Trần Văn K phạm tội gì?
Việc xác định trách nhiệm pháp lý theo hành vi vi phạm trên thực tế rất phức tạp, đặc biệt trong các trường hợp liên quan đến hợp đồng dân sự. Xác định hành vi vi phạm hợp đồng là vi phạm pháp luật dân sự hay vi phạm pháp luật hình sự hiện có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau.
Hợp đồng giao xe
Trần Văn K ký hợp đồng lao động, hợp tác kinh doanh với Công ty C, nội dung hợp đồng K được Công ty C giao 01 chiếc xe ôtô nhãn hiệu Innova Venturer trị giá 870.000.000đ, K đóng trước một phần số tiền góp vốn là 250.000.000đ, sau đó mỗi tháng đóng về công ty 20.000.000đ tiền góp vốn vào ngày 25 hàng tháng trong vòng 31 tháng. Tài sản góp vốn sẽ do Công ty C đứng tên và được xem là hoàn tất nghĩa vụ kể từ ngày Công ty C cung cấp cho K biên bản xác nhận vốn góp đầy đủ.
Trong thời gian góp vốn, hai bên thực hiện theo hợp đồng dân sự với nội dung: K được quản lý và sử dụng xe, không được mua bán, cầm cố, thế chấp. Tính đến tháng 8/2020, K đã góp vốn cho Công ty C với tổng số tiền là 450.000.000đ. Ngày 10/8/2020, do cần tiền tiêu xài cá nhân, K đã mang chiếc xe ô tô Innova Venturer đi cầm cố cho anh Lê Văn B để lấy số tiền 300.000.000đ dưới hình thức viết giấy bán xe (anh B biết là xe góp vốn của K với công ty C).
Đến đầu tháng 10/2020, do K không thực hiện theo hợp đồng nên Công ty C gọi điện cho K yêu cầu nếu không nộp tiền sẽ thu xe về Công ty theo quy định nhưng K vẫn không thực hiện. Ngày 22/10/2020, anh H là đại diện Công ty C tìm K để thu hồi xe, do xe đã mang đi cầm cố cho anh B nên K nói là xe đang cho em trai mượn nhưng bị mất chìa khóa, không gọi được cho em trai, không biết xe đang ở đâu.
Sáng ngày 23/10/2020, anh H đi cùng K mang theo chìa khóa dự phòng và sử dụng hệ thống định vị đến khu vực Siêu thị D tìm xe thì phát hiện chiếc ô tô trên đang dừng đỗ bên đường, không có ai trông giữ. K nói anh H đưa xe về trụ sở Công ty C để bàn giao, anh H dùng chìa khóa dự phòng mở cửa và đưa xe về. Trưa cùng ngày, anh B phát hiện xe ô tô bị mất đã gọi điện cho K hỏi nhưng K nói không biết xe đang ở đâu nên anh B đã đến cơ quan điều tra Công an thành phố S trình báo.
Các quan điểm khác nhau
Quan điểm thứ nhất cho rằng: Trần Văn K phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản’’ với lập luận: Xe ôtô nhãn hiệu Innova Venturer do công ty C đứng tên chủ sở hữu, giao cho K sử dụng. Quá trình sử dụng, do nhu cầu cá nhân, K đã cầm cố chiếc xe trên lấy tiền tiêu xài nên hành vi của K đã phạm vào tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Đối với hành vi cùng anh H đi thu hồi xe ô tô rồi bàn giao cho Công ty C, K không nói cho anh H biết việc đã cầm cố xe và cũng không báo cho anh B biết việc lấy xe là có dấu hiệu của tội Trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, việc lấy được xe là do anh H dùng hệ thống định vị của Công ty và chìa khóa dự phòng nên hành vi này thu hút vào hành vi “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Quan điểm thứ hai cho rằng: Trần Văn K phạm tội “Trộm cắp tài sản” với lập luận: K đem ô tô đi cầm cố lấy tiền tiêu xài nhưng số tiền cầm cố thấp hơn số tiền góp vốn cho Công ty C nên hành vi của K không cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Sau khi tài sản được giao cho anh B (tài sản giao ngay tình), K đã gian dối anh H: “nói là xe đang cho em trai mượn nhưng bị mất chìa khóa, không gọi được cho em trai, không biết xe đang ở đâu” để anh H buộc phải lấy chìa khóa dự phòng và định vị đi cùng K đến khu vực Siêu thị D để xác định vị trí xe ô tô. Việc K cùng anh H lấy xe ô tô mang về công ty là lén lút đối với anh B (người đang quản lý tài sản) nên hành vi của K đã phạm vào tội “Trộm cắp tài sản”. Anh H do không biết việc K cầm cố xe nên không đồng phạm với K về tội Trộm cắp tài sản.
Quan điểm thứ ba cho rằng: Trần Văn K không phạm tội vì các lý do: Đối với tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, xe ô tô được mua dưới hình thức góp vốn (trả góp), trong thời gian góp vốn, chiếc xe đăng ký sở hữu của Công ty C, giấy tờ gốc do Công ty C quản lý và không thể giao dịch cầm cố, thế chấp hoặc bán xe. K đã góp vốn với Công ty C với tổng số tiền 450.000.000đ, sau đó K không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết nên Công ty C cử anh H là đại diện đi thu hồi xe ô tô bàn giao về công ty. Công ty C không bị thiệt hại gì, do đó hành vi của K không cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Đối với tội Trộm cắp tài sản: K cầm cố chiếc xe ô tô cho anh B để nhận số tiền 300.000.000đ và viết giấy bán xe. Anh B biết chiếc xe trên là xe góp vốn của K với Công ty C, giấy tờ xe do Công ty C quản lý và chiếc xe ô tô trên không thể mua bán, cầm cố được. Bản chất hợp đồng là K vay mượn tiền, anh B được K giao chiếc xe ô tô trên để sử dụng, hợp đồng mua bán xe là vô hiệu. Trong thời gian anh B sử dụng chiếc xe ô tô, K và anh H đã sử dụng chìa khóa dự phòng và định vị để thu hồi xe mang về bàn giao cho Công ty. K và anh H lấy xe là lén lút đối với anh B, tuy nhiên anh H không biết việc K đã cầm cố xe cho anh B, mục đích K đi cùng anh H là để làm thủ tục bàn giao xe lại cho Công ty C do vi phạm nghĩa vụ hợp đồng. Cả K và anh H đều không có mục đích chiếm đoạt chiếc xe ô tô Innova Venturer, do đó hành vi của K không cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.
Quan điểm của tác giả: Đồng tình với quan điểm thứ ba, hành vi của Trần Văn K không vi phạm pháp luật hình sự. Trong tình huống trên, cần xem xét hai mối quan hệ.
Thứ nhất, mối quan hệ giữa Trần Văn K và Công ty C: Giữa hai bên đã có hợp đồng dân sự, K có nghĩa vụ góp vốn, không được cầm cố, thế chấp tài sản góp vốn (chiếc xe ô tô). Việc K cầm cố chiếc xe ô tô để lấy tiền tiêu xài cá nhân là vi phạm cam kết trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm hợp đồng phải chịu trách nhiệm do hành vi vi phạm của mình gây ra. Theo quy định tại khoản 1 Điều 358 BLDS năm 2015: “Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện một công việc mà mình phải thực hiện thì bên có quyền có thể yêu cầu bên có nghĩa vụ tiếp tục thực hiện hoặc tự mình thực hiện hoặc giao người khác thực hiện công việc đó và yêu cầu bên có nghĩa vụ thanh toán chi phí hợp lý, bồi thường thiệt hại”. Đây là hình thức buộc bên có nghĩa vụ phải thực hiện đúng hợp đồng. Tình huống nêu trên, Công ty C yêu cầu K nộp tiền góp vốn nhưng K không thực hiện đã cử anh H là đại diện Công ty đi thu hồi xe. Thực tế chiếc xe đã được thu hồi, Công ty C không bị thiệt hại gì, đây là trường hợp vi phạm hợp đồng dân sự, hành vi của K không cấu thành tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Thứ hai, mối quan hệ giữa Trần Văn K và Lê Văn B: Giữa K và B thực hiện giao dịch dân sự cầm cố tài sản (dưới hình thức viết giấy bán). Theo quy định Điều 309 BLDS năm 2015: “Cầm cố tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ”. Tình huống trên, tài sản cầm cố là chiếc xe ô tô Innova Venturer do Công ty C đứng tên chủ sở hữu, K không phải chủ sở hữu nên không được thực hiện hợp đồng cầm cố. Do đó, hợp đồng cầm cố giữa K và B bị vô hiệu thuộc trường hợp đối tượng không thể thực hiện được: ‘‘Trường hợp ngay từ khi giao kết, hợp đồng có đối tượng không thể thực hiện được thì hợp đồng này bị vô hiệu’’ (khoản 1 Điều 408 BLDS năm 2015). Mặt khác, việc K cùng anh H đến đưa chiếc xe về Công ty là để hoàn tất thủ tục bàn giao, mặc dù K không nói trước với B và cũng không trả lời thành thật khi B hỏi nhưng K không có ý thức chiếm đoạt chiếc xe ô tô. Vì vậy, hành vi của K không cấu thành tội “Trộm cắp tài sản”.
Trên đây là quan điểm của tác giả về xử lý trách nhiệm pháp lý đối với Trần Văn K trường hợp K cầm cố tài sản góp vốn, rất mong nhận được ý kiến trao đổi của đồng nghiệp và bạn đọc./.
Xe ôtô nhãn hiệu Innova Venturer - Ảnh minh họa
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận