Trao đổi về bài “Bàn về vấn đề ủy quyền trong tố tụng dân sự”

Qua nghiên cứu bài viết “Bàn về vấn đề ủy quyền trong tố tụng dân sự” của tác giả Lê Thị Ngọc Lợi trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 29/01/2021, tôi xin có một vài ý kiến trao đổi.

Tình huống thứ nhất

Trong trường hợp chuyển vụ án đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết, sau khi Tòa án thụ lý vụ án, đương sự đã ủy quyền cho người được ủy quyền tham gia tố tụng (giả thiết là việc ủy quyền được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật). Sau đó vụ án được chuyển đến Tòa án khác theo thẩm quyền. Khi đó giấy ủy quyền của đương sự còn có giá trị pháp lý hay không? Nếu đương sự không thực hiện lại thủ tục ủy quyền có được không, người ủy quyền vắng mặt trong các phiên hòa giải, xét xử thì có xem đây là trường hợp đương sự vắng mặt không lý do không?

Trong trường hợp này tác giả thống nhất với quan điểm là nếu đương sự đã có văn bản ủy quyền đúng theo quy định của pháp luật thì cho dù sau đó Tòa án có chuyển vụ án cho Tòa án khác thụ lý, giải quyết theo thẩm quyền thì văn bản này vẫn có giá trị về mặt pháp lý, đương sự không phải làm lại thủ tục ủy quyền. Bởi lẽ, việc chuyển vụ án đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết là nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án được thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nên pháp luật tố tụng dân sự quy định rằng khi chuyển vụ án cho Tòa án thụ lý thì ngày khởi kiện vẫn được tính là ngày gửi đơn khởi kiện đến Tòa án đã thụ lý nhưng không đúng thẩm quyền (Khoản 4, Điều 190 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, sau đây gọi tắt là BLTTDS 2015). Bên cạnh đó, theo quy định tại Điều 10 Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐTP hướng dẫn thi hành một số điều luật trong phần thứ nhất “Những quy định chung” của BLTTDS đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của BLTTDS (vẫn còn giá trị sử dụng để hướng dẫn với quy định tại khoản 1, Điều 41 BLTTDS 2015 do quy định này trong BLTTDS 2015 tương tự như BLTTDS trước đây và hiện nay vẫn chưa có văn bản mới thay thế) thì “… Tòa án có thẩm quyền sau khi nhận được quyết định chuyển vụ việc dân sự và hồ sơ vụ việc dân sự phải vào sổ thụ lý và tiếp tục giải quyết vụ việc đó theo quy định chung”. Do vậy, mặc dù Tòa án có thẩm quyền vào sổ thụ lý mới nhưng không hẳn tất cả những thủ tục tố tụng phải tiến hành lại từ đầu, những thủ tục đã được Tòa án thụ lý trước tiến hành thì vẫn có giá trị chuyển tiếp. Theo tác giả việc Tòa án nhận vụ án từ Tòa án khác chuyển đến thì phải vào sổ thụ lý mới là để xác định trách nhiệm của Tòa án trong việc giải quyết vụ án cũng như theo dõi quá trình giải quyết vụ án nhằm đảm bảo việc giải quyết vụ án đúng pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Chính vì thế nếu yêu cầu đương sự phải thực hiện lại thủ tục ủy quyền là không cần thiết, đồng thời gây khó khăn cho đương sự.

Tình huống thứ hai

Trường hợp sau khi đương sự khởi kiện, Tòa án ra thông báo thụ lý và có tống đạt thông báo đó cho đương sự, đương sự ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng, giấy ủy quyền của đương sự có nêu: “ông Nguyễn Văn A ủy quyền cho ông Nguyễn Văn B tham gia tố tụng vụ án dân sân sự theo thông báo thụ lý số…ngày…tháng…năm…của Tòa án nhân dân… cho đến khi vụ án được giải quyết xong.” Theo đó, thông báo thụ lý vụ án được viện dẫn trong văn bản ủy quyền có nêu nội dung yêu cầu khởi kiện của đương sự. Vấn đề đặt ra, văn bản ủy quyền này có giá trị trong suốt quá trình thụ lý, giải quyết vụ án hay không? Khi đương sự có khởi kiện bổ sung, Tòa án có thông báo thụ lý bổ sung thì đương sự có phải làm văn bản ủy quyền bổ sung phạm vi ủy quyền hay không?

Trong tình huống này, tác giả thống nhất với quan điểm là đương sự phải làm văn bản ủy quyền bổ sung phạm vi ủy quyền. Bởi lẽ trong văn bản ủy quyền của đương sự đã nêu người đại diện tham gia tố tụng vụ án dân sự theo thông báo thụ lý số… và trong đó có thể hiện cụ thể nội dung yêu cầu khởi kiện của đương sự. Đây được xem là căn cứ để xác định phạm vi đại diện theo quy định tại điểm c, khoản 1, Điều 141 BLDS 2015. Bên cạnh đó, khoản 2, Điều 86 BLTTDS 2015 về quyền, nghĩa vụ của người đại diện quy định: “Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”. Do vậy, khi đương sự có khởi kiện bổ sung, Tòa án có thông báo thụ lý bổ sung thì nội dung yêu cầu khởi kiện đã mở rộng hơn so với trước nên đương sự phải làm văn bản ủy quyền bổ sung phạm vi ủy quyền cho người đại diện theo ủy quyền là phù hợp.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tác giả liên quan đến vấn đề ủy quyền trong tố tụng dân sự, rất mong nhận được trao đổi từ những đọc giả có quan tâm.

TAND tỉnh Nam Định xét xử một vụ tranh chấp đất đai - Ảnh Hoàng Giang/ BPLVN

ThS. HUỲNH THỊ NAM HẢI (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Luật VNU –HCM)