Tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép – Một số vướng mắc trong thực tiễn

Qua thực tiễn áp dụng Quy định của BLHS về : “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” còn có một số vướng mắc cần có hướng dẫn thật cụ thể.

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đã và đang diễn ra một vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết mang tính thời sự. Đó là dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi-rút Cô-rô-na  gây ra trở thành mối nguy hiểm trên toàn cầu.

Tại Việt Nam, ngay từ khi phát hiện những ca bệnh đầu tiên. Đảng, Chính phủ đã chỉ đạo tích cực  và mang lại kết quả quan trọng trong việc triển khai phòng, chống dịch. Sau 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, thì cuối tháng 7/2020, Việt Nam đã phát hiện ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Thành phố  Đà Nẵng, lây lan và tái bùng phát. Trong khi đó liên tiếp những ngày gần đây, cơ quan công an đã bắt được rất nhiều nhóm người đưa người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, đây là một trong số nguyên nhân nguy cơ xâm nhiễm dịch bệnh từ bên ngoài là rất cao. Hành vi tổ chức đưa người người nước ngoài, trong đó phần lớn từ Trung Quốc, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam không chỉ là mối nguy hại cho những nỗ lực phòng dịch mà cả nước đã đạt được trong suốt thời gian qua, mà còn liên quan đến an ninh, trật tự quốc gia. Các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt để khởi tố, điều tra đường dây đưa người bất hợp pháp để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Để xử lý nhóm người này, cần khởi tố “Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” theo quy định của BLHS và xét xử mức án thật nghiêm khắc.

Tuy nhiên, qua thực tiễn áp dụng Quy định của BLHS về : “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép” còn có một số vướng mắc cần có hướng dẫn thật cụ thể.

1.Quy định của Bộ luật Hình sự 

“Tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép”  là một trong số 34 tội danh mới được quy định trong BLHS năm 2015 có hiệu lực từ ngày 1-1-2018. Đây là tội ghép nhiều tội danh, cụ thể quy định như sau:

Tại Điều 348 BLHS 2015 quy định:

1. Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, thì bị phạt từ từ 01 năm đến 05 năm. 

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người. 

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Khách thể của tội phạm: Tính nguy hiểm của hành vi phạm tội được quy định tại Điều luật này được thể hiện ở chỗ, nó đã xâm phạm trực tiếp đến trật tự quản lý hành chính trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam; xâm phạm đến hoạt động bình thường, đúng đắn của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, làm giảm hiệu quả và hiệu lực quản lý hành chính nhà nước trong lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú ở Việt Nam. Tội phạm này được quy định nhằm đấu tranh phòng chống các hành vi xuất cảnh, nhập cảnh, hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Mặt khách quan của tội phạm: Điều 348 BLHS 2015 quy định 6 tội độc lập: Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; Tội môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép. Mặt khách quan của tội phạm được thực hiện ở dạng hành động.

– Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép thể hiện là hành vi vì mục đích thu lợi bất chính đã chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy giúp người khác ra khỏi biên giới Việt Nam hoặc vào lãnh thổ Việt Nam không có giấy phép theo quy định của pháp luật về xuất, nhập cảnh. Có thể là hành vi lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, lôi kéo, thu gom tiền vàng để mua sắm phương tiện, vật tư, lương thực, thực phẩm hoặc giấy tờ cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép, thực hiện các công việc khác cần thiết cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép với vai trò là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy nhằm đưa người khác đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, không có các giấy tờ theo quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, như không có hộ chiếu, visa hoặc có nhưng không thị thực,… để thu lợi bất chính. Nếu việc tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép được thực hiện bằng việc sử dụng giấy tờ giả thì hành vi sẽ cấu thành hai tội: Tội tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép và tội sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức.

  • Tội môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, được thể hiện bằng các hành vi, hình thức sau:

+ Vì mục đích thu lợi bất chính làm môi giới, trung gian, cầu nối theo yêu cầu của cả người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép. Trong trường hợp này, người làm môi giới chỉ giới thiệu hai người này với nhau rồi họ tự bàn bạc, thỏa thuận với nhau các phương thức, cách thức, giá cả, … nhằm đi ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc đi vào lãnh thổ Việt Nam không được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để thu lợi bất chính. Hành vi môi giới chỉ cấu thành tội phạm nếu người môi giới nhận thức được hành vi của mình là để hai bên thỏa thuận về việc cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

+ Vì mục đích thu lợi bất chính mà theo yêu cầu của người xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép hoặc của người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép, người môi giới trực tiếp đến gặp người xuất cảnh, nhập cảnh trái phép hoặc người có khả năng tổ chức cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh trái phép để thỏa thuận về các phương thức, cách thức, giá cả, … cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép.

  • Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép được thể hiện bằng mục đích thu lợi bất chính mà lập kế hoạch, tổ chức, chỉ huy, lôi kéo nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam. Người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép là khi nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không rời khỏi Việt Nam theo thời hạn quy định.
  • Tội môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép: thể hiện ở hành vi dẫn dắt, làm trung gian cho người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép với người có khả năng tổ chức người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép nhằm giúp người nước ngoài ở lại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước Việt Nam để thu lợi bất chính. Người có nhu cầu ở lại Việt Nam trái phép là khi nhập cảnh vào Việt Nam hợp pháp nhưng không rời khỏi Việt Nam theo thời hạn quy định.

Đối với loại tội này (tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép) sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong việc định tội danh đối với trường hợp một người có hành vi tổ chức, môi giới cho những người đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, không được cấp phép ở Việt Nam mà ở lại Việt Nam bất hợp pháp trong một thời gian thì có phạm tội tổ chức, môi giới người khác ở lại Việt Nam trái phép hay không?, đây là vấn đề cần được hướng dẫn cụ thể (vấn đề này sẽ nêu rõ hơn ở phần sau).

Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội danh này là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên, có năng lực trách nhiệm hình sự.

Mặt chủ quan của tội phạm: Tội phạm này thực hiện do lỗi cố ý có mục đích và động cơ vụ lợi. Dấu hiệu “vì vụ lợi” là dấu hiệu bắt buộc của loại tội phạm này. Người phạm tội nhận thức được hành vi của mình là trái pháp luật nhưng vì vụ lợi, lợi ích cá nhân nên mong muốn thực hiện hành vi đó.

Về hình phạt: Điều 348 BLHS 2015 quy định ba khung hình phạt:

Khung 1: quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với người phạm tội: Người nào vì vụ lợi mà tổ chức hoặc môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Khung 2: quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; b) Phạm tội 02 lần trở lên; c) Đối với từ 05 người đến 10 người; d) Có tính chất chuyên nghiệp; đ) Thu lợi bất chính từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng; e) Tái phạm nguy hiểm.

Khung 3: quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây: a) Đối với 11 người trở lên; b) Thu lợi bất chính 500.000.000 đồng trở lên; c) Làm chết người.

Về hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

2.Thực tiễn áp dụng và một số vướng mắc

Đây là tội mới được bổ sung vào BLHS năm 2015 nên thực tiễn xét xử loại tội này chưa nhiều. Tuy nhiên trong giai đoạn hiện nay, hiện tượng người nước ngoài nhập cảnh trái phép, ở lại Việt Nam trái phép diễn ra trên nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số người vì hám lời đã câu kết với người nước ngoài thực hiện hành vi tổ chức, môi giới cho người nước ngoài nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép. Tình trạng này không những xâm phạm đến trật tự quản lý hành chính về xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú của nhà nước, mà còn tiềm ẩn các loại tội phạm, nguy cơ lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào trong nước. Trong thời gian qua các cơ quan chức năng ở nhiều địa phương như Quảng Ninh, Bắc Ninh, Đà Nẵng… đã phát hiện, bắt giữ nhiều trường hợp người nước ngoài nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép.

Đây là loại tội phạm mới được quy định trong BLHS 2015, nên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử loại tội này cũng còn những ý kiến khác nhau, cụ thể:

2.1. Đối với những tỉnh có đường biên giới, việc phát hiện và xử lý về tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam trái phép không có vướng mắc gì vì khi các đối tượng tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh trái phép thì đối tượng nhập cảnh trái phép lưu lại ở Việt Nam chưa lâu thì đã bị phát hiện và xử lý.

2.2. Đối với các tỉnh không có đường biên giới, nằm sâu trong nội địa thì việc phân biệt giữa tội tổ chức, môi giới cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép và tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép còn có những quan điểm khác nhau, cụ thể:

Trường hợp thứ nhất: A là người nước ngoài có quen biết B (là người Việt Nam đang sinh sống ở Đà Nẵng) qua mạng Wechat. Khoảng đầu tháng 6 năm 2020, A nhờ B tìm thuê căn hộ tại thành phố Đà Nẵng để A và một số bạn (là người nước ngoài cùng quốc tịch với A) thuê ở một thời gian để chạy quảng cáo bán hàng cho A. A có nói cho B biết do đang dịch bệnh nên không ai xin được Visa Việt Nam, do ham lời nên B nhất trí. Sau khi tìm được căn hộ cho thuê, B thông báo cho A là đã tìm được căn hộ cho thuê. A đồng ý và nhờ B thuê cho A cùng một số người nước ngoài nữa ở trong 3 tháng. Sau đó A cùng 4 người bạn đến vùng biên giới với Việt Nam và được một người địa phương dẫn qua lối mòn đi vào lãnh thổ Việt Nam. A và 4 người bạn đi bộ theo lối mòn khoảng 10 phút thì gặp đường quốc lộ. Tại đây có xe 7 chỗ, biển số Việt Nam, tài xế người Việt Nam chờ sẵn từ trước. Các đối tượng lên xe đi hai ngày thì đến thành phố Đà Nẵng. Đến nơi A gọi điện liên lạc cho B và được B dẫn đến địa chỉ thuê nhà. Sau khi nhận nhà A đã trả cho B tiền thuê nhà bao gồm cả tiền công của B đi tìm nhà cho thuê. A và 4 người bạn ở đó được hơn một tháng thì bị cơ quan công an phát hiện và tạm giữ. Trường hợp này có các quan điểm khác nhau về tội danh của A và B.

Quan điểm thứ nhất cho rằng cả A và B đều phạm Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép. Vì A và B tổ chức cho 4 người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam. Việc A tổ chức cho 4 người nước ngoài ở Việt Nam trái phép không cấu thành “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” vì cả A và 4 người nước ngoài đều không có Visa vào Việt Nam, không được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp phép cho ở lại Việt Nam, các đối tượng không được cấp phép ở Việt Nam nên không thể truy tố A và B về “Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép” được. A có hành vi tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép nhưng hành vi này thu hút về tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép.

Quan điểm thứ hai cho rằng A phạm hai tội: Tội tổ chức người khác nhập cảnh Việt Nam trái phépTội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Vì: A có hành vi tổ chức cho 4 người bạn nhập cảnh vào Việt Nam mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam, không có các giấy tờ theo quy định về nhập cảnh vào Việt Nam, do đó A phạm Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép. Đối với hành vi A nhờ B thuê nhà cho A cùng 4 người bạn ở tại Đà Nẵng để cả A và 4 người bạn của A làm quảng cáo cho A thì A phạm Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép.

Đối với B, B đã thuê nhà giúp A để A cùng 4 người bạn ở lại Việt Nam trái phép, qua việc thuê nhà cho A để B kiếm lời, B biết rõ A và các bạn của A là người nước ngoài, nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, không có giấy phép được ở lại Việt Nam. Mục đích B thuê nhà cho A là để A và các bạn của A ở lại Đà Nẵng, còn việc A và các bạn của A nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì B không quan tâm. Do đó B phạm Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép mà không phạm Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép.

Theo quan điểm của tác giả bài viết thì:

Đối với A: A đã thực hiện 2 hành vi phạm tội:

Hành vi thứ nhất: A tổ chức cho 4 người bạn nhập cảnh vào Việt Nam mà không theo trình tự, thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, không được cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cấp phép, xâm phạm hoạt động quản lý hành chính nhà nước về nhập cảnh. Do đó A phạm Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép, theo quy định tại khoản 1 Điều 348 BLHS 2015.

Hành vi thứ hai: A đã nhờ B thuê nhà tại Đà Nẵng để A và 4 người bạn ở Đà Nẵng một thời gian dài mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền, hành vi của A xâm phạm hoạt động quản lý hành chính nhà nước về cư trú ở Việt Nam. A có vụ lợi trong việc tổ chức cho 4 người bạn ở lại Đà Nẵng để làm việc cho A nên A phạm Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Trong trường hợp này cần phải hiểu hành vi vì vụ lợi mà tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, kể cả người ở lại Việt Nam có thời hạn mà ở quá hạn cho phép của cơ quan có thẩm quyền, hay không được phép của cơ quan có thẩm quyền cư trú trên lãnh thổ Việt Nam (đã nhập cảnh trái phép) thì đều phạm Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép (quan điểm này khác với quan điểm thứ nhất). Nếu trường hợp này mà A không vì vụ lợi mà có hành vi tổ chức cho 4 người bạn ở lại Việt Nam trái phép thì A không phạm Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép, vì dấu hiệu vì vụ lợi là dấu hiệu bắt buộc của tội này.

Ngoài ra A còn thực hiện hành vi nhập cảnh, ở lại Việt Nam trái phép, nếu như A đã bị xử phạt hành chính về hành vi này thì A còn phạm Tội vi phạm quy định về nhập cảnh Việt Nam trái phép, và Tội vi phạm quy định về ở lại Việt Nam trái phép theo quy định tại Điều 347 BLHS.

Đối với B, tác giả nhất trí với quan điểm hai, B phạm Tội tổ chức cho người khác ở lại Việt Nam trái phép mà không phạm Tội tổ chức cho người khác nhập cảnh Việt Nam trái phép.

2.3. Đối với những trường hợp một người vì vụ lợi mà biết những người nước ngoài đã nhập cảnh vào Việt Nam trái phép, không được ở lại Việt Nam mà tổ chức, môi giới cho những người này ở lại Việt Nam trái phép, cũng có hai quan điểm khác nhau. Một quan điểm cho rằng người này phạm Tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Bởi lẽ cho dù một người được cấp phép ở lại Việt Nam mà hết thời hạn đó họ vẫn ở lại Việt Nam mà không được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền, hay trường hợp nhập cảnh trái phép vào Việt Nam rồi ở lại Việt Nam trái phép thì đều là trường hợp ở lại Việt Nam trái phép. Do đó hành vi tổ chức, môi giới cho những người này ở lại Việt Nam trái phép đều phạm Tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép. Phải hiểu như vậy thì mới đáp ứng được công tác đấu tranh, phòng chống loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay. Quan điểm khác cho rằng trường hợp này là không phạm tội, vì những người đã nhập cảnh trái phép vào Việt Nam, họ không được cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam cấp phép cho ở có thời hạn trên lãnh thổ Việt Nam nên họ không vi phạm về thời hạn ở Việt Nam. Do đó không thể truy tố người tổ chức, môi giới cho những người này ở lại Việt Nam trái phép về Tội tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép được.

Để đáp ứng được công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hiện nay, cũng như thống nhất trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử thì Hội đồng Thẩm phán toà án nhân dân tối cao cần sớm có hướng dẫn cụ thể về loại tội này./.

 

Ngày 4/8, TAND tỉnh Quảng Ninh đã mở phiên tòa xét xử lưu động vụ án tổ chức đưa người Trung Quốc nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Ảnh: Lê Hiếu Nghĩa

         

                                                            

Thẩm phán LÊ QUÝ NHÂN (Chánh án TAND huyện Đăk Hà, tỉnh KonTum)