Tác động của trí tuệ nhân tạo tới pháp luật lao động - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Bài viết phân tích những tác động nổi bật của AI đến thị trường lao động hiện nay, từ đó đưa ra một số nhận định về các lỗ hổng của hệ thống pháp luật lao động quốc tế. Cuối cùng, bài viết rút ra một số gợi mở cho pháp luật lao động Việt Nam nhằm hoàn thiện hơn hệ thống pháp luật lao động nội địa liên quan đến AI.

Quyền lao động được coi là một trong những quyền cơ bản nhất trong phạm trù quyền con người mà các quốc gia đã ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế nói chung và trong hệ thống pháp luật của quốc nội nói riêng. Tuy nhiên, những phát triển gần đây của Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI) đã làm dấy lên nhiều lo ngại cho các quốc gia, rằng khả năng tự học của AI có thể dẫn đến tình trạng mất việc trên quy mô lớn, từ đó có thể ảnh hưởng đến pháp luật lao động quốc gia và quốc tế.

Đặt vấn đề

Lao động từ sơ khai đã là một hoạt động có tầm quan trọng rất lớn gắn liền với sự tồn tại và phát triển của con người. Vì vậy, “quyền lao động” được coi là một trong những quyền cơ bản nhất trong phạm trù “quyền con người” mà các quốc gia đã ghi nhận trong các văn bản pháp lý quốc tế và trong hệ thống pháp luật quốc gia. Tuy nhiên, trong bối cảnh bức tranh pháp lý về AI ở phạm vi khu vực và toàn cầu chưa được hoàn thiện, rất nhiều vấn đề pháp lý đã và đang được đặt ra. Đặc biệt, các vấn đề liên quan đến sự ảnh hưởng của AI đến người lao động là một trong những chủ đề khá được quan tâm trong thời gian gần đây. Có một số ý kiến cho rằng sự phát triển không kiểm soát này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến số lượng việc làm, từ đó gây nên trình trạng thất nghiệp và nhiều hệ luỵ xã hội khác. Liệu ý kiến này có hoàn toàn đúng, và rằng liệu chúng ta có đang đánh giá quá cao AI hay không?

1 . Khái quát chung về pháp luật lao động

Trước hết, “quyền lao động” thường được hiểu theo một phạm trù rộng lớn bao gồm các quyền cơ bản trong lĩnh vực lao động của con người như các vấn đề việc làm, về việc sử dụng lao động, điều kiện lao động, môi trường lao động, độ tuổi lao động và sự công bằng trong hoạt động lao động hay các chế độ khác mà con người không phân biệt quốc gia, sắc tộc, giới tính, tôn giáo đều được hưởng khi tham gia vào quan hệ lao động.

Ở một số quốc gia, các nhà lập pháp cho rằng “lao động” chính là nền tảng hình thành và tồn tại của nhà nước[1]. Chẳng hạn, Điều 2 Hiến pháp Ý năm 1946 nêu rõ: “Italia - nhà nước Cộng hòa dân chủ, dựa vào lao động”. Ở nước ta trong thời kỳ bao cấp, người lao động là người chủ của xã hội, họ lao động là để phục vụ đất nước nên “sức lao động” thời kỳ này không được xem là hàng hóa. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường, hay bất kỳ xã hội nào hiện nay, sức lao động là nguồn gốc của mọi sản phẩm, dịch vụ, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội, do đó nó đã được thừa nhận là hàng hóa. Sức lao động đóng vai trò quyết định trong quá trình tạo ra giá trị gia tăng, tạo nên sự đa dạng và phong phú trong sản phẩm và dịch vụ.

Về mặt lịch sử, có ý kiến cho rằng ở một số quốc gia hệ thống pháp luật lao động được cho là tách ra từ hệ thống pháp luật dân sự[2]. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng cốt lõi của hệ thống pháp luật lao động lần đầu tiên được xây dựng ở Tây Âu vào thế kỷ 20, như một phản ứng của các nhà cầm quyền thời bấy giờ trước sự phát triển của cách mạng công nghiệp và sự lạm dụng các quyền phát sinh từ luật dân sự ở châu Âu vào thế kỷ 19[3]. Sở dĩ có điều này là bởi vì các quan hệ lao động trước thế kỷ 19 hầu hết là tuân theo các chế định hợp đồng của hệ thống pháp luật La Mã. Khi các bên đã tự nguyện ký kết một hợp đồng thì họ sẽ phải tuân thủ nguyên tắc bình đẳng. Do đó, không có bên nào có thể khiếu nại về sự không công bằng trong các điều khoản của hợp đồng mà bên đó đã tự nguyện giao kết.

Tuy nhiên, đặc trưng của quan hệ lao động lại là sự không bình đẳng giữa người lao động và người sử dụng lao động. Sự không bình đẳng này xuất phát từ thực tế rằng người sử dụng lao động thường là người quyết định các điều khoản trong hợp đồng lao động như điều kiện làm việc, các nhiệm vụ mà người lao động phải thực hiện, số giờ làm việc hoặc mức thù lao, v.v…[4]. Sự phụ thuộc này có thể dẫn đến tình trạng bóc lột, khi mà người sử dụng lao động có thể lợi dụng các đặc quyền của mình để ưu tiên thu được năng suất cao hơn từ người lao động với cùng một chi phí hay mức lương phải bỏ ra.

Về mặt định nghĩa, mỗi hệ thống pháp luật khác nhau sẽ có cách định nghĩa khác nhau về khái niệm “Luật Lao động”. Chẳng hạn, theo Giáo sư người Pháp, Ernest Mahaim[5], “Luật Lao động là tập hợp các quy tắc pháp lý chi phối mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động, cũng như mối quan hệ giữa chính người lao động”[6]. Mahaim tin rằng mục tiêu cốt lõi của Luật Lao động: “là bảo vệ quyền của người lao động, ủng hộ mức sống tối thiểu và nhân quyền cho người lao động trên toàn thế giới”[7].  

Ở Việt Nam, hệ thống pháp luật lao động giữ một vị trí quan trọng. Nó điều chỉnh các quan hệ lao động giữa người sử dụng lao động với người lao động và các quan hệ xã hội liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động phát sinh trong quá trình sử dụng lao động[8]. Tuy nhiên, không phải quan hệ phát sinh nào trong quá trình lao động đều thuộc đối tượng điều chỉnh của pháp luật lao động. Điều 1 Bộ Luật Lao động (BLLĐ) năm 2019 quy định: “Bộ luật Lao động quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động”. Như vậy, có thể thấy rằng Bộ luật Lao động Việt Nam điều chỉnh ba mối quan hệ: (i) quan hệ lao động mang tính chất cá nhân; (ii) quan hệ lao động mang tính chất tập thể; và (iii) các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

Ở phạm vi toàn cầu, pháp luật lao động quốc tế có lịch sử lâu đời gần như tương đương với lịch sử hình thành của hệ thống pháp luật lao động của các quốc gia châu Âu[9]. Vào thế kỷ 19, khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai diễn ra, các doanh nghiệp đã lợi dụng sự lỏng lẻo của Luật Lao động thời bấy giờ để hạ thấp điều kiện làm việc và tiền lương của công nhân, với mục đích nhằm gia tăng lợi nhuận. Để đối phó với tình hình này, các nhà cầm quyền cho rằng phải thay đổi Luật Lao động và mục tiêu cốt lõi chính là cân bằng được cán cân quyền lực giữa người lao động và người sử dụng lao động. Đến năm 1919, sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc và Hiệp ước Versailles được ký kết, Tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO) đã được thành lập như một phần của Hiệp ước. Trong suốt lịch sử của mình, ILO đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành các tiêu chuẩn lao động quốc tế, thúc đẩy công bằng xã hội và ủng hộ quyền lợi cũng như phúc lợi của người lao động trên toàn cầu.

Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của công nghệ mà điển hình là công nghệ AI, những mục tiêu này của ILO nói riêng, hay mục tiêu chung của pháp luật lao động nói chung dường như đang bị đe dọa. Vấn đề này sẽ được bàn luận ở phần tiếp theo.

2. Tác động của AI đến pháp luật lao động

AI chắc chắn đã và đang cách mạng hóa nhiều khía cạnh trong cuộc sống của con người. Công nghệ này đã đóng góp rất nhiều trong việc phát minh ra công nghệ mới, giúp con người nâng cao năng suất lao động đồng thời giảm các chi phí sản xuất. Trong một báo cáo của hai Giáo sư Frey và Osborne thuộc viện công nghệ máy tính, trường Đại học Oxford, họ dự đoán rằng sẽ có tới 47% việc làm ở Hoa Kỳ được tự động hóa trong vòng 20 năm tới[10]. Con số này ngoài ra còn có thể lên đến 54% trong trường hợp thị trường việc làm ở Cộng đồng Châu Âu.

Tuy nhiên, giống như bất kỳ công nghệ mới nào, AI cũng đặt ra nhiều thách thức cho hệ thống pháp luật lao động[11]. Câu hỏi đặt ra ở đây là những tác động của AI đến thị trường lao động là tác động tích cực hay tiêu cực? Và liệu rằng chúng ta có đang đánh giá quá cao công nghệ này hay không? Tác giả sẽ phân tích ở phần tiếp theo.

2.1. Tác động đến sự phân bổ việc làm

Khi đánh giá mức độ tác động của AI đến sự phân bổ việc làm, OECD đã tiến hành đánh giá sự tác động của AI vào những ngành nghề có sự tiếp xúc nhiều với AI trong môi trường làm việc[12]. Theo đó, các kết quả chỉ ra rằng hầu hết những công việc có sự tiếp xúc nhiều với AI là những công việc đòi hỏi người lao động có trình độ cao ví dụ như: chuyên gia phân tích dữ liệu, kỹ sư thiết kế phần mềm, kỹ thuật viên công nghệ sinh học, v.v…

Về mặt lý thuyết, khi xem xét liệu AI có khả năng thay thế người lao động trong các ngành nghề chất lượng cao này không, thì kết quả cho thấy rằng rất khó để thay thế các kỹ sư phần mềm hay các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm bằng các ứng dụng AI. Lý do được đưa ra là mặc dù AI nổi bật với khả năng tự học, tuy nhiên những ngành nghề chất lượng cao này lại yêu cầu các kỹ năng đặc biệt như kỹ năng lý luận logic, kỹ năng giải quyết vấn đề, khả năng phán đoán, khả suy luận về các tình huống mới lạ, v.v… Đây đều là những kỹ năng phức tạp, đòi hỏi người lao động phải học tập và tích lũy nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình. Do đó, rất khó để công nghệ AI hiện tại có thể đáp ứng được những tiêu chuẩn này[13].

Ngược lại, các ngành nghề được xem là “lao động chất lượng thấp” như nhân viên vệ sinh hoặc bảo vệ thường ít có sự tiếp xúc với AI. Theo OECD, những ngành nghề này có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ cao bị thay thế bởi các ứng dụng AI, đặc biệt là trong khoảng 20 năm tiếp theo[14]. Chẳng hạn, từ một nghiên cứu ở sáu quốc gia EU đã phát hiện ra rằng những người lao động trẻ, nam giới và những người có trình độ học vấn trung cấp có nhiều khả năng bị thay thế bởi tự động hóa[15]. Với sự phát triển của không chỉ AI mà còn các công nghệ khác, việc các đặc trưng cơ bản của các ngành nghề chất lượng thấp này như tính đơn giản, tính lặp lại, v.v… có thể bị thay thế bởi AI là hoàn toàn khả thi.

Tuy nhiên, khi xét về mặt kỹ thuật, hai nhà kinh tế học Gries Thomas và Wim Naude đã đề cập đến “nghịch lý Moravec” trong bài nghiên cứu của mình[16]. Họ chỉ ra rằng các công việc yêu cầu kỹ năng cao như phân tích, lý luận logic thường chỉ tốn một mức độ tương đối tài nguyên để AI tính toán. Ngược lại, các tác vụ của các ngành nghề kỹ năng thấp lại thường liên quan đến kỹ năng vận động cảm biến. Những tác vụ này từ góc độ của con người tuy là đơn giản nhưng từ góc độ của máy tính thường không rõ ràng và rất khó để chuyển đổi thành ngôn ngữ máy, do đó sẽ tốn nhiều tài nguyên hơn để xử lý. Mặc dù AI khả năng tự học, tuy nhiên các tác vụ này không bao giờ là cố định, và luôn có thể phát sinh thêm các trường hợp mới, do đó rất khó để AI có thể thay thế hoàn toàn con người làm các công việc này.

Qua các phân tích trên có thể thấy rằng khẳng định AI có thể thay thế người lao động dường như vẫn còn mơ hồ và nếu có thì AI chỉ có khả năng thay thế ở một số lĩnh vực. Thêm vào đó, với sự phát triển không ngừng nghỉ của AI trong nhiều lĩnh vực, khả năng các ngành nghề cũ biến mất và các ngành nghề mới liên quan đến AI xuất hiện là hoàn toàn có khả năng xảy ra. Do vậy, thật khó để khẳng định chắc chắn rằng AI có tác động tích cực hay tiêu cực cho thị trường lao động tính tới thời điểm hiện tại.

2.2. Tác động đến năng suất công việc

Thực tế, xu hướng áp dụng AI để hỗ trợ một phần của công việc dường như phổ biến hơn so với việc thay thế hoàn toàn công việc bằng AI. Ví dụ: Một nhà kinh tế khi phải dự báo xu hướng kinh tế có thể dùng AI để tổng hợp dữ liệu (việc này đòi hỏi sự chính xác của đầu vào dữ liệu), đồng thời tự mình viết báo cáo và đưa ra hướng dẫn (đòi hỏi kỹ năng lý luận phức tạp, trừu tượng). Nhìn chung, không phải tất cả nhiệm vụ trong các ngành nghề đều có thể được thực hiện bởi AI. Điều này cho thấy tác động của AI đến người lao động là “hỗ trợ” thay vì “thay thế”. Nói cách khác, AI sẽ không phá hủy mà chỉ bổ sung vào cấu trúc phân bổ việc làm[17]. Do đó, AI được kỳ vọng sẽ đem lại lợi nhuận cho các công ty bằng cách thay thế một số công việc đơn giản giúp giảm chi phí, đồng thời giúp tăng năng suất lao động bằng cách sử dụng AI hỗ trợ người lao động[18].

Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đáng kể trong lĩnh vực phát triển AI và các công nghệ tự động hóa khác, sự tăng trưởng năng suất sản xuất đương đại được cho là đang bị tụt lại trong khoảng hơn một thập kỷ qua[19]. Để giải thích cho hiện tượng này, các nhà kinh tế học cho rằng những phát minh dựa trên AI phần lớn được cải tiến từ những công nghệ cũ hơn là những đột phá công nghệ thực sự dẫn đến sự tăng năng suất lớn, như cách mà động cơ hơi nước đã làm trong cuộc Cách mạng công nghiệp ở thế kỷ XIX[20]. Hơn nữa, sự phân bổ công nghệ AI không đồng đều giữa các khu vực trong nền kinh tế toàn cầu cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm năng suất lao động[21]. Ví dụ cho chuyện này là khi các công ty lớn có hệ thống AI tiên tiến làm việc với các công ty có quy mô bé hơn (gặp khó khăn trong việc thu hút người lao động có kỹ năng giúp họ áp dụng các công nghệ AI một cách có hiệu quả), có thể gặp tình trạng không đồng bộ, từ đó gây giảm năng suất công việc[22].

3. Nhận định

Có thể thấy rằng, mặc dù nhận định AI có thể ảnh hưởng đến người lao động là có cơ sở, nhưng phần lớn chúng chỉ mang tính lý thuyết, là các nhận định cá nhân của các nhà khoa học và chưa hề có những số liệu thực tế để chứng minh. Bởi vậy, vẫn có nhiều ý kiến trái chiều cho rằng AI có thể đang được đánh giá hơi cao so với những gì nó thực sự ảnh hưởng đến nền kinh tế và thị trường lao động.

Theo ý kiến của tác giả, công nghệ AI chính là một sản phẩm của thời đại, mang tính bước ngoặt lịch sử mà theo đó, pháp luật nói chung cần phải có những thay đổi, cải tiến để bắt kịp xu hướng phát triển này. Vì vậy, pháp luật lao động nói riêng, với sự mệnh là bảo vệ quyền lợi của người lao động, cần phải từng bước điều chỉnh, thay đổi để bảo đảm quyền lợi của người lao động, đặc biệt trong các ngành nghề dễ tổn thương bởi AI.

Thêm vào đó, thực tế hiện nay hệ thống pháp luật lao động nói riêng hay hệ thống pháp luật toàn cầu liên quan đến AI vẫn đang là một bức tranh chưa hoàn thiện. Các quốc gia trên thế giới hiện tại đang có những quy định riêng biệt về các vấn đề liên quan đến AI, mặc cho những nỗ lực thúc đẩy hoàn thiện hệ thống pháp lý toàn cầu của các tổ chức thế giới như WTO, WIPO[23]. Do đó, cùng với việc các quốc gia tự hoàn thiện hệ thống pháp luật của mình, pháp luật quốc tế cũng cần có những thay đổi để đáp ứng được bối cảnh phát triển của AI hiện tại. Như lịch sử đã chứng minh vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, với sự xuất hiện của ILO, một khung pháp lý chung về các vấn đề lao động cho toàn thế giới đã thúc đẩy sự cải thiện vượt bậc của điều kiện làm việc, tiền lương, sự phân biệt đối xử hay các vấn đề liên quan đế sự bất bình đẳng lao động,v.v… Vì vậy, tác giả tin rằng sự thống nhất về khung pháp lý lao động liên quan đến AI là cần thiết và nó sẽ một lần nữa thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu một cách toàn diện.

4. Bài học cho Việt Nam

Với xu hướng phát triển về AI hiện nay trên thế giới, bên cạnh những tiện ích không nhỏ mà nó mang lại thì AI cũng đi kèm các nguy cơ rất lớn. Việc pháp luật Việt Nam có một hệ thống chế định mới, phù hợp để quy định về AI là rất cần thiết.

Thực tế, hệ thống Việt Nam hiện nay vẫn đang ở trạng thái điều chỉnh các quan hệ xã hội truyền thống liên quan đến thể nhân, pháp nhân, tổ chức không có tư cách pháp nhân. Không gian pháp lý dành cho các quan hệ pháp luật có sự tham gia của công nghệ hay AI còn rất hạn hẹp. Thêm vào đó, các quy định về AI ở Việt Nam vẫn còn sơ khai. Nhận thấy tầm quan trọng của việc cần thiết phải thúc đẩy AI, ngày 26/01/2021, Thủ tướng chính phủ đã ra Quyết định số 127/QĐ-TTg ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030. Với những hành động bước đầu này, mặc dù là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam đang cho thấy một định hướng chiến lược rõ ràng. Theo đó, việc xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hành lang pháp lý liên quan đến công nghệ cao, hay AI đang được ưu tiên hàng đầu. Thủ tướng chính phủ thông qua Quyết định số 127 đã nhấn mạnh những mục tiêu của Việt Nam về phát triển Trí tuệ nhân tạo (TTNT): “đến năm 2030, đưa TTNT trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam, Việt Nam nằm trong nhóm 5 nước dẫn đầu trong khu vực ASEAN và nhóm 60 nước dẫn đầu trên thế giới về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng TTNT...[24].

Ở Việt Nam hiện nay, có rất nhiều doanh nghiệp đã sử dụng AI như hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines). Hiện một số loại máy bay hiện đại của Vietnam Airlines đã được tích hợp công nghệ AI trong một số hoạt động như khai thác tuyến bay, cập nhật hành trình, giám sát, dự báo những sự cố về kỹ thuật… Bên cạnh đó, Vietnam Airlines còn sử dụng phần mềm AI trong quản trị doanh thu, đóng mở chuyến bay và việc chăm sóc khách hàng[25].

Liên quan đến vấn đề AI ảnh hưởng đến quyền của người lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung ở Việt Nam, hiện vẫn chưa có một nghiên cứu hay khảo sát nào cụ thể để làm sáng tỏ về sự tác động tích cực hay tiêu cực của AI. Sự ứng dụng AI trong các doanh nghiệp Việt Nam đã được xem là một xu hướng phát triển tất yếu, và chắc chắn nhiều ngành kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ. Trong tương lai, không một ngành nghề nào đứng ngoài sự ảnh hưởng của AI và ở mức độ nào đó, AI đang cạnh tranh trực tiếp với con người trên thị trường lao động.

Cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể làm mất đi nhiều loại việc làm, nhiều ngành nghề truyền thống, nhưng song song với đó các ngành nghề mới, đòi hỏi trình độ, kỹ thật cao sẽ ra đời. Những công việc này cần một nguồn nhân lực được trang bị kiến thức tiên tiến, kỹ năng phù hợp và đổi mới hơn. Vì vậy, tác giả tin rằng, công nghệ AI sẽ không thay thế được con người, nhưng những người nắm giữ được công nghệ AI chắc chắn sẽ thay thế những người không sử dụng được nó.

Việt Nam cần phải có những khảo sát, xem xét kỹ càng trước khi đưa ra những quy định liên quan đến AI. Đặc biệt liên quan đến Bộ luật Lao động, phải xem xét thật kỹ các yếu tố của AI tác động đến quyền của người lao động nói riêng và thị trường lao động nói chung, từ đó đưa ra những quy định phù hợp. Sự phù hợp này không những phải phù hợp với bối cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam mà còn phải tương thích và thống nhất với hệ thống pháp luật quốc tế toàn cầu. Thêm vào đó, chính sách và pháp luật của Việt Nam phải thúc đẩy được sự phát triển cơ sở hạ tầng tương xứng với sự tiến hóa của công nghệ. Cần phải có các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài đầu tư vào các lĩnh vực liên quan đến AI. Từ đó, góp phần tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, kéo theo đối tượng được hưởng lợi chính là người lao động khi nhu cầu việc làm cũng sẽ tăng trưởng. Ngoài ra, cũng cần phải quan tâm đến các vấn đề khác như quyền riêng tư, an ninh, an toàn dữ liệu trên không gian số để bảo đảm các quyền lợi của người sử dụng công nghệ nói chung và người lao động bị AI ảnh hưởng nói riêng.

 

 

ThS. PHAN ĐÌNH NGUYỆN (Khoa Luật Quốc Tế, Trường Đại học Luật - Đại học Huế)

Công nghệ tiên tiến khi áp dụng vào thực tế cuộc sống giúp con người giảm sức lao động, tăng năng suất và đạt hiệu quả làm việc cao

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Agrawal A, Gans JS and Goldfarb A (2023), Artificial intelligence adoption and system‐wide change, Journal of Economics & Management Strategy.
  2. Andrews D, Criscuolo C and Gal PN (2016), The best versus the rest: the global productivity slowdown, divergence across firms and the role of public policy.
  3. Anthony Gold (2023), Artificial Intelligence in Employment Law: Current Regulatory Landscape, Lexology.
  4. Bronstein A (2017), International and comparative labour law: current challenges, Bloomsbury Publishing.
  5. Chiacchio F, Petropoulos G and Pichler D (2018), The impact of industrial robots on EU employment and wages: A local labour market approach.
  6. Criscuolo C, Andrews D and Gal PN (2016), The global productivity slowdown, technology divergence, and public policy: A firm-level perspective, Hutchins Center Working Papers.
  7. Davies PL and Freedland M (1983), Kahn Freund’s: Labour and the Law, London Steven & Son.
  8. Fossen F and Sorgner A (2019), Mapping the future of occupations: transformative and destructive effects of new digital technologies on jobs, 13 Форсайт 10.
  9. Frey CB and Osborne MA (2017), The future of employment: How susceptible are jobs to computerisation?, 114 Technological forecasting and social change.
  10.  Gal P (2019), Digitalisation and productivity: In search of the holy grail–Firm-level empirical evidence from EU countries.
  11.  Gordon RJ (2018), Why has economic growth slowed when innovation appears to be accelerating?
  12.  Gries T and Naudé W (2018), Artificial intelligence, jobs, inequality and productivity: Does aggregate demand matter?
  13.  House of Commons (2023), Research Briefing: Artificial intelligence and employment law.
  14.  International Labour Office (1946), Agreement between the United Nations and the International Labour.
  15.  Kiran Stacey (2023), AI should be licensed like medicines or nuclear power, Labour suggests, The Guardian.
  16.  Lane M và Saint-Martin A (2021), The impact of Artificial Intelligence on the labour market.
  17.  Mahaim E (1921), International labour law, 1 Int'l Lab Rev 3.
  18.  Nguyễn Minh (2018), Người lao động đối mặt với trí tuệ nhân tạo, Tạp chí tài chính Online.
  19.  OECD (2021), State of implementation of the OECD AI Principles: Insights from national AI policies, OECD Digital Economy Papers, No. 311, OECD Publishing, Paris.
  20.  Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.
  21.  Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh (2022), Giáo trình Luật Lao động, Nxb. Hồng Đức, TP. Hồ Chí Minh.
  22.  Ulnicane Inga (2022), Governance of Artificial Intelligence: Emerging international trends and policy frames, The global politics of Artificial Intelligence.
  23.  Valticos N (2013), International labour law, Springer Science & Business Media.
  24.  WTO, WIPO - WTO advanced course on intellectual property policy issues concludes in Geneva.
 

[1] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Lao động, Nxb. Hồng Đức, 2022, tr.3.

[2] Bronstein A (2017), International and comparative labour law: current challenges, Bloomsbury Publishing.

[3] Bronstein A, tlđd..

[4] Davies PL and Freedland M (1983), Kahn Freund’s: Labour and the Law, London Steven & Son.

[5] Ernest Mahaim (1865-1938), giáo sư Luật của Đại học Liege, Bỉ, là một trong những người sáng lập Hiệp hội Pháp luật Lao động Quốc tế năm 1900 và Tổ chức Lao động Quốc Tế (ILO) năm 1919, đồng thời là đại diện của chính phủ Bỉ trong Cơ quan Điều hành ILO và Hội nghị Lao động Quốc tế tại Geneva.

[6] Mahaim E (1921), International labour law, 1 Int'l Lab Rev 3.

[7] Mahaim E, tlđd.

[8] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Giáo trình Luật Lao động, Nxb. Hồng Đức, 2022, tr.15.

[9] Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh, Sđd, tr.16.

[10] Frey CB and Osborne MA, The future of employment: How susceptible are jobs to computerisation?, 114 Technological forecasting and social change, 2017, tr.254.

[11] Kiran Stacey (2023), AI should be licensed like medicines or nuclear power, Labour suggests, The Guardian, https://www.theguardian.com/technology/2023/jun/05/ai-could-outwit-humans-in-two-years-says-uk-government-adviser, truy cập ngày 16/11/2023.

[12] Lane M và Saint-Martin A (2021), The impact of Artificial Intelligence on the labour market, https://doi.org/10.1787/7c895724-en, truy cập ngày 17/11/2023.

[13] Lane M và Saint-Martin A, tlđd.

[14] Lane M và Saint-Martin A, tlđd.

[15] Chiacchio F, Petropoulos G and Pichler D (2018), The impact of industrial robots on EU employment and wages: A local labour market approach.

[16] Gries T and Naudé W (2018), Artificial intelligence, jobs, inequality and productivity: Does aggregate demand matter?, https://www.econstor.eu/bitstream/10419/193299/1/dp12005.pdf, truy cập ngày 16/11/2023.

[17] Fossen F and Sorgner A (2019), Mapping the future of occupations: transformative and destructive effects of new digital technologies on jobs, 13 Форсайт 10.

[18] Agrawal A, Gans JS and Goldfarb A (2023), Artificial intelligence adoption and system‐wide change, Journal of Economics & Management Strategy.

[19] Criscuolo C, Andrews D and Gal PN (2016), The global productivity slowdown, technology divergence, and public policy: A firm-level perspective, Hutchins Center Working Papers.

[20] Gordon RJ (2018), Why has economic growth slowed when innovation appears to be accelerating?.

[21] Andrews D, Criscuolo C and Gal PN (2016), The best versus the rest: the global productivity slowdown, divergence across firms and the role of public policy.

[22] Gal P (2019), Digitalisation and productivity: In search of the holy grail-Firm-level empirical evidence from EU countries.

[23] WTO, WIPO - WTO advanced course on intellectual property policy issues concludes in Genevahttps://www.wto.org/engWIPO-WTO%20advanced%20course%20on%20intellectual%20property%20policy%20issues%20concludes%20in%20Geneva, truy cập 14/8/2023.

[24] Quyết định số 127/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 của Thủ tướng Chính

 phủ ban hành Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng Trí tuệ nhân tạo đến năm 2030.

[25] Nguyễn Minh (2018), Người lao động đối mặt với trí tuệ nhân tạo, Tạp chí tài chính Online, https://tapchitaichinh.vn/nguoi-lao-dong-doi-mat-voi-tri-tue-nhan-tao.html, truy cập ngày 16/11/2023.