Trung Quốc toan tính gì tại Bãi Tư Chính?
Bình luận trên trang Maritime Issues, chuyên gia Swee Lean Collin Koh thuộc Học viện Chiến lược và Quốc phòng Singapore cho rằng, nếu không có một phản ứng cứng rắn từ cộng đồng quốc tế đối với các hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại.
Chuyên gia Swee Lean Collin Koh phân tích, lý do đơn giản là Bắc Kinh rất hào hứng nhận ra rằng các hành động cưỡng ép của họ đã mang lại những hiệu quả nhất định. Từ đó, điều này sẽ trở thành động lực không chỉ cho Trung Quốc mà còn là các nước khác trong và ngoài khu vực đang nhen nhóm ý định bình thường hoá các hành vi cưỡng ép trở thành bộ công cụ tiêu chuẩn trong cách hành xử quốc gia khi mà lẽ phải “sẽ thuộc về kẻ mạnh”.
Trung Quốc đã phớt lờ PCA
Va chạm đang diễn ra hiện nay giữa Trung Quốc và Việt Nam trên Biển Đông vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc. Việc Hà Nội công khai yêu cầu Bắc Kinh rút tàu, bao gồm cả tàu HD08 (Haiyang Dizhi 08) ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của mình cho thấy Việt Nam đang thể hiện và duy trì lập trường khá cứng rắn đối với Trung Quốc. Thêm vào đó, Bộ Ngoại giao Mỹ gần đây cũng tuyên bố phê phán việc Trung Quốc có các hành vi leo thang, làm phương hại đến các hoạt động khai thác năng lượng của các quốc gia trong khu vực.
Hành vi của Trung Quốc là khá khó hiểu với nhiều người: Tại sao Trung Quốc lại tiến hành một hoạt động bất hợp pháp như thế trên vùng biển của Việt Nam cũng như cản trợ các hoạt động khai thác năng lượng hợp pháp của Malaysia tại bãi Luconia khu vực Sarawwak? Thế nhưng, Tuyên bố sau cuộc Cuộc gặp giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN tại Bangkok gần đây thể hiện sự kiềm chế liên quan tới vấn đề Biển Đông khi không nhắc đến việc Bắc Kinh tiếp tục quân sự hoá khu vực tranh chấp.
Từ thực tế này, dư luận đặt ra câu hỏi: nếu Trung Quốc thành công trong việc phổ biến luận điệu của mình về việc tình hình Biển Đông đang hoàn toàn hoà bình và ổn định, nước này sẽ không vấp phải bất kỳ can thiệp nào từ phía bên ngoài. Liệu rằng va chạm tại bãi Tư Chính sẽ có khả năng đảo lộn ưu thế này của Bắc Kinh hay không?
Để có thể hiểu hành động của Bắc Kinh cần quay lại tìm hiểu các vấn đề cốt lõi nhất trong yêu sách mà nước này đưa ra.
Bãi Tư Chính (Vanguard Bank) nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nhưng đồng thời cũng nằm trong đường yêu sách 9 đoạn do Trung Quốc tự vạch ra. Rõ ràng, Phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực (PCA) vào ngày 12/7/2016 với nội dung vô hiệu hoá yêu sách đường 9 đoạn đã không hề có bất kỳ tác dụng nào tới các tính toán của Trung Quốc về các bước đi trên Biển Đông.
Vì thế, không giống với nhiều bình luận trước đây về vấn đề này, va chạm tại Bãi Tư Chính đã chỉ ra rằng chính sách của Trung Quốc không hề bị Phán quyết tác động. Bắc Kinh vừa không công nhận vừa không tuân thủ Phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực…
Lý lẽ của Bắc Kinh
Trung Quốc vẫn duy trì lập luận rằng các hoạt động năng lượng mà các bên yêu sách thực hiện trong phạm vi đường 9 đoạn – bao gồm bãi Tư Chính và Bãi cạn Luconia- là bất hợp pháp bởi các khu vực này được coi là nằm trong vùng nước tranh chấp, bất chấp nội dung của đường 9 đoạn đã bị vô hiệu hoá từ ba năm trước.
Tuy nhiên, theo các điều khoản của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS 1982) – bộ luật hình thành nên các nguyên tắc cơ bản của trật tự luật pháp trên biển và đồng thời là văn kiện Bắc Kinh vẫn liên tục tuyên bố là mình tuân thủ – các quốc gia ven biển như Việt Nam đang thực thi quyền chủ quyền hợp pháp trong vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Nhưng cách thức diễn giải của Bắc Kinh đằng sau các động thái gần đây của nước này sẽ luôn kèm theo nhân tố về bài học cho các bên liên quan – nhân tố mang tính động lực đối với các động thái của Bắc Kinh – thậm chí đó là các động thái sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, nó sẽ vẫn được diễn giải là phản ứng đối với sự kích động của các bên khác. Trong trường hợp này, Trung Quốc sẽ giải thích hành động vi phạm của họ ở Bãi Tư Chính là “nhằm đáp lại các hoạt động dầu khí của Việt Nam trong khu vực”.
Thông điệp đằng sau hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính không gì ngoài sự mập mờ: Sẽ không ai theo đuổi các hoạt động khảo sát và khai thác nguồn năng lượng tại các “vùng biển tranh chấp”, và bất chấp việc liệu Bắc Kinh có tiến hành các hoạt động tương tự hay không.
Nói cách khác: Trung Quốc cho rằng, nếu họ không chạm vào các nguồn tài nguyên này, các nước khác cũng không thể làm điều đó. Điều này đồng nghĩa với cái gọi là “đảm bảo sự từ chối lẫn nhau” đối với quyền sử dụng các nguồn tài nguyên.
Toan tính của Bắc Kinh
Bắc Kinh có thể đã đánh giá một vài nhân tố có thể cho phép nước này mở rộng việc sử dụng các hành vi áp đặt để đạt được mục tiêu trên Biển Đông. Nhân tố đầu tiên sẽ là việc kích hoạt bộ phận thuộc các tiền đồn trên Trường Sa để cung cấp cơ sở cho các hành vi cưỡng chế khác.
Nhân tố thứ hai là đánh giá của Trung Quốc về việc các nước Đông Nam Á sẽ không cố gắng công khai hoá các hành vi cưỡng ép trên biển của họ do không muốn “đâm đầu vào đá”, đặc biệt khi ASEAN và Bắc Kinh gần đây đã công nhận việc có những tiến triển tích cực đối với Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), đó còn chưa kể đến việc hai bên đã đạt được một vài thành tựu mang tính biểu tượng về mặt chính trị từ lễ khai mạc cuộc tập trận chung trên biển ASEAN – Trung Quốc vào tháng 8 năm ngoái.
Cuối cùng, nếu có bất kỳ chuyện gì xảy ra, Trung Quốc tin rằng họ có lối thoát rất đơn giản khi tái sử dụng kịch bản việc giải thích tất cả các hành động của mình đơn thuần là phản ứng lại với các hành vi kích động, bao gồm việc “buộc tội ngược” rằng các bên yêu sách khác mới là các bên làm phương hại đến thiện chí của Trung Quốc trong tiến trình tìm kiếm hoà bình trên Biển Đông.
Bắc Kinh có thể tự tin vào phán đoán của mình vào thời điểm các va chạm mới nổ ra, khi mà các hành vi cưỡng chế đối với Malaysia ở dàn khoan Sapura Esperanza tại Luconia chỉ được công khai qua mạng xã hội chứ không phải các kênh truyền thông chính thống. Đồng thời các trang báo trong nước cũng không hề đề cập tới các hành động này.
Trung Quốc vẫn duy trì các hoạt động phi pháp trên biển Đông. (Nguồn: AFP)
Nhưng thực tế trên đã thay đổi với phát ngôn cứng rắn hơn từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam. Liệu điều này có làm thay đổi các bước đi tiếp theo của Trung Quốc? Có thể không vì Bắc Kinh dường như sẽ không rút các tàu của mình ra khỏi Bãi Tư Chính mà không tìm được một cách thức phù hợp để giữ thể diện. Nhưng ít nhất điều này đã tạo thêm một khó khăn về mặt chính trị đối với Trung Quốc. Nguy cơ xung đột sẽ ngày càng rõ ràng với Bắc Kinh, buộc Trung Quốc sẽ phải thận trọng hơn.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc các tàu Trung Quốc có thể sẽ vẫn tiếp tục xuất hiện tại Bãi Tư Chính, nhưng sẽ có các chỉ đạo chính trị nhất định để ngăn cản bất kỳ hành động nào có thể làm gia tăng căng thẳng. Cùng lúc đó, có thể kịch bản tương tự năm 2014 sẽ lặp lại, các hoạt động ngoại giao đằng sau hậu trường, sẽ diễn ra sôi động.
Quốc tế hoá tranh chấp
Trong một thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã kêu gọi “các nước liên quan và cộng đồng quốc tế” “cùng nỗ lực đóng góp nhằm bảo vệ và duy trì lợi ích chung”.
Nội dung ngụ ý về việc Hà Nội dường như đã sẵn lòng quốc tế hoá va chạm tại Bãi Tư Chính để tạo ra một sức mạnh lan toả trong tranh chấp Biển Đông. Động thái này được cho là sẽ có hiệu quả dù nó đi ngược với việc Bắc Kinh từ lâu không muốn có các can thiệp từ bên ngoài đối với vấn đề Biển Đông.
Bất kỳ hành động nào làm tệ hơn tình hình ở Bãi Tư Chính có thể gây ảnh ưởng tới lợi ích và thu hút được sự can thiệp chủ động của các bên ngoài khu vực dưới danh nghĩa việc bảo vệ trật tự dựa trên luật lệ cũng như tự do hàng hải trong khu vực.
Động thái này của Việt Nam có thể sẽ không khiến Bắc Kinh phải đảo ngược lại tất cả các hành động của mình ở Bãi Tư Chính ngay lập tức, nhưng ít nhất nó có thể ngăn chặn Trung Quốc sử dụng các hành động hung hăng hơn và chỉ duy trì sự hiện diện các tàu của mình trên các trạm trong vùng nước ở đây như hiện nay.
Buộc Trung Quốc phải lùi bước
Điều gì sẽ có khả năng buộc Bắc Kinh phải lùi bước và rút khỏi Bãi Tư Chính? Ít nhất, ASEAN cần có một lập trường thống nhất và rõ ràng về vấn đề này. Trước Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần 52 (AMM-52) ở Bangkok, tờ Nikkei Asian Review từng dự đoán, dự thảo Tuyên bố của ASEAN sẽ đề cập rằng hành động của Trung Quốc trên Biển Đông làm “xói mòn lòng tin”. Ngôn ngữ như vậy là mạnh mẽ và rõ ràng nhắm thẳng tới Bắc Kinh.
Để đạt được tác động sâu sắc hơn, các nhà lãnh đạo của ASEAN cũng cần cảnh báo Bắc Kinh rằng bất cứ loại hành vi cưỡng ép nào tại Bãi Tư Chính, đi ngược lại với các thông lệ và quy tắc quốc tế sẽ làm phương hại tới những gì mà ASEAN và Trung Quốc đã đạt được trong vòng hai năm qua, trong đó có cả tiến trình COC.
Bãi Tư Chính có thể là một phép thử cho vai trò trung tâm và tính phù hợp trong thời gian tới của ASEAN trong cấu trúc an ninh khu vực. Đã đến lúc tổ chức này phải có sự thể hiện phù hợp sau khi đã thất bại trong việc làm những gì họ cần làm vào tháng 7 năm 2012.
Các cường quốc bên ngoài khu vực quan trọng và các thể chế quốc tế như EU, vốn đã thành công trong việc duy trì trật tự dựa trên luật lệ trong một thời gian dài, cũng nên thể hiện tiếng nói của mình.
Mỹ đã là cường quốc đầu tiên phản ứng với các hành động gần đây của Trung Quốc. Dự thảo của Thượng viện về Đạo luật Trừng phạt Trung Quốc liên quan tới các hành vi trên Biển Đông và Biển Hoa Đông năm 2019, đề xuất vào cuối tháng 5 năm nay có thể sẽ nhận được một cú huých nhất định sau va chạm này. Một khi được thông qua, các biện pháp trừng phạt có thể được nâng lên đối với Trung Quốc và buộc nước này phải thay đổi hành động của mình.
Cần một kịch bản cụ thể
Đã đến lúc cộng đồng quốc tế, không chỉ là các quốc gia ASEAN, nhận ra rằng việc cố gắng gắn Trung Quốc với các nỗ lực chung liên quan tới vấn đề Biển Đông đã không mang lại hiệu quả sau những nỗ lực liên tiếp thời gian qua.
Một mặt, Trung Quốc công khai theo đuổi chính sách ngoại giao, thể hiện qua việc nước này thúc đẩy COC. Nhưng mặt khác, nước này tiếp tục sử dụng các công cụ cưỡng chế để có thể đạt được mục tiêu của mình, làm phương hại tới quyền hợp pháp của các bên khác. Các lợi thế về địa lý là một quốc gia ven biển ở Biển Đông, và lực lượng mà Trung Quốc xây dựng trên và xung quanh Biển Đông đã tạo cho nước này khả năng “vô tiền khoáng hậu” trong việc thực thi các hành vi áp đặt và cưỡng chế.
Nếu không có một phản ứng cứng rắn từ phía cộng đồng quốc tế tới các hành động của Trung Quốc tại Bãi Tư Chính, các vụ việc tương tự sẽ còn lặp lại trong những năm tới đơn giản bởi Bắc Kinh có thể nhận ra rằng các hành động cưỡng ép của họ đã mang lại hiệu quả.
Từ đó, điều này sẽ trở thành một động lực không chỉ cho Trung Quốc mà còn là các nước khác trong và ngoài khu vực đang nhen nhóm ý định bình thường hoá các hành vi cưỡng ép trở thành bộ công cụ tiêu chuẩn trong cách hành xử quốc gia.
Như lịch sử đã chỉ ra, nhân nhượng sẽ chỉ gây ra nhiều hành động gây hấn hơn bởi những kẻ hung hăng cường quyền biết rằng sẽ không có giới hạn nào cho các hành động của họ. Và như vậy, Bãi Tư Chính không nên trở thành “một Sudetenland của Biển Đông”.
Theo baoquocte.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc hay tranh chấp Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
-
Bàn về quy định buộc xin lỗi, cải chính công khai khi bị xâm phạm danh dự, nhân phẩm và uy tín trên mạng xã hội
-
Không nhất thiết phải đề cập đến “tờ vé số có phải là tài sản hay không”
Bàn về dự thảo Án lệ số 08/2024/AL -
Bất thường ở huyện nghèo Krông Búk –Đắk Lắk: Thanh niên mới 20 tuổi đã đứng tên nhà đất trị giá nhiều tỷ đồng
-
Huyện Ia Pa – Gia Lai: Chính quyền có “bật đèn xanh” để doanh nghiệp xúc đất rẫy đổ vào dự án?
Bình luận