Thứ tự phân chia tài sản của chủ nợ khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản

Luật Phá sản năm 2014 đã phân biệt rõ chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm. Các chủ nợ khác nhau thì có địa vị pháp lý khác nhau trên tinh thần bảo vệ quyền lợi ích của chủ nợ có bảo đảm triệt để hơn so với các loại chủ nợ khác. Tuy nhiên, quy định về thứ tự phân chia tài sản khi tuyên bố phá sản thì Luật chưa đảm bảo quyền lợi của chủ nợ có đảm bảo.

Ban hành quyết định Tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã, có thể nói là một văn bản tố tụng của Tòa án làm chấm dứt quá trình tố tụng giải quyết vụ việc yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã tại Tòa án. Bên cạnh ý nghĩa “khai tử” doanh nghiệp, hợp tác xã, Quyết định tuyên bố phá sản còn có giá trị giải quyết các hậu quả pháp lý phát sinh khi doanh nghiệp, hợp tác xã không còn. Trong các vấn đề pháp lý khi bị tuyên bố phá sản, thì vấn đề xử lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã luôn được quan tâm hàng đầu. Vì vấn đề xử lý tài sản khi tuyên bố phá sản không chỉ  ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản, người lao động mà còn ảnh hưởng đến các chủ nợ.

Chúng ta đã biết, trong quá trình giải quyết phá sản đối với một doanh nghiệp, chủ thể có quyền lợi bị ảnh hưởng nhiều nhất là các chủ nợ. Cùng với quá trình xây dựng và hoàn thiện pháp luật về phá sản ở Việt Nam, địa vị pháp lý của chủ nợ cũng được quan tâm và có nhiều thay đổi cho phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội cũng như hài hòa lợi ích của doanh nghiệp và chủ nợ.  Luật Phá sản năm 2014 đã phân biệt rõ chủ nợ không có bảo đảm và chủ nợ có bảo đảm. Các chủ nợ khác nhau thì có địa vị pháp lý khác nhau trên tinh thần bảo vệ quyền lợi ích của chủ nợ có bảo đảm triệt để hơn so với các loại chủ nợ khác. Tuy nhiên, quy định về thứ tự phân chia tài sản khi tuyên bố phá sản thì Luật chưa đảm bảo quyền lợi của chủ nợ có đảm bảo.

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 54 của Luật Phá sản quy định về thứ tự phân chia tài sản như sau:

Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau: 

a) Chi phí phá sản; 

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội,bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; 

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; 

d) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Áp dụng quy định nêu trên có những vấn đề bất cập, chưa đảm bảo quyền lợi của chủ nợ có đảm bảo. Cụ thế, trong thứ tự phân chia tài sản của điều luật, chúng ta có thể thấy không có quy định thứ tự cho chủ nợ có đảm bảo. Trong Luật Phá sản chỉ có quy định về xử lý khoản nợ có bảo đảm theo Điều 53, cụ thể như sau:

Sau khi mở thủ tục phá sản, Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề xuất Thẩm phán về việc xử lý khoản nợ có bảo đảm đã được tạm đình chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 41 của Luật này, Thẩm phán xem xét và xử lý cụ thể như sau: 

a) Trường hợp tài sản bảo đảm được sử dụng để thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì việc xử lý đối với tài sản bảo đảm theo Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ; 

b) Trường hợp không thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh hoặc tài sản bảo đảm không cần thiết cho việc thực hiện thủ tục phục hồi kinh doanh thì xử lý theo thời hạn quy định trong hợp đồng đối với hợp đồng có bảo đảm đã đến hạn. Đối với hợp đồng có bảo đảm chưa đến hạn thì trước khi tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản, Tòa án nhân dân đình chỉ hợp đồng và xử lý các khoản nợ có bảo đảm. Việc xử lý khoản nợ có bảo đảm theo quy định tại khoản 3 Điều này. 

Trường hợp tài sản bảo đảm có nguy cơ bị phá hủy hoặc bị giảm đáng kể về giá trị thì Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đề nghị Thẩm phán cho xử lý ngay tài sản bảo đảm đó theo quy định tại khoản 3 Điều này. 

Việc xử lý tài sản bảo đảm theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực hiện như sau: 

a) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó; 

b) Trường hợp giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán số nợ thì phần nợ còn lại sẽ được thanh toán trong quá trình thanh lý tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã; nếu giá trị tài sản bảo đảm lớn hơn số nợ thì phần chênh lệch được nhập vào giá trị tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.

Nghiên cứu nội dung tại Điều 53 thì có thể thấy Luật phá sản chỉ quy định việc xử lý nợ có đảm bảo trước khi Tòa án tuyên bố phá sản. Nhưng trường hợp nợ có đảm bảo chưa được xử lý trước khi Tòa án tuyên bố phá sản thì không được quy định trong thứ tự phân chia tài sản theo Điều 54 khi Tòa án tuyên bố phá sản. Điều này gây thiệt hại đến quyền lợi của chủ nợ có đảm bảo cũng như gây lúng túng cho Tòa án khi ra quyết định tuyên bố phá sản vì không biết sắp xếp thứ tự ưu tiên cho chủ nợ đảm bảo ở hàng ưu tiên nào.

Về địa vị pháp lý, chúng ta cần thống nhất với nhau một cách rõ ràng rằng, khoản nợ có đảm bảo có quyền ưu tiên thanh toán hơn so với khoản nợ không được đảm bảo. Vậy về thứ tự thanh toán khi phá sản thì chủ nợ đảm bảo sẽ nằm ở vị trí nào?

Nghiên cứu quy định tài Điều 54 của Luật Phá sản thì ngoài 3 hàng thứ tự phân chia tài sản là cần thiết, không thể chen ngang gồm có các chi phí đảm bảo cho quá trình giải quyết vụ việc tuyên bố phá sản và khoản nợ liên quan đến quyền lợi của người lao động gồm có:

a) Chi phí phá sản; 

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; 

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;

Khoản nợ được đảm bảo sẽ được xếp ngay sau 3 hàng thứ tự này. Tuy nhiên, về nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước quy định tại mục d khoản 1 Điều 54 thực tế có cả tiền án phí phải nộp cho cơ quan thi hành án theo Bản án, quyết định đã có hiệu lực từ trước khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu tuyên bố phá sản. Về khoản tiền án phí này thì tại khoản 1 Điều 47 của Luật Thi hành án dân sự lại có quy định thứ tự cao hơn so với khoản nợ có đảm bảo. Do vậy cần tách riêng khoản án phí trong phần nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước và xếp cao hơn về thứ tự thanh toán của chủ nợ có đảm bảo cho phù hợp với Luật Thi hành án dân sự.

Từ những nhận định trên, chúng tôi thấy rằng nên điều chỉnh thứ tự phân chia tài sản tại khoản 1 Điều 54 của Luật Phá sản như sau:

a) Chi phí phá sản; 

b) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết; 

c) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã; 

d) Đối với khoản nợ có bảo đảm được xác lập trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được thanh toán bằng tài sản bảo đảm đó;

e)Án phí phải nộp theo Bản án, quyết định có hiệu lực thi hành trước khi Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; 

g) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Trên đây là một số ý kiến trao đổi của cá nhân tôi trong quá trình giải quyết các vụ việc yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Mong có thêm nhiều ý kiến của các đồng nghiệp để việc áp dụng pháp luật được thống nhất.

 

 

Ths. NGUYỄN THỊ THU HIẾU (TAND Tp Nha Trang – Khánh Hòa)