Thi hành Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 - Vướng mắc và kiến nghị
Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí Tòa án có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2017.
Nghị quyết đã tạo nhiều thuận lợi cho các cơ quan Tư pháp trong quá trình áp dụng pháp luật. Cụ thể đó là việc quy định chi tiết về mức án phí, lệ phí Tòa án; các trường hợp không phải chịu và được miễn nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí… thể hiện rõ nét chính sách nhân đạo của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên, Nghị quyết cucngx có những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn áp dụng, cần được khắc phục.
1.Vướng mắc, bất cập
Điểm vướng mắc, bất cập, dẫn đến chưa có sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các cơ quan có thẩm quyền đó là khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326 quy định các trường hợp được miễn án phí bao gồm:
“a) Người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật;
b) Người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự;
c) Người khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính trong việc áp dụng hoặc thi hành biện pháp xử lý hành chính giáo dục tại xã, phường, thị trấn;
d) Người yêu cầu bồi thường về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
đ) Trẻ em; cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo; người cao tuổi; người khuyết tật; người có công với cách mạng; đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.”
Như vậy người nào thuộc 5 trường hợp nói trên, khi xét xử vụ án nếu có đơn đề nghị kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh thì sẽ được Tòa án có thẩm quyền xem xét miễn án phí.
Tuy nhiên, tại Chương II của Nghị quyết quy định cụ thể về án phí, thì đối với án phí trong vụ án hình sự lại không loại trừ nghĩa vụ chịu án phí đối với các trường hợp nêu trên:
Điều 23 quy định về nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hình sự như sau: “Người bị kết án phải chịu án phí hình sự sơ thẩm… Trường hợp cả bị cáo và người đại diện của bị cáo đều có kháng cáo quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên quyết định về hình sự của bản án sơ thẩm thì chỉ bị cáo phải chịu án phí hình sự phúc thẩm…”.
Trong khi đó tại Chương III quy định về án phí trong vụ án dân sự và Chương IV quy định về án phí trong vụ án hành chính lại có nội dung loại trừ nghĩa vụ chịu án phí đối với các trường hợp được miễn án phí. Cụ thể:
Điều 26, Điều 29 quy định về nghĩa vụ chịu án phí dân sự như sau: “Đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm…”; “Đương sự kháng cáo phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm...”.
Điều 32, Điều 34 quy định về nghĩa vụ chịu án phí trong vụ án hành chính: “Đương sự phải chịu án phí hành chính sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn nộp tiền án phí hoặc không phải chịu án phí hành chính sơ thẩm…”; “Đương sự kháng cáo phải nộp tiền án phí phúc thẩm, nếu Tòa án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí phúc thẩm….”.
Như vậy, với quy định như trên, khi xét xử vụ án hình sự Tòa án sẽ áp dụng quy định của phần chung hay áp dụng quy định tại phần chuyên ngành của Nghị quyết 326 đối với các trường hợp được miễn án phí.
Ví dụ: Trần Văn A phạm tội “Vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy”. Trong vụ án này A thuộc trường hợp là người đồng bào dân tộc thiểu số, cư trú tại xã X – là xã có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biết khó khăn theo Quyết định số 582 ngày 28/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Như vậy A thuộc đối tượng được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326. Tuy nhiên thực tiễn xét xử có hai quan điểm như sau:
- Quan điểm thứ nhất, áp dụng quy định của phần chung theo hướng có lợi cho người phạm tội: Đối với trường hợp này, yêu cầu A phải có đơn đề nghị được miễn án phí nộp cho Tòa án có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.
- Quan điểm thứ hai, áp dụng theo quy định của pháp luật chuyên ngành và quy định tại phần riêng của Nghị quyết 326 về án phí hình sự:
Theo quy định tại khoản 2 Điều 136 BLTTHS năm 2015 thì người bị kết án phải có trách nhiệm chi trả án phí theo quy định của pháp luật; mức án phí và căn cứ áp dụng được ghi rõ trong bản án hoặc quyết định của Tòa án. Theo đó, đối chiếu với quy định của Nghị quyết 326, người kháng cáo sẽ không được miễn án phí, mặc dù họ có hay không có đơn đề nghị. Quan điểm này thể hiện tính đặc trưng về tính chất, mức độ nguy hiểm của tội phạm trong vụ án hình sự.
Khác với vụ án dân sự dựa trên nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận; và xuất phát từ nhiệm vụ của BLTTHS là xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội khi phát hiện, không để lọt tội phạm. Nghĩa là khi phát hiện tội phạm, không phân biệt giới tính, dân tộc, thành phần, địa vị xã hội, các cơ quan chức năng phải xử lý bình đẳng theo đúng quy định của pháp luật, không có vùng cấm; vì vậy chi phí cho các hoạt động xét xử phải là bắt buộc.
2.Đề xuất, kiến nghị
Xoay quanh nội dung trên, tác giả xin đưa ra một số kiến nghị, đề xuất như sau:
Một là, cần ưu tiên áp dụng pháp luật chuyên ngành nếu quy định của phần chung và phần chuyên ngành có nội dung khác nhau. Tức là quy định nghĩa vụ phải chịu án phí trong vụ án hình sự là hợp lý; quy định này vừa thể hiện sự nghiêm minh vừa phát huy được tính giáo dục, răn đe, phòng ngừa tội phạm của pháp luật hình sự.
Thứ hai, cần có quy định riêng đối với các trường hợp phạm tội ít nghiêm trong do lỗi vô ý. Các trường hợp này nếu thuộc 5 trường hợp được miễn án phí thì Tòa án có thể xem xét và miễn án phí hình sự cho họ. Quy định như vậy là phù hợp với sự phân hóa về tội phạm, đồng thời cũng thể hiện được chính sách nhân đạo của BLHS và đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta.
Thứ ba, về nội dung hồ sơ đề nghị miễn án phí hình sự phúc thẩm, nên có quy định: Nếu ở cấp sơ thẩm đã có hồ sơ xét miễn án phí thì cấp sơ thẩm có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị Tòa án có thẩm quyền tiếp tục xét miễn án phí ở cấp phúc thẩm; và tại phiên tòa phúc thẩm nếu đương sự có yêu cầu thì Tòa cấp phúc thẩm sẽ căn cứ vào hồ sơ đó để quyết định. Quy định này nhằm đơn giản hóa thủ tục nhưng vẫn không vi phạm quy định về thẩm quyền miễn án phí hình sự của Tòa phúc thẩm.
Để thực tiễn xét xử được thống nhất trong việc áp dụng pháp luật, rất mong quý bạn đọc cùng đồng nghiệp có ý kiến trao đổi, góp ý./.
TAND TP. Cần Thơ xét xử vụ án giết người Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận