Uỷ ban Tư pháp đánh giá kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng chưa phản ánh đúng thực trạng
Ngày 14/9, tại phiên họp 48, UBTVQH đã nghe Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng 2020.
Tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp
Tại Phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết: Lực lượng chức năng đã điều tra, làm rõ 33.131 vụ phạm pháp về trật tự xã hội, đạt tỷ lệ 86,04% (trong đó án rất nghiêm trọng đạt 85,75%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt 95,91%); khởi tố 20.242 vụ (tăng 7,6%). Các vụ án nổi cộm, gây bức xúc dư luận đều được điều tra làm rõ. Triệt phá 2.485 băng, nhóm tội phạm hình sự các loại, trong đó đã trấn áp mạnh tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tạo được chuyển biến tích cực. Qua công tác phòng ngừa, đấu tranh đã góp phần làm giảm 3,19% số vụ phạm pháp hình sự so với cùng kỳ năm 2019.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm về trật tự xã hội còn diễn biến phức tạp. Toàn quốc xảy ra 38.506 vụ phạm pháp về trật tự xã hội. Tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” tiếp tục được kiềm chế và kiểm soát; tuy nhiên, tại một số địa phương có thời điểm còn có dấu hiệu buông lỏng; công tác chỉ đạo, đấu tranh triệt phá chưa quyết liệt dẫn đến một số băng nhóm hoạt động trong một thời gian dài nhưng chưa được phát hiện, triệt phá.
Còn xuất hiện tình trạng các băng, nhóm tụ tập dùng hung khí để giải quyết mâu thuẫn với nhau. Tội phạm hoạt động “tín dụng đen” truyền thống vẫn hoạt động rải rác, nhỏ lẻ ở một số địa phương và đang chuyển dịch theo phương thức, thủ đoạn cho vay trực tuyến.
Tội phạm xâm hại tình dục, nhất là xâm hại tình dục trẻ em còn diễn biến phức tạp; nhiều trường hợp đối tượng là thân nhân, người quen của nạn nhân.
Tội phạm sử dụng công nghệ cao, giả danh các cơ quan tư pháp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn biến phức tạp. Xảy ra một số vụ cướp tiệm vàng, ngân hàng với thủ đoạn liều lĩnh, manh động. Tội phạm mua bán người diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương – Ảnh: QH.VN
Tội phạm chống người thi hành công vụ gia tăng đột biến trong thời gian cao điểm phòng, chống dịch Covid-19 và triển khai Nghị định số 100 của Chính phủ quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, gây bức xúc trong xã hội.
Tình trạng trộm cắp, lừa đảo, mua bán thông tin thẻ tín dụng, làm giả thẻ tín dụng để rút tiền, thanh toán dịch vụ, kinh doanh đa cấp còn xảy ra ở nhiều địa phương. Tệ nạn cờ bạc, mại dâm chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Tội phạm tham nhũng, vi phạm quản lý nhà nước
Lực lượng chức năng đã phát hiện số vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế tăng nhiều hơn 25,19%. Khởi tố 1.895 vụ án với 2.986 bị can; 228 vụ, 492 bị can phạm tội về tham nhũng; 23 vụ, 158 bị can phạm tội về chức vụ.
Tội phạm và vi phạm về tham nhũng, kinh tế vẫn chủ yếu xảy ra ở một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm với các thủ đoạn: lợi dụng chức vụ, nhiệm vụ, quyền hạn được giao; lợi dụng sơ hở trong quy định và những lỏng lẻo trong quản lý, giám sát để thực hiện hành vi phạm tội; thông đồng, móc nối giữa cán bộ có chức vụ, quyền hạn của các cơ quan quản lý nhà nước với người trong doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Bên cạnh đó, nguy cơ xuất hiện tội phạm kinh tế, tham nhũng có tổ chức, xuyên quốc gia, một số hành vi phạm tội kinh tế, tham nhũng được thực hiện bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm diễn ra phức tạp. Đã đấu tranh, triệt phá nhiều đường dây buôn lậu lớn, làm rõ sự tiếp tay của cán bộ trong cơ quan quản lý nhà nước. Hành vi gian lận nguồn gốc xuất xứ hàng hóa Việt Nam để “né thuế” có xu hướng gia tăng do cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, tiềm ẩn nguy cơ Việt Nam bị trừng phạt gây thiệt hại về kinh tế. Các vi phạm pháp luật trên một số lĩnh vực quản lý nhà nước còn xảy ra nhiều, nhất là trong các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, thuế, y tế, xây dựng, giao thông vận tải, thông tin và truyền thông… Đặc biệt, khi dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương đánh giá tổng thể, toàn diện những tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh đến tình hình kinh tế – xã hội, an ninh, trật tự để đề ra các giải pháp hiệu quả. Phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, nổi lên là hành vi thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi.
Công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm
Lực lượng chức năng đã phát hiện 19.682 vụ vi phạm pháp luật về môi trường; cơ quan điều tra đã khởi tố 347 vụ, 357 bị can.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật về môi trường, tài nguyên, an toàn thực phẩm vẫn diễn ra phổ biến trên nhiều lĩnh vực. Một số doanh nghiệp thực hiện chưa nghiêm các quy định của pháp luật về môi trường nhằm giảm chi phí khiến các lưu vực sông Sài Gòn – Đồng Nai, Nhuệ – Đáy, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải… bị ô nhiễm nghiêm trọng. Còn tình trạng lạm dụng hóa chất công nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật trong nuôi trồng. Tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản diễn ra ở nhiều địa phương, nhất là khai thác cát, sỏi lòng sông. Hoạt động khai thác rừng, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép vẫn diễn ra nghiêm trọng. Hoạt động buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, quý hiếm có chiều hướng gia tăng, thậm chí diễn ra công khai trên mạng Internet. Vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm vẫn diễn biến rất phức tạp dẫn đến xảy ra nhiều vụ ngộ độc tập thể. Bên cạnh đó, công tác xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường chưa đủ sức răn đe, số vụ xử lý hình sự chưa nhiều so với số vi phạm phát hiện được, nguyên nhân chủ yếu là một số tội danh về lĩnh vực môi trường khó xác định thiệt hại nên rất khó khăn trong xử lý.
Phòng, chống tội phạm lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông và ma túy
Tội phạm và vi phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động có tính chất xuyên quốc gia và xảy ra trên nhiều lĩnh vực, gây thiệt hại lớn. Hành vi ngày càng đa dạng, gia tăng về quy mô và tính chất nguy hiểm, gây thiệt hại lớn về kinh tế, xâm phạm quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân; tình trạng tội phạm sử dụng mạng viễn thông, Internet để lừa đảo; đánh bạc, tổ chức đánh bạc với quy mô lớn xảy ra tại nhiều địa phương với số tiền lớn, gây hậu quả nghiêm trọng.
Về tình hình, kết quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và tệ nạn ma túy: Đã phát hiện 24.842 vụ, 40.461 đối tượng phạm tội về ma túy; thu giữ trên 580 kg heroin, gần 3,2 tấn và gần 1,7 triệu viên ma túy tổng hợp.
Tuy nhiên, tội phạm về ma túy vẫn diễn biến phức tạp; hoạt động của tội phạm ma túy xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài giảm, song ma túy tổng hợp từ Lào, Campuchia được vận chuyển vào Việt Nam tiếp tục có xu hướng gia tăng. Tình trạng thanh, thiếu niên sử dụng ma túy tổng hợp vẫn còn diễn ra nhiều. Tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp tiếp tục có xu hướng gia tăng. Toàn quốc hiện có 234.620 người nghiện có hồ sơ quản lý và phần lớn đang sinh sống tại cộng đồng, tuy nhiên số lượng người nghi nghiện còn rất lớn, là nguyên nhân, điều kiện phát sinh nhiều loại tội phạm, trong khi công tác đưa người vào cơ sở cai nghiện gặp nhiều khó khăn do thủ tục pháp lý.
Về chấp hành pháp luật trong công tác điều tra, xử lý tội phạm
Đối với công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố: Tổng số tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố phải giải quyết là 119.574; số đã giải quyết là 100.368, đạt tỷ lệ giải quyết 83,94%. Nhìn chung, công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố tiếp tục đi vào nền nếp, cơ bản đúng trình tự, thủ tục quy định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm chưa đạt yêu cầu Quốc hội giao; số tin báo, tố giác quá hạn giải quyết tuy giảm, nhưng vẫn còn chiếm 0,36% tổng số tin báo phải giải quyết.
Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái – Ảnh: NT/ BLĐ
Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra các trường hợp đình chỉ điều tra do không có sự việc phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm; kết thúc thời hạn điều tra vụ án mà không chứng minh được bị can phạm tội; Viện kiểm sát không phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra; bị can, phạm nhân trốn, chết tại trại tạm giam, nhà tạm giữ… Sự phối hợp giữa Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát trong điều tra, giải quyết vụ án ở một số địa phương còn chưa chặt chẽ, thống nhất, nhất là trong thu thập, đánh giá chứng cứ dẫn đến Viện kiểm sát trả hồ sơ để điều tra lại, điều tra bổ sung; tình trạng sợ trách nhiệm, tâm lý giữ an toàn đã khiến tinh thần, ý chí tấn công tội phạm có lúc, có nơi giảm sút, chưa xử lý tội phạm kịp thời… Việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khởi tố vụ án và tiến hành các biện pháp điều tra ban đầu của các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra vẫn còn hạn chế, số vụ trực tiếp khởi tố còn chiếm tỷ lệ thấp.
Về công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội
Lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc đã lập biên bản xử lý 3.306.952 trường hợp vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, nộp kho bạc nhà nước 2.629,9 tỷ đồng; qua đó, góp phần làm giảm tai nạn giao thông trên cả 03 tiêu chí (giảm 12,44% số vụ, giảm 12,35% số người chết, giảm 13,06% số người bị thương).
Tuy nhiên, tai nạn giao thông còn xảy ra nhiều (xảy ra 12.959 vụ tai nạn giao thông, làm 5.756 người chết, 9.855 người bị thương); một số vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông còn diễn ra phổ biến. Hành vi chủ yếu là chạy quá tốc độ, tránh vượt sai quy định, không đi đúng phần đường, làn đường, điều khiển xe sau khi sử dụng rượu bia, ma túy, điều khiển xe lạng lách, đánh võng; không chấp hành quy tắc giao thông khi đi qua đường ngang giao với đường sắt; vượt đường sắt khi có cảnh báo, lấn chiếm hành lang an toàn đường sắt; người điều khiển phương tiện đường thủy không có chứng chỉ chuyên môn, lấn chiếm hành lang đường thủy…. Tình trạng người vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, chống lại lực lượng thi hành công vụ, nhất là lực lượng Cảnh sát giao thông diễn ra nghiêm trọng. Trật tự, an toàn giao thông tại một số trạm thu phí BOT còn diễn biến phức tạp.
Đối với công tác phòng cháy, chữa cháy: Vẫn còn xảy ra 2.396 vụ cháy làm 69 người chết, 126 người bị thương, thiệt hại ước tính gần 1.350 tỷ đồng; 22 vụ nổ làm 08 người chết, 33 người bị thương; trong đó có nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng. nguyên nhân từ sự cố hệ thống điện, ý thức bất cẩn của người dân trong sản xuất, kinh doanh, không chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy; do công tác quản lý, phòng cháy, chữa cháy tại chỗ còn sơ hở, nhất là quản lý tại các khu chung cư, nhà cao tầng…
Chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng
Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã nghe Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng 2020 do Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái trình bày.
Theo báo cáo, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt, nghiêm minh. Các vụ án thụ lý đưa ra xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không có oan sai, bỏ lọt tội phạm, được dư luận và nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga – Ảnh: QH.VN
Đặc biệt, các cấp các ngành đã chủ động, tập trung xác minh, truy tìm và triển khai ngay các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát đạt tỉ lệ cao, nhiều vụ thu hồi 100% số tiền thiệt hại.
Theo báo cáo của Chính phủ, với vụ án hình sự về kinh tế tham nhũng nói chung đã thi hành xong 2.584 việc (chiếm gần 62% tổng số việc có điều kiện thi hành, tăng 222% so với chín tháng năm 2019), với số tiền hơn 11.300 tỉ đồng.
Trong kỳ báo cáo, có 81 trường hợp người đứng đầu bị kết luận là thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng; đã xử lý kỷ luật 62 người (tăng 66,1% so với năm 2019); trong đó có 12 người bị xử lý hình sự khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Về công tác phòng chống tham nhũng trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài nhà nước, qua thanh tra, kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính số tiền 25.560 triệu đồng, số tiền đã thu nộp ngân sách nhà nước 4.679 triệu đồng. Các bộ, ngành, địa phương cũng đã thực hiện thanh tra việc thực hiện pháp luật về PCTN theo quy định, đã phát hiện 02 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng.
Báo cáo của Chính phủ cũng cho biết, các Cơ quan điều tra trong Công an Nhân dân đã thụ lý điều tra 508 vụ án, 1.186 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 286 vụ, 606 bị can (tăng 15 vụ, 58 bị can so với cùng kỳ năm 2019).
Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã giải quyết 218 vụ/621 bị can, đạt 74,1 %, giảm 17,5% so với cùng kỳ năm 2019 (trong đó truy tố 218 vụ/577 bị can, đạt 100 % tổng số án đã giải quyết (tăng 1,6 % so cùng kỳ năm 2019). Tòa án Nhân dân các cấp đã thụ lý 388 vụ với 1.101 bị cáo; đã xét xử sơ thẩm 203 vụ với 523 bị cáo về các tội tham nhũng.
Còn những vụ án diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo, tính đến hết hết ngày 31-7-2020, các cơ quan THADS địa phương đã tổ chức thi hành 58 vụ việc. Trong đó, 15 vụ việc đã được tổ chức thi hành xong với số tiền gần hơn 19.200 tỉ đồng. Riêng những tháng đầu năm 2020, đã thi hành được số tiền hơn 10.400 tỉ đồng, bằng 54% tổng số tiền đã thi hành xong từ trước đến nay.
Hiện 43 vụ việc thuộc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo với tổng số tiền phải thi hành hơn 55.200 tỉ đồng đang được tổ chức thi hành án.
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga cho hay công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, công tác phòng ngừa tham nhũng trong một số ngành, lĩnh vực, địa phương vẫn còn những hạn chế nhất định.
Đáng chú ý, việc thực hiện quy tắc ứng xử và kiểm soát xung đột lợi ích trên một số lĩnh vực còn chưa thực sự chuyển biến. Công tác thanh tra, kiểm tra và qua phản ánh của dư luận, cử tri và báo chí cho thấy còn nhiều trường hợp thực hiện quy tắc ứng xử chưa nghiêm, có biểu hiện “nhóm lợi ích”, móc ngoặc giữa người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực nhà nước và doanh nghiệp.
Theo báo cáo thẩm tra, việc cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng vị trí công tác, lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật để nhũng nhiễu, gây phiền hà nhằm vụ lợi khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp vẫn xảy ra khá phổ biến. Thậm chí, có những trường hợp lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi tham nhũng. Báo cáo thẩm tra dẫn chứng vụ án xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP Hà Nội; vụ việc chiếm đoạt tiền tạm ứng khám chữa bệnh xảy ra tại Bệnh viện đa khoa Thốt Nốt, TP Cần Thơ… là ví dụ.
Cũng theo Uỷ ban Tư pháp, việc cải cách, sắp xếp, tổ chức lại bộ máy hành chính để phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn gặp khó khăn, vướng mắc, chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu, tiến độ đề ra. Tổ chức bên trong ở một số bộ, cơ quan ngang bộ còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian; chức năng, nhiệm vụ được giao vẫn còn có trường hợp chưa phù hợp hoặc có sự chồng chéo. Đáng chú ý, việc bổ nhiệm cán bộ, công chức, giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý, kể cả đối với vị trí chủ chốt ở bộ, ngành, địa phương trong một số trường hợp còn chưa thật sự phù hợp, dẫn đến còn có trường hợp người đứng đầu bị xử lý kỷ luật, thậm chí phải xử lý hình sự.
Uỷ ban Tư pháp đánh giá kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng “chưa phản ánh đúng thực trạng tình hình tham nhũng”. Việc phát hiện tham nhũng thông qua công tác tự kiểm tra nội bộ, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới là khâu yếu tồn tại nhiều năm, nhưng vẫn chưa được khắc phục. Đặc biệt, vẫn còn đối tượng phạm tội tham nhũng bỏ trốn gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý, gây bức xúc trong dư luận.
Báo cáo của cơ quan thẩm tra dẫn các trường hợp bị can Vũ Đình Duy bị truy nã đặc biệt về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cổ phần hóa dầu và xơ sợi dầu khí (PVTex); bị can Bùi Quang Huy (Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường) bị truy nã quốc tế về các tội Buôn lậu và Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng…
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng tham nhũng ngay trong chính các cơ quan bảo vệ pháp luật, cơ quan tư pháp, cơ quan có chức năng chống tham nhũng như vụ “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại TAND quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội; vụ “Nhận hối lộ” xảy ra Công an huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre… làm ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Uỷ ban Tư pháp đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa tham nhũng; phối hợp với cơ quan hữu quan nghiên cứu, đề xuất mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng; kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng… để tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất
-
Hệ thống Tòa án nhân dân “đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó, hiệu quả”, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2025
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
Bình luận