Về năng lực trách nhiệm hình sự trong trường hợp phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Quy định về trách nhiệm hình sự tại Điều 13 BLHS năm 2015 khi “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” chưa thể hiện được các trường hợp ngoại lệ và còn có nhiều cách hiểu khác nhau. Do đó, cần sửa đổi, bổ sung Điều luật này nhằm thống nhất nhận thức khi áp dụng trong thực tiễn.
1. Bất cập trong quy định về năng lực trách nhiệm hình sự khi phạm tội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác
Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS năm 2015) không quy định khái niệm năng lực trách nhiệm hình sự (TNHS), mà chỉ quy định về tuổi chịu TNHS (Điều 12) và tình trạng không có năng lực TNHS (Điều 21). Theo đó, người có năng lực TNHS được hiểu là người đã đạt độ tuổi chịu TNHS và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực TNHS.
Căn cứ vào các quy định trên của BLHS năm 2015, có thể đưa ra định nghĩa khoa học về người có năng lực TNHS như sau: Người có năng lực TNHS là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội khi đã đạt độ tuổi chịu TNHS, có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình và có khả năng điều khiển được hành vi đó.
Khoản 1 Điều 8 BLHS năm 2015 (khái niệm tội phạm) chỉ quy định tội phạm là hành vi “do người có năng lực TNHS... thực hiện...”, mà không quy định thêm dấu hiệu đủ tuổi chịu TNHS. Theo tác giả, khái niệm người có năng lực TNHS đã bao hàm dấu hiệu đủ tuổi chịu TNHS, vì chỉ những người đủ tuổi chịu TNHS mới có thể là người có năng lực TNHS. Tuy nhiên, trong khoa học luật hình sự Việt Nam, yếu tố chủ thể của tội phạm thường được xác định bao gồm hai dấu hiệu: Đủ tuổi chịu TNHS và có năng lực TNHS. Việc phân biệt này dựa trên lập luận cho rằng, đạt đến độ tuổi chịu TNHS chỉ là điều kiện cần để có thể có khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, tức là không phải mọi trường hợp đạt đến độ tuổi chịu TNHS đều có các khả năng đó. Một người đạt đến độ tuổi chịu TNHS nhưng thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh đến mức mất toàn bộ khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, thì người đó vẫn ở trong tình trạng không có năng lực TNHS.
Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng không có năng lực TNHS là trường hợp cá biệt. Vì vậy, trong quá trình áp dụng pháp luật, khi đã xác định được người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đạt đến tuổi chịu TNHS, nếu không có những biểu hiện nghi ngờ về việc người đó ở trong tình trạng không có năng lực TNHS (theo Điều 21 BLHS năm 2015), thì có thể khẳng định được ngay là người đó có năng lực TNHS, mà không cần đưa đi trưng cầu giám định pháp y.
Liên quan đến năng lực TNHS, một vấn đề đặt ra trong khoa học luật hình sự là: Cơ sở nào để pháp luật hình sự Việt Nam quy định người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác vẫn phải chịu TNHS?
Điều 13 BLHS năm 2015 quy định: “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu TNHS”. Hiện nay, có hai quan điểm giải thích khác nhau về quy định này.
Quan điểm thứ nhất cho rằng, người có hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng trên “vẫn bị coi là có năng lực TNHS vì họ có năng lực TNHS khi dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác và như vậy cũng có nghĩa họ đã tự tước bỏ khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi của mình, tự đặt mình vào tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi. Họ là người có lỗi đối với tình trạng mất khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi và do vậy bị coi là có lỗi đối với hành vi có tính gây thiệt hại cho xã hội đã thực hiện trong tình trạng như vậy”.
Quan điểm thứ hai cho rằng: “Do uống rượu hoặc sử dụng chất kích thích mạnh khác, người ta có thể lâm vào tình trạng mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình, tức là tình trạng không có năng lực TNHS. Thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội trong tình trạng đó không tồn tại điều kiện chủ quan thực tế để có lỗi, song luật hình sự quy định họ vẫn phải chịu TNHS chính là tạo ra một ngoại lệ đặc biệt để giải quyết TNHS... Buộc một người phải chịu TNHS về việc thực hiện tội phạm trong tình trạng say rượu hay say do dùng chất kích thích mạnh khác là sự quy kết tội phạm khách quan hợp pháp...”.
Về vấn đề này, tác giả có ý kiến như sau: Theo sự xác nhận của y học, người trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thường bị rối loạn tâm thần, có thể bị hạn chế hoặc bị loại trừ khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi. Trong quá trình xây dựng BLHS năm 1985, Bản trình bày của Ban soạn thảo trước Quốc hội nêu rõ: “Tình trạng say rượu hay kích thích mạnh bởi chất khác cũng làm người ta mất nhận thức, mất khả năng hành động của mình. Tuy nhiên, người say rượu hay bị kích thích mạnh bởi chất khác vẫn phải chịu TNHS”.
Như vậy, người trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác có thể vẫn còn (mặc dù bị hạn chế) hoặc hoàn toàn mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, nhưng vẫn còn khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, thì việc giải quyết vấn đề TNHS của họ vẫn theo những nguyên tắc cơ bản, vì họ vẫn có năng lực TNHS và có lỗi như những trường hợp thông thường khác. Tuy nhiên, một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác đến mức mất toàn bộ khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi vẫn phải chịu TNHS được xác định là một trường hợp ngoại lệ. Vì vậy, tác giả đồng ý với quan điểm thứ hai: Quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015 là nhằm tạo cơ sở pháp lý để giải quyết vấn đề TNHS trong trường hợp ngoại lệ này. Tuy nhiên, nội dung tại Điều 13 BLHS năm 2015 chưa thể hiện được tinh thần đó.
Nếu thừa nhận nguyên tắc chỉ người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, có năng lực TNHS và có lỗi mới phải chịu TNHS thì cũng cần coi người thực hiện hành vi nguy hiểm trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác là trường hợp “có năng lực TNHS đặc biệt” và “có lỗi đặc biệt”. Theo đó, năng lực TNHS và lỗi của người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong trường hợp này được xác định vào thời điểm người đó tự dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác để đưa mình vào tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi.
Như vậy, khi dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, một người nhận thức được khả năng rơi vào tình trạng say của mình và khả năng gây thiệt hại có thể xảy ra mà vẫn tự quyết định đưa mình vào tình trạng say đến mức mất toàn bộ khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi và gây thiệt hại cho xã hội, thì họ phải chịu TNHS. Còn trong trường hợp một người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác đến mức mất toàn bộ khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi, nhưng tình trạng đó không phải là kết quả của sự tự lựa chọn, nghĩa là họ không có lỗi đối với tình trạng đó, thì họ không phải chịu TNHS. Do đó, cần làm rõ nội dung tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi là do người đó tự gây ra hay không.
2. Đề xuất, kiến nghị
Nếu thừa nhận chỉ người có năng lực TNHS và có lỗi mới phải chịu TNHS thì cũng cần thừa nhận quy định tại Điều 13 BLHS năm 2015 là nhằm xác định năng lực TNHS và lỗi trong trường hợp đặc biệt.
Để thể hiện rõ tinh thần này, theo quan điểm của tác giả, Điều 13 BLHS năm 2015 cần được sửa đổi, bổ sung theo hướng: Tên của Điều luật là “TNHS đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác” và nội dung của Điều luật là: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình mà mình tự gây ra do dùng rượu hoặc chất kích thích mạnh, thì vẫn phải chịu TNHS”.
Theo kiemsat.vn
TAND Tp Tuy Hòa xét xử bị cáo phạm tội giết người sau khi ăn nhậu. Ảnh: TỐ NỮ
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận