Vướng mắc về thủ tục rút gọn
Nhân bài viết “Trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn tại Tòa án cấp sơ thẩm” của tác giả Dương Tấn Thanh đăng trên Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử ngày 25/9/2018, chúng tôi xin bàn thêm về một số vướng mắc dẫn đến thủ tục rút gọn vẫn còn ít được áp dung dù BLTTDS đã đi vào thực tiễn hơn hai năm nay.
Thủ tục rút gọn, hay còn gọi là thủ tục đơn giản đã xuất hiện trên hệ thống pháp luật các nước trên thế giới với vai trò là một chế định tiến bộ giúp cho việc giải quyết vụ án dân sự được tiến hành nhanh chóng, tiết kiệm thời gian và tiền bạc khi giải quyết các vụ việc có tính chất đơn giản, tranh chấp có giá trị nhỏ, không phức tạp.
Tại Việt Nam, chế định thủ tục rút gọn mới được quy định trong Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS) với một phần riêng (phần thứ tư BLTTDS). Do là quy định mới, chưa có hướng dẫn nên thực tiễn tại các Tòa án địa phương chưa áp dụng nhiều thủ tục rút gọn để giải quyết các vụ án dân sự. Bài viết của tác giả Dương Tấn Thanh chỉ mới nêu ra được các quy định của BLTTDS về thủ tục rút gọn mà chưa đi sâu để tìm ra vấn đề cốt lõi. Những vướng mắc mà bài viết đưa ra cũng chưa hiểu đúng các quy định về thủ tục rút gọn của BLTTDS.
1.Về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn
Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được quy định tại khoản 1 Điều 317 của BLTTDS năm 2015. Vấn đề ở đây là thời điểm xác định các điều kiện này là lúc nào?.
Theo quy định tại điểm b, khoản 3 Điều 191 BLTTDS thì Thẩm phán phải “Tiến hành thủ tục thụ lý vụ án theo thủ tục thông thường hoặc theo thủ tục rút gọn nếu vụ án có đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định tại khoản 1 Điều 317 của Bộ luật này”.
Như vậy, theo quy định thì việc xác định có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn được tiến hành trước khi thụ lý vụ án. Trong khi đó, để xác định được chính xác một vụ việc có đủ các điều kiện theo điểm a, b,c khoản 1 Điều 317 BLTTDS trước thời điểm thụ lý có thể là một nhiệm vụ “bất khả thi” đối với Thẩm phán. Đặc biệt, đối với các điều kiện như: “đương sự đã thừa nhận nghĩa vụ”, “các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng” việc xác định đủ điều kiện hay không là rất khó khăn khi mà chưa mời bị đơn cũng như chưa thông báo (về việc thụ lý) cho bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết và phản hồi. Kể cả điều kiện tưởng chừng như rõ ràng nhất “không có đương sự cư trú ở nước ngoài” cũng rất khó khăn để chứng minh tại thời điểm khởi kiện họ có mặt ở Việt Nam hay không. Điều này dẫn đến việc Thẩm phán thường có tâm lý dè chừng thụ lý theo thủ tục rút gọn nên thường thụ lý theo thủ tục thông thường cho “chắc ăn”.
BLTTDS 2015 không áp dụng điều kiện có tính minh bạch, rõ ràng giống quy định về điều kiện là giá trị tranh chấp (dưới 100 triệu đồng) tại điểm c khoản 2 Điều 41 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Mặt khác, quy định này của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 có trái với BLTTDS hay không? Có được áp dụng để giải quyết theo thủ tục rút gọn đối với các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hay không? Đây là những vấn đề chưa có hướng dẫn.
2.Về chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường
BLTTDS quy định: Nếu xuất hiện tình tiết mới làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn thì Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường. Điều này không có gì bàn cãi, tuy nhiên, BLTTDS lại không có quy định sau khi thụ lý vụ án mà có đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn thì chuyển từ thủ tục thông thường sang thủ tục rút gọn. Quy định này không phản ánh được sự mềm dẻo, linh hoạt của pháp luật dân sự.
BLTTDS 2015 chỉ quy định khiếu nại, kiến nghị về quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục rút gọn (Điều 319 BLTTDS) nhưng không có quy định nào về khiếu nại, kiến nghị đối với thông báo thụ lý vụ án (khiếu nại về việc thụ lý theo thủ tục rút gọn hay theo thủ tục thông thường). Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của đương sự nếu vụ án của họ có đủ điều kiện thụ lý theo thủ tục rút gọn nhưng Thẩm phán không áp dụng.
3.Các vướng mắc theo bài viết của tác giả Dương Tấn Thanh
– Về thời hạn niêm yết công khai văn bản tố tụng của Tòa án – Tác giả Dương Tấn Thanh cho rằng thời gian niêm yết là 15 ngày, còn thời gian mở phiên tòa chỉ có 10 ngày là không phù hợp. Tuy nhiên, nếu vụ án phải tiến hành niêm yết thì việc niêm yết công khai văn bản tố tụng (Thông báo thụ lý, giấy mời) được thực hiện trong trường hợp không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp (khoản 1 Điều 179 BLTTDS). Theo quy định tại khoản 5 Điều 177 BLTTDS thì nếu không thể cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp thì phải lập thành biên bản. Đồng thời, trước đó Tòa án cũng đã phải tiến hành xác minh thực tế nơi cư trú của đương sự. Như vậy vụ án không còn đủ điều kiện để giải quyết theo thủ tục rút gọn trong giai đoạn chuẩn bị xét xử nên sẽ chuyển sang giải quyết theo thủ tục thông thường.
Tác giả bài viết đồng tình với tác giả Dương Tấn Thanh ở chỗ: Tại thời điểm đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử mà không thể tiến hành cấp, tống đạt, thông báo trực tiếp mà phải niêm yết (15 ngày) thì thời hạn 10 ngày để mở phiên tòa là điều vướng mắc.
– Về việc tác giả Dương Tấn Thanh cho rằng chưa có quy định cụ thể về tạm ngừng phiên tòa; Chưa quy định trường hợp nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa; Chưa có quy định về giải quyết kháng cáo quá hạn theo thủ tục rút gọn – Khoản 2 Điều 316 BLTTDS quy định rất rõ: “Những quy định của Phần này được áp dụng để giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn; trường hợp không có quy định thì áp dụng những quy định khác của Bộ luật này để giải quyết vụ án”. Cho nên, các quy định về: tạm ngừng phiên tòa; nguyên đơn vắng mặt tại phiên tòa; giải quyết kháng cáo quá hạn sẽ áp dụng các quy định tương ứng của BLTTDS.
Bài đọc nhiều nhất tuần
-
Bác kháng cáo, tuyên án tử hình “Quân Idol”
-
Bất cập của quy định “đương nhiên được xóa án tích” theo Bộ luật Hình sự năm 2015
-
Thực trạng áp dụng án lệ trong giải quyết các tranh chấp dân sự tại Việt Nam
-
Cần truy tố và xét xử Nguyễn Văn B về tội “mua bán trái phép súng săn”
-
Hội thi “Tiếng hát người giữ rừng” tại Quảng Nam
Bình luận