Tranh luận khoa học sôi nổi để thống nhất nhận thức, áp dụng pháp luật
Đầu những năm 1990, Ban Biên tập Tạp chí TAND đã đề ra phương châm xuất bản có tính nguyên tắc là: Nội dung Tạp chí phải gắn bó, bám sát với thực tiễn đời sống pháp luật, nhất là phải thiết thực phục vụ công tác xét xử của TAND.
Sau này, các chuyên mục “Trao đổi ý kiến”, “Diễn đàn”, “Cải cách tư pháp” được duy trì thường xuyên trên Tạp chí, được đông đảo bạn đọc trong và ngoài hệ thống TAND đón nhận và đánh giá rất bổ ích cho nghiệp vụ chuyên môn công tác.
Theo định hướng bám sát thực tiễn đời sống pháp luật, nên nội dung bài vở trên các số Tạp chí TAND đều tập trung phản ánh xung quanh các vướng mắc trong áp dụng pháp luật, cũng như các vấn đề khác liên quan đến hoàn thiện pháp luật và tổ chức xét xử của TAND các cấp. Những năm 1990, trên Tạp chí TAND đã nổ ra các cuộc trao đổi, tranh luận dài kỳ về nhiều vấn đề pháp lý nổi cộm. Tuy nhiên, có thể tóm lược lại một số vấn đề pháp lý điển hình được đăng tải tranh luận dài kỳ trên Tạp chí, như: Vấn đề Phòng vệ chính đáng trong BLHS; Giới hạn của việc xét xử trong BLTTHS; Vấn đề Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng...
Thời gian ấy, cứ mỗi lần phát hành Tạp chí là lại nổ ra những cuộc tranh cãi nẩy lửa giữa một số cộng tác viên, tác giả có bài trao đổi, tranh luận (thường là những cán bộ, chuyên viên công tác tại các đơn vị thuộc TANDTC) tại trụ sở vốn không rộng rãi cho lắm của Tạp chí. Đúng là “hai luật gia, ba ý kiến!”. Có lúc tranh luận hăng lên, anh em to tiếng làm mọi người đi qua cứ ngỡ “chắc có mâu thuẫn gì nên cãi nhau lớn lắm!”. Và dường như, chuyên mục “Trao đổi ý kiến”, “Diễn đàn” trên Tạp chí TAND hàng tháng, đã như một tác nhân góp phần hình thành một trào lưu trao đổi, một không khí tranh luận khoa học pháp lý sôi nổi, thẳng thắn trong Thẩm phán, cán bộ TANDTC.
Dường như cứ rảnh rang một chút, nhất là trong giờ nghỉ giải lao, bên chén nước trà là anh em Tòa án lại tranh luận với nhau về việc điều luật này, điều luật kia, việc áp dụng quy định này nọ trong xét xử còn khó khăn, bất cập, hoặc việc định tội danh trong một vụ án cụ thể… Mọi người tranh cãi nảy lửa, say mê và lắm lúc dường như không ai chịu ai. Có người gọi đó là những cuộc “hội thảo pháp lý tự phát”, rất có lợi cho việc tự nghiên cứu, tự nâng cao kiến thức, bồi bổ cho công tác chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán và cán bộ Tòa án.
Các bài trao đổi ý kiến đăng trên Tạp chí TAND, đều được Ban Biên tập tôn trọng quan điểm riêng của các tác giả, phản ánh đầy đủ các luận giải khoa học để chứng minh cho luận điểm mà các tác giả đưa ra. Cho dù có nhiều ý kiến đối nghịch, trái chiều về một vấn đề pháp lý nào đó, nhưng Ban Biên tập Tạp chí TAND chủ trương làm nóng diễn đàn tranh luận, cho mở rộng ý kiến trao đổi nhằm cung cấp cho bạn đọc góc nhìn toàn diện, tổng hợp về các khía cạnh của vấn đề đang được quan tâm tranh luận.
Một lần, Phó Chánh án TANDTC, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí TAND Trịnh Hồng Dương đi họp về, ô tô đỗ ở sân, qua ô cửa xe, ông có hỏi anh em Tạp chí: Có chuyện gì mà hôm qua Tạp chí cãi nhau, to tiếng thế? Anh em thưa rằng: Việc tranh luận khoa học về những vấn đề pháp lý đăng trên Tạp chí giữa đồng nghiệp trong cơ quan với nhau, không có chuyện cãi nhau gì hết. Tổng Biên tập thủng thẳng: Cãi nhau, tranh luận thì phải có trọng tài đứng ra kết luận. Tạp chí làm chưa?
Tuy vậy, mãi sau này Tạp chí mới làm được việc kết luận, nêu ý kiến của ban biên tập sau mỗi kỳ tranh luận, gói ghém lại những ý kiến, kết thúc cuộc trao đổi khoa học về một vấn đề pháp lý nào đó trên Tạp chí.
Đối với một số bài trên chuyên mục “Trao đổi ý kiến” của Tạp chí TAND, cũng đã xảy ra một trường hợp khá hy hữu, gây lo lắng cho Ban Biên tập nhưng cũng vui, vì nội dung của chuyên mục này đã tác động tích cực đến chuyên môn nghiệp vụ của các TAND cấp huyện. Chuyện là tại một Hội nghị rút kinh nghiệm công tác xét xử, Ban tổ chức nêu một vụ án do Hội đồng xét xử sơ thẩm ở TAND huyện giải quyết, đã có thiếu sót trong áp dụng các quy định pháp luật, dẫn đến định tội danh chưa chính xác nhằm rút kinh nghiệm chung. Giải trình vấn đề này, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa sơ thẩm đó, đứng trước Hội nghị trình bày với giọng khá tự tin: Chúng tôi đã “xử theo đúng Kết luận của Ban Biên tập Tạp chí TAND về một vụ án tương tự xảy ra ở huyện”. Chết thật, vậy là ở dưới huyện họ coi Kết luận của Tạp chí TAND trên chuyên mục “Trao đổi ý kiến” như một biểu tượng Án lệ ?!
Ban tổ chức Hội nghị đã phải lưu ý: Việc Tạp chí TAND đăng các bài trao đổi, tranh luận về các vụ án cụ thể để rút kinh nghiệm chung là cần thiết, phục vụ cho việc nghiên cứu, bồi bổ kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao chất lượng xét xử. Tuy nhiên, kết luận của Tạp chí TAND không phải là ý kiến của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, cho nên chỉ có tính chất tham khảo.
Từ thời điểm đó, phía dưới mỗi bài “Trao đổi ý kiến” đăng trên Tạp chí TAND đều có thêm dòng chữ chú thích: “Đây chỉ là Kết luận của Ban Biên tập Tạp chí TAND, không phải là ý kiến của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, nên chỉ có tính chất tham khảo.”.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khởi kiện không đúng bị đơn trong vụ án dân sự - Thực tiễn và kiến nghị hoàn thiện
-
Tạm thời không tuyển dụng công chức, giảm tối thiểu 5 bộ, 2 cơ quan thường trực Chính phủ
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản - Một số bất cập và kiến nghị hoàn thiện
-
Chủ tịch nước Lương Cường thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao
Bình luận