Về sự tham gia của đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử

Ở nước ta, Hiến pháp, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân qua các thời kỳ và các đạo luật tố tụng chuyên ngành ghi nhận nguyên tắc xét xử có Hội thẩm tham gia. Nguyên tắc này xuất phát từ yêu cầu mang tính khách quan về sự tham gia tích cực của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án. Tuy nhiên, trong thực tiễn, sự hiện diện của Hội thẩm trong thành phần của Hội đồng xét xử ít nhiều mang tính chất hình thức, dẫn tới những nghi ngờ, thậm chí phủ nhận nguyên tắc này. Bài viết phân tích các triết lý về sự tham gia của đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử với sự tiếp cận từ các giác độ lý luận - lịch sử về bản chất và tổ chức quyền lực Nhà nước, từ những vấn đề nội tại của hệ thống tư pháp và từ giác độ luật so sánh để nhìn nhận đa diện về vấn đề này tại các quốc gia khác nhau trên thế giới.

1.Vai trò và ý nghĩa

Sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử của Tòa án là một trong những yếu tố truyền thống của hệ thống tư pháp, góp phần bảo đảm cho những giá trị bất biến của hệ thống tư pháp, đó là xác định sự thật, bảo vệ công lý, bảo đảm quyền được xét xử công bằng cho các bên tranh chấp trên cơ sở các giá trị chung của cộng đồng và nguyên tắc độc lập xét xử. Cụ thể hơn, chúng tôi cho rằng, sự tham gia của nhân dân vào hoạt động xét xử xuất phát từ những triết lý sau đây:

Tòa án là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, một trong các lĩnh vực của quyền lực Nhà nước. Quyền lực này nhà nước được chuyển giao từ nhân dân thông qua “khế ước xã hội”, nói như J.J Rousseau, thông qua Hiến pháp, người dân đánh đổi quyền tự do tự nhiên để trở thành công dân của nhà nước, để nhận được sự bảo vệ của nhà nước. Tuy nhiên, trong một chính thể dân chủ, nhân dân vẫn được quyền tham gia vào các công việc của Nhà nước, tồn tại những cơ chế để nhân dân vẫn thể hiện được tiếng nói của mình trong quá trình bộ máy nhà nước thực thi quyền lực nhà nước. Sự tham gia của nhân dân trong hoạt động xét xử của Tòa án nằm trong logic này của nguồn gốc quyền lực nhà nước nói chung và quyền tư pháp nói riêng. Tiếng nói của đại diện nhân dân – ý chí của Bồi thẩm đoàn hoặc Hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử thường được ghi nhận và thậm chí có vai trò quyết định. Trong pháp luật tố tụng nước ta, Hội thẩm nhân dân ngang quyền với Thẩm phán và chiếm đa số trong thành phần Hội đồng xét xử sơ thẩm (2/3 hoặc 3/5), trong khi cơ chế đưa ra phán quyết của Hội đồng xét xử biểu quyết theo đa số. Như vậy, về mặt pháp lý, Hội thẩm nhân dân có vai trò quyết định trong việc đưa ra các phán quyết tư pháp. Tại nhiều nước trên thế giới, khi xét xử, Bồi thẩm đoàn là người đưa ra nhận định, quyết định “questions of fact” – các vấn đề về sự thật, sự việc, tình tiết (sự việc có đúng như nguyên đơn, bị đơn trình bày không, bị cáo có thực hiện hành vi như quan điểm của bên buộc tội không), còn quan tòa/thẩm phán là người đưa ra nhận định, quyết định “questions of law” – các vấn đề về pháp lý (áp dụng luật nào, điều khoản nào để giải quyết tranh chấp, định tội danh, quyết định hình phạt). Trên cơ sở nhận định, quyết định của Bồi thẩm đoàn thì Thẩm phán mới có thể đưa ra các nhận định, quyết định áp dụng pháp luật của mình. Ngoài ra, việc đại diện nhân dân tham gia xét xử cũng chính là một kênh giám sát quá trình thực thi quyền lực nhà nước, giám sát thực hiện quyền tư pháp và thậm chí là kiểm soát quyền lực Nhà nước nếu các chủ thể xét xử nhân dân thật sự được độc lập trong việc đưa ra các nhận định và phán định của mình.

Mặt khác, trở lại câu chuyện bản chất của pháp luật, thuộc tính giai cấp của pháp luật, sự tham gia của nhân dân vào quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết các tranh chấp tại Tòa án còn để bảo đảm cho các phán quyết tư pháp không bị các quy phạm pháp luật mang thuộc tính giai cấp – bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền hoàn toàn chi phối. Bên cạnh đó, về tính dân tộc của pháp luật, như Montesquieu viết trong “Tinh thần pháp luật”: “nhà lập pháp cần tôn trọng tính cách của dân tộc nếu nó không trái ngược với với nguyên tắc của chính thể”[1]. Khi tính dân tộc chưa được thể hiện trọn vẹn trong các sản phẩm lập pháp thì nhiều trường hợp hoạt động áp dụng các sản phẩm lập pháp trong xét xử cũng cần để hiện được tính dân tộc để phán xử các tranh chấp từ tập tính, tập quán, tập tục của một dân tộc (nhất là khi nhận định về tính trái pháp luật của những hành vi phát sinh trong các mối quan hệ dân sự, hôn nhân gia đình, của những ứng xử với các thiết chế văn hóa, lịch sử, tôn giáo gắn liền với bản sắc và truyền thống dân tộc). Thậm chí, trong những xã hội đa sắc tộc, đa chủng tộc, đa tôn giáo của thời đại toàn cầu hóa thì sự đại diện của những sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo trong thành phần xét xử lại càng cần thiết, nó không chỉ giúp cho bản án thấu đáo hơn với các nhận định về sự việc, về tình tiết mà còn bảo đảm tính dân chủ và sự đoàn kết xã hội, xây dựng một xã hội hài hòa và đảm bảo sự cộng sinh của tất cả các cộng đồng trong xã hội, ghi nhận tiếng nói của  tất cả các sắc tộc, chủng tộc, tôn giáo trong quá trình xây dựng và áp dụng pháp luật.

Sự tham gia của nhân dân vào quá trình đưa ra các phán quyết tư pháp bảo đảm cho các phán quyết tư pháp không chỉ tuân thủ pháp luật mà còn trên cơ sở những giá trị xã hội/giá trị cộng đồng – những quan điểm về đạo đức, về hành vi chuẩn/lệch chuẩn mà pháp luật chưa ghi nhận đầy đủ và kịp thời. Các chủ thể xét xử nhân dân không chỉ dựa trên pháp luật mà còn dựa trên các giá trị xã hội để đánh giá tính chất tranh chấp, đánh giá tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội mà hành vi của bị cáo, bị đơn gây ra. Có như vậy, phán quyết của Tòa án mới đạt tới công lý, hướng tới mục tiêu bảo vệ công lý, vì công lý không chỉ là công bằng trên cơ sở pháp luật mà còn là lẽ phải và đạo đức xã hội. Pháp luật quy định hành vi giết người vì động cơ đê hèn (khung tăng nặng) bị trừng phạt nặng hơn so với giết người thông thường (khung cơ bản), tuy nhiên, nhận định như thế nào là đê hèn phải dựa trên giác độ đạo đức xã hội, đạo đức của nhân dân. Đánh giá nhân thân của một con người tốt xấu ở mức độ nào, còn có khả năng tiếp nhận giáo dục, cải tạo để trở thành người có ích cho xã hội hay không, có cần thiết phải cách ly vĩnh viễn khỏi đời sống xã hội hay không… cũng rất cần quan điểm toàn diện, từ lăng kính của cộng đồng qua đại diện của nhân dân tham gia vào hoạt động xét xử. Như vậy, hoạt động xét xử có sự đại diện của nhân dân làm tăng tính thuyết phục của các phán quyết đối với xã hội, phán quyết của Tòa án không phải là sự áp đặt của nhà nước, của một loại cơ quan nhà nước hay của một số công chức nhà nước đối với các tranh chấp mà còn là sự nhìn nhận của xã hội, của đại diện cho số đông người dân trong xã hội. Hoạt động xét xử có sự đại diện của nhân dân làm tăng hiệu quả giáo dục, cải tạo đối với người bị kết án do tính thuyết phục của bản án, đem đến sự “tâm phục, khẩu phục” cho các đối tượng bị phán xử. Trong lịch sử nhân loại, từ cổ tới kim, luôn tồn tại những kiểu hành vi vi phạm pháp luật xuất phát từ sự nhầm lẫn pháp luật, từ hoàn cảnh buộc phải vi phạm pháp luật hoặc từ những lựa chọn “một bồ cái lý không bằng một tý cái tình” thì việc xét xử những hành vi này luôn cần tới sự thấu tình đạt lý, cần tới sự hiện diện của những chủ thể xét xử nhân dân.

Chủ thể xét xử nhân dân còn thể hiện vai trò thu hẹp khoảng cách giữa pháp luật với cuộc sống trong hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án khi xét xử. Trong bối cảnh pháp luật không thể quy định chi tiết theo hướng lượng hóa tất cả mọi trường hợp như thế nào là “những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác”[2] hay như thế nào là đối tượng ngoan cố chống đối, côn đồ, dùng thủ đoạn xảo quyệt, cố ý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng… để nghiêm trị hay ăn năn, hối cải để khoan hồng; như thế nào là “chi phí hợp lý”, là “thông lệ chung” khi “chi phí hợp lý cho việc mai táng bao gồm: các khoản tiền mua quan tài, các vật dụng cần thiết cho việc khâm liệm, khăn tang, hương, nến, hoa, thuê xe tang và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo thông lệ chung”[3]. Hoạt động áp dụng pháp luật trong những trường hợp như trên rất cần dựa trên các quan điểm của người đại diện cho nhân dân, cho số đông, cho hơi thở của cuộc sống thực tiễn đang diễn ra sinh động và do đó cũng cần có sự hiện diện của đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử.

Nếu có cơ chế phù hợp để đại diện nhân dân thực sự được xét xử độc lập, ý chí của chủ thể xét xử nhân dân được tôn trọng thì sự tham gia của đại diện nhân dân trong hoạt động xét xử còn có vai trò đối trọng, phản biện mang tính xây dựng đối với ý chí và quyết định của thẩm phán – chủ thể xét xử chuyên nghiệp trong cùng một vấn đề mà hai bên có mâu thuẫn. Sự mâu thuẫn này có thể xuất phát từ cách nhìn nhận khác nhau về đánh giá chứng cứ, về bản chất sự việc, về luật áp dụng, về yêu cầu đấu tranh phòng chống tội phạm, về bảo vệ quyền con người… hoặc xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa đạo đức xã hội và lợi ích giai cấp, lợi ích nhóm được thể hiện trong các quy phạm pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp. Dù xuất phát từ nguyên nhân nào nhưng mẫu thuẫn cũng đem lại những hiệu ứng tích cực, đem lại động lực cho những tranh luận giữa các chủ thể xét xử, qua đó giúp cho các phán xử của Tòa án phải dựa trên lập luận thuyết phục được các bên tranh chấp và thuyết phục được số đông người dân.

2.Không phải là mẫu số chung

Sự tham gia của nhân dân trong hoạt động xét xử là một trong những đặc thù của hoạt động tư pháp và quá trình thực hiện quyền tư pháp, trở thành một truyền thống tư pháp. Tuy nhiên, điều này không phải là mẫu số chung đối với tất cả các quốc gia trên thế giới.

Trong cùng hệ thống pháp luật châu Âu lục địa, có quốc gia thiết kế mô hình hội thẩm nhân dân như Việt Nam. Điều 8 Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 quy định: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án có Hội thẩm tham gia theo quy định của luật tố tụng, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn”. Điều 11 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cũng quy định: “1. Việc xét xử sơ thẩm vụ án dân sự có Hội thẩm nhân dân tham gia theo quy định của Bộ luật này, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” và tương tự như vậy với Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tố tụng hành chính, do xuất phát từ nội dung hiến định: “Việc xét xử sơ thẩm của Tòa án nhân dân có Hội thẩm tham gia, trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn” (khoản 1 Điều 103 Hiến pháp năm 2013). Tuy nhiên, cùng trong hệ thống pháp luật này, tại Bồ Đào Nha, không có ban bồi thẩm trong các vụ án dân sự (bao gồm cả vụ án thương mại vì không có sự khác biệt về thủ tục tố tụng tại toà án trong xét xử các vụ dân sự và thương mại)[4], cũng tương tự như vậy với phiên toà dân sự tại Thuỵ Sĩ[5], Ecuador[6], Uruguay[7]… Nước Nga cũng theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa nhưng trong tiến trình cải cách tư pháp những năm gần đây, lại du nhập mô hình Bồi thẩm đoàn của Hoa Kỳ, Canada, Australia… một cách cơ học, dẫn tới những điểm chưa tương thích với hệ thống tòa án và truyền thống tư pháp vốn có, mà vụ xét xử sinh viên Vũ Anh Tuấn – du học sinh Việt Nam bị sát hại tại St. Peterburg là một ví dụ điển hình, trong vụ án này, “Thẩm phán thứ nhất là người có nhiệm vụ trong hai tháng tranh tụng đầu tiên nói: Nếu quá trình tố tụng không phải thông qua Bồi thẩm đoàn thì tôi chắc chắn sẽ không thể tha cho một bị cáo nào hết, chứng cứ khẳng định bọn chúng hoàn toàn có tội cả[8].

Trong hệ thống pháp luật Anglo-Saxon, quan điểm về sự tham gia xét xử của người dân cũng có những khác biệt rất lớn. Có quốc gia nói không một cách rõ ràng với sự tham gia của người dân trong tất cả các lĩnh vực xét xử, hệ thống toà án gồm các Thẩm phán xét xử chuyên nghiệp mà không có Hội thẩm nhân dân hay Bồi thẩm viên như Singapore, Thẩm phán ở Singapore phán định cả các vấn đề thực tế và pháp lý[9]. Tuy nhiên, tại Australia, khi xét xử một mình, Thẩm phán đánh giá chứng cứ để xác định các tình tiết của vụ việc, sau đó xác định quy phạm pháp luật cụ thể để giải quyết và đưa ra bản án; nhưng khi xét xử có Bồi thẩm viên, Thẩm phán sẽ gút lại các chứng cứ, sẽ không chỉ dẫn Bồi thẩm đoàn chấp nhận hay không chấp nhận những quan điểm cụ thể về vụ việc nhưng sẽ chỉ dẫn cho họ các vấn đề về pháp luật và đòi hỏi Bồi thẩm đoàn phải đưa ra phán định về toàn bộ vụ việc hoặc từng đáp án cụ thể cho từng vấn đề trong những vụ án phức tạp. Cơ chế trên cũng tương tự đối với Canada[10]. Còn tại Hoa Kỳ: “Ở cấp độ liên bang tất cả những người bị cáo buộc phạm tội đều được bảo đảm theo Tu chính án Hiến pháp thứ năm rằng vụ án của họ sẽ được một đại Bồi thẩm đoàn xem xét. Tuy nhiên, Tòa án tối cao từ chối làm cho quyền lợi này ràng buộc tất cả các bang. Ngày nay, chỉ khoảng một nửa số bang sử dụng đại bồi thẩm đoàn; ở một số bang trong những bang này đại bồi thẩm đoàn chỉ được dùng cho những loại vụ án đặc biệt. Những bang không sử dụng đại Bồi thẩm đoàn sẽ áp dụng một phiên tòa sơ bộ hoặc một phiên thẩm vấn. (Một số bang sử dụng cả hai thủ tục này). Bất cứ phương pháp nào được sử dụng, mục đích cơ bản của khâu này trong thủ tục tố tụng hình sự là để xác định liệu có nguyên nhân hợp lý nào để đưa bị cáo ra phiên tòa chính thức không”[11].

3.Quyền và trách nhiệm, nghĩa vụ của công dân

Xét trên bình diện chung thì tham gia xét xử là quyền của nhân dân nhưng nếu đối với từng người dân cụ thể thì tham gia xét xử lại có thể là trách nhiệm, là nghĩa vụ công dân mà họ phải thực hiện, mặc dù họ có thể có thù lao nhất định, được thanh toán các chi phí nhất định. Nói cách khác, tham gia xét xử là nghĩa vụ để thực hiện quyền, nếu không thực hiện tốt nghĩa vụ tham gia xét xử cũng có nghĩa là quyền tham gia xét xử cũng không được thực hiện hiệu quả. Những vấn đề quan trọng khác cũng cần đặt ra là: Cơ chế nào để những người dân tham gia xét xử thực sự là đại diện cho xã hội, cơ chế nào để tiếng nói của đại diện cho xã hội được ghi nhận, tiếng nói của đại diện cho xã hội được đặt vào đâu để đúng lúc, đúng chỗ trong quá trình xét xử. Đây là bài toán chung cho nhiều quốc gia và cũng nhận được nhiều lời giải khác nhau xét trên một số tiêu chí tham gia xét xử: phương thức lựa chọn đại diện nhân dân tham gia xét xử; hình thức thiết chế (bồi thẩm đoàn hay hội thẩm nhân dân trong Hội đồng xét xử); lĩnh vực xét xử (hình sự, dân sự, hành chính, kinh doanh thương mại, sở hữu trí tuệ…); cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm); đối tượng, phạm vi được quyền đưa ra phán định khi tham gia xét xử.

Đối với Việt Nam, Hội thẩm nhân dân trở thành những chủ thể xét xử “bán chuyên nghiệp”, là những người được Mặt trận Tổ quốc giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu làm Hội thẩm, ngang quyền với thẩm phán trong Hội đồng xét xử nhưng do số lượng đông hơn và bỏ phiếu theo nguyên tắc đa số nên ở góc độ pháp lý, trong các phiên tòa hình sự, dân sự, hành chính sơ thẩm (trừ trường hợp xét xử theo thủ tục rút gọn), quan điểm của họ được tôn trọng (2/3, 3/5) trong tất cả các quyết định của bản án. Hội thẩm nhân dân không đưa ra phán định (verdict) độc lập với bản án (judgement) của Thẩm phán trong hình thức xét xử có Bồi thẩm đoàn. Mô hình này của Việt Nam và nhiều nước khác cùng hệ thống pháp luật được cho là tôn trọng ý kiến của nhân dân với các lĩnh vực xét xử, các nội dung xét xử và đơn giản, gọn nhẹ trong quá trình lựa chọn đại diện nhân dân. Tuy nhiên, điểm hạn chế là với một danh sách các Hội thẩm theo nhiệm kỳ tại mỗi Tòa án, Hội thẩm nhân dân dần trở thành những “gương mặt thân quen”, trở nên chuyên nghiệp hóa (về mặt lý thuyết) và hình thức hóa (về mặt thực tế), khó đảm bảo thể hiện đầy đủ các mục tiêu/các triết lý dẫn đến sự hiện diện của nhân dân trong xét xử như đã phân tích.

Với một quan điểm khác, về lĩnh vực, đối tượng, phạm vi xét xử có đại diện nhân dân (Bồi thẩm đoàn), nhiều nước chỉ cho phép lĩnh vực xét xử hình sự có Bồi thẩm đoàn (với quan điểm phải có đại diện của xã hội tham gia xét xử để bảo đảm cho bị cáo được xét xử công bằng trước những cáo buộc có thể thiếu căn cứ). Tại Canada, để xác định trường hợp nào cần xét xử với Bồi thẩm đoàn, Thẩm phán sẽ cân nhắc các yếu tố của vụ án: nếu vụ án là một phức hợp các vấn đề pháp lý và chỉ một số ít các vấn đề về thực tế thì sẽ không xử với Bồi thẩm đoàn. Tương tự, cũng sẽ không có Bồi thẩm đoàn nếu các chứng cứ mang ra xem xét tại phiên tòa quá phức tạp đối với Bồi thẩm đoàn. Thậm chí lúc đầu xác định có thể xét xử theo cơ chế bồi thẩm đoàn nhưng Thẩm phán vẫn có thể quyết định xử không có Bồi thẩm đoàn tại bất cứ thời điểm nào mà nhận thấy vụ án nên được giải quyết không có Bồi thẩm đoàn[12]. Mô hình này giúp cho việc tham gia xét xử của nhân dân thực chất hơn khi họ được và chỉ được phán định những vấn đề được cho là phù hợp hơn với trình độ của họ, một ưu điểm khác là tính đại diện cho nhân dân cao hơn, tính phù hợp với từng vụ án cũng có thể cao hơn khi mỗi vụ án lại có những gương mặt bồi thẩm viên mới được lựa chọn. Tuy nhiên, phương thức lựa chọn Bồi thẩm đoàn quá nhiêu khê và mất thời gian. Tại Hoa Kỳ, những bồi thẩm viên triển vọng được sàng lọc từ các danh sách cử tri. Việc tuyển chọn Bồi thẩm lượt cuối được thực hiện theo một thủ tục đặc biệt “voir dire” (nói sự thật) – phỏng vấn/ kiểm tra vấn đáp mà người hỏi là Tòa án hoặc luật sư của các bên đối tụng để xác định khả năng đem lại những phán quyết khách quan, công bằng cũng như là sự phù hợp của họ cho công việc, “loại bỏ những người mà họ tin là có thể không nghiêng về phía họ kể cả khi không có nguyên nhân rõ ràng cho sự thiên lệch… Thủ tục đặt câu hỏi và phản đối những thành viên triển vọng của Bồi thẩm đoàn tiếp tục đến khi tất cả những người bị phản đối vì định kiến đều được loại bỏ, những phản đối võ đoán hoặc đã được được sử dụng hết hoặc bị khước từ dùng tiếp, và một bồi thẩm đoàn gồm 12 người (ở một số bang là 6 người) được thành lập. Tại một số bang, những thành viên dự khuyết cũng được lựa chọn. Họ tham dự phiên tòa nhưng chỉ tham gia vào những suy xét kỹ lưỡng khi một trong số những thành viên ban đầu của Bồi thẩm đoàn không thể tiếp tục theo vụ kiện. Một khi danh sách bồi thẩm đoàn đã lựa chọn, họ sẽ tuyên thệ trước thẩm phán và viên lục sự”[13]. Ở quốc gia này, do thủ tục thương lượng nhận tội tương đối phổ biến và thủ tục lựa chọn bồi thẩm đoàn quá phức tạp nên sự tham gia của nhân dân trong hoạt động xét xử trở nên rất hạn chế, bởi lẽ: “mặc dù hình thức xét xử của bồi thẩm đoàn vẫn là một nhân tố cơ bản của hệ thống tư pháp Hoa Kỳ, song các ban bồi thẩm chỉ quyết định chưa tới 5% số vụ tranh chấp được đưa ra ở hầu hết các tòa án của Hoa Kỳ. Một số vụ được thẩm phán xét xử mà không có bồi thẩm đoàn, nhưng đại đa số các vụ việc được giải quyết thông qua thương lượng giữa các bên”[14].

Như vậy, mỗi mô hình đều có cái hay và dở, không một mô hình nào là lý tưởng một cách tuyệt đối để bảo đảm giá trị thực tế của việc đại diện nhân dân tham gia xét xử. Mặt khác, với các vụ án phi hình sự, các vụ án mà tính chất pháp lý phức tạp, việc đại diện nhân dân tham gia xét xử cũng ngày càng thu hẹp do được cho là không cần thiết. Đối với những vụ án đòi hỏi hoạt động xét xử phải thật sự chuyên sâu, nhanh chóng, hiệu quả thì cũng cần có những nhận thức mới về vai trò của hội thẩm, bồi thẩm trong việc xác định bản chất tranh chấp và lựa chọn luật áp dụng./.

 

[1] Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Bản dịch của Hoàng Thanh Đạm, Nxb Giáo dục Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn – Khoa Luật, Hà Nội, 1996, Quyển thứ XIX, Chương 5: Chớ thay đổi tính cách chung của một dân tộc, tr. 149

[2] Khoản 4 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 1999

[3] Nghị quyết số: 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08 tháng 07 năm 2006 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

[4] M.P. Barrocas, Trial and Court in Portugal, Trial and Court procedures world wide (paper from  the 1990 Biannual Meeting of the International Bar Association held in NewYork, Editor: Charles Platto, Graham & Trotman and International Bar Association, ISBN 1-8533-608-4), p.155

[5] Nedim Peter Vogt and Stephen Berti, Trial and Court in Switzerland, Trial and Court procedures world wide (paper from  the 1990 Biannual Meeting of the International Bar Association held in NewYork, Editor: Charles Platto, Graham & Trotman and International Bar Association, ISBN 1-8533-608-4), p.180

[6] Jose Rafael Bustamante, Trial and Court in Ecuador, Trial and Court procedures world wide (paper from  the 1990 Biannual Meeting of the International Bar Association held in NewYork, Editor: Charles Platto, Graham & Trotman and International Bar Association, ISBN 1-8533-608-4), p.206

[7] Elbio L. Kuster, Trial and Court Procedures in Uruguay, Trial and Court procedures world wide (paper from  the 1990 Biannual Meeting of the International Bar Association held in NewYork, Editor: Charles Platto, Graham & Trotman and International Bar Association, ISBN 1-8533-608-4), p.209

[8] http://dantri.com.vn/xa-hoi/vi-sao-nghi-pham-giet-vu-anh-tuan-trang-an-1161249054.htm

[9] Jaya Prakash, Trial and Court Procedures in Singapore, Trial and Court procedures world wide (paper from  the 1990 Biannual Meeting of the International Bar Association held in NewYork, Editor: Charles Platto, Graham & Trotman and International Bar Association, ISBN 1-8533-608-4), p.71

[10] Robert W. Cosman, Trial and Court Procedures in Canada, Trial and Court procedures world wide (paper from  the 1990 Biannual Meeting of the International Bar Association held in NewYork, Editor: Charles Platto, Graham & Trotman and International Bar Association, ISBN 1-8533-608-4), p.223, 224

[11] Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2004.

[12] Robert W. Cosman, Trial and Court Procedures in Canada, Trial and Court procedures world wide (paper from  the 1990 Biannual Meeting of the International Bar Association held in NewYork, Editor: Charles Platto, Graham & Trotman and International Bar Association, ISBN 1-8533-608-4), p.223, 224

[13] Ấn phẩm của Chương trình Thông tin Quốc tế, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, năm 2004

[14] Richard Van Duizend, Ngành Tòa án Hoa Kỳ: Truyền thống lâu dài, những định hướng mới, bài viết chọn đăng trong Tạp chí điện tử của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, Tập 8, Số 1, tháng 5/2013: Diện mạo đang thay đổi của ngành Tòa án Hoa Kỳ (The Changing Face of U.S. Courts)

Ths. QUẢN THỊ NGỌC THẢO (Vụ Tư pháp, VPQH) TS. LÊ LAN CHI (Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)