Tòa án có đủ cơ sở để trả lại đơn khởi kiện cho Ngân hàng DC

 Sau khi nghiên cứu bài viết “Pháp nhân có được ủy quyền cho một pháp nhân khác khởi kiện vụ án hay không?”của tác giả Huỳnh Thị Cẩm Tú đăng ngày 19/12/2023, tôi có quan điểm nhất trí với quan điểm thứ hai cho rằng Tòa án có đủ cơ sở để trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 191 và Điều 192 BLTTDS.

Quyền khởi kiện vụ án dân sự là một trong các quyền cơ bản của công dân và được Hiến định, qua đó, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thể thực hiện quyền khởi kiện bằng hành vi khởi kiện. Theo Điều 186 BLTTDS năm 2015 quy định “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp khởi kiện vụ án (sau đây gọi chung là người khởi kiện) tại Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”. Theo đó, khi cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, họ có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 187 BLTTDS năm 2015 quy định, chủ thể khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước bao gồm cá nhân, tổ chức và cơ quan có thẩm quyền. Thứ nhất, cơ quan quản lý nhà nước về gia đình, cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình. Thứ hai, Tổ chức đại diện tập thể lao động có quyền khởi kiện vụ án lao động trong trường hợp cần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động hoặc khi được người lao động ủy quyền theo quy định của pháp luật. Thứ ba, Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có quyền đại diện cho người tiêu dùng khởi kiện bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thứ tư, Cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách hoặc theo quy định của pháp luật.

Theo nội dung vụ án, năm 2022, Ngân hàng DC nộp đơn khởi kiện, trong nội dung đơn khởi kiện thể hiện: Nguyên đơn là Công ty QLTS (Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ngân hàng DC) và Bị đơn là Công ty ĐH. Đơn khởi kiện do đại diện hợp pháp của Ngân hàng ký tên và đóng dấu, kèm theo đơn khởi kiện là văn bản ủy quyền việc khởi kiện, tham gia giải quyết vụ án của Công ty QLTS cho Ngân hàng.

Căn cứ theo các quy định của BLTTDS, Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành, tôi cho rằng Tòa án có đủ cơ sở để trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d, khoản 3 Điều 191 và Điều 192 BLTTDS.

Đầu tiên, Tòa án cần xem xét về quyền khởi kiện vụ án quy định tại Điều 186 BLTTDS, phạm vi khởi kiện quy định tại Điều 188 BLTTDS và hình thức, nội dung đơn khởi kiện quy định tại Điều 189 BLTTDS.

Khoản 3 Điều 189 BLTTDS quy định “3. Cơ quan, tổ chức là người khởi kiện thì người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó có thể tự mình hoặc nhờ người khác làm hộ đơn khởi kiện vụ án. Tại mục tên, địa chỉ của người khởi kiện phải ghi tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức và họ, tên, chức vụ của người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức đó; ở phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp”. Đối chiếu với quy định tại khoản 3 Điều 189 thì tại phần cuối đơn, người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức phải ký tên và đóng dấu của cơ quan, tổ chức đó; trường hợp tổ chức khởi kiện là doanh nghiệp thì việc sử dụng con dấu theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Đối chiếu với quy định tại Điều 44 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định việc sử dụng con dấu của doanh nghiệp theo quy định của Điều lệ công ty. Điều 45 Luật Doanh nghiệp năm 2014 cũng quy định về nhiệm vụ của chi nhánh, văn phòng đại diện. Mục 4, Công văn 38/KHXX ngày 29/3/2007 của TANDTC hướng dẫn việc pháp nhân khởi kiện và ủy quyền khởi kiện vụ án dân sự quy định, trong  trường hợp Văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân thực hiện việc khởi kiện vụ án về tranh chấp phát sinh từ giao dịch do văn phòng đại diện, chi nhánh xác lập thực hiện: “Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật dân sự và Điều 73 Bộ luật tố tụng dân sự thì đối với trường hợp này trong đơn khởi kiện tại mục “Tên, địa chỉ của người khởi kiện” sau khi ghi tên, địa chỉ của pháp nhân, phải ghi họ tên, chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân, văn bản ủy quyền (số, ngày, tháng, năm) và chức danh người đại diện theo pháp luật của pháp nhân ủy quyền. Tại mục “Người khởi kiện” ở cuối đơn khởi kiện cần phải ghi tên của pháp nhân; ghi chức vụ của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân; người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân ký tên; ghi họ, tên của người đứng đầu văn phòng đại diện, chi nhánh của pháp nhân”.

Như vậy, đối với trường hợp cơ quan, tổ chức khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích nhà nưởc thì cơ quan, tổ chức này chỉ có quyền khởi kiện trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn mà họ chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quản lý nhà nước, quản lý xã hội và phải đúng lĩnh vực mà cơ quan, tổ chức đó phụ trách. Công ty QLTS và Ngân hàng DC là hai pháp nhân độc lập theo quy định tại BLDS năm 2015, do đó Ngân hàng DC không có quyền ký tên vào đơn khởi kiện. Từ những phân tích trên, tôi nhận định Tòa án có đủ cơ sở để trả lại đơn khởi kiện theo quy định tại điểm d, Khoản 3 Điều 191 và Điều 192 BLTTDS.

Trên đây là quan điểm của tác giả về vụ án, rất mong nhận được ý kiến góp ý quý giá của quý đồng nghiệp và bạn đọc.

 

Tòa án nhân dân thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long xét xử vụ án dân sự - Ảnh BVPL

TRẦN THỊ NHẬT VI (Tòa án nhân dân tỉnh Ninh Thuận)