Trao đổi bài viết “Tòa án hướng dẫn tách vụ án có đúng luật”

Sau khi đọc bài viết “Tòa án hướng dẫn tách vụ án có đúng luật?” của tác giả Huỳnh Minh Khánh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 05/01/2018 tại link: http://tapchitoaan.vn/bai-viet/xet-xu/toa-an-huong-dan-tach-vu-an-co-dung-l, tôi có một số ý kiến trao đổi như sau:

Tình huống pháp lý nêu trong bài viết: Bà Tốt và bà Tuyền là chỗ quen biết với nhau nên giữa hai bên có phát sinh nhiều giao dịch dân sự về tiền bạc. Cụ thể: Bà Tốt có tham gia 03 dây hụi do bà Tuyền làm chủ đầu thảo hụi (hụi có hoa hồng – có lãi). Tổng cộng số tiền nợ hụi của bà Tuyền nợ bà Tốt là 153.000.000đ. Ngoài ra, ngày 27/7/2017, bà Tuyền có vay của bà Tốt số tiền là 200.000.000đ. Khi vay hai bên có lập biên nhận cụ thể và thỏa thuận là lãi suất 3%/tháng, hẹn trong vòng 6 tháng bà Tuyền sẽ trả lãi và vốn một lần. Do bà Tuyền không thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay và góp hụi nên bà Tốt đã khởi kiện bà Tuyền bằng một đơn khởi kiện với quan hệ pháp luật là tranh chấp hợp đồng vay tài sản và hợp đồng góp hụi ra Tòa án, để yêu cầu bà Tuyền phải trả số tiền vốn vay là 200.000.000đ và 153.000.000đ tiền nợ hụi.

Tính chất phức tạp của tranh chấp hụi và quyền tự định đoạt của đương sự

Hụi được quy định tại Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015 (tương ứng Điều 479 Bộ luật Dân sự 2005), theo đó: Họ, hụi, biêu, phường (sau đây gọi chung là họ) là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh họ và quyền, nghĩa vụ của các thành viên; việc tổ chức họ nhằm mục đích tương trợ trong nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật; nghiêm cấm việc tổ chức họ dưới hình thức cho vay nặng lãi. So với Bộ luật Dân sự 2005 thì Bộ luật Dân sự 2015 có bổ sung quy định trường hợp việc tổ chức họ có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Trong đời sống dân sự, thông thường, mỗi dây hụi gồm rất nhiều người tham gia (ở các vùng nông thôn, để tương trợ nhau có vốn làm ăn, mỗi dây hụi có thể lên tới vài chục người) với số người, thời gian, số tiền, thể thức góp, lĩnh cũng như quyền và nghĩa vụ của các thành viên trong dây hụi là do các thành viên thỏa thuận.

Tình huống pháp lý trong bài viết không nêu cụ thể mỗi dây hụi trong 3 dây hụi bà Tốt làm chủ đầu thảo có bao nhiêu người tham gia. Tuy nhiên, có thể khẳng định trong tranh chấp hụi, ngoài bà Tốt, bà Tuyền còn có rất nhiều người khác là những người góp hụi khác – thành viên dây hụi sẽ tham gia vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Có thể thấy, đây là loại tranh chấp có tính chất phức tạp bởi số lượng người tham gia quan hệ này thường lớn.

Khi bà Tốt nộp đơn khởi kiện, Thẩm phán xử lý đơn khởi kiện đã hướng dẫn bà Tốt khởi kiện thành 4 vụ án dân sự khác nhau. Và qua xử lý đơn khởi kiện, bà Tốt khởi kiện thành 4 vụ án độc lập với nhau thì đây là quyền của bà Tốt; quyền này là quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự được quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, cụ thể như sau:

“Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự

Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thoả thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”

Quy định tách vụ án trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Nhập hoặc tách vụ án được quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 như sau:

Điều 42. Nhập hoặc tách vụ án

Tòa án nhập hai hoặc nhiều vụ án mà Tòa án đó đã thụ lý riêng biệt thành một vụ án để giải quyết nếu việc nhập và việc giải quyết trong cùng một vụ án bảo đảm đúng pháp luật.

Đối với vụ án có nhiều người có cùng yêu cầu khởi kiện đối với cùng một cá nhân hoặc cùng một cơ quan, tổ chức thì Tòa án có thể nhập các yêu cầu của họ để giải quyết trong cùng một vụ án.

Tòa án tách một vụ án có các yêu cầu khác nhau thành hai hoặc nhiều vụ án nếu việc tách và việc giải quyết các vụ án được tách bảo đảm đúng pháp luật.

Khi nhập hoặc tách vụ án quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Tòa án đã thụ lý vụ án phải ra quyết định và gửi ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp, đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.”

Theo tôi, trong tình huống pháp lý nêu trong bài viết “Tòa án hướng dẫn tách vụ án có đúng luật?” hoàn toàn không có việc tách vụ án, tác giả Huỳnh Minh Khánh đã có sự nhầm lẫn. Bởi vì những lý do sau:

(1) Theo quy định tại Điều 42 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 nêu trên, việc nhập hoặc tách vụ án là việc được thực hiện sau khi Tòa án đã thụ lý vụ án và trong việc nhập hoặc tách thì chủ thể quyết định là Tòa án.

(2) Việc khởi kiện một vụ án hay khởi kiện nhiều vụ án thì chủ thể quyết định là người khởi kiện.

Như vậy, việc nhập hoặc tách vụ án hoàn toàn khác với việc khởi kiện một vụ án hay khởi kiện nhiều vụ án.

 

 

 

 

KIM THÚY