía trước, cống hiến sức lực, trí tuệ của mình cho việc thực hiện mục tiêu xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.

 

Lễ thượng kỳ trên Quảng trường Ba Đình - Ảnh: Thủy Nguyên

NHẬT NAM