Thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được triển khai đồng bộ và đạt những kết quả đáng khích lệ

Tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2021, TANDTC đã tổ chức sơ kết triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Trình bày báo cáo sơ kết triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ông Nguyễn Văn Du, Phó Chánh án TANDTC, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho biết, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thông qua tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Ngay sau khi Luật được Quốc hội thông qua, TANDTC đã ban hành Kế hoạch triển khai thi hành, ban hành kèm theo Quyết định số 187/QĐ-TANDTC ngày 17/7/2020 của Chánh án TANDTC và Quyết định số 267/QĐ-TANDTC ngày 25/9/2020 về việc thành lập Ban Chỉ đạo triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Do đó, hầu hết các Tòa án đã thành lập Hội đồng tư vấn, tuyển chọn Hòa giải viên, tổ chức họp Hội đồng và đã Quyết định bổ nhiệm Hòa giải viên. Số lượng Hòa giải viên toàn quốc là 2.157 người, đa số các Hòa giải viên đều có trình độ, hiểu biết pháp luật, có kinh nghiệm tiến hành hòa giải, đối thoại.

Các Tòa án đã lên phương án bố trí, sắp xếp diện tích phòng làm việc phù hợp và các điều kiện cơ sở vật chất khác theo Đề án trang bị cơ sở vật chất phục vụ thi hành Luật. Xây dựng sách giải đáp về hòa giải, đối thoại tại Tòa án; xây dựng cuốn thông tin khoa học xét xử về hòa giải, đối thoại.

Một trong những khó khăn ảnh hưởng đến việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là sự thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc. Hầu hết các Tòa án phải sắp xếp lại phòng làm việc của Thẩm phán, Thẩm tra viên, Thư ký, người lao động hoặc sử dụng phòng họp, phòng tiếp công dân, phòng nghị án, phòng chờ xét xử, hội trường... để bố trí phòng phục vụ cho hoạt động hòa giải, đối thoại. Đây là giải pháp tình thế vì những phòng này không đáp ứng yêu cầu về diện tích cũng như vị trí thuận lợi phục vụ hoạt động hòa giải, đối thoại.

Trước những khó khăn, thách thức như vậy, Tòa án các cấp đã chủ động, sáng tạo thực hiện các giải pháp đồng bộ, các chương trình, kế hoạch cụ thể để vượt lên khó khăn, triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.

Một số Tòa án thực hiện việc cấp phát sách Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án cho toàn thể cán bộ, công chức tại đơn vị; đăng tải thông báo tuyển chọn Hòa giải viên; các bài viết tuyên truyền, phổ biến Luật trên trang thông tin điện tử của Tòa án; phối hợp với Đài phát thanh, Đài truyền hình để tuyên truyền, phổ biến Luật...

Nhờ thực hiện các giải pháp hiệu quả, về cơ bản việc thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án đã được triển khai đồng bộ và đạt những kết quả đáng khích lệ. Sau 2 tháng thi hành Luật, số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện trên toàn quốc nhận được từ ngày 01/01/2021 đến ngày 28/02/2021 là 38.661. Số lượng vụ, việc chuyển sang hòa giải, đối thoại tại Tòa án là 2.544 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 6% số lượng đơn khởi kiện, đơn yêu cầu mà Tòa án nhận được). Số lượng vụ, việc đã được hòa giải thành, đối thoại thành là 662 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 26% số lượng vụ, việc chuyển sang hòa giải, đối thoại). Số lượng vụ, việc đã ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành là 309 vụ, việc (chiếm tỷ lệ 47% số lượng vụ, việc hòa giải thành, đối thoại thành).

Một số Tòa án có số lượng vụ, việc ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành cao như: Nghệ An (67 vụ, việc), Hải Phòng (63 vụ, việc), Bạc Liêu (38 vụ, việc), Vĩnh Phúc (35 vụ, việc), Bình Dương (22 vụ, việc), Hà Giang (09 vụ, việc).

Phát biểu tại Hội nghị, các đại biểu đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thi hành Luật, liên quan đến cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc; biểu mẫu ra quyết định công nhận hòa giải thành; tiêu chuẩn lựa chọn Hòa giải viên... Các đại biểu mong muốn TANDTC quan tâm đến công tác trang cấp cơ sở vật chất, thiết bị làm việc; có hướng dẫn kịp thời về biểu mẫu; sớm có ý kiến trao đổi, giải pháp cụ thể, kịp thời để tháo gỡ khó khăn; hướng dẫn về tiêu chí thi đua đối với Hòa giải viên; tiếp tục tổ chức tập huấn... Việc thu phí khi Tòa án ra quyết định công nhận hòa giải thành còn nhiều ý kiến khác nhau nên đề nghị TANDTC có hướng dẫn cụ thể, kịp thời.

Phát biểu kết luận về việc triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TANDTC đánh giá cao sự nỗ lực cùng những kết quả bước đầu đạt được của các Tòa án. Chia sẻ với những khó khăn, ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Chánh án yêu cầu các đơn vị liên quan tham mưu kịp thời các giải pháp để lãnh đạo TANDTC xem xét, quyết định; các Tòa án cần chủ động, tranh thủ, bố trí hợp lý mọi nguồn lực để triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án hiệu quả hơn.

Phó Chánh án TANDTC Nguyễn Văn Du trình bày báo cáo tại Hội nghị - Ảnh: NA

 

BẢO THƯ