Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử đối với pháp nhân thương mại
Sau khi nghiên cứu bài viết "Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại?” của tác giả Đinh Thị Ngọc Bích tôi không nhất trí với quan điểm của tác giả.
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 272 Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử: “Vụ án hình sự mà bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1 Điều này liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ.”
Xét về thẩm quyền theo đối tượng, điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015 không quy định cụ thể từng đối tượng xét xử như tại điểm a khoản này, cũng không quy định đối tượng của Tòa án quân sự phải là cá nhân hay pháp nhân mà quy định chung là “bị cáo không thuộc đối tượng quy định tại điểm a…”.
Theo quy định tại Điều 61 BLTTHS 2015 thì “Bị cáo là người hoặc pháp nhân đã bị Tòa án quyết định đưa ra xét xử”. Như vậy, có thể hiểu đối tượng bị cáo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 BLTTHS 2015 có thể là pháp nhân thương mại. Hay nói cách khác, Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử đối với các vụ án hình sự mà bị cáo là pháp nhân thương mại liên quan đến bí mật quân sự hoặc gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của quân nhân tại ngũ, công chức, công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân dự bị trong thời gian tập trung huấn luyện hoặc kiểm tra tình trạng sẵn sàng chiến đấu hoặc gây thiệt hại đến tài sản, danh dự, uy tín của Quân đội nhân dân hoặc phạm tội trong doanh trại quân đội hoặc khu vực quân sự do Quân đội nhân dân quản lý, bảo vệ. Theo tôi, cách hiểu như vậy là đúng với tinh thần của các nhà làm luật khi phân định rõ ràng thẩm quyền của Tòa án quân sự và Tòa án nhân dân và phù hợp với các điểm mới của BLHS 2015 và BLTTHS 2015 ban hành trách nhiệm hình sự, thủ tục tiến hành tố tụng hình sự đối với pháp nhân thương mại.
Vấn đề thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại cũng là một trong nhiều vấn đề gây lúng túng, tranh cãi trong thực tiễn giải quyết vụ án hình sự, đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này để đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật.
Trên đây là ý kiên của tôi về bài viết “Thẩm quyền xét xử vụ án hình sự của Tòa án quân sự đối với pháp nhân thương mại?”, rất mong nhận được sự quan tâm của Ban biên tập và sự trao đổi, đóng góp của độc giả và đồng nghiệp./.
Hội đồng xét xử một phiên tòa hình sự của TAQS QK 7 – Ảnh: TTXVN
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận