Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với loại hợp đồng có điều kiện theo quy định tại Điều 429 BLDS 2015
Theo Điều 462 BLDS 2015, hợp đồng có điều kiện là loại hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một sự kiện nhất định. Trong thực tiễn, giải quyết những tranh chấp loại hợp đồng này liên quan đến thời hiệu khá phức tạp...
1.Quy định của BLDS 2015
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự (Điều 385 BLDS 2015). Xuất phát từ nhu cầu của cuộc sống mà có nhiều loại hợp đồng khác nhau. Từ khái niệm này, BLDS đưa ra nhiều loại hợp đồng trong đó có loại hợp đồng có điều kiện. BLDS 2015 đề cập đến loại hợp đồng này ở các điều luật cụ thể như Điều 120, khoản 6 Điều 402, Điều 462. Theo đó, “hợp đồng có điều kiện là loại hợp đồng mà việc thực hiện phụ thuộc vào việc phát sinh, thay đổi hay chấm dứt một sự kiện nhất định”[1].
Điều 429 BLDS 2015 quy định “thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”. Về nguyên tắc, thời hiệu khởi kiện này được áp dụng đối với những hợp đồng đã có hiệu lực và trong quá trình thực hiện hợp đồng phát sinh tranh chấp. Tuy nhiên đối với hợp đồng có điều kiện phát sinh, liên quan đến hiệu lực của hợp đồng này, BLDS chưa quy định rõ. Từ đó, dẫn đến việc áp dụng thời hiệu khởi kiện đối với loại hợp đồng này theo quy định tại Điều 429 BLDS tồn tại những bất cập nhất định.
2.Bất cập trong việc xác định hiệu lực của hợp đồng có điều kiện phát sinh để áp dụng thời hiệu khởi kiện theo luật định.
Khoản 1 Điều 120 BLDS 2015 quy định “Trong trường hợp các bên có thoả thuận về điều kiện phát sinh…(…) thì khi điều kiện đó xảy ra, giao dịch dân sự phát sinh …(…). Vậy, đối với hợp đồng có thoả thuận về điều kiện phát sinh thì hiệu lực của hợp đồng được xác định từ thời điểm nào? Thời điểm điều kiện phát sinh hay thời điểm giao kết hợp đồng có điều kiện”.
Ví dụ 1: A thoả thuận sẽ tặng cho B 5 triệu đồng nếu B thắng giải nhất trong cuộc thi đấu cờ vua cấp thành phố. Chúng ta thấy thoả thuận này tồn tại sự kiện là “thắng giải nhất trong cuộc thi đấu cờ vua cấp thành phố”, vậy thoả thuận này sẽ có hiệu lực từ thời điểm các bên thống nhất cam kết hay thời điểm sự kiện thắng giải phát sinh.
Quan điểm của các chuyên gia. Hiện nay, quan điểm của một số tác giả theo hướng khi điều kiện phát sinh xảy ra thì hợp đồng mới phát sinh hiệu lực. Chẳng hạn, trong cuốn Bình luận khoa học BLDS 2005 có nêu “trong trường hợp giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh, việc xảy ra điều kiện đó sẽ làm phát sinh hiệu lực của giao dịch”[2]. Tương tự, bình luận về vấn đề này một quan điểm khác cho rằng “giao dịch dân sự có điều kiện phát sinh hiệu lực là giao dịch đã giao kết nhưng chưa có hiệu lực, nếu điều kiện do các bên thoả thuận xảy ra, thì giao dịch có hiệu lực và các bên phải thực hiện” [3]. Tương tự, theo quan điểm của một chuyên gia khác “điều kiện phát sinh giao dịch còn được hiểu với nghĩa khi điều kiện đó xảy ra thì giao dịch, hợp đồng mới có hiệu lực. Trong trường hợp này các bên đã thoả thuận, đã ký kết hợp đồng, nhưng các bên thoả thuận giao dịch hợp đồng đó bắt đầu có hiệu lực khi điều kiện đó xảy ra, lúc này sự kiện pháp lý mới chính thức xuất hiện, mới ràng buộc các bên”[4].
Nhìn chung, có nhiều quan điểm cho rằng hợp đồng có điều kiện phát sinh chỉ có hiệu lực nếu điều kiện do các bên thoả thuận xảy ra.
Quan điểm của tác giả. Tình huống trong ví dụ 1 tồn tại hai giao dịch: hợp đồng có điều kiện, hợp đồng tặng cho. Theo đó, hợp đồng có điều kiện đã được xác lập từ thời điểm các bên thoả thuận và “B thắng giải nhất trong cuộc thi đấu cờ vua là điều kiện phát sinh” nghĩa vụ tặng cho. Câu hỏi đặt ra là hợp đồng có điều kiện sẽ có hiệu lực từ thời điểm các bên thoả thuận với nhau về nghĩa vụ tặng cho và sự kiện “thắng giải nhất trong cuộc thi đấu cờ vua cấp thành” hay cho đến khi điều kiện (sự kiện) này xảy ra thì hợp đồng mới phát sinh hiệu lực? Ở đây, chúng ta cần phân biệt sự tồn tại của hợp đồng có điều kiện trước khi có hợp đồng tặng cho, tức là điều kiện chính là sự kiện “thắng giải nhất trong cuộc thi đấu cờ vua cấp thành”, sự kiện này xảy ra xong sẽ phát sinh nghĩa vụ tặng cho. Điều này có nghĩa là hợp đồng có điều kiện tồn tại trước hợp đồng tặng cho. Như vậy, hiệu lực của hợp đồng này cũng theo quy định tại Điều 401 BLDS 2015[5] theo đó hợp đồng có điều kiện có hiệu lực từ thời điểm các bên thoả thuận nội dung của hợp đồng giao kết bằng lời nói, từ thời điểm ký kết nếu hợp đồng bằng văn bản v.v…, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác. Trường hợp này các bên không có thoả thuận hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm điều kiện phát sinh và cũng không có quy định khác của pháp luật liên quan đến vấn đề này.
Ví dụ 2: A thoả thuận sẽ chuyển nhượng căn nhà cho B với điều kiện khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, nếu bên nào vi phạm nghĩa vụ sẽ bị phạt 100 triệu (giả sử không tồn tại thoả thuận đặt cọc, chỉ thoả thuận nội dung phạt hay bồi thường thiệt hại). Trong trường hợp điều kiện đã có “giấy tờ” rồi nhưng A không thực hiện việc chuyển nhượng cho B hoặc một trong hai bên huỷ cam kết thì bên vi phạm có chịu phạt hay bồi thường thiệt hại theo thoả thuận không?
Tương tư như phân tích ở ví dụ 1, vấn đề đã có tồn tại hợp đồng – tức hợp đồng đã có hiệu lực hay thoả thuận giữa các bên chỉ tồn tại giai đoạn giao kết hợp đồng. Theo quan điểm của tác giả nếu chỉ tồn tại thoả thuận đơn thuần về hợp đồng mua bán nhà hay hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất bằng giấy tay thì có thể xem như hợp đồng chưa có hiệu lực[6] và chỉ có giao kết về việc mua bán giữa các bên. Còn đối với thoả thuận thêm điều kiện như đã nêu “sẽ chuyển nhượng căn nhà cho B với điều kiện khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền có giấy tờ” thì theo quan điểm của tác giả đã tồn tại “đề nghị giao kết hợp đồng” và “chấp nhận đề nghị giao kết” giữa các bên và hợp đồng có hiệu lực từ thời điểm các bên thoả thuận xong và có hiệu lực ràng buộc quyền và nghĩa vụ của hợp đồng có điều kiện.
Thực tiễn giải quyết tranh chấp Toà án cũng xác định đây là loại hợp đồng có điều kiện, theo một vụ việc : “Ông Dũng, bà Huyền lập “hợp đồng mua bán hoặc sang nhượng” căn nhà cho ông Hùng với điều kiện “bên mua phải đặt 50 lượng vàng SJC, sau đó giao tiếp từ 50 đến 150 lượng vàng SJC cho bên bán; bên bán giao giấy tờ liên quan đến căn nhà cho bên mua, để bên mua liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm thủ tục hợp thức hoá cho bên bán; khi bên bán đứng tên chủ quyền nhà thì bên mua phải giao vàng đủ, bên bán sẽ giao giấy tờ nhà và ký các giấy tờ để sang tên nhà cho bên mua (…) theo Toà án đây là giao dịch dân sự (về mua bán nhà ở) có điều kiện và giao dịch này chỉ phát sinh sau khi ông Dũng, bà Huyền có quyền sở hữu sở hữu hợp pháp căn nhà, giao dịch trên phù hợp với Điều 131, Điều 134 BLDS 1995 [7] nên là giao dịch hợp pháp và có hiệu lực thi hành[8]. Tương tự, một vụ việc khác: Ông Thanh, bà Lập thoả thuận bán nhà cho ông Gia. Tại thời điểm ký kết hợp đồng, căn nhà thuộc sở hữu nhà nước. Các bên thoả thuận tại “hợp đồng chuyển nhượng” các bước thực hiện thủ tục giấy tờ pháp lý cho đến khi ông Thanh, bà Lập được sở hữu nhà nước thì mới ký hợp đồng mua bán tại phòng công chứng nhà nước. Theo Toà án đây là hợp đồng có điều kiện[9].
Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì cần xác định là từ thời điểm các bên thoả thuận về điều kiện thì đã phát sinh hợp đồng có điều kiện, hợp đồng đã có hiệu lực, phụ thuộc vào hình thức theo thoả thuận. Nếu hợp đồng thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội thì cần xác định hợp đồng có điều kiện đã tồn tại, những thoả thuận (hợp đồng kèm theo) như hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho sẽ chưa có hiệu lực, nếu chưa thoả mãn điều kiện theo quy định, ví dụ như hợp đồng hứa mua hứa bán (đã phân tích ở trên) (các bên chưa thể xác lập hợp đồng mua bán nhưng có điều kiện và khi xảy ra điều kiện thì sẽ xác lập theo đúng luật định)
Hợp đồng tặng cho có điều kiện. Liên quan đến tặng cho có điều kiện được quy định tại Điều 462 BLDS nhà làm luật đã xác định đây là trường hợp tặng cho có điều kiện: “Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện” (khoản 2 Điều 462 BLDS 2015).
Ví dụ 3: A thoả thuận tặng cho B căn nhà của mình với điều kiện B chăm sóc A (đang bệnh nặng) cho đến khi A qua đời. Hợp đồng tặng cho nhà chỉ lập văn bản (giấy tay). B đã thực hiện đúng cam kết chăm sóc, nuôi dưỡng A cho đến lúc A qua đời. A không để lại di chúc và người cháu của A là C (người thừa kế theo pháp luật duy nhất của A) đã tiến hành kê khai di sản thừa kế căn nhà. B không đồng ý và khởi kiện.
Như vậy, đối với trường hợp này chúng ta dễ dàng xác định đây là loại hợp đồng (tặng cho) có điều kiện (nghĩa vụ là điều kiện thực hiện trước khi hợp đồng tặng cho có hiệu lực) vì BLDS đã quy định rõ, nhưng đối với những trường hợp chỉ là thoả thuận như ở ví dụ 1,2 thì việc tồn tại hợp đồng có điều kiện hay chưa vẫn đang tồn tại nhiều quan điểm như đã phân tích.
Theo quan điểm của tác giả đối với những trường hợp tương tự có thể xác định đây là hợp đồng có điều kiện và về nguyên tắc có thể áp dụng về thời hiệu theo Điều 429 BLDS 2015.
3.Bất cập đối với quy định “xác định thời điểm biết hoặc phải biết của người có quyền yêu cầu đối với quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm.”
Từ phân tích trên dẫn đến cách xác định thời hiệu khởi kiện để yêu cầu giải quyết tranh chấp liên quan đối với hợp đồng có điều kiện sẽ có những vướng mắc nhất định.
Thời hiệu theo Điều 429 BLDS 2015 là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm. Đối với ví dụ 1 trong trường hợp B giành giải nhất cuộc thi nhưng A không thực hiện nghĩa vụ tặng cho thì cách xác định “ngày biết” được tính như thế nào? Thời điểm B thắng giải hay thời điểm B yêu cầu A thực hiện nghĩa vụ hay thời điểm B yêu cầu và A không thực hiện nghĩa vụ?
Trong ví dụ 2 cách tính thời hiệu là thời điểm nào nếu A được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy tờ vào tháng 3/2015, nhưng đến tháng 5/2017 B mới biết. Vậy trường hợp này B có nghĩa vụ phải biết hay không? Vấn đề là thời hiệu khởi kiện được tính vào thời điểm B biết? “Biết” hay “phải biết” trong trường hợp này cần được xác định như thế nào? Cần có những cơ sở, căn cứ chứng minh như thế nào?
Tương tự đối với ví dụ 3 trường hợp xác định thời hiệu khởi kiện thì sẽ từ thời điểm kết thúc nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng? Thời điểm yêu cầu thanh toán chi phí? Hay thời điểm nào khác. Đối với ví dụ 3 thì B đã thực hiện xong nghĩa vụ nuôi dưỡng, A qua đời nhưng hợp đồng tặng cho nhà chưa có hiệu lực nhưng vì hợp đồng có điều kiện đã có hiệu lực nên theo Điều 462 BLDS 2015 “trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ trước khi tặng cho, nếu bên được tặng cho đã hoàn thành nghĩa vụ mà bên tặng cho không giao tài sản thì bên tặng cho phải thanh toán nghĩa vụ mà bên được tặng cho đã thực hiện”. Vậy, C phải thanh toán chi phí, nhưng C không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Trong trường hợp 02 năm sau khi A qua đời B mới khởi kiện, vậy xác định thời hiệu khởi kiện từ thời điểm nào, thời điểm A mất? Thời điểm A yêu cầu C thực hiện nghĩa vụ thanh toán và C không thực hiện? Mặt khác, trường hợp này B có nghĩa vụ “phải biết” quyền và lợi ích của mình có thể bị xâm phạm hay không? Nếu “phải biết” thì thời điểm tính thời hiệu sẽ khác so với thời điểm “biết”.
Cũng theo nội dung ở ví dụ 1 đã đề cập ở trên, giả sử A thoả thuận tặng cho B 5 triệu nếu B thắng trong cuộc thi, B đã nhờ người thi hộ và thắng. A đã tặng cho B rồi mới phát hiện, vậy A có nghĩa vụ phải chứng minh được điều kiện xuất hiện do hành vi của một bên tác động, thúc đẩy cho điều kiện đó xảy ra chứ không phải điều kiện đó xuất hiện tự nhiên, bình thường (không phải do B thi và thắng) thì coi như điều kiện đó không xuất hiện, không xảy ra. Đối với trường hợp này này thì xem như chưa tồn tại điều kiện, đồng nghĩa với việc không tồn tại hợp đồng có điều kiện. Theo khoản 2 Điều 120 BLDS 2015 “trường hợp điều kiện làm phát sinh hoặc hủy bỏ giao dịch dân sự không thể xảy ra được do hành vi cố ý cản trở trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên thì coi như điều kiện đó đã xảy ra; trường hợp có sự tác động trực tiếp hoặc gián tiếp của một bên cố ý thúc đẩy cho điều kiện xảy ra thì coi như điều kiện đó không xảy ra”. Vậy A có thể kiện đòi B trả tiền hoặc bồi thường thiệt hại trên cơ sở nào khi khoản 2 Điều 120 quy định trường hợp này xem như chưa tồn tại điều kiện, từ đó có thể áp dụng thời hiệu theo Điều 429 để khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với loại hợp đồng này hay không?
Từ những phân tích trên, tác giả xin nêu ra hai ý kiến:
Thứ nhất, một trong điều kiện để áp dụng thời hiệu theo Điều 429 là hợp đồng phải có hiệu lực, kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực thì bên có quyền lợi bị xâm phạm biết hoặc phải biết hành vi vi phạm điều khoản của hợp đồng, tuy nhiên liên hệ với hợp đồng có điều kiện như đã phân tích nêu trên thì việc xác định thời điểm có hiệu lực của hợp đồng có điều kiện còn có thể phụ thuộc vào thoả thuận về điều kiện phát sinh nên dẫn đến sẽ khó khăn khi xác định thời hiệu khởi kiện đối với loại hợp đồng này. Vì vậy, cần quy định rõ hơn đối với hiệu lực của giao dịch có điều kiện nói chung và hợp đồng có điều kiện nói riêng. Trên cơ sở có quy định rõ, xác định rõ hợp đồng có hiệu lực, từ đó áp dụng quy định về thời hiệu khởi kiện về hợp đồng để giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, về quy định “người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm” có thể là thời điểm bên có nghĩa vụ phải thực hiện mà không thực hiện nghĩa vụ; hoặc có thực hiện nhưng thực hiện không đúng nghĩa vụ hoặc gây thiệt hại. Trường hợp đã hết thời hạn thực hiện hợp đồng nhưng bên có nghĩa vụ không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng thì thời điểm bắt đầu tính thời hiệu có thể là ngày hợp đồng hết thời hạn thực hiện, hoặc có thể không phụ thuộc vào thời điểm kết thúc hợp đồng mà được diễn ra sau thời điểm đó, bởi lúc đó, có thể bên có quyền yêu cầu mới biết được được lợi ích của mình bị xâm phạm. Tuy nhiên, trong những trường hợp như vậy, việc chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp của bên có quyền yêu cầu bị xâm phạm là rất khó khăn do yếu tố thời gian cũng như xác định trách nhiệm lỗi của bên vi phạm khi hợp đồng đã chấm dứt. Vì vậy, cần bổ sung thêm quy định hướng dẫn liên quan đến việc xác định thời điểm này.
[1] https://tapchitoaan.vn/bai-viet/phap-luat/khai-niem-ve-dieu-kien-trong-loai-hop-dong-co- dieukien?fbclid=IwAR1NakHAtVZQGAz77AgUXWcuIQrpeJPAe_btW7siY0UepbaUBpz4PjHPzSY, truy cập lúc 9h52 phút ngày 10 tháng 6 năm 2020
[2] Hoàng Thế Liên (chủ biên), Bình luận Khoa học BLDS năm 2005 (tập 2), Nxb. Chính trị quốc gia – sự thật, Hà Nội, năm 2013, tr.292.
[3] Nguyễn Minh Tuấn (chủ biên), Bình luận khoa học BLDS Việt Nam năm 2015, Nxb. Tư Pháp, Hà Nội, năm 2016, tr.190.
[4] Tưởng Duy Lượng, Pháp luật dân sự và thực tiễn xét xử (tái bản lần thứ năm, có sữa chữa, bổ sung), NXB Chính trị quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2018, trang 68.
[5] Điều 401 BLDS 2015 quy định về hiệu lực của hợp đồng:
Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.
6] Khoản 1 Điều 122 Luật Nhà ở 2014 quy định Công chứng, chứng thực hợp đồng và thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở: 1. Trường hợp mua bán, tặng cho, đổi, góp vốn, thế chấp nhà ở, chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở thương mại thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
Điều 167 Luật Đất đai 2013 Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng, việc chứng thực thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
[7] Điều 117, 120 BLDS 2015
[8] Quyết định số 192/2006/DS-GĐT ngày 18-8-2006 của Toà dân sự Toà án nhân dân tối cao
[9] Quyết định số 03/2014/DS-GĐT ngày 09-01-2014 của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nhận thức về đối tượng áp dụng “đã bồi thường được một phần nghĩa vụ dân sự” để được xét giảm thời hạn chấp hành án phạt tù
-
Tòa tuyên án với 17 bị cáo trong vụ án "chuyến bay giải cứu" giai đoạn 2
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
Bình luận