Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự
Tại Thông tư số 03/2023/TT-TANDTC ngày 28 tháng 12 năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự, Tạp chí TAND điện tử giới thiệu một số nội dung chính
Về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo đối tượng
1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự quy định tại điểm a khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, không phụ thuộc vào việc họ phạm tội gì và phạm tội ở đâu:
a) “Quân nhân tại ngũ” bao gồm sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sĩ quan, binh sĩ được quy định tại Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Luật Nghĩa vụ quân sự;
b) “Công chức quốc phòng” là công dân Việt Nam được tuyển dụng vào ngạch, chức vụ, chức danh tương ứng với vị trí việc làm trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng;
c) “Công nhân và viên chức quốc phòng” bao gồm những đối tượng được quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng;
d) Quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu được quy định tại Luật Lực lượng dự bị động viên;
đ) Dân quân, tự vệ trong thời gian cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quyết định tập trung huấn luyện hoặc phối thuộc với Quân đội nhân dân trong chiến đấu, phục vụ chiến đấu được quy định tại Luật Dân quân tự vệ;
e) Công dân được điều động, trưng tập vào phục vụ trong Quân đội hoặc thực hiện chế độ hợp đồng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp Quân đội.
2. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử vụ án hình sự quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà hành vi của người phạm tội có liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại cho Quân đội hoặc phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ được xác định như sau:
a) Bí mật quân sự bao gồm bí mật của Quân đội, bí mật về an ninh quốc phòng, bí mật Nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng và được quy định trong các văn bản của các cơ quan Nhà nước, tổ chức đảng có thẩm quyền;
b) Gây thiệt hại cho Quân đội bao gồm thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện, kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại về tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội;
c) Phạm tội trong doanh trại Quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.
3. Đối với người đang phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử tất cả các vụ án mà người đó phạm tội, không phân biệt loại tội và thời điểm họ thực hiện tội phạm.
Đối với người không còn phục vụ trong Quân đội mà phát hiện tội phạm do họ thực hiện trong thời gian phục vụ trong Quân đội thì Tòa án quân sự xét xử những tội phạm hướng dẫn tại khoản 2 Điều này; những tội phạm khác do Tòa án nhân dân xét xử.
4. Thời điểm bắt đầu thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được xác định như sau:
a) Đối với tuyển quân hằng năm đi nghĩa vụ quân sự là thời điểm giao nhận quân;
b) Đối với trường hợp gọi công dân nhập ngũ lẻ là thời điểm tiếp nhận công dân nhập ngũ lẻ theo quy định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
c) Đối với công dân trúng tuyển kỳ thi tuyển sinh quân sự vào đào tạo tại các cơ sở giáo dục đào tạo là thời điểm tiếp nhận công dân trúng tuyển theo quy định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
d) Đối với trường hợp gọi sĩ quan dự bị vào phục vụ tại ngũ là thời điểm cơ quan, đơn vị tiếp nhận theo quy định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
đ) Đối với trường hợp gọi nhập ngũ khi có lệnh động viên là thời điểm đơn vị lực lượng thường trực của Quân đội tiếp nhận theo quyết định của cấp có thẩm quyền và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
e) Đối với trường hợp tuyển dụng là ngày quyết định tuyển dụng của cấp có thẩm quyền có hiệu lực thi hành và chịu sự quản lý về mọi mặt của Quân đội;
g) Đối với trường hợp tiếp nhận người chấp hành hình phạt tù bị oan sai, mất tích, quân nhân đào ngũ đã cắt quân số trở lại đơn vị là ngày quyết định tiếp nhận trở lại cơ quan, đơn vị phục vụ Quân đội có hiệu lực thi hành;
h) Đối với quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ là thời điểm họ được quy định phải có mặt tập trung để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, diễn tập, kiểm tra, phối thuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu và chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội;
i) Đối với lao động hợp đồng là thời điểm bắt đầu làm việc theo thỏa thuận đã ký kết trong hợp đồng lao động;
k) Đối với các đối tượng khác được điều động, trưng tập làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là thời điểm công dân bắt đầu thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội.
5. Thời điểm kết thúc thời gian phục vụ trong Quân đội để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự được xác định như sau:
a) Đối với trường hợp nghỉ hưu, phục viên, xuất ngũ, thôi việc, nghỉ theo chế độ bệnh binh, chuyển ngành là ngày quyết định có hiệu lực thi hành;
b) Đối với trường hợp chuyển về các Trung tâm Điều dưỡng thương binh, cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở nuôi dưỡng người có công là từ thời điểm cơ quan, đơn vị bàn giao quân nhân, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng cho trung tâm hoặc cơ sở;
c) Đối với trường hợp tước danh hiệu quân nhân, buộc thôi việc là thời điểm bàn giao quân nhân cho cơ quan quân sự cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú;
d) Đối với trường hợp đào ngũ là ngày cơ quan, đơn vị thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự cấp huyện nơi họ cư trú và gia đình về việc giảm quân số quản lý khỏi biên chế của Quân đội đối với quân nhân đào ngũ;
đ) Trường hợp quân nhân, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng bỏ ngũ chạy sang hàng ngũ địch hoặc trốn ra nước ngoài là ngày người đó thực hiện hành vi này;
e) Trường hợp công chức, công nhân, viên chức quốc phòng tự ý bỏ việc không có lí do là ngày cơ quan, đơn vị thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi họ cư trú và gia đình về việc này;
g) Đối với quân nhân, công chức, công nhân và viên chức quốc phòng được cử đi đào tạo ở nước ngoài, hết thời hạn học tập, nếu không được phép của cấp có thẩm quyền mà tự ý ở lại nước ngoài là thời điểm cơ quan, đơn vị thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan quân sự cấp huyện nơi họ cư trú và gia đình về việc giảm quân số quản lý khỏi biên chế Quân đội;
h) Đối với quân nhân dự bị, dân quân, tự vệ là thời điểm kết thúc thời hạn tập trung để thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, kiểm tra, phối thuộc chiến đấu, phục vụ chiến đấu và không còn chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội;
i) Đối với lao động hợp đồng là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động theo thỏa thuận hoặc ghi trong biên bản thanh lý hợp đồng lao động;
k) Đối với các đối tượng khác được điều động, trưng tập làm nhiệm vụ quân sự, quốc phòng là thời điểm hết thời hạn thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng và không còn chịu sự quản lý trực tiếp của đơn vị Quân đội.
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ quy định tại Điều 269 của Bộ luật Tố tụng hình sự được thực hiện như sau:
1. Vụ án xảy ra trên địa bàn của Tòa án quân sự nào thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đó. Việc phân định địa bàn trong Quân đội là căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Bị cáo thuộc đơn vị của Quân chủng Hải quân thì thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự thuộc Quân chủng Hải quân không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm. Trường hợp bị cáo là người theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà tội phạm của họ gây thiệt hại cho Quân chủng Hải quân hoặc tội phạm xảy ra trong doanh trại hoặc khu vực quân sự do Quân chủng Hải quân quản lý, bảo vệ cũng thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự thuộc Quân chủng Hải quân.
3. Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử là Tòa án quân sự nơi kết thúc việc điều tra, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
4. Trường hợp nhiều Tòa án quân sự khác nhau có thẩm quyền xét xử do vụ án có nhiều bị cáo thuộc nhiều đơn vị khác nhau thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử là Tòa án quân sự nơi kết thúc việc điều tra, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.
Ví dụ: Vụ án có bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự Quân khu 3, có bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án quân sự nơi kết thúc việc điều tra.
Thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật
1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật.
2. Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nơi đang thi hành lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự ở nơi thiết quân luật có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án.
3. Trường hợp sau khi Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án mà nơi tội phạm xảy ra đã được bãi bỏ lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự đó tiếp tục xét xử vụ án.
Về thẩm quyền xét xử sơ thẩm của Tòa án quân sự các cấp
1. Tòa án quân sự khu vực có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về các tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 268 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà đối tượng khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có cấp bậc quân hàm từ Trung tá trở xuống hoặc giữ chức vụ theo quy định có cấp bậc quân hàm cao nhất từ Trung tá trở xuống.
2. Tòa án quân sự quân khu và tương đương có thẩm quyền xét xử sơ thẩm những vụ án hình sự về:
a) Các tội phạm không thuộc thẩm quyền của Tòa án quân sự khu vực;
b) Có bị cáo, bị hại, đương sự ở nước ngoài hoặc tài sản có liên quan đến vụ án ở nước ngoài;
c) Các tội phạm mà đối tượng khi phạm tội hoặc khi bị khởi tố có cấp bậc quân hàm từ Thượng tá trở lên hoặc giữ chức vụ theo quy định có cấp bậc quân hàm cao nhất từ Thượng tá trở lên;
d) Các tội phạm thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự khu vực nhưng có nhiều tình tiết phức tạp khó đánh giá, thống nhất về tính chất vụ án hoặc liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành; vụ án mà bị cáo là Thẩm phán, Kiểm sát viên, Điều tra viên, cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở cấp huyện, người có chức sắc trong tôn giáo hoặc có uy tín cao trong dân tộc ít người.
3. “Chức vụ” hướng dẫn tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này được xác định theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, pháp luật có liên quan và quy định của Bộ Quốc phòng.
4. “Cấp bậc quân hàm” hướng dẫn tại khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều này bao gồm cấp bậc quân hàm của sĩ quan, hạ sĩ quan, binh sĩ và cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2024.
Tòa tuyên án các bị cáo trong vụ Việt Á (ảnh Triệu Hồ)
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Học viện Tòa án tổ chức trao quà trong chương trình “Đông Ấm Hà Quảng 2024”
-
TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 17 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu” giai đoạn 2
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
Bình luận