Vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán trong hòa giải, đối thoại
Nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán trong quá trình giải quyết các vụ việc nói chung, khi hòa giải, đối thoại nói riêng không chỉ giúp Thẩm phán giải quyết vụ việc đúng pháp luật mà còn giúp tăng cường nhận thức của các Thẩm phán về giá trị và ý nghĩa của hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính cũng như nâng cao năng lực hòa giải, đối thoại. Mặc dù, vấn đề “hòa giải” và “đối thoại” không còn là mới mẻ nhưng “hòa giải” và “đối thoại” ở đây được hiểu như thế nào, vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán khi hòa giải, đối thoại ra sao là vấn đề không chỉ giới luật gia quan tâm mà nhiều Thẩm phán - người sẽ thực hiện hòa giải, đối thoại trong tố tụng còn băn khoăn, trăn trở.
Việc thí điểm thành lập Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án (gồm các Thẩm phán về hưu, các chuyên gia pháp luật, Luật sư, Kiểm sát viên, Điều tra viên về hưu, các trí thức, nhà khoa học pháp lý, giáo viên có uy tín, nhà tâm lý,…) để thực hiện hòa giải, đối thoại ngoài tố tụng theo Kế hoạch số 11/KH-TANDTC ngày 22 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân tối cao về triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng[1] là việc đổi mới mô hình hòa giải, đối thoại và việc huy động các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại. Đây là một bước khởi đầu quan trọng tiến tới hình thành một phương thức giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án. Việc các Trung tâm hòa giải, đối thoại tại Tòa án được thành lập và đi vào hoạt động sẽ giảm tải cho hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc Thẩm phán không có trách nhiệm tiến hành hòa giải, tiến hành đối thoại khi giải quyết các vụ việc nữa.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, hòa giải, đối thoại vừa là nguyên tắc cơ bản vừa là thủ tục Thẩm phán phải tiến hành[2]. Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã ban hành Hướng dẫn về quy trình, kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, đây chính là cẩm nang cho các Thẩm phán khi tiến hành hòa giải các vụ việc dân sự nói chung.
1.Khái niệm, đặc điểm hòa giải, đối thoại trong hệ thống pháp luật tố tụng Việt Nam
1.1. Khái niệm
Trong hệ thống pháp luật về tố tụng Việt Nam, thuật ngữ “hòa giải” được sử dụng trong tố tụng dân sự và tố tụng trọng tài, còn thuật ngữ “đối thoại” được sử dụng trong tố tụng hành chính.
Theo Từ điển tiếng Việt của Nhà xuất bản Khoa học Xã hội “hòa giải” là hành vi thuyết phục các bên đồng ý chấm dứt xung đột hoặc xích mích một cách ổn thỏa[3]. Pháp luật Việt Nam không đưa ra định nghĩa về “hòa giải” nhưng theo một số nhà nghiên cứu thì “hoà giải” là một quá trình có giá trị xã hội cao để điều chỉnh quan hệ giữa các bên có tranh chấp ngay cả khi các tranh chấp đó liên quan đến quyền và nghĩa vụ pháp lý. Hòa giải là phương pháp để tăng cường sự hòa hợp lẫn nhau chứ không làm tăng thêm sự căng thẳng, đối đầu giữa họ[4]; “hòa giải” (Conciliation) là một phương thức giải quyết tranh chấp với sự giúp đỡ của một bên thứ ba trung lập, các bên tranh chấp tự nguyện thỏa thuận giải quyết tranh chấp phù hợp với quy định của pháp luật, truyền thống đạo đức xã hội[5]. Mặc dù có nhiều điểm giống nhau với “hòa giải”, nhưng “trung gian” (Mediation) thuộc nhóm biện pháp hỗ trợ do một bên thứ ba đứng độc lập đóng vai trò là chất xúc tác, kết nối các bên tranh chấp, định hướng giao tiếp tích cực giữa các bên tranh chấp. Còn “hòa giải” mang tính chỉ dẫn tuân thủ pháp luật và can thiệp nhiều hơn vào giải quyết về mặt nội dung tranh chấp so với “trung gian”. Hòa giải viên có thể còn tư vấn cho các bên về các vấn đề pháp lý liên quan đến tranh chấp và thậm chí có thể đi xa hơn bằng đề xuất phương hướng giải quyết[6]. Từ đó có thể hiểu “hòa giải” trong pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam là việc Thẩm phán nhân danh Nhà nước tự mình hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân khác giúp đỡ các bên tranh chấp thỏa thuận giải quyết tranh chấp một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
Pháp luật Việt Nam hiện hành cũng không đưa ra định nghĩa về “đối thoại”. Theo Từ điển Tiếng Việt thì “đối thoại” là nói chuyện qua lại giữa hai hay nhiều người với nhau. Cuốn đại từ điển Tiếng Việt do Nguyễn Như Ý chủ biên định nghĩa “đối thoại” là bàn bạc, thương lượng giữa hai bên hoặc các bên có vấn đề tranh chấp. Ngoài thuật ngữ “đối thoại” thì trên thế giới hiện nay còn tồn tại khái niệm “điều đình” như trong hệ thống pháp luật dân sự Nhật Bản. “Điều đình” có nhiều điểm tương đồng với “đối thoại”, như “điều đình” được xem như là một phương pháp giải quyết vụ việc dân sự tại Tòa án bên cạnh phương pháp tố tụng. Trong “điều đình” việc nghe đương sự hai bên trình bày là tất nhiên. Ngoài ra, có thể điều tra chứng cứ nếu cần thiết, qua đó dựa vào đối thoại và lý giải giữa các bên, có thể giải quyết rắc rối một cách êm thấm, phù hợp với tình thế[7]. Như vậy, có thể hiểu “đối thoại” trong pháp luật tố tụng hành chính Việt Nam là việc Thẩm phán nhân danh Nhà nước tự mình hoặc phối hợp với tổ chức, cá nhân khác cùng hoặc hướng dẫn các bên tranh chấp bàn bạc, thương lượng để các bên thống nhất với nhau về việc giải quyết tranh chấp một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội.
1.2. Đặc điểm hòa giải, đối thoại
Từ những quan điểm nhìn nhận về hòa giải, đối thoại nêu trên, chúng ta có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản về hòa giải, đối thoại trong tố tụng như sau:
Hòa giải: Là một biện pháp giải quyết tranh chấp; chủ thể trung tâm của hòa giải là Thẩm phán giúp cho các bên tranh chấp thỏa thuận với nhau về giải quyết tranh chấp; Thẩm phán phải độc lập với các bên và hoàn toàn không có lợi ích liên quan đến tranh chấp; Thẩm phán không đại diện cho quyền lợi của bất cứ bên nào và không được đưa ra phán quyết trong quá trình hòa giải; sự điều chỉnh, thỏa thuận về giải quyết các tranh chấp phải do chính các bên tranh chấp quyết định[8]; các thỏa thuận, thống nhất từ kết quả của quá trình hòa giải là sự tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
Đối thoại: Là một biện pháp giải quyết tranh chấp; chủ thể trung tâm của đối thoại là các bên tranh chấp chứ không phải Thẩm phán mặc dù Thẩm phán cũng là một bên trong đối thoại, nhưng Thẩm phán không đại diện cho quyền lợi của bất cứ bên nào và không được đưa ra phán quyết trong quá trình đối thoại; Thẩm phán là người cùng các bên bàn bạc hoặc hướng dẫn các bên bàn bạc, thương lượng; sự điều chỉnh, thỏa thuận về giải quyết các tranh chấp phải do chính các bên tranh chấp quyết định; các thỏa thuận, thống nhất từ kết quả của quá trình đối thoại là sự tự nguyện, không vi phạm điều cấm của pháp luật, không trái đạo đức xã hội.
2.Vai trò của Thẩm phán trong quá trình hòa giải, đối thoại
Trong thời hạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm Thẩm phán tiến hành hòa giải, đối thoại để các đương sự thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc giải quyết vụ án, trừ những vụ án không được hòa giải/đối thoại hoặc không tiến hành hòa giải/đối thoại được[9]. Thẩm phán là người được Nhà nước giao giải quyết các vụ việc dân sự, hành chính và nhân danh Nhà nước tiến hành hòa giải, đối thoại. Khi tiến hành hòa giải, đối thoại Thẩm phán có vai trò trung gian[10]. Thẩm phán phân tích cho các đương sự biết mục đích, ý nghĩa của hòa giải, đối thoại để họ vận dụng vào trường hợp cụ thể của mình. Hòa giải, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện hành chính mà không phải mở phiên tòa xét xử; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của đương sự và Nhà nước; tạo thuận lợi cho việc thi hành án, vì phần lớn quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự được tự nguyện thi hành; hạn chế việc kháng cáo, kháng nghị; nâng cao tỷ lệ và rút ngắn thời gian giải quyết vụ án. Kết quả hòa giải còn có ý nghĩa làm rõ yêu cầu, tình tiết, quan hệ tranh chấp giữa các đương sự nhằm giải quyết đúng đắn vụ án trong trường hợp phải mở phiên tòa xét xử; từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Tòa án. Đồng thời, hòa giải góp phần hàn gắn những rạn nứt, ngăn ngừa các tranh chấp trong tương lai giữa các đương sự; nâng cao ý thức pháp luật của người dân; giữ gìn ổn định trật tự xã hội, tạo sự đồng thuận và xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân[11].
Vì vậy, khi hòa giải Thẩm phán đóng vai trò là “hòa giải viên”, khi tiến hành đối thoại Thẩm phán đóng vai trò là “đối thoại viên”. Trong giai đoạn hiện nay, thực hiện Chỉ thị số 04/2017/CT-CA, ngày 03 tháng 10 năm 2017 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân, vai trò của Thẩm phán trong hòa giải, đối thoại lại càng được đề cao hơn nữa. Tuy nhiên, không vì áp lực chỉ tiêu hòa giải: Phấn đấu số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động được hòa giải thành so với số lượng vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động mà Tòa án cấp sơ thẩm đã giải quyết trong một năm đạt tỷ lệ từ 60% trở lên; 01 vụ án hòa giải thành được tính chỉ tiêu thi đua bằng 02 vụ án đã xét xử[12] mà Thẩm phán lại bằng “mọi cách” để vụ án hòa giải thành. Thẩm phán là người chủ trì các buổi hòa giải, đối thoại nhưng không đồng nghĩ với việc ý kiến, quan điểm của Thẩm phán trong khi hòa giải, đối thoại là quan trọng và bắt buộc với các đương sự vì ý kiến, quan điểm đó nếu không được các đương sự chấp thuận thì không thể đạt được hòa giải, đối thoại thành. Do vậy, Thẩm phán phải giúp các bên tranh chấp hiểu biết lẫn nhau, thông cảm, ngồi lại với nhau để cùng thiện chí giải quyết vấn đề của họ, làm sao để các bên cùng cố gắng điều hòa những ý kiến bất đồng, giữ gìn cục diện ổn định.
Trong quá trình hòa giải, đối thoại Thẩm phán có thể linh hoạt đưa ra cách giải quyết phù hợp và thực tế tùy thuộc vào nội dung của tranh chấp để các đương sự lựa chọn. Trong trường hợp cần thiết Thẩm phán có thể nhận sự giúp đỡ hoặc cùng với “các chuyên gia hòa giải/đối thoại” thực hiện hòa giải đối thoại với mục tiêu làm sao cho các đương sự đạt được thỏa thuận, chấm dứt tranh chấp. Tuy nhiên, Thẩm phán không phân tích tính đúng, sai của đương sự, không tiết lộ đường lối xét xử vụ án[13]. Thẩm phán trong quá trình hòa giải, đối thoại phải coi các đương sự là trung tâm, lợi ích hợp pháp của các đương sự là trên hết, khéo léo, chỉ dẫn và điều chỉnh hài hòa quyền lợi của các đương sự. Thẩm phán tôn trọng tự do ý chí của các bên tranh chấp.
Khi tiến hành hòa giải, việc phân tích nội dung vụ án, quan hệ pháp luật tranh chấp, yêu cầu cụ thể của đương sự, nguyên nhân phát sinh tranh chấp, các quy định có liên quan đến nội dung tranh chấp để đương sự tự đánh giá được phần đúng, phần sai của mình là những việc Thẩm phán cần phải làm. Nhưng việc cố gắng cân bằng quyền lợi của các đương sự, chỉ ra lỗi của mỗi bên không phải là điều nên làm hoặc khuyến khích đối với Thẩm phán. Thẩm phán phải kiên trì hòa giải, đối thoại, nhưng do hòa giải, đối thoại chỉ là một giai đoạn của quá trình tố tụng giải quyết vụ án nên Thẩm phán phải chấm dứt nếu hòa giải, đối thoại không thành hoặc không còn khả năng hòa giải, đối thoại thành hoặc nếu một trong hai bên không muốn tiếp tục hòa giải, tránh trường hợp kéo dài thời gian giải quyết vụ án.
3.Trách nhiệm của Thẩm phán trong quá trình hòa giải, đối thoại
Khi giải quyết các vụ án nói chung và trong hòa giải, đối thoại nói riêng ngoài việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ theo quy định, Thẩm phán còn có trách nhiệm, sau đây:
– Tôn trọng quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự. Trong quá trình hòa giải, đối thoại Thẩm phán phải giải thích, phổ biến đầy đủ, khách quan các quy định của pháp luật liên quan đến việc giải quyết vụ án cho đương sự; phân tích hậu quả pháp lý của việc hòa giải/đối thoại thành, hòa giải/đối thoại không thành (án phí, các chi phí tố tụng khác, chi phí thi hành án) để đương sự nhận thức được tính hợp pháp trong từng yêu cầu của họ, biết những lợi ích của hòa giải thành để từ đó đương sự tự đưa ra quyết định giải quyết các vấn đề của họ. Thẩm phán không được can thiệp, không được đưa ra đánh giá hoặc nhận xét đối với các quyết định của đương sự nếu quyết định đó không vi phạm điều cấm của pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội.
– Độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bộ luật Tố tụng dân sự cũng như Luật Tố tụng hành chính đều quy định về thủ tục hòa giải/thủ tục đối thoại, vì vậy, trong suốt quá trình giải quyết vụ án cũng như trong quá trình hòa giải, đối thoại việc chấp hành các quy định của pháp luật là yêu cầu bắt buộc đối với Thẩm phán. Tuy nhiên, từ đặc điểm của hòa giải, đối thoại và với mục đích có được kết quả hòa giải, đối thoại thành nên Thẩm phán phải hết sức linh hoạt, mềm dẻo mà không áp dụng các quy định một cách máy móc, cứng nhắc. Lúc này Thẩm phán độc lập đánh giá nội dung hòa giải, đối thoại thành của các đương sự có vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội hay không mà không được can thiệp vào sự thỏa thuận, nội dung thỏa thuận của đương sự. Nếu thỏa thuận hòa giải, đối thoại thành có vi phạm điều cấm của pháp luật hay trái đạo đức xã hội, Thẩm phán phải thông báo trao đổi cho các đương sự và không được công nhận sự thỏa thuận đó.
– Trong quá trình giải quyết vụ án nói chung, trong hòa giải, đối thoại nói riêng, Thẩm phán có trách nhiệm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng dân sự và có trách nhiệm tạo điều kiện để cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
– Trong quá trình hòa giải, đối thoại, Thẩm phán có trách nhiệm bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
– Thẩm phán có trách nhiệm giữ bí mật nhà nước, bí mật công tác theo quy định của pháp luật; giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên, giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ.
– Thẩm phán phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phải bồi thường cho người bị thiệt hại theo quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
– Thẩm phán phải vô tư, khách quan khi tiến hành hòa giải, đối thoại cũng như trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác của mình theo quy định của pháp luật; cử chỉ, tác phong, thái độ thể hiện sự thân thiện; phong cách giao tiếp thư thái, tự tin; sâu sắc nhưng chia sẻ; mềm dẻo, quyết đoán đúng thời điểm.
– Trong quá trình hòa giải, đối thoại cũng như trong quá trình giải quyết vụ án, nếu phát hiện văn bản pháp luật có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên thì Thẩm phán phải kiến nghị cơ quan, cá nhân có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Tóm lại, Tòa án là cơ quan xét xử và thực hiện quyền tư pháp – trong đó Thẩm phán là người đại diện, với niềm tin là cán cân công lý, sẽ vẫn là nơi bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân một cách hữu hiệu nhất. Vì vậy, việc nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của Thẩm phán và việc xác định đúng vai trò, trách nhiệm của Thẩm phán trong hòa giải, đối thoại để nâng cao chất lượng và tỷ lệ hòa giải, đối thoại thành chính là việc Tòa án thực hiện tốt nhất nhiệm vụ của mình.
[1] Tòa án nhân dân tối cao (2018), Kế hoạch số 11/KH-TANDTC ngày 22/01/2018 về triển khai thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, hành chính tại Hải Phòng, Hà Nội.
[2] Điều 10 và Chương XIII Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 20 và Chương X Luật Tố tụng hành chính.
[3] Từ điển tiếng Việt của Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội phát hành năm 1995.
[4] Đặng Hoàng Oanh (2009), pháp luật và thực tiễn của Australia về hòa giải – một số kiến nghị áp dụng cho Việt Nam, Hà Nội.
[5] TS. Dương Quỳnh Hoa, 2015, cơ chế giải quyết tranh chấp thay thế đối với các quan hệ thương mại ở Việt Nam – Lý luận và thực tiễn. Nxb Chính trị Quốc gia, 260 trang.
[6] GS. TS. Nadja Alexander, các câu chuyện về trung gian hòa giải trên khắp thế giới, Kỷ yếu hội thảo “Biện pháp giải quyết tranh chấp ngoài Tòa án (ADR) trong hệ thống tư pháp hiện đại”, Chương trình đối tác tư pháp JPP năm 2005.
[7] Luật sư Muto Shiro, 1997, Hòa giải, Hội thảo số 6 Luật Nhật Bản, Nxb Thanh Niên, trang 204.
[8] ThS. Dương Quỳnh Hoa (2012), Hòa giải – Một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế, Hà Nội.
[9] Xem Điều 205 Bộ luật tố tụng dân sự, Điều 134 Luật tố tụng hành chính.
[10] Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (2017), Chỉ thị số 04/2017/CT-CA, ngày 03 tháng 10 năm 2017 về tăng cường công tác hòa giải tại Tòa án nhân dân, Hướng dẫn về quy trình, kỹ năng hòa giải vụ án dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, Hà Nội.
[11] Chỉ thị số 04/2017/CT-CA (đã dẫn).
[12] Chỉ thị số 04/2017/CT-CA (đã dẫn).
[13] Chỉ thị số 04/2017/CT-CA (đã dẫn).
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận