Việt Nam chuẩn bị cho phiên báo cáo về thực thi Công ước Chống tra tấn

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước chống tra tấn trước Ủy ban Chống tra tấn của Liên hợp quốc tại Geneva - Thụy Sĩ vào tháng 11/2018, trong hai ngày 15-16/10/2018, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam UNDP, Bộ Công an đã tổ chức Hội thảo tham vấn về hồ sơ bảo vệ Báo cáo và Phiên bảo vệ giả định cho Đoàn Việt Nam.

Việt Nam tích cực tham gia Công ước chống tra tấn của Liên hợp quốc

Ngày 7/11/2013, tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc (Mỹ), Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực nước ta tại LHQ Lê Hoài Trung thay mặt Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ký “Công ước của LHQ về chống tra tấn và trừng phạt hoặc đối xử tàn nhẫn, vô nhân đạo hoặc làm mất phẩm giá khác” (gọi tắt là Công ước chống tra tấn).

Đây là một trong 16 điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người của Liên Hợp Quốc, được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Khi đó có 154 quốc gia tham gia Công ước. Nội dung Công ước phù hợp với chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong bảo vệ quyền con người, do đó, Việt Nam đã tích cực, khẩn trương phê chuẩn Công ước từ năm 2014, đưa Công ước vào có hiệu lực với Việt Nam từ năm 2015.

Ngày 17/3/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước. Trên cơ sở đó, Bộ Công an từ năm 2015 đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xây dựng Báo cáo quốc gia lần thứ nhất về các biện pháp Việt Nam đã tiến hành để thực hiện nghĩa vụ thành viên Công ước theo hướng dẫn của Liên Hợp Quốc, có tham khảo kinh nghiệm từ báo cáo quốc gia của các thành viên khác của Công ước và hướng dẫn của các chuyên gia đến từ các tổ chức quốc tế.

Công tác chuẩn bị cho phiên bảo vệ Báo cáo của Việt Nam 

Để chuẩn bị tốt nhất cho việc bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về thực thi Công ước trước Ủy ban chống tra tấn của Liên hợp quốc tại Geneva – Thụy Sĩ vào tháng 11/2018; trong hai ngày 15-16/10/2018, tại Hà Nội, với sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam, Bộ Công an phối hợp với UNDP tổ chức Hội thảo tham vấn về hồ sơ bảo vệ Báo cáo và Phiên bảo vệ giả định cho Đoàn Việt Nam.

Tham dự Hội thảo tham vấn gồm hơn 100 đại biểu là đại diện các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước: Ô-xtrây-lia, Hoa Kỳ, Na-uy, Vương quốc Bỉ và Vương quốc Thụy Điển; các tổ chức quốc tế: Cơ quan phát triển phụ nữ của Liên hợp quốc, Viện nghiên cứu xã hội, kinh tế và môi trường (ISEE) và Tổ chức di cư quốc tế (IOM), Trung tâm hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho Phụ nữ; các bộ, ngành của Việt Nam: Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Thanh tra Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước; các sở, ban, ngành các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương: Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Vĩnh Phúc; Liên đoàn luật sư Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Học viện Tư pháp…

Trung tướng, GS, TS. Nguyễn Ngọc Anh, Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp Bộ Công an giới thiệu tóm tắt Hồ sơ bảo vệ báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam về việc thực thi Công ước chống tra tấn bao gồm các thông tin liên quan đến Báo cáo quốc gia của Việt Nam và 14 phụ lục đã được đệ trình lên Ủy ban Chống tra tấn của Liên Hợp Quốc; dự thảo phát biểu của Trưởng đoàn công tác liên ngành của Việt Nam tại Phiên bảo vệ Báo cáo; danh mục tham khảo một số bài phát biểu mở đầu của các Trưởng đoàn tại Phiên bảo vệ Báo cáo quốc gia của các quốc gia thành viên Công ước và Bản cập nhật các thông tin, số liệu về tình hình thực thi Công ước ở Việt Nam kể từ khi Việt Nam nộp Báo cáo quốc gia cho đến nay.

Tại Hội thảo, các đại biểu trong và ngoài nước đã đóng góp nhiều ý kiến để hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo của Việt Nam.

Hội thảo đã được nghe ông Geogre Tugushi, nguyên thành viên Ủy ban chống tra tấn giới thiệu tổng quan về Công ước, Ủy ban chống tra tấn của Liên Hợp Quốc và các quy định về Báo cáo quốc gia, bảo vệ báo cáo quốc gia;

Bà Catherine Phương, Trợ lý Giám đốc Quốc gia, UNDP Việt Nam giới thiệu một số nét về việc chuẩn bị cho lần bảo vệ đầu tiên báo cáo quốc gia của Việt Nam và các bước tiếp theo.

Hội thảo tham vấn và Phiên bảo vệ giả định là những hoạt động thiết thực nhằm tham vấn ý kiến, tiếp thu kinh nghiệm và thu thập ý kiến phản biện đa chiều của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước, các chuyên gia và tổ chức quốc tế để hoàn thiện hồ sơ bảo vệ Báo cáo quốc gia lần thứ nhất của Việt Nam. Thông qua các hoạt động tại Phiên bảo vệ giả định, các thành viên Đoàn công tác đã được trải nghiệm các tình huống dự kiến diễn ra tại Phiên bảo vệ chính thức.

Trung tướng, GS,TS. Nguyễn Ngọc Anh đã gửi lời cảm ơn sâu sắc đến các đại biểu, thành viên Đoàn công tác và các chuyên gia quốc tế đã tham dự và phát biểu ý kiến tại Hội thảo tham vấn và Phiên bảo vệ giả định; cám ơn sự hỗ trợ rất quan trọng của UNDP tại Việt Nam; đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được những đóng góp, hỗ trợ từ các cơ quan, tổ chức và chuyên gia quốc tế, trong nước để Đoàn Việt Nam bảo vệ thành công Báo cáo lần thứ nhất về thực thi Công ước Chống tra tấn.

 

Phiên giả định bảo vệ báo cáo lần thứ nhất của Việt Nam

Sau khi kết thúc Hội thảo, Đoàn công tác tiếp thu ý kiến các đại biểu và chuẩn bị tốt cho phiên bảo vệ Báo cáo trên thực tế. Phiên bảo vệ giả định được tiến hành trong 1,5 ngày, với sự tham dự của 45 đại biểu là thành viên Đoàn Việt Nam và chuyên gia quốc tế; các chuyên viên của UNDP Việt Nam.

Theo chương trình làm việc của Ủy ban chống tra tấn, Đoàn công tác liên ngành của Việt Nam dự kiến sẽ trình bày và bảo vệ Báo cáo quốc gia tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sĩ trong các ngày 14 và 15/11.

 

HẢI HÀ