Tin xuân

Đã từ lâu, tôi định viết về bông hoa ấy, một bông hoa thật nhỏ, thật bé, hầu như là không tên, thảng hoặc nó có được gọi, thì mơ hồ, như bâng quơ, tạm thời để có thể có mặt trên Trái đất.

Mà có tên, có gọi, thì là chuyện của ai, không phải của hoa, như ai đó, hình như nhà thơ bên Tây, ông Brecht, nói rằng, trước khi con người gọi hoa là hồng thì hoa hồng đã nở trong rừng, thơm trong rừng, nào phải vì ai. Thì thế, cây hoa bé nhỏ ấy đã ở trong vườn từ độ…

Ừ thì nó mọc trên đất, thường dọc theo ngõ vào nhà của khu vườn Huế thời xưa, ẩn nhẫn, khiêm tốn đến mực, dưới hai hàng chè tàu dẫn sâu vào đến tận bình phong của căn nhà cổ có nhiều bóng tối, đến bình phong nó cũng rẽ hai bên, viền cho trọn lối…thỉnh thoảng mọc nhầm, nó quanh cây hải đường hay quanh cây mai cổ thụ, chen với lá khô.

Hình như nó cùng tuổi với khu vườn này, nếu thế thì nó hơn tôi đấy, nó thuộc vào quá khứ, – như căn nhà, nơi bà tôi đã sống- nó thuộc vào thời xưa ấy, dù có thể nó đang nở đâu đó đúng vào lúc tôi đang viết những dòng này.

Chữ xưa thường gợi thăm thẳm, bề sâu, dính líu đến lịch sử, đến chiều kích thời gian. Với tôi, khi nhắm mắt lại thì xưa là con đường thuở bé tôi đi từ ngõ, vào sâu, từng bước, qua cây ngâu, cây tràng bì, cây hồng quân, rồi cây vải cổ thụ hai người ôm không hết, đến cây hải đường, ngõ sâu hun hút, đi hoài trên con đường đất cho đến nhà bà, cảm giác dấn sâu vào diệu vợi thời gian, nẻo sương mù của ký ức.

Ấy thế mà nhiều năm nhiều tháng, bao lần đi – về, cánh hoa nhỏ hầu như bị bước chân bỏ qua không màng đến, nếu…mưa tháng tám không về…

Người Huế sẽ cười tôi khi nghe tôi nói “nếu…mưa không về…” mấy o Huế sẽ háy, sẽ nguýt, hờn mát tôi, mà ngay cả đứa cháu yêu Huế nhưng đang ớn mưa Huế tận cổ, cũng kêu rêu, sao tôi mơ mộng mô mô, mưa đang không dứt nơi trời Huế tháng chín, tháng mười, chừ là tháng mười một âm lịch, mà tôi bảo “nếu”… Ờ, “nếu như trời không mưa, đường vắng không cần tôi đưa…” bài ca cũng “nếu…” mà thành ra duyên nợ sơn khê… một chuyện tình ấm áp trong mưa…

Vâng, mưa tháng tám phải về – riêng phần câu chuyện của tôi, không những mưa, mà còn lụt nữa. Thường khi đến ngày giỗ của cha tôi vào thượng tuần tháng tám âm lịch, nước lao xao chực nhảy lên bờ, có khi trước ngày giỗ chỉ một hôm, làm rúng động tâm hồn, cả nhà dáo dác. Bà tôi gọi dè chừng là lụt nhỏ, nước sông dâng đầy từ những cơn mưa đầu mùa, bỗng phình lên ào ạt, chưa kịp trọn cơn mừng thoát nóng đã co giò sợ nước lụt…

Những cơn lụt nhỏ mấp mé nhắp vườn cây, nhận chìm vạn vật chết đuối trong mưa, đàng sau màn mưa bóng dáng của bà gầy nơi khung cửa bàng khoa. Tôi biết nỗi lo âu “buồn vui” của bà tôi không nên lời, không tài tình chữ nghĩa như những tiếng thơ ấy. Đó là nỗi lo âu câm nín của đợi chờ, đợi mưa về, rồi đợi trời hết mưa, đợi nước ngừng dâng lên, đợi nắng về và đợi người…có thể không phải người đang sống, mà người đã khuất…Nỗi mong ngày về của người con trai nhân hậu, khôi ngô, hiếu để nhất, đã bị tước đoạt đời sống một buổi chiều mưa vừa tạnh… Lòng mẹ trào dâng thủy triều thương nhớ.

Những ngày tháng tám ấy thường mưa, xanh xao cây cỏ. Nước sông ngấm nghé tràn bờ, những ngày không thiếu tiếng thở dài bên tiếng cười ấm cúng với nhau, có giọt nước mắt lăn theo với giọt mưa, nhưng cũng có nụ cười giấu sau tay áo.

Cứ hạ tuần tháng bảy, thượng tuần tháng tám, mưa dạo ấy lê thê. Ít nhất đã có ba lần nước nhảy lên bờ rồi đấy. Nhưng may nước chưa vào nhà. Nỗi thấp thỏm bấp bênh và nỗi mừng vui thoát nạn đều hiện rõ trên gương mặt thanh cao ấy. Khu vườn xanh của bà dính bết bùn non, cỏ cây tơi tả, bà thầm lặng chờ mong…

Màu hồng tươi không lòe loẹt mà ẩn nhẫn

Đường vào vườn bùn trơn, chân đi phải bấm vào đất, guốc mộc cầm tay, bùn non vấy chân dẻo quẹo, đang rình cho tôi đo ván. Chính trong lúc chằm hăm dò dẫm từng bước trên lối đi trơn trợt ấy, tôi chợt nhìn thấy cánh hoa nhỏ ấy. Trong cảnh sắc u tối của bầu trời sau cơn lụt, vạn vật còn run rẩy trong lụi tàn, trong ưu phiền giá rét, bỗng lóe sáng ánh hồng giữa đám lá xanh bê bết bùn non. Màu hoa tươi sáng lạ thường với bốn cánh màu hồng như cánh sen, trỗi cao lên trên những chùm lá xanh đang quằn quại trong vũng bùn. Nó không như sen, hào hùng và diễm lệ, tự xưng giữa trời và đất không tanh mùi bùn, rộng lượng ban hương thơm cho thế gian ô trọc. Nó nhỏ bé và cơ hồ mong manh nơi cánh hoa, thơ dại ngơ ngác, nhưng cuống hoa thì măng trẻ đầy sức sống, dài non nửa chiếc đũa, trắng muốt như ngọc nơi cần cổ và xanh màu ngọc thạch nơi gốc lá. Tưởng mảnh mai như thế thì phải gục đầu, như những đóa phù dung kiêu sa đang bơ xờ trong gió, như những cánh hồng đang rụng đầy sân, như cúc vàng đầy lệ ứa. Không, nó trỗi dậy giữa những cơn mưa thu, ngẩng cái đầu bé xinh nhìn trời và sáng chói như có thể trên đất, tươi sáng và diễm lệ trong cùng một nhịp. Giữa đất trời u minh màu hoa thanh như tiếng của chiếc khánh ngọc vừa rơi trên nước. Màu hồng tươi không lòe loẹt mà ẩn nhẫn, long lanh ngời sáng giọt nước mưa còn đọng trên má hoa, như tiếng thơ phiêu lãng giữa những cơn địa chấn đời người. Nó nhỏ quá để được ca ngợi, để được chú ý tung hô hồ hởi, nhưng nó đủ sức gây địa chấn cho tâm hồn, nó thay đổi và nuôi dưỡng cái nhìn của tôi trên đường rong ruổi trần gian.

Cuộc gặp gỡ chỉ trong giây phút, nhưng thành thiên thu ấy đã chiếu sáng một góc hồn của đời người, cho tôi nếm rõ vị vui giữa buồn bã thời gian, cho tôi thương hơn không gian não nề ấy, cho tôi thương bà đứng sau khung cửa.. Phút giây tao ngộ ấy đã dẫn tôi đến chân trời của “buồn vui”, như một tia hy vọng trong nhiều tuyệt vọng, nó bật lên tiếng thơ, hay nó chính là bài thơ đang hòa điệu nhỏ giọt với mưa.

Tôi đã hỏi Bà ngay sau khi nhìn thấy loài hoa ấy, tên gì, mà đã làm cho tôi có được tin yêu trên đời, một bông hoa nhỏ bé như thể không có mặt trên Trái đất này.

Nhưng tôi sẽ không viết tên hoa ấy ra đây… như một kỷ niệm không tên, chỉ biết rằng mỗi khi nhớ đến, nó rực sáng trong ký ức ngày ấy đến phải mỉm cười… thương hoa…

Mà hình như ngoài trời, muôn hoa đang sửa soạn lộng lẫy khoe vẻ đẹp tuyệt trần đón xuân, chúc Tết kia mà… tôi có nói cũng bằng thừa…□

—-

 

THÁI KIM LAN

Hoa hồng ở điện Kiến Trung, Huế - Ảnh: VNN

* GS.TS Triết học so sánh Đại học Munich.