Thời điểm chuyển vụ án dân sự có xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ?

Thực tiễn thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự có xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay thì phần lớn các vụ án do TAND cấp huyện thụ lý, giải quyết. Vấn đề đặt ra là thẩm quyền xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hay của Hội đồng xét xử để xác định thời điểm chuyển hồ sơ vụ án là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa.

Thực tiễn thụ lý và giải quyết các vụ án dân sự có xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hiện nay thì phần lớn các vụ án do TAND cấp huyện thụ lý, giải quyết. Nếu trong quá trình xây dựng hồ sơ vụ án, cấp huyện cho rằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và cần phải hủy thì phải chuyển hồ sơ vụ án cho TAND cấp tỉnh.

Nhưng cũng có trường hợp sau khi thụ lý hồ sơ vụ án dân sự do TAND cấp huyện chuyển, TAND cấp tỉnh cho rằng không có căn cứ hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không cần thiết phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên quyết định chuyển hồ sơ vụ án dân sự cho TAND cấp huyện thụ lý lại và giải quyết vụ án. Cho nên, vấn đề đặt ra là thẩm quyền xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hay của Hội đồng xét xử để xác định thời điểm chuyển hồ sơ vụ án là trong giai đoạn chuẩn bị xét xử hay tại phiên tòa.

Vụ án như sau: “Ngày 01/10/2017, ông Nguyễn Văn A nộp đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện X, tỉnh Y buộc hộ ông Lê Văn B trả lại diện tích đất 125m2 trong tổng diện tích 890m2 thuộc thửa 02, tờ bản đồ số 14 do ông Nguyễn Văn A đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi thụ lý vụ án, bị đơn ông B có đơn yêu cầu Tòa án hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông A và công nhận quyền sử dụng đất diện tích 125m2 mà hộ ông B đang sử dụng. Vì phần đất này hộ gia đình ông sử dụng trước khi ông A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Quá trình xây dựng hồ sơ vụ án, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thu thập chứng cứ và xác định việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông A là trái pháp luật vì phần đất tranh chấp là do hộ ông B sử dụng ổn định liên tục từ trước khi hộ ông A được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án đã ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh Y. Sau khi TAND tỉnh Y thụ lý vụ án, khi tiến hành thu thập thêm các chứng cứ, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cho rằng mặc dù đất tranh chấp hộ ông B sử dụng trước khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông A nhưng hộ ông B từ trước tới nay không kê khai, đăng ký phần đất này. Mặc khác, hộ ông B cũng được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa đất liền kề với thửa đất của hộ ông A. Cho nên việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông A là đúng. Vì vậy, Thẩm phán được phân công là chủ tọa phiên tòa của TAND tỉnh Y ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện X giải quyết”. Vậy Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án của TAND huyện X và Tòa án nhân dân tỉnh Y ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án có đúng quy định không. Hiện có hai quan điểm khác nhau.

Quan điểm thứ nhất cho rằng: Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án có quyền ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Vì các lý do sau: Thứ nhất, các tài liệu, chứng cứ mà TAND huyện X thu thập được đã thể hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông A là trái pháp luật và cần thiết phải hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông A và hộ ông B theo đúng diện tích đang sử dụng. Thứ hai, Thẩm phán của TAND tỉnh Y khi thu thập thâm tài liệu, chứng cứ trong vụ án thì có căn cứ là việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ ông A là đúng nên không được hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên phải ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho TAND huyện X giải quyết theo đúng thẩm quyền. Thứ ba, Điều 41 BLTTDS năm 2015 không quy định cụ thể thẩm quyền ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án nên việc chuyển hồ sơ vụ án theo thực tiễn tại các Tòa án hiện nay là do Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án thực hiện.

Quan điểm thứ hai cũng là quan điểm của tác giả như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 4 Điều 34 BLTTDS năm 2015 thì “4. Thẩm quyền của cấp Tòa án giải quyết vụ việc dân sự trong trường hợp có xem xét việc hủy quyết định cá biệt quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh”. Tại Văn bản số 02/2016/GĐ-TATC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự có giải đáp tại phần II (Vướng mắc liên quan đến tố tụng dân sự) như sau: “… Khi giải quyết vụ việc dân sự có liên quan đến quyết định cá biệt của cơ quan, tổ chức thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của quyết định cá biệt đó. Trường hợp quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự và phải hủy quyết định đó mới bảo đảm giải quyết đúng đắn vụ việc dân sự mà việc hủy quyết định đó không làm thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự thì Tòa án đang giải quyết vụ việc dân sự tiếp tục giải quyết và xem xét hủy quyết định đó. Trường hợp việc xem xét hủy quyết định đó dẫn đến thay đổi thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự xác định theo quy định tương ứng của Luật tố tụng hành chính về thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp tỉnh thì Tòa án nhân dân cấp huyện đang thụ lý giải quyết vụ việc dân sự phải chuyển vụ việc cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết và xem xét hủy quyết định đó…”. Như vậy, khi giải quyết vụ án dân sự có xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì Tòa án phải xem xét, đánh giá về tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó. Mà Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là quyết định hành chính (theo mục 1 phần I Văn bản số 02/2016/GĐ-TATC ngày 19/9/2016 của Tòa án nhân dân tối cao giải đáp một số vấn đề về tố tụng hành chính, tố tụng dân sự) nên thẩm quyền xem xét đánh giá về tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là của Hội đồng xét xử theo quy định tại Điều 193 Luật Tố tụng hành chính.

Thứ hai, đối chiếu quy định tại Điều 48 BLTTDS năm 2015 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thẩm phán thì thấy rằng không có quy định về thẩm quyền của Thẩm phán đối với việc chuyển hồ sơ vụ án. Mặc khác, tính hợp pháp của giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Hội đồng xét xử xem xét, đánh giả sẽ khách quan, công bằng và chính xác hơn so với nhận định của các nhân Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án. Vì trong nhiều trường hợp quyết định của Thẩm phán là không hoàn toàn chính xác do nhận thức của cá nhân Thẩm phán. Như trong vụ án này, quan điểm của Thẩm phán Tòa án nhân dân huyện X và Thẩm phán Tòa án nhân dân tỉnh Y là trái ngược nhau. Thứ ba, nếu vụ án chưa được đưa ra xét xử mà Thẩm phán đã nhận định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là trái pháp luật và cần phải hủy hoặc không trái pháp luật khi ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án thì giống như vụ án chưa xét mà đương sự đã có thể biết trước kết quả giải quyết vụ án như thế nào. Chính vì các lý do trên mà việc chuyển hồ sơ vụ án dân sự có xem xét hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải do Hội đồng xét xử quyết định tại phiên tòa.

Vấn đề nêu trên cho thấy vẫn còn nhận thức khác giữa lý luận và thực tiễn về việc chuyển hồ sơ vụ án nên rất cần được TANDTC hướng dẫn hoặc giải đáp cụ thể. Tác giả cũng mong bạn đọc cùng trao đổi để việc áp dụng pháp luật trong thực tiễn cho thống nhất.

DƯƠNG TẤN THANH (TAND thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh)