Về xét giảm thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ
Theo pháp luật hiện hành, người bị kết án cải tạo không giam giữ có thể được Tòa án quyết định giảm thời hạn chấp hành hình phạt được quy định tại Điều 63 BLHS, Điều 77 Luật Thi hành án hình sự, Thông tư số 09/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 16/08/2012; người được hưởng án treo có thể được Tòa án rút ngắn thời gian thử thách theo quy định tại Điều 65 BLHS, Điều 66 Luật Thi hành án hình sự, Thông tư số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 14/08/2012 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo.
Với các quy định nêu trên thì điều kiện giảm thời hạn chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ là đã chấp hành được 1/3 thời hạn án phạt; đối với người chưa thành niên là 1/4 thời hạn án phạt, có nhiều tiến bộ, chấp hành tốt chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương,… Mức giảm: Mỗi năm được xét giảm một lần, mỗi lần có thể được giảm từ 3 tháng đến 9 tháng. Trường hợp đặc biệt có thể giảm 2 lần trong một năm. Người chấp hành án phạt cải tạo không giữ có thể được giảm nhiều lần nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là 1/2 mức án, đối với người chưa thành niên là 2/5 mức án.
Trong trường hợp đặc biệt người chấp hành án lập công đã già yếu hoặc mắc bệnh hiểm nghèo đã chấp hành được 1/4 thời hạn án phạt có thể được xét giảm thời hạn chấp hành án, mức giảm mỗi lần cao nhất là 01 năm, nhưng phải đảm bảo thời gian thực tế chấp hành án là 2/5 mức án. Đối với người chưa thành niên nếu lập công hoặc bị bệnh hiểm nghèo thì được xét giảm ngay. Trường hợp đã chấp hành được 2/5 mức án mà sau khi được xét giảm, thời hạn chấp hành án lại không quá 01 năm thì có thể được giảm hết thời hạn còn lại.
Người được hưởng án treo có thể được Tòa rút ngắn thời gian thử thách khi có các điều kiện như đã chấp hành được 1/2 thời gian thử thách của án treo, có nhiều tiến bộ được UBND cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát giáo dục đề nghị rút ngắn thời gian thử thách bằng văn bản. Người được hưởng án treo 01 năm chỉ được rút ngắn thời gian thử thách một lần từ 01 tháng đến 01 năm, được rút ngắn thử thách nhiều lần nhưng phải đảm bảo thực tế chấp hành thời gian thử thách là 3/4 thời gian Tòa án đã tuyên. Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ điều kiện nêu trên thì có thể được Tòa án quyết định rút ngắn hết thời gian thử thách còn lại.
Căn cứ Thông tư liên tịch số 08,09 nêu trên về trình tự thủ tục xét giảm rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ, thì trên cơ sở hồ sơ và ý kiến của đại diện VKS tham gia phiên họp, hội đồng xét giảm rút thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ có quyền chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, án phạt cải tạo không giam giữ. Trường hợp thời gian thử thách còn lại không quá 01 tháng thì hội đồng có thể rút ngắn hết thời gian thử thách của án treo, án phạt cải tạo không giam giữ còn lại. Hoặc không chấp nhận đề nghị rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ.
Qua nghiên cứu các quy định đã viện dẫn và qua thực tế kiểm sát các quyết định về rút ngắn thời gian thử thách của án treo, giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ của Tòa án cho thấy một số nội dung còn có nhận thức chưa thống nhất, gây khó khăn cho việc kiểm sát quyết định của Tòa án như sau:
Về mức giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ và rút ngắn thời gian thử thách của án treo: Hiện nay có hai quan điểm về mức giảm:
– Quan điểm thứ nhất: Tòa án chỉ được quyết định mức giảm, thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ và rút ngắn thời gian thử thách của án treo bằng hoặc thấp hơn mức đề nghị của cơ quan Thi hành án (chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn chấp hành án, thời gian thử thách án treo) trừ trường hợp thời hạn chấp hành án, thời gian thử thách còn lại dưới một tháng.
– Quan điểm thứ hai: Tòa án có thể quyết định mức giảm thời hạn án phạt cải tạo không giam giữ, rút ngắn thời gian thử thách của án treo cao hơn mức đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự. Thí dụ: Cơ quan thi hành án hình sự đề nghị giảm 6 tháng, Tòa án có thể quyết định giảm 9 tháng.
Theo quan điểm của chúng tôi là đồng tình với quan điểm thứ nhất vì theo hướng dẫn của Thông tư số 08, 09; Nghị quyết số 02 nêu trên thì Tòa án chấp nhận toàn bộ hay một phần đề nghị là đề nghị của cơ quan Thi hành án hình sự. Có nghĩa là chỉ được giảm, rút ngắn bằng hoặc thấp hơn mức đề nghị của cơ quan Thi hành án hình sự.
Ngoài ra về giảm mức hình phạt tù có thời hạn theo Thông tư số 02/2013/TTLT-BCA-BQP-TANDTC-VKSNDTC ngày 15/05/2013 về hướng dẫn thi hành các quy định về giảm thời hạn chấp hành án phạt tù đối với phạm nhân thì hội đồng không được quyết định mức giảm cao hơn mức đề nghị của Trại giam, Trại tạm giam thuộc Bộ công an, Bộ quốc phòng, Trại giam thuộc quân khu hoặc cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan Thi hành án hình sự cấp quân khu.
Về tính thời gian chấp hành án để xét giảm.
Hiện nay cũng có hai quan điểm xác định thời gian chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, thời gian thử thách của án treo để tiếp tục được xét giảm lần thứ hai trở đi được hiểu như sau:
– Quan điểm thứ nhất: Thời gian chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ, thời gian chấp hành thử thách của án treo để được xét tiếp theo là 01 năm tính từ thời điểm đủ thời gian xét lần thứ nhất đến thời điểm xét lần thứ 2.
– Quan điểm thứ hai cho rằng: Thời gian 01 năm để được xét giảm lần thứ hai là tính từ ngày mở phiên họp xét lần thứ nhất hoặc từ thời điểm quyết định xét giảm lần thứ nhất có hiệu lực, đến ngày mở phiên họp xét giảm lần tiếp theo.
Chúng tôi đồng ý với quan điểm thứ nhất vì thời gian để được xét giảm là thời gian đã chấp hành, không phụ thuộc vào thời gian mở phiên họp hay thời gian của quyết định có hiệu lực.
Về khó khăn trong kiểm sát quyết định của Tòa án
Quá trình nghiên cứu và kiểm sát quyết định của Tòa án thấy: Về thời gian đã chấp hành thử thách của án treo thì xác định được vì trong quyết định thể hiện ngày, tháng, năm của bản án, tội danh, mức án và thời gian thử thách vì theo quy định thời gian chấp hành án được tính từ ngày tuyên án sơ thẩm…Tuy nhiên, khi xác định thời gian đã chấp hành án của án phạt cải tạo không giam giữ thì trong quyết định không ghi cụ thể thời gian chấp hành án từ thời điểm nào nên không thể biết đã đủ điều kiện về thời gian đã chấp hành án hay chưa vì theo Nghị quyết số 02/2010/NĐ-HĐTP ngày 22/10/2010 về bổ sung Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP ngày 02/10/2007 và Nghị quyết số 02/2007/NQ ngày 02/10/2010 của HĐTPTATC thì thời điểm bắt đầu tính thời gian cải tạo không giam giữ là ngày cơ quan, tổ chức được giao giám sát giáo dục người bị kết án nhận được quyết định thi hành án và bản sao bản án.
Từ những nội dung trên, để việc nhận thức, áp dụng pháp luật về xét giảm án phạt cải tạo không giam giữ, rút ngắn thời gian thử thách của án treo được thống nhất, liên ngành Trung ương cần có hướng dẫn cụ thể hơn về các nội dung nêu trên./.
Theo kiemsat.vn
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Khánh thành tượng đài “Bác Hồ với chiến sĩ biên phòng” tại cửa khẩu quốc tế Cầu Treo
-
Sắp diễn ra Tuần lễ Du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu 2024
-
Khai mạc Festival “Về miền ví, giặm – Kết nối tinh hoa di sản”
-
Thừa Thiên Huế: Bắt nhóm đối tượng “lừa vàng” chuyên nghiệp
-
Hội thảo khoa học "200 ngày tập kết ra Bắc tại Cà Mau - tầm nhìn chiến lược và giá trị lịch sử"
Bình luận