Vụ tranh chấp mộ Hùng Dũng tướng ở Đồng Tháp đã được Tòa án giải quyết

Ngày 20/5/2020, chúng tôi đã đăng bài “Hùng Dũng tướng quân và vụ tranh chấp kỳ khôi”, phản ánh về vụ tranh chấp ngôi mộ cổ ở ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp. Sau hơn 3 năm, mới đây TAND huyện Lấp Vò đã mở phiên họp sơ thẩm công khai giải quyết việc này.

Vụ tranh chấp mộ bất thường

Theo Quyết định số 07/2023/QĐST-VDS ngày 31/7/2023, phiên họp giải  quyết việc dân sự về việc xác định ngôi mộ Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn do Thẩm phán Nguyễn Văn Hằng làm chủ toạ, có đại diện VKSND huyện Lấp Vò tham gia.

Theo đơn yêu cầu và tại phiên họp, ông Châu Thanh Tân đại diện theo ủy quyền của ông Châu Thanh Sơn, là hậu duệ của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn, đã nêu nội dung vụ việc và nguyện vọng của gia tộc.

Ông Châu Thanh Sơn là hậu duệ đời thứ 5 của cụ Nguyễn Công Nhàn. Gia đình ông Sơn đã nhiều đời thờ phụng cửu huyền thất tổ, trong đó có cụ Nguyễn Công Nhàn, hiện tại ông Sơn là đại diện họ tộc, đại diện Ban tế tự đền thờ Hùng Dũng tướng tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Thông qua các thần chủ viết bằng chữ Hán, gia đình ông Sơn đã nhờ Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp dịch thuật, cộng với việc thu thập tư liệu lịch sử về thông tin ngôi mộ Hùng Dũng tướng ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, nên họ tộc ông Sơn mới tìm được phần mộ nằm trên đất của bà Lê Thị Anh (sinh năm 1936).

Trước đây con cháu chỉ biết rằng là cụ Nguyễn Công Nhàn là quan Đàng Cựu trào vua Nguyễn, được vua phong là Hùng Dũng tướng. Ông cố của ông Sơn là con trai của cụ Nguyễn Công Chấn, cháu nội cụ Nguyễn Công Nhàn. Khi quân Pháp đánh chiếm Nam Kỳ, cụ Nguyễn Công Nhàn chỉ huy quan quân đánh trả nhưng không thành, trước khi mất, sợ con cháu bị truy lùng, cụ đã dặn với con trai Nguyễn Công Chấn phải đổi sang họ Châu, chính vì thế con cháu ông Sơn mang họ Châu.

Qua kết quả Hội thảo khoa học Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn thân thế, sự nghiệp của Hội khoa học Lịch sử tỉnh Đồng Tháp chủ trì, ông Sơn biết thêm, sau khi mất 6 tỉnh phía Nam, cụ Nguyễn Công Nhàn đã rút về xã Long Hưng A lập căn cứ, luyện tập binh sĩ tiếp tục chống Pháp và mất vào năm 1867, nên mộ phần chôn cất tại đây, nay là ấp Hưng Thành Tây, xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò.

 

Hiện trạng khu mộ Hùng Dũng tướng

Trong quá trình truy tìm những di tích có liên quan đến Hùng Dũng tướng, ông Sơn đã tìm lại được hậu duệ của con gái Hùng Dũng tướng là bà Nguyễn Thị Trinh ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung. Trong bản gia phả, ông Hội đồng Thạnh (Lâm Thế Thạnh là cháu ngoại của bà Nguyễn Thị Trinh gọi cụ Nguyễn Công Nhàn là ông cố) có ghi rõ “Ông Nguyễn Công Nhàn làm An Hà Tổng đốc, Hùng Dũng Đại tướng quân trào vua Tự Đức, lăng mộ tại Long Hưng”. Ông Sơn đã có rất nhiều tài liệu về Châu bản giữa triều đình và cụ Hùng Dũng tướng Tổng đốc An Hà Nguyễn Công Nhàn.

Ông Sơn được biết mộ phần ngày trước chôn cất sơ sài, không có mộ bia là bởi sợ nhà cầm quyền Pháp truy lùng bắt bớ. Sau năm 1945, ngôi mộ từng mấy lần bị đào trộm để tìm vàng nên nắp quan tài bị lật tung, hài cốt phơi ngoài mưa nắng. Đến năm 2010 mới có nhà hảo tâm bỏ tiền ra xây dựng lại như hiện nay.

Sau cuộc hội thảo ngày 21/4/2016, Hội khoa học lịch sử tỉnh Đồng Tháp đã thực hiện liên kết với Nhà xuất bản tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh cho xuất bản Kỷ yếu hội thảo khoa học Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn thân thế và sự nghiệp.

Trong kỷ yếu hội thảo có ghi phần kết luận về thân thế: Cụ Nguyễn Công Nhàn người huyện Phước Chánh, Biên Hòa, sinh năm 1806, mất năm 1867 tại xã Long Hưng, huyện Vĩnh An, An Giang nay là xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp và có đề nghị cho phép Hội khoa học lịch sử, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp hợp đồng với tổ chức chuyên môn khai quật khẩn cấp khu vực có thể là đại bản doanh của cụ Nguyễn Công Nhàn ở xã Long Hưng A, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp.

Theo đó ngày 21/4/2017, Sở Văn hóa, thể thao và du lịch ban hành kế hoạch số 55/KH-SVHTTDL về việc tổ chức khai quật khu vực bản doanh Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn, nhưng ông Tống Văn Út (ở gần khu mộ) có đơn yêu cầu ngăn chặn không cho tiến hành, lý do ông Út cho rằng ngôi mộ là của cụ tổ họ Tống tên Tống Từ Vân và có lúc nói là Hùng Dũng tướng Tống Phước Ngoạn, nhưng không xuất trình được chứng cứ chứng minh.

Ngày 10/01/2018 tại Ủy ban nhân dân xã Long Hưng A, đại diện Hội khoa học lịch sử và Sở Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh Đồng Tháp, Phòng Văn hóa thông tin huyện Lấp Vò cùng Lãnh đạo cấp ủy, Ủy ban nhân dân xã Long Hưng A họp giải quyết lấy ý kiến khác nhau về ngôi mộ Hùng Dũng tướng của đại diện hai bên hộ gia đình Châu Thanh Sơn và Tống Văn Út, có các nhân chứng sống lâu đời tại xã Long Hưng A biết rõ khu mộ phát biểu ý kiến.

Bà Trần Thanh Thủy (con gái bà Lê Thị Anh) cho rằng mộ nằm phần đất gia đình của bà nhiều đời. Ông Lê Tắc Răng, 68 tuổi, ở ấp Hưng Chánh Tây nhớ lúc còn nhỏ khoảng 10 tuổi đã biết ngôi mộ đất. Tuy nhiên ông Tống Văn Út vẫn bảo lưu ý kiến cho rằng ngôi mộ là của Hùng Dũng tướng Tống Phước Ngoạn không đồng ý cho khai quật.

Căn cứ vào các tài liệu thu thập được và các nhân chứng đã chứng minh: Thời triều Nguyễn chỉ phong danh hiệu Hùng Dũng tướng cho một người duy nhất là Nguyễn Công Nhàn. Mộ cụ được chôn trên phần đất xã Long Hưng A, cháu cố ngoại là Lâm Thế Thạnh là người trông giữ mộ. Trong thần chủ thờ tại nhà con cháu ông Nguyễn Công Nhàn tại xã Tân Phước ghi ông Lâm Thế Thạnh cháu cố ngoại thủ mộ phần.

Nay ông Châu Thanh Sơn yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Lấp Vò tuyên bố xác nhận ngôi mộ tọa lạc trên thửa 31, tờ bản đồ số 69, diện tích 47818m2, giấy chứng nhận số BG 818686, số vào sổ: CH 03686, do Ủy ban nhân dân huyện Lấp Vò cấp ngày 19/3/2012 do bà Lê Thị Anh đứng tên quyền sử dụng đất là của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn để việc khai quật khảo cổ và tôn tạo lăng mộ được tiến hành theo kế hoạch.

Đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp đề nghị Thẩm phán chủ tọa phiên họp chấp nhận yêu cầu của ông Châu Thanh Sơn.

Yêu cầu có cơ sở

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ việc dân sự được thẩm tra tại phiên họp; ý kiến của đương sự và đại diện Viện kiểm sát tại phiên họp, Hội đồng giải quyết Tòa án nhân dân huyện Lấp Vò nhận định: Theo hồ sơ thu thập và những tư liệu chính sử triều Nguyễn, chứng minh được Hùng Dũng tướng chính là ông Nguyễn Công Nhàn, làm tướng trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Tại xã Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh có ngôi đền thờ Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn do hậu duệ lập.

 

Trang cuối Quyết định số 07/2023/QĐST-VDS

Danh hiệu Hùng Dũng tướng không phải là chức quan (như Tổng đốc, Tuần phủ, Bố chánh...), không phải là phẩm trật (từ Chánh nhứt phẩm tới tòng cửu phẩm), không phải là tước phong (Công Hầu, Bá, Tử, Nam) mà là một vinh hiệu, được vua Minh Mạng đặc cách ban riêng cho Nguyễn Công Nhàn do chiến công quá đặc biệt. Trong lịch sử không thấy ghi vua ban hiệu này cho nhân vật thứ hai.

Ngoài ra các nhà nghiên cứu còn khai thác được tại Trung tâm lưu trữ quốc gia I Hà Nội, Tờ tấu của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn dâng vua Tự Đức đề ngày 16 tháng Giêng năm Tự Đức thứ 13 (1860) có ghi rõ hiệu “Hùng Dũng tướng" và nhiều châu bản có đề hiệu Hùng Dũng tướng gắn liền với Nguyễn Công Nhàn.

Theo ghi chép của sử quan nhà Nguyễn: Năm Tự Đức thứ 14 (1861), sau trận đánh bị thất bại với quân Pháp ở Mỹ Tho, Nguyễn Công Nhàn bị cách chức Tổng đốc. Đến khi Biên Hòa có việc, đình thần tâu rằng: Công Nhàn vốn thạo việc trận mạc, ở triều đình không ai hơn được. Xin gia ân cho Nhàn phục quân vệ, sung làm Đốc binh. Đến năm 1862, vua Tự Đức mật sai Công Nhàn làm Thương biện quân vụ Vĩnh An (Vĩnh Long – An Giang), chiêu mộ nghĩa dõng về Sa Đéc lập căn cứ chống Pháp. Tại đây có căn cứ tại Long Hưng mà dân gian trong vùng truyền tụng là của quan Hùng Dũng xây dựng là hoàn toàn có cơ sở (thời Nguyễn vùng này thuộc An Giang).

Qua các tư liệu lịch sử có thể khẳng định đây là mộ danh nhân Nguyễn Công Nhàn. Hiện nay hậu duệ của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn sinh sống ở Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh, có lập đền thờ cụ Nguyễn Công Nhàn và lưu giữ được thần chủ và bút tích của cụ.

Một nhóm thứ hai là hậu duệ của người con gái thứ hai của cụ Nguyễn Công Nhàn hiện ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung. Nhánh hậu duệ này có ghi chép đầy đủ gia phả và trong gia phả có ghi rõ "Quan Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn là quan cựu thần trào Tự Đức, mộ chôn tại Long Hưng", ngôi đình Tân Phước cũng là nơi thờ cụ Nguyễn Công Nhàn.

Nhóm thứ ba là một nhánh của nhóm thứ hai, hậu duệ đời thứ 7 của cụ Nguyễn Công Nhàn về cư ngụ tại Long Hưng A (cách mộ Hùng Dũng tướng khoảng 1km). Tại đây có bàn thờ và tranh về truyền thần bà Nguyễn Thị Trinh (con gái thứ hai cụ Nguyễn Công Nhàn), phía sau tranh có ghi rõ: "Bà Nguyễn Thị Trinh, ái nữ của quan đại thần triều Tự Đức, tước phẩm An Hà Tổng đốc Hùng Dũng đại tướng quân và là vợ chánh của ông Nguyễn Văn Khuê - cai tổng An Thới - Sa Đéc...”. Các hậu duệ này cũng khẳng định ngôi mộ quan Hùng Dũng đại tướng quân chính là mộ cụ Nguyễn Công Nhàn, đất chôn thời Pháp thuộc quyền sở hữu của họ Trương, là họ bên chồng của cháu ngoại cụ Nguyễn Công Nhàn.

Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn là một danh nhân lịch sử, là người chủ xướng việc đào kênh Vĩnh An Hà ở An Giang đem lại nhiều lợi ích thiết thực, người nhiều lần đánh đuổi quân Chân Lạp quấy nhiễu ở vùng biên giới An Giang và anh hùng chống Pháp xâm lược theo mật chỉ của vua Tự Đức.

Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 05/7/2023 của Tòa án thì hiện trạng ngôi mộ được ốp gạch ceramic, phía trước mộ bia có ghi “phần mộ ông Hùng Dõng Tướng”, nằm trên diện tích 16m2 (4mx4m) nền lót gạch ceramic, mái che khung sắt tiền chế, mái lợp tôn. Phía trước ngôi mộ có hai trụ sắt bên trên treo biển có ghi “Lăng mộ Hùng Dõng đại tướng quân”. Toàn bộ phần mộ nằm trên thửa đất 31, tờ bản đồ số 69 do bà Lê Thị Anh đứng tên quyền sử dụng đất (Bà Anh đã chết, hiện con bà Anh đang quản lý).

Từ các chứng cứ và phân tích như đã nêu trên, Hội đồng đã quyết định chấp nhận yêu cầu giải quyết việc dân sự của ông Châu Thanh Sơn; Xác nhận ngôi mộ theo hiện trạng được ốp gạch ceramic, phía trước mộ bia có ghi “phần mộ ông Hùng Dõng Tướng”, nằm trên diện tích 16m2 ... tọa lạc trên thửa 31, tờ bản đồ số 69, do bà Lê Thị Anh đứng tên quyền sử dụng đất là của Hùng Dũng tướng Nguyễn Công Nhàn.

Quyết định này không có kháng cáo, kháng nghị, hậu duệ của danh tướng Nguyễn Công Nhàn cũng như chính quyền các cấp và những người quan tâm vui mừng vì vụ tranh chấp hy hữu được khép lại. Đây là cơ sở pháp lý để khu mộ danh nhân được tôn tạo, xứng đáng với sự nghiệp hộ quốc an dân, đánh giặc cứu nước gian nan, anh dũng và vẻ vang của cụ.

 

Đền thờ Hùng Dũng tướng tại xã Tân Thuận Tây, tp Cao Lãnh - Ảnh: Nguyễn Phan Khiêm

NGUYỄN PHAN KHIÊM