Thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì không hợp pháp hóa lãnh sự tại Việt Nam
Bài viết trên cơ sở phân tích các quy định hiện hành về hợp pháp hóa lãnh sự theo pháp luật Việt Nam cũng như thực tiễn xét xử đặt vấn đề về thống nhất cách hiểu trong việc có bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự trong tố tụng trọng tài.
Hợp pháp hóa lãnh sự là một vấn đề pháp lý cần quan tâm khi giải quyết tranh chấp có yếu tố nước ngoài tại trọng tài. Hiện nay, khung pháp lý quy định trực tiếp về hợp pháp lãnh sự trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam là không có, vì vậy sẽ gây ra sự lúng túng khi Hội đồng xét đơn giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài liên quan đến việc hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu trong tố tụng trọng tài.
1.Đặt vấn đề
Giải quyết tranh chấp bằng trong tài đang ngày càng được sử dụng phổ biến vì các ưu thế về quy trình cũng như tính bảo mật hơn so với Tòa án. Tuy nhiên, khi phán quyết trọng tài (PQTT) được tuyên và cũng xuất phát từ tính chung thẩm của phán quyết này, bên thua kiện sẽ không có khả năng kháng cáo hay yêu cầu xét xử lại. Chính vì vậy, trong vai trò là luật sư bảo vệ quyền và lợi ích cho khách hàng mình, bên thua kiện thường sẽ có xu hướng thực hiện thủ tục yêu cầu tuyên hủy PQTT tại Tòa án như một phương án cuối cùng trong trường hợp phán quyết ra bất lợi cho khách hàng của mình. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng có thể yêu cầu hủy, cơ sở để yêu cầu hủy phán quyết được quy định cụ thể tại Điều 68 Luật Trọng tài thương mại (Luật TTTM) năm 2010. Có thể nhận thấy các cơ sở được nêu tại Điều 68 Luật này thường liên quan đến vấn đề về thẩm quyền của Hội đồng trọng tài (HĐTT), thỏa thuận trọng tài hay các thủ tục tố tụng bị vi phạm, và một cơ sở rất hay được các bên sử dụng đó là “trái với nguyên tắc cơ bản” theo pháp luật Việt Nam.
Nhận thấy trong thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy PQTT tại Việt Nam hiện nay, đang xuất hiện một xu hướng đó là dựa trên việc không hợp pháp hóa lãnh sự (HPHLS) giấy ủy quyền, tài liệu có thể trở thành yếu tố để yêu cầu hủy PQTT, cụ thể là áp dụng cơ sở về trái nguyên tắc cơ bản theo pháp luật Việt Nam. Cụ thể hơn, các giấy tờ được xác lập ở nước ngoài mà không được HPHLS và được sử dụng làm chứng cứ hay tài liệu trong tố tụng trọng tài cũng có thể trở thành lý do để yêu cầu hủy phán quyết mang tính chất chung thẩm của một HĐTT. Tuy nhiên, hướng giải quyết này lại không phải là cách tiếp cận mang tính luật định mà dựa theo quan điểm của từng Hội đồng xét đơn khi xác định tính bắt buộc của việc HPHLS các tài liệu chứng cứ khi đưa vào trọng tài. Bởi lẽ, quy định về các tài liệu phải HPHLS được quy định trong BLTTDS[1] sẽ chỉ áp dụng cho Tòa án mà không áp dụng cho tố tụng Trọng tài. Chính vì lẽ đó, hiện nay chưa thống nhất các quan điểm giữa Tòa khi giải quyết yêu cầu hủy PQTT liên quan đến vấn đề HPHLS, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của các bên và uy tín của HĐTT.
- 2.Tính bắt buộc của hợp pháp lãnh sự trong tố tụng trọng tài theo pháp luật Việt Nam
- 1.Tổng quan về hợp pháp hóa lãnh sự theo pháp luật Việt Nam
Về khái niệm, căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Luật Tương trợ tư pháp 2007, HPHLS được hiểu là việc Bộ Ngoại giao, cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam hoặc cơ quan khác ở nước ngoài được ủy quyền thực hiện chức năng lãnh sự chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp hoặc xác nhận để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam. HPHLS không bao hàm việc chứng nhận về nội dung và hình thức mà nhằm kiểm tra tính pháp lý của các loại giấy tờ, tài liệu được HPHLS.
Dựa trên cơ sở đó, HPHLS mang các đặc điểm sau: Thứ nhất, HPHLS được thực hiện theo một thủ tục chặt chẽ thể hiện thẩm quyền của các cơ quan có chức năng trong hoạt động lãnh sự. Thực chất HPHLS mang bản chất của thủ tục hành chính, phải tuân theo quy định pháp luật quốc gia hay Điều ước quốc tế về các quy trình thực hiện. Thứ hai, HPHLS chỉ chứng nhận tính xác thực của chữ ký, chức danh của người ký và con dấu trên giấy tờ, tài liệu, không xác thực sự phù hợp về hình thức và nội dung của giấy tờ, tài liệu đó. Thứ ba, HPHLS mang tính chất lãnh thổ, chẳng hạn như từng quốc gia sẽ có quy trình HPHLS khác nhau.
Đối với các loại giấy tờ phải thực hiện HPHLS, căn cứ theo Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (sau đây viết là Nghị định số 111/2011/NĐ-CP) đã ghi nhận 4 nhóm giấy tờ, tài liệu được miễn HPHLS. Như vậy ngoài 4 nhóm giấy tờ này, các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài lập, cấp đều cần thông qua thủ tục HPHLS để có thể được công nhận hiệu lực tại Việt Nam.
2.Hợp pháp hóa lãnh sự trong tố tụng trọng tài tại Việt Nam
Trong Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn hiện hành không có bất kỳ quy định nào trực tiếp điều chỉnh vấn đề HPHLS giấy tờ, tài liệu được sử dụng trong tố tụng trọng tài. Cụ thể hơn, hiện không có quy định nào trong Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn yêu cầu các bên phải HPHLS giấy tờ, tài liệu để được sử dụng tại tố tụng trọng tài. Như vậy có thể nhận thấy pháp luật về trọng tài không quy định về nghĩa vụ phải thực hiện HPHLS của các bên trong tranh chấp hay HĐTT chỉ được công nhận giá trị của các tài liệu đã được HPHLS. Bên cạnh đó, như đã đề cập ở phần trên, quy định về bắt buộc HPHLS trong BLTTDS chỉ áp dụng với tố tụng Tòa án mà sẽ không điều chỉnh cho hoạt động tại Trọng tài. Do đó, việc không thực hiện HPHLS trong tố tụng trọng tài hiện nay vẫn chưa có cơ sở lý luận và pháp lý nào để xác định là vi phạm cơ bản theo pháp luật Việt Nam
Xét ở góc độ pháp luật về tương trợ tư pháp, theo khoản 4 Điều 9 của Nghị định số 111/2011/NĐ-CP đã quy định minh thị rằng, “Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài” thuộc loại giấy tờ, tài liệu được miễn HPHLS. Như vậy Trung tâm tọng tài với vai trò là cơ quan tiếp nhận, nếu sau khi xem xét tài liệu do các bên nộp và kết luận rằng các tài liệu đó không yêu cầu phải HPHLS theo Quy tắc của Trung tâm đó thì các tài liệu như vậy không nhất thiết phải được HPHLS. Tuy nhiên quy định này hiện nay lại đặt ra vấn đề rằng việc xác định tính bắt buộc HPHLS trong tố tụng trọng tài lại phù thuộc vào Quy tắc của Trung tâm trọng tài (cơ quan tiếp nhận) và sẽ gây khó khăn cho cả các bên tham gia tố tụng và Hội đồng xét đơn khi không tạo được tính thống nhất trong đường lối giải quyết.
- 3.Thực tiễn giải quyết yêu cầu hủy phán quyết trọng tài vì không hợp pháp hóa lãnh tài liệu, chứng cứ liên quan
- 1.Quyết định số 1768/QĐ-PQTT ngày 10/6/2020 của TAND thành phố H
Xem xét một Quyết định của TAND thành phố H ngày 10/6/2020 liên quan đến phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) về vụ tranh chấp hợp đồng kinh tế năng lượng mặt trời tại Campuchia giữa Tai Seng Bavet Sez (Tai Seng) và Công ty TNHH Chunghwa Telecom Việt Nam (Chunghwa), Hội đồng xét đơn trong vụ việc này đã tuyên bố hủy phán quyết trọng tài VIAC do đại diện ủy quyền của Tai Seng tham gia giải quyết tranh chấp tại VIAC không được ủy quyền một cách hợp pháp. Trên thực tế, đại diện ủy quyền tham gia tranh chấp tại VIAC của Tai Seng đã có giấy ủy quyền từ Tai Seng, tuy nhiên, giấy ủy quyền này không được hợp pháp hóa lãnh sự theo yêu cầu tại Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 05/12/2011 của Chính phủ. Xét thấy cơ sở tuyên hủy PQTT của Hội đồng xét đơn là Điều 68 Luật TTTM năm 2010 nhưng không được nêu rõ là căn cứ trên khoản nào của Điều 68, thông qua lập luận của các bên và nhận định của Viện kiểm sát có thể xác định rằng căn cứ tuyên hủy chính là “trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” (điểm đ khoản 2 Điều 68 Luật TTTM năm 2010).
Cụ thể về vấn đề được xem xét, HĐTT căn cứ theo khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP. Theo đó, “Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam ... không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự ...” thì được miễn chứng nhận lãnh sự, HPHLS. HĐTT cho rằng họ là một cơ quan Việt Nam, do đó, họ có quyền yêu cầu hoặc không yêu cầu các tài liệu nước ngoài cần được hợp pháp hóa để sử dụng tại Việt Nam theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP.
Như vậy vấn đề ở đây đặt ra là liệu VIAC có được xem là một “cơ quan tiếp nhận” hay không? Lập luận được Tòa án và Viện kiểm sát cùng cấp cùng chấp nhận khi hủy phán quyết của HĐTT trong vụ án Tai Seng v. Chunghwa đó là VIAC khi xem xét Quyết định số 204-TTg ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, được xác định là một “tổ chức” thay vì là một “cơ quan”. Vì lẽ đó mà nói, VIAC dường như không có cơ sở nào để tự xem mình là “cơ quan tiếp nhận của Việt Nam” để từ đó có quyền yêu cầu hay không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự giấy ủy quyền từ nước ngoài của Tai Seng. Như vậy có thể dễ nhận thấy là việc xem xét hủy PQTT trong vụ việc trên chủ yếu tập trung vào vấn đề xem xét nghĩa (wording) của từ thay vì xem xét bản chất của điều luật.
Bên cạnh xem xét việc không thực hiện HPHLS là đúng hay không, cơ sở để Hội đồng xét đơn hủy PQTT cũng là vấn đề gây tranh cãi. Theo Quyết định số 1768/QĐ-PQTT ngày 10/6/2020 của TAND thành phố H, việc bên nước ngoài không hợp pháp hóa giấy ủy quyền trong thủ tục tố tụng trọng tài Việt Nam sẽ là vi phạm “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng Tòa án thành phố H đã không giải thích làm thế nào một giấy ủy quyền không được hợp pháp hóa có thể dẫn đến vi phạm các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, ví dụ vì nó đe dọa tính công bằng và vô tư của hệ thống pháp luật Việt Nam, cũng như không xác định các loại tài liệu phải được hợp pháp hóa để sử dụng trong trọng tài tại Việt Nam. Trên thực tế, nó là vô lý và không thể dung hòa với các luật và quy định khác của Việt Nam về trọng tài. Có thể lý giải bởi một số lý do sau:
Thứ nhất, khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP quy định rằng giấy tờ, tài liệu không cần phải hợp pháp hóa nếu không có yêu cầu của cơ quan Việt Nam hoặc nước ngoài tiếp nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật nước ngoài có liên quan. Tổ chức tiếp nhận trong trường hợp này sẽ là VIAC. Không có quy định nào trong Quy tắc của VIAC hoặc pháp luật Việt Nam yêu cầu giấy ủy quyền do một bên tham gia tố tụng trọng tài cung cấp phải được HPHLS. Do đó, không có cơ sở pháp lý nào để TAND TP. H kết luận rằng Giấy ủy quyền không được HPHLS trong thủ tục tố tụng trọng tài sẽ vi phạm bất kỳ luật hoặc quy định nào của Việt Nam, càng không vi phạm “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Viện kiểm sát và TAND thành phố H có thể đã nhầm lẫn trọng tài với thủ tục tố tụng của Tòa án Việt Nam, trong đó một bên được đại diện phải có giấy ủy quyền được HPHLS.
Thứ hai, điểm đ khoản 2 Điều 14 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2024 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC Việt Nam ban hành làm rõ rằng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam có nghĩa là “các quy tắc ứng xử cơ bản có hiệu lực tổng thể đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam”. Không rõ làm thế nào vấn đề HPHLS có thể vi phạm các quy tắc ứng xử cơ bản. Hình thức Giấy ủy quyền do một bên cấp cho luật sư của mình không ảnh hưởng đến sự công bằng hoặc vô tư của trọng tài.
Thứ ba, Điều 13 Luật TTTM năm 2010 quy định rằng nếu một bên, đã biết hoặc phải biết việc vi phạm Luật hoặc thỏa thuận trọng tài, tiếp tục thủ tục tố tụng trọng tài mà không phản đối nó trong thời gian quy định, là mất quyền phản đối tại trọng tài và tại Tòa án. Căn cứ theo Quyết số 1768/QĐ-PQTT ngày 10/6/2020 của TAND thành phố H, không ghi nhận việc Chunghwa phản đối vấn đề về không hợp pháp hóa cho đến khi phán quyết trọng tài được ban hành.
Do đó, Quyết định số 1768/QĐ-PQTT ngày 10/6/2020 của TAND thành phố H được cho là sai và đặt các bên nước ngoài tham gia trọng tài tại Việt Nam vào thế bất lợi đáng kể. Quyết định số 1768 cũng chưa phù hợp với các xu hướng giải quyết của trọng tài quốc tế. Trọng tài ở New York, Anh & xứ Wales, Hồng Kông và Singapore đều không áp đặt bất kỳ yêu cầu HPHLS nào đối với các tài liệu được sử dụng trong tố tụng trọng tài. Chẳng hạn, Quy tắc SIAC 2016, Điều 19.2 quy định: “Tòa án sẽ xác định tính phù hợp, trọng yếu và khả năng chấp nhận của tất cả các chứng cứ. Trọng tài không bắt buộc phải áp dụng các quy tắc chứng cứ của bất kỳ luật hiện hành nào trong việc đưa ra quyết định đó.” Tương tự, Quy tắc Trọng tài UNCITRAL 2021, Điều 27.4 quy định: “Hội đồng trọng tài sẽ xác định sự chấp nhận, tính liên quan, trọng yếu và tầm quan trọng của chứng cứ được đưa ra”.
2.Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 04/7/2023 của TAND thành phố H
Quyết định mới đây của TAND thành phố H, Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 04/7/2023 (Quyết định số 12), cho rằng giấy ủy quyền (POA) được ký bên ngoài Việt Nam và cho phép ký kết và nộp đơn trọng tài tại Việt Nam phải được HPHLS.
Quyết định số 12 liên quan đến tranh chấp giữa các bên trong thỏa thuận chuyển nhượng cổ phần trong một công ty Việt Nam. Người mua (nguyên đơn) là một công ty Singapore, đã đưa ra trọng tài để thực thi một số nghĩa vụ nhất định của người bán (bị đơn 1) theo thỏa thuận và, bằng cách mở rộng, nghĩa vụ của người bảo lãnh (bị đơn 2) về nghĩa vụ của người bán.
Đơn khởi kiện được đệ trình lên VIAC kèm theo (i) các nghị quyết của Hội đồng quản trị cho phép một trong các cán bộ của mình làm đại diện được ủy quyền trong trọng tài và (ii) hai giấy ủy quyền. Cả nghị quyết và giấy ủy quyền đều không được HPHLS. Các bị đơn liên tục phản đối rằng việc thiếu HPHLS, trong số các căn cứ khác, làm cho các nghị quyết và giấy ủy quyền không được công nhận và do đó HĐTT không được xem xét.
TAND thành phố H đã chấp nhận yêu cầu của bị đơn về hủy PQTT. Tòa án đặc biệt bác bỏ quyết định của HĐTT rằng họ có quyền không yêu cầu HPHLS theo khoản Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP (tương tự như Quyết định số 1768/QĐ-PQTT ngày 10/6/2020 của TAND thành phố H).
Theo Tòa án, Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể về việc các văn bản ủy quyền khởi kiện cũng như ủy quyền tham gia tố tụng từ nước ngoài gửi về phải được hợp pháp hóa lãnh sự để sử dụng trong tố tụng trọng tài. Nhưng điều này không đồng nghĩa với việc chấp nhận mọi tư cách tham gia tham tố tụng hoặc loại trừ tính pháp lý, tính hợp pháp của tư cách người khởi kiện cũng như tư cách tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Khoản 2 Điều 4 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP quy định: “Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này”. Khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP quy định về các giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự gồm: giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.
HĐTT cho rằng, BLTTDS chỉ điều chỉnh thủ tục tố tụng Tòa án, không phải thủ tục tố tụng trọng tài nên không thể là “quy định pháp luật tương ứng” tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP. Trước ý kiến này, Tòa án trích dẫn đạo luật gốc là BLDS năm 2015 (Điều 4 quy định Bộ luật này là luật chung điều chỉnh các quan hệ dân sự). Trong vụ việc này được hiểu Luật TTTM và các văn bản hướng dẫn Luật TTTM không quy định thì được áp dụng quy định của BLTTDS. Theo đó điểm a khoản 1 Điều 478 đã quy định: “Giấy tờ, tài liệu và bản dịch tiếng Việt có công chứng, chứng thực đã được hợp pháp hóa lãnh sự”. Vì vậy, việc VIAC đã thụ lý yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và chấp nhận tư cách tham gia tố tụng của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn khi các tài liệu này chưa được HPHLS trong khi bị đơn phản đối là không đúng quy định.
3.Quyết định số 16/2023/QĐ-PQTT ngày 27/11/2023 của TAND thành phố H
Mới đây, TAND thành phố H cho rằng, Hội đồng Trọng tài với tư cách là cơ quan tiếp nhận tài liệu ủy quyền của nguyên đơn không yêu cầu các tài liệu này phải được HPHLS, nên các tài liệu này không cần phải được HPHLS để được sử dụng trong thủ tục tố tụng trọng tài này theo khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP. Cụ thể Tòa án đã lập luận rằng: “Theo quy định của khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP cũng quy định những giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự. Trong vụ án này Đơn khởi kiện của Nguyên đơn, VIAC là cơ quan tiếp nhận và không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự theo quy tắc trọng tài thì không nhất thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự. Do đó, căn cứ trên của bên yêu cầu là không có cơ sở”.
Kết luận
Như vậy, cách tiếp cận của các Tòa án về cùng một vấn đề hủy hay không hủy PQTT vì tài liệu chưa được HPHLS là chưa có sự thống nhất. Có thể nhận thấy xu hướng chính của các Tòa án hiện nay vẫn theo quan điểm quy định của BLTTDS sẽ được áp dụng để giải quyết khi Luật TTTM còn “bỏ ngỏ” mà không cần phân biệt đây là tố tụng tại Tòa án hay Trọng tài vì đây là luật chung. Hiện Trọng tài vẫn chưa có một cơ sở pháp lý vững chắc để bảo vệ các PQTT được ban hành trước nguy cơ bị hủy vì lý do này. Chính vì vậy, các HĐTT vẫn nên khuyến khích các bên tranh chấp thực hiện đầy đủ các hồ sơ HPHLS nhằm giảm thiểu khả năng bị tuyên hủy PQTT.
[1] Điểm a khoản 1 Điều 478 BLTTDS năm 2015: “1. Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền nước ngoài lập, cấp, xác nhận trong các trường hợp sau: a) Giấy tờ, tài liệu và bản dịch tiếng Việt có công chứng, chứng thực đã được hợp pháp hóa lãnh sự”.
TANDCC tại Hà Nội xét xử vụ tranh chấp kinh doanh thương mại - Ảnh: PV
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Nguyễn Văn B có phạm tội “tàng trữ trái phép súng săn không”?
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Những điểm mới về chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất tại Luật BHXH năm 2024
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Thừa Thiên – Huế: Buôn lậu gỗ, cựu cán bộ kiểm lâm lĩnh án tù
Bình luận