Tham nhũng chưa có dấu hiệu thuyên giảm
Ngày 21/11 Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Trước đó, thảo luận về công tác phòng chống tham nhũng, hầu hết ý kiến của Đại biểu Quốc hội đều cho rằng cuộc đấu tranh này chưa đạt yêu cầu và kiến nghị nhiều giải pháp nhằm mang lại hiệu quả cao hơn
Nhận diện tham nhũng
Tại phiên chất vấn Thủ tướng Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí – TP Hà Nội cho rằng nạn tham nhũng vặt, vòi vĩnh, nhũng nhiễu làm khó người dân và doanh nghiệp khá phổ biến làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần xây dựng một Chính phủ liêm chính và kiến tạo mà Thủ tướng đã cam kết.
Các đại biểu đều đặt câu hỏi đối với Thủ tướng về biện pháp cụ thể hữu hiệu, giải pháp mang tính đột biến, mang tính tổng hợp để chống tiêu cực, tham nhũng, làm giảm, ngăn chặn được triệt để vấn nạn trên.
Tham nhũng, một vấn đề nhức nhối của quốc gia gần như không lần tiếp xúc cử tri nào mà người dân không đề xuất, kiến nghị, thậm chí có những cử tri kiến nghị nhiều lần nên bức xúc. Tham nhũng là một hình thức tự diễn biến, tự chuyển hóa và để lại những hậu quả xã hội nghiêm trọng, gây tổn hại tới kinh tế, suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, làm xói mòn niềm tin trong nhân dân. Thời gian qua, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Quốc hội, Chính phủ đã vào cuộc chống tham nhũng một cách quyết liệt, Chính phủ đã ban hành chương trình hành động, Ban Chỉ đạo đã xây dựng chương trình công tác, các bộ, ngành và các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục được quan tâm, bộ máy tổ chức được kiện toàn, các biện pháp phòng ngừa được chú trọng. Kết quả đạt được, nhiều vụ án lớn được phát hiện và xử lý nghiêm cho dù đó là ai. Việc làm này được cử tri và nhân dân cả nước đồng tình ủng hộ, từng bước đem lại niềm tin vào vai trò lãnh đạo của Đảng và Chính phủ.
Tại phiên thảo luận về báo cáo phòng chống tham nhũng, các đại biểu cũng đưa ra những nhận định thích đáng. Đại biểu Cao Thị Giang – Quảng Bình cho rằng: Tham nhũng còn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, tham nhũng vẫn diễn ra ở nhiều ngành, nhiều cấp, nhiều lĩnh vực với thủ đoạn ngày càng tinh vi, khó phát hiện, tình trạng sách nhiễu, vòi vĩnh, gây phiền hà ở một bộ phận công chức, viên chức nhà nước vẫn còn diễn ra ở một số lĩnh vực, dư luận xã hội cũng cho rằng tham nhũng xảy ra nhiều ở những người có chức, có quyền, lợi dụng quyền lực để mưu lợi ích riêng, lợi ích nhóm, biểu hiện là tham ô, nhận hối lộ, cố ý làm trái pháp luật vì động cơ tham nhũng.
Theo đại biểu Giang, hình hài tham nhũng xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, kể cả trong cơ quan bảo vệ pháp luật, trong các đoàn thanh tra, kiểm toán v.v…. Tham nhũng chưa được ngăn chặn cũng xuất phát từ việc bắt và xử lý đối tượng tham nhũng chưa triệt để, nhiều vụ việc xảy ra thường dính líu đến tình cảm thân quen, họ hàng, vị trí lãnh đạo. Không ít người đứng đầu vẫn còn bao che, dung túng cho hành vi tham nhũng của cán bộ mình quản lý. Việc tự kiểm tra, phát hiện tham nhũng của một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn yếu. Phần lớn các vụ tham nhũng vừa qua đối với một số cán bộ bị phát hiện là do mất đoàn kết nội bộ, tranh giành địa vị, chạy chức, chạy quyền không thành, do đơn thư tố cáo, dư luận nhân dân phản ứng, báo chí vào cuộc, lên tiếng thì các cơ quan chức năng mới vào cuộc điều tra, kết luận và xử lý.
Đại biểu Trần Văn Mão – Nghệ An cũng nhận định, vấn đề bổ nhiệm cán bộ trong bộ máy nhà nước như nhiều phương tiện thông tin đại chúng đã nêu, còn nhiều sai phạm, dư luận cử tri bức xúc và lo ngại những vụ việc được báo chí phanh phui về việc bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào vị trí dễ phát sinh tham nhũng. Các vụ việc nổi bật về bổ nhiệm người thân, họ hàng vào các vị trí then chốt, nhạy cảm, có biểu hiện lợi ích nhóm, lợi ích thân hữu, khép kín tham nhũng, khó kiểm soát lợi ích gia đình, dòng họ len lỏi vào trong bộ máy nhà nước, lũng đoạn bộ máy nhà nước gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng và Nhà nước, gây dư luận bức xúc trong nhân dân.
Tài sản tham nhũng được thu hồi quá thấp
Xử lý tội phạm tham nhũng không chỉ là các bản án với hình phạt nghiêm khắc, mà quan trọng hơn là thu hồi tài sản trả lại cho ngân sách, đây là vấn đề các đại biểu rất trăn trở.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017 và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp đều nhận định tình hình tham nhũng vẫn diễn ra nghiêm trọng, phức tạp, tinh vi, nhiều vụ việc tham nhũng nghiêm trọng được phát hiện và xử lý. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng với số lượng tài sản do tham nhũng chắc chắn là khối lượng tài sản không hề nhỏ. Theo Báo cáo tổng kết 10 năm của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, thiệt hại được phát hiện là 59.759 tỷ đồng và 400 héc ta đất. Tuy nhiên, tỷ lệ thu hồi lại thấp hơn rất nhiều so với tài sản bị chiếm đoạt. Chỉ thu hồi được 7,82% về tiền và tài sản và 54,75% về đất. Trong những năm gần đây, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng tuy có tăng nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu. Năm 2016 tỷ lệ thu hồi mới đạt 38,3%.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa – Nam Định cho rằng: Có rất nhiều nguyên nhân của tình trạng này. Trước hết, đó là đa số các tội phạm tham nhũng là tội phạm ẩn. Người phạm tội thường là người có chức vụ, có trình độ học vấn chuyên môn nhất định. Vì vậy, việc phạm tội thường có sự chuẩn bị kỹ càng, với nhiều thủ đoạn tinh vi và tài sản do phạm tội thường được che dấu kỹ lưỡng.
Trong quá trình tiến hành tố tụng, một số cơ quan tiến hành tố tụng chưa quyết liệt trong đấu tranh với tội phạm tham nhũng, chưa kịp thời trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như kê biên, tạm giữ, cấm chuyển dịch tài sản để ngăn ngừa việc tẩu tán tài sản.
Đại biểu Trần Văn Mão, Nghệ An
Bên cạnh đó, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn đạt hiệu quả thấp.Việc kê khai tài sản mới chỉ chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai, chưa có quy định đúng trường hợp cơ quan có thẩm quyền tiến hành xác minh tài sản thu nhập một cách chủ động, chưa có quy định công khai rộng rãi kết quả kê khai tài sản để người dân giám sát, chưa có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát tài sản thu nhập của người dân nói chung và người có chức vụ quyền hạn trong bộ máy cơ quan nhà nước nói riêng. Ngoài ra, thói quen sử dụng công cụ thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn phổ biến. Chính những điều này đã làm cho công tác nhận diện tài sản tham nhũng trở nên rất khó khăn.
Đại biểu Nguyễn Văn Hiển – Lâm Đồng, phân tích: Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng của Chính phủ cũng đưa ra số liệu, các vụ án tham nhũng gây thiệt hại trên 1.521 tỷ đồng và 77.057m2 đất, trong đó đã thu hồi được 329.691.314.000 USD và 3.700m2 đất, như vậy, tỷ lệ thu hồi về tiền đạt khoảng 22%, về đất đạt khoảng 4,8%. Báo cáo của Tổng cục Thi hành án đã thụ lý là 415 vụ việc thuộc nhóm tội phạm tham nhũng tương ứng với số tiền phải thu là 6.051 tỷ, trong đó mới giải quyết xong là 1.154 tỷ, tương ứng với khoảng 19%.
Trong báo cáo về công tác thi hành án của Chính phủ đưa ra số liệu tổng số tiền của người phải thi hành án đang chấp hành hình phạt tù tại các trại giam, trại tạm giam là gần 32.000 tỷ, song hiện nay mới chỉ thi hành được 2.795 tỷ, tức là chiếm 8,75%.
“Theo dõi việc thu hồi tài sản của một số vụ tham nhũng lớn, số tiền thu về cho ngân khố quốc gia còn thất vọng hơn nhiều” – đại biểu Nguyễn Văn Hiến nói. Chẳng hạn vụ cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại tập đoàn Vinashin, theo quyết định thi hành án thì Phạm Thanh Bình và Trần Văn Liêm phải liên đới bồi thường thiệt hại cho công ty Vinashin số tiền là 989,2 tỷ đồng và tiền lãi chậm trả thi hành án. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 7 năm 2017, vẫn chưa thi hành được khoản nào. Trong vụ Vinaline, Dương Trí Dũng phải bồi thường cho Tổng công ty Hàng hải Việt Nam số tiền 110 tỷ đồng và lãi trả chậm. Tuy nhiên, hiện nay mới thi hành được trên 21 tỷ. Đây là theo nguồn dẫn báo Pháp luật, ngày 12/7/2017. Theo báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng thì 92% số tiền tham nhũng bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được. Với những số liệu nêu trên, rõ ràng việc thu hồi tài sản là quá thấp so với những thiệt hại rất lớn mà nạn tham nhũng gây ra cho ngân khố quốc gia. Do vậy, các cơ quan tố tụng, thi hành án phải thực hiện tốt chính sách thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, là một trong những chính sách quan trọng ưu tiên hàng đầu trong việc điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.
Giải pháp để chống tham nhũng hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Đảng ta coi nhiệm vụ chống tham nhũng là nhiệm vụ rất quan trọng, chính vì vậy Bộ Chính trị quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư chỉ đạo. Thời gian qua, chúng ta đã làm được nhiều việc, từ xây dựng thể chế đến điều tra những vụ việc cụ thể và xử lý nghiêm. Chính phủ đang tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để hoàn chỉnh Luật Phòng, chống tham nhũng. Bên cạnh việc giáo dục cán bộ, công chức, giám sát việc tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm thì các cơ quan trung ương, các cơ quan ở địa phương cần làm gương mạnh mẽ vấn đề này.
Thủ tướng Chính phủ cũng bày tỏ quan điểm tiếp tục hoàn thiện thể chế, tiếp tục đẩy mạnh công khai, minh bạch, xây dựng Chính phủ điện tử, tăng cường kiểm soát quyền lực. Tất cả những giải pháp đó đồng bộ. Trên tinh thần coi đây là việc quan trọng nên cấp ủy chính quyền các cấp phải đẩy mạnh ngăn chặn có hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng ở từng bộ, từng ngành, từng địa phương, từng cơ quan đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội.
Một tiêu chí mà nhiều đại biểu nhắc tới đó là đề cần công khai, minh bạch để dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, khi đó mới tạo được niềm tin cho dân và người dân mới đồng lòng cùng Đảng, Nhà nước trên mặt trận phòng, chống tham nhũng. Đại biểu Trương Thị Yến Linh – Cà Mau nhấn mạnh: “Các giải pháp phòng ngừa tham nhũng thì công khai minh bạch là giải pháp của mọi giải pháp, công khai minh bạch phải toàn diện”.
Theo đại biểu, vấn đề thứ nhất, công khai minh bạch việc kê khai tài sản thu nhập. Hiện nay việc kê khai chỉ hình thức chủ yếu dựa vào ý thức tự giác người kê khai, không ai kiểm tra, xác định, thẩm định, do đó rất khó phát giác những tài sản có nguồn gốc từ tham nhũng. Năm 2017 thì số người kê khai tài sản thu nhập là rất lớn trên 1 triệu người nhưng chỉ xác minh 78 người, phát hiện 5 trường hợp vi phạm. Đối tượng kê khai thì rất lớn, xác minh được rất ít và chưa ứng dụng được công nghệ hiện đại về quản lý dữ liệu. Nhiều vụ việc được phát hiện chủ yếu dựa vào dân tố giác hoặc qua báo chí phản ánh cho thấy hiệu quả phòng, chống tham nhũng chưa cao, hiện tượng tham nhũng trong đời sống xã hội rất nhiều nhưng số vụ được phát hiện rất ít, cấp càng cao thì số vụ phát hiện xử lý ít hơn so với cấp dưới, trong khi cấp càng cao thì điều kiện tham nhũng nhiều hơn cấp dưới. Công khai, minh bạch và kiểm soát tài sản thu nhập của đối tượng kê khai chính là biện pháp vừa phòng ngừa tham nhũng vừa giúp phát hiện xử lý những cá nhân có hành vi tham nhũng và thu hồi tài sản bị tham nhũng.
Do đó cần mở rộng đối tượng kê khai tài sản thu nhập đối với cả những người có quan hệ huyết thống gần đối với những người kê khai để hạn chế tẩu tán tài sản. Đại biểu Trương Thị Yến Linh đề nghị có lộ trình giảm lưu lượng lưu thông tiền mặt trong xã hội bằng hình thức sử dụng thanh toán qua tài khoản ngân hàng. Qua đó, nhà nước sẽ kiểm soát tốt được tài sản thu nhập mọi công dân, kể cả cán bộ công chức, viên chức. Thực hiện lộ trình cải cách tiền lương, từng bước nâng cao và cơ cấu tiền lương hợp lý, bảo đảm đời sống cho cán bộ công chức, viên chức.
Vấn đề thứ hai, công khai minh bạch về kết quả thanh kiểm tra và công tác xử lý. Tình trạng ban hành nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính nhưng khi chuyển qua cơ quan điều tra xử lý hình sự thì số vụ là rất ít, như cơ quan thanh tra ban hành trên 154.000 quyết định nhưng chuyển qua cơ quan điều tra chỉ 105 vụ thì chưa tương xứng với tình hình tham nhũng đang diễn ra hàng ngày rất tinh vi, nghiêm trọng, phức tạp trên nhiều lĩnh vực ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây hậu quả xấu về nhiều mặt, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta như Đảng ta đã nhận định.
Việc công khai, minh bạch kết quả thanh kiểm tra và công tác xử lý là một việc làm hết sức cần thiết. Việc để nhân dân theo dõi, giám sát để không cho cơ hội tham nhũng.
Đại biểu Hà Thị Minh Tâm – Hà Nam cho rằng, nhằm tăng cường giải pháp thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả tốt hơn, trong thời gian tới, Quốc hội sớm chỉ đạo hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng nhất là một số văn bản như sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2007, 2012, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Tố cáo năm 2011; Chính phủ nghiên cứu mô hình các cơ quan chức năng hoạt động độc lập về công tác phòng, chống tham nhũng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động công tác điều tra, truy tố, xét xử các án về tham nhũng và cần chỉ đạo các giải pháp hữu hiệu về kê khai thu nhập, đăng ký tài sản đối với cán bộ, công chức một cách minh bạch, công khai và nghiêm túc.
Đại biểu Trần Văn Mão nói, Quốc hội, Chính phủ, bộ, ngành, chính quyền địa phương các cấp cần sớm hoàn thiện văn bản pháp luật quy định cơ chế về kê khai tài sản, công khai, kiểm soát thu nhập của cán bộ, công chức một cách thiết thực, hiệu quả, tránh hình thức.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù
Bình luận