Vướng mắc, bất cập trong tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ

Thực tiễn khi giải quyết các vụ án vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ có thể thấy rằng pháp luật còn bộc lộ một số bất cập, gây khó khăn cho các cơ quan tiến hành tố tụng trong áp dụng. Bài viết thể hiện một số vướng mắc, bất cập giữa Điều 260 BLHS năm 2015 với các quy định khác và bất cập khung hình phạt tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

1. Vướng mắc, bất cập

Theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 quy định tình tiết định khung hình phạt như sau:

“b) Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định...”.

Còn tại khoản 1 Điều 35 Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019 sửa đổi, bổ sung khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 như sau:

“Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (có hiệu lực từ 01/01/2020), tức là không cho phép người sử dụng rượu, bia hoặc các thực phẩm có cồn khi tham gia giao thông với bất kỳ lý do nào.

Tuy nhiên tại điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 lại quy định: “Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia…” là chưa thống nhất với Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) vì quy định như trên đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng cần phải chứng minh được trong máu hoặc hơi thở của người gây tai nạn có nồng độ cồn đồng thời nồng độ cồn đó là do uống rượu, bia chứ không phải do nguyên nhân khác. Thực tế khó chứng minh nếu trong trường hợp kết quả xét nghiệm của người gây tai nạn có nồng độ cồn (ở mức thấp) nhưng người này đưa ra lời khai không sử dụng rượu, bia mà sử dụng thực phẩm có cồn (như uống thuốc chữa bệnh, uống siro…) thì sẽ không đủ căn cứ để buộc tội theo điểm b khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015. Khoản 8 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ chỉ quy định “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” là hành vi vi phạm và bị nghiêm cấm do đó BLHS cũng cần sửa đổi thống nhất, phù hợp theo quy định Luật Giao thông đường bộ.

2. Xem xét xử lý trách nhiệm hình sự đối với hậu quả do vi phạm Điều 260 và Điều 138 BLHS năm 2015

Tại khoản 1 Điều 138 BLHS thì hành vi vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% trở lên là đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm, còn theo khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 thì người tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự.

Ví dụ: Trường hợp Hồ Trọng N điều khiển ô tô tham gia giao thông đường bộ nhưng vi phạm quy định về giới hạn tốc độ, quy định về sử dụng làn đường... gây ra tai nạn giao thông hậu quả làm 01 người bị thương với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 60%, Nguyễn Văn M có hành vi vô ý gây thương tích cho một người với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 31%.

Có thể thấy cả N và M đều có hành vi gây thương tích cho người khác với lỗi vô ý, tuy nhiên hành vi vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ của N gây tổn hại cho sức khỏe với tỷ lệ tổn thương cơ thể là 60% không thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015; hành vi của M tuy hậu quả gây tổn thương cơ thể với tỷ lệ thấp hơn (31%) thì phải chịu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 138 BLHS năm 2015. Điều này không công bằng đối với các hành vi xảy ra trong thực tế bởi vì hậu quả xảy ra của N là lớn hơn và cả 2 hành vi đều với lỗi vô ý tuy nhiên hành vi gây ra hậu quả lớn hơn lại không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Nghiên cứu quy định tại khoản 1 Điều 108 (tội vô ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác) và khoản 1 Điều 202 (tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) BLHS năm 1999 và Mục 4 Chương I Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về việc hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLHS cho thấy, cùng mức cấu thành vật chất là tỷ lệ tổn thương cơ thể của nạn nhân từ 31% trở lên thì tội phạm được quy định tại khoản 1 Điều 202 được BLHS năm 1999 đánh giá có tính nguy hiểm cao hơn nhiều so với quy định tại khoản 1 Điều 108. Điều đó được thể hiện rõ hơn tại quy định về hình phạt, cụ thể khoản 1 Điều 108 BLHS năm 1999 quy định hình phạt từ cảnh cáo đến cao nhất là tù có thời hạn đến hai năm; trong khi đó khoản 1 Điều 202 BLHS năm 1999 quy định hình phạt tiền là mức thấp nhất và mức cao nhất là năm năm tù.

Có thể thấy, trong nhiều trường hợp, hành vi điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ tham gia giao thông nhưng vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ sẽ tiềm ẩn tính nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi vô ý gây thương tích đơn thuần, bởi nó xâm phạm đến an toàn, trật tự công cộng, trong khi đó hành vi vô ý gây thương tích thường mang tính đơn lẻ nhiều hơn.

3. Bất cập trong định khung hình phạt tại Điều 260 BLHS năm 2015

Ví dụ: Minh C lái xe ô tô vi phạm quy định về giao thông đường bộ, gây tai nạn hậu quả làm 01 người chết, 02 người bị thương với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 02 người là 121%. Do vậy với hậu quả do Minh C gây ra sẽ bị xử lý theo điểm a, c khoản 1 Điều 260 BLHS năm 2015 (khung hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm). Còn trong trường hợp, Văn T gây tai nạn làm 02 người bị thương với tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của 02 người là 122% thì sẽ bị truy tố theo điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 (khung hình phạt tù từ 03 năm đến 10 năm).

Có thể thấy rằng hậu quả do Văn T gây ra nhẹ hơn (02 người bị thương với tổng tỷ lệ 122%) so với hậu quả do Minh C gây ra (01 người chết, 02 người bị thương 121%) nhưng B bị xử lý nặng hơn so với A là không phù hợp.

Tương tự như vậy là trường hợp 02 người chết, 02 người bị thương mà tổng tỷ lệ thương tích là 200% sẽ bị xử lý theo điểm đ, điểm e khoản 2 Điều 260 BLHS năm 2015 còn trường hợp 03 người bị thương (tổng tỷ lệ thương tích là 201% trở lên) sẽ bị xử lý theo điểm b khoản 3 Điều 260 BLHS năm 2015. Vì vậy quy định này cũng cần được kịp thời xem xét sửa đổi cho phù hợp.

 

ĐẶNG ĐÌNH THÁI (Tòa án quân sự Khu vực Quân khu 4)

Công an Hà Nội kiểm tra nồng độ cồn của lái xe- Ảnh: BQĐND