Vướng mắc trong giải quyết việc kháng cáo, kháng nghị quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án sơ thẩm tại cấp phúc thẩm

Trong quá trình giải quyết theo trình tự phúc thẩm kháng cáo, kháng nghị quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm nảy sinh tình huống pháp lý, khi đối chiếu với các quy định cụ thể tại các điều luật thì Hội đồng phúc thẩm còn có những cách hiểu khác nhau để đưa ra phán quyết.

Tình huống pháp lý

Sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ban hành quyết định tạm đình chỉ vụ án (lý do cần đợi kết quả giải quyết vụ án khác có liên quan trước mới giải quyết được vụ án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 214 BLTTDS), trong thời hạn luật định, do không đồng ý với quyết định tạm đình chỉ vụ án, nguyên đơn có đơn kháng cáo (Viện kiểm sát kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ vụ án nêu trên. Tòa án cấp sơ thẩm chuyển hồ sơ để xem xét theo trình tự phúc thẩm. Trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm thụ lý và đang xem xét đối với kháng cáo của đương sự (kháng nghị của Viện kiểm sát) thì Tòa án cấp sơ thẩm ban hành Quyết định tiếp tục giải quyết vụ án vì lý do tạm đình chỉ không còn (quyết định này đã được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát); sau đó tại phiên họp phúc thẩm, đương sự kháng cáo cũng rút kháng cáo (Viện kiểm sát rút kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ của tòa án cấp sơ thẩm.

Tại cấp phúc thẩm có hai quan điểm về việc áp dụng pháp luật để ra phán quyết đối với kháng cáo của đương sự, kháng nghị của Viện kiểm sát.

Quan điểm khác nhau

Quan điểm thứ nhất: Thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo kháng nghị, Điều 314 BLTTDS quy định tại khoản 5: Khi xem xét quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng phúc thẩm có quyền: (a) Giữ nguyên quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (b) Sửa quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm; (c) Hủy quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm và chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm để tiếp tục giải quyết vụ án; hơn nữa tại mẫu số 72-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) - Quyết định giải quyết việc kháng cáo (kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án -  thì phần căn cứ để ra quyết định là Căn cứ vào Điều 314 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đối chiếu với quy định tại Điều 314 thì không có quy định về việc đương sự rút kháng cáo (hoặc Viện kiểm sát rút kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm, do đó Tòa án cấp phúc thẩm vẫn phải xem xét kháng cáo của đương sự (kháng nghị của Viện kiểm sát) để ra các quyết định cuối cùng theo đúng quy định tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS chứ không được đình chỉ việc xét xử phúc thẩm.

Quan điểm thứ hai: Do tại phiên họp phúc thẩm đương sự rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo (Viện kiểm sát rút kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm mà Tòa án cấp phúc thẩm đang xem xét, do vậy Hội đồng phúc thẩm cần áp dụng Điều 289, Điều 295 của BLTTDS để đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án.

Trường hợp phát sinh, đương sự giữ nguyên yêu cầu kháng cáo (Viện kiểm sát vẫn giữ kháng nghị), nhưng trước khi Tòa án cấp phúc mở phiên họp thì Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành quyết định tiếp tục giải quyết vụ án (quyết định này đã được gửi cho đương sự, Viện kiểm sát), như vậy quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm đã được thay thế, phủ định và không còn giá trị pháp lý, các hoạt động tố tụng đã được tiếp tục, do vậy việc giữ nguyên, hủy hay sửa quyết định tạm đình chỉ của Tòa án cấp sơ thẩm không còn ý nghĩa và không cần thiết, nên Hội đồng phúc thẩm áp dụng Điều 289, Điều 295 BLTTDS để đình chỉ giải xét xử phúc thẩm, chuyển hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm tiếp tục giải quyết vụ án.

Tác giả đồng nhất ý kiến với quan điểm thứ hai, bởi lẽ: Tính chất của xét xử phúc thẩm là việc Tòa án cấp phúc thẩm trực tiếp xét xử lại vụ án mà bản án, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật bị kháng cáo, kháng nghị (Điều 270 BLTTDS), ở đây quyết định tạm đình chỉ vụ án không phải là quyết định phán quyết cuối cùng, tuy nhiên cũng là một trong các quyết định tố tụng mà Tòa án cấp sơ thẩm đã ban hành trong quá trình giải quyết vụ án và đương sự có quyền kháng cáo quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án trong thời hạn 07 kể từ ngày nhận được quyết định hoặc kể từ quyết định được niêm yết (khoản 2 Điều 273 BLTTDS), Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án của Tòa án cấp sơ thẩm trong thời hạn 07 ngày, Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp là 10 ngày kể từ ngày Viện kiểm sát cùng cấp nhận được quyết định (Khoản 2 Điều 280 BLTTDS).

Việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo, kháng nghị là quyền của đương sự, của Viện kiểm sát; việc rút kháng cáo của đương sự hoặc rút kháng nghị của Viện kiểm sát có thể xảy ra trước khi bắt đầu phiên tòa (trong quá trình cấp phúc thẩm đang thụ lý, giải quyết) hoặc tại phiên tòa phúc thẩm. Tòa án cấp phúc thẩm đình chỉ xét xử phúc thẩm đối những phần của vụ án mà người kháng cáo đã rút kháng cáo hoặc Viện kiểm sát đã rút kháng nghị.

Việc đình chỉ xét xử phúc thẩm trước khi mở phiên tòa do Thẩm phán Chủ tọa phiên tòa quyết định, tại phiên tòa do Hội đồng xét xử quyết định (Khoản 3 Điều 284 BLTTDS); tại khoản 1 Điều 289 BLTTDS quy định Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hoặc một phần vụ án trong các trường hợp sau đây: (b) Người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị; khoản 2 Điều 289 quy định “Trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo hoặc Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị trước khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm; trường hợp người kháng cáo rút toàn bộ kháng cáo, Viện kiểm sát rút toàn bộ kháng nghị sau khi Tòa án cấp phúc thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm”.

Như vậy, đối chiếu các quy định của BLTTDS thì trong mọi trường hợp đương sự có kháng cáo sau đó rút yêu cầu kháng cáo (việc rút yêu cầu kháng cáo là tự nguyện), Viện kiểm sát rút yêu cầu kháng nghị thì về nguyên tắc Tòa án cấp phúc thẩm phải ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm. Do vậy, tại tình huống pháp lý nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm ra quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm việc giải quyết kháng cáo (kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án là đảm bảo các quy định pháp luật và cũng đảm bảo nguyên tắc tự định đoạt của đương sự trong giải quyết các vụ án dân sự.

Vướng mắc

Điều 314 BLTTDS 2015 đã quy định đầy đủ thủ tục phúc thẩm đối với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, biểu mẫu số 72-DS (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13 tháng 01 năm 2017 của Hội đồng Thẩm phán TANDTC) đã hướng dẫn áp dụng các quy định này. Tuy nhiên tại khoản 5 Điều 314 BLTTDS lại không đưa ra tình huống pháp lý nếu đương sự rút kháng cáo, Viện kiểm sát rút kháng nghị thì Hội đồng xét xử phúc thẩm phải áp dụng căn cứ nào để ban hành quyết định phúc thẩm (ở đây là đình chỉ xét xử phúc thẩm). Đây là một trong các vướng mắc, khó khăn, dẫn đến còn có quan điểm khác nhau khi áp dụng pháp luật và áp dụng biểu mẫu hướng dẫn khi xem xét theo trình tự phúc thẩm việc giải quyết kháng cáo (kháng nghị) đối với quyết định tạm đình chỉ (đình chỉ) giải quyết vụ án. Do vậy cần có những quy định bổ sung hoặc hướng dẫn áp dụng pháp luật nhằm khắc phục và hoàn thiện pháp luật tố tụng dân sự về vấn đề này.

Trên đây là bài viết về những khó khăn, vướng mắc trong áp dụng BLTTDS 2015, xin trao đổi cùng bạn đọc.

 

 Tòa án nhân dân huyện Trà Cú, Trà Vinh  xét xử  vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất” - Ảnh: Minh Quân

NGUYỄN THỊ HẠNH (Thẩm tra viên, Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam)