Trần Thị Thu T phạm tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm

Nghiên cứu bài viết của tác giả Lê Đức Anh và một số ý kiến trao đổi, tôi cho rằng Trần Thị Thu T phạm tội Gian lận trong kinh doanh bảo hiểm theo điểm c khoản 1 Điều 213 BLHS.

Theo Điều 213 BLHS quy định Tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm gồm 4 loại hành vi sau:

Thứ nhất, hành vi thông đồng với người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm để giải quyết bồi thường bảo hiểm, trả tiền bảo hiểm trái pháp luật.

Thứ hai, hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệnh thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra.

Thứ ba, hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệnh thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm.

Thứ tư, hành vi tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong tình huống mà tác giả đưa ra, T đã giả mạo chữ kí của A để ký kết một hợp đồng bảo hiểm với chuyên viên tư vấn bán bảo hiểm B, việc T mua bảo hiểm cho A, A hoàn toàn không biết. Như vậy, hợp đồng bảo hiểm mà T đã ký kết với B là hợp đồng vô hiệu bởi chủ thể trong hợp đồng là A, tuy nhiên T lại giả mạo chữ ký của A mà không có sự đồng ý hay ủy quyền tham gia giao dịch. Tiếp đó, T đã làm hồ sơ yêu cầu giải quyết quyền lợi bảo hiểm hỗ trợ viện phí và chi phí phẫu thuật với lý do A bị gãy chân và được điều trị tại bệnh viện. Tuy nhiên thực tế không hề có sự kiện A bị gãy chân mà đó là do T đã lập hồ sơ khống để chiếm đoạt số tiền bảo hiểm.

Đối chiếu với 4 loại hành vi trong tội gian lận trong kinh doanh bảo hiểm, hành vi thứ nhất là hành vi thông đồng với người được hưởng quyền lợi, tuy nhiên T và A không hề có thỏa thuận từ trước, tất cả hành vi T thực hiện A đều không biết nên không thuộc hành vi này.

Hành vi của T cũng không thỏa mãn hành vi thứ hai đó là giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệnh thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra và hành vi thứ tư là tự gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe của mình để hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Đối với hành vi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệnh thông tin trong hồ sơ yêu cầu bồi thường, trả tiền bảo hiểm (ví dụ như lập hồ sơ khống về việc yêu cầu bồi thường để chiếm đoạt tài sản), trong trường hợp này, ngay từ đầu, khi T giả mạo chữ ký của A để ký kết hợp đồng bảo hiểm thì hợp đồng đó không có hiệu lực và đương nhiên, A không có các quyền và nghĩa vụ theo như hợp đồng bảo hiểm đó, sau đó, T tiếp tục làm hồ sơ khống để yêu cầu bồi thường lấy lý do không có thật là A bị gãy chân và nằm viện gây thiệt hại cho công ty bảo hiểm.

Như vậy, T đã làm giả tài liệu, cụ thể là hợp đồng bảo hiểm mà T đã giả mạo A để ký kết với B và làm khống hồ sơ yêu cầu bồi thường mặc dù A không hề bị gãy chân và nằm viện nên hành vi của A đã thỏa mãn tội Gian lần trong kinh doanh bảo hiểm theo điểm c khoản 1 Điều 213 BLHS.

Trên đây là quan điểm của tôi, rất mong nhận được ý kiến trao đổi từ quý độc giả.

 

Tòa án nhân dân huyện Châu Thành, An Giang xét xử vụ án hình sự - Ảnh: Hoàng Vũ

NGUYỄN THANH HUYỀN (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 7)-